50 năm Hải chiến Hoàng Sa: ‘Gia đình chưa bao giờ cất đi di ảnh của ba’

50 năm Hải chiến Hoàng Sa:
‘Gia đình chưa bao giờ cất đi di ảnh của ba’

Bùi Thư

Cha của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo đã ngã xuống trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Số phận con tàu nơi cha bà là hạm phó cũng chính là thân phận chìm nổi của gia đình.

Hải chiến Hoàng Sa nổ ra vào ngày 19/1/1974, thời điểm cuối của Chiến tranh Việt Nam. Kết thúc cuộc chiến ngắn ngủi, 74 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận. Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa.

Một năm sau, Sài Gòn sụp đổ, chế độ Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt tồn tại.

Trải qua bao bể dâu, gia đình bà Thảo vẫn luôn giữ nguyên vẹn mọi kỷ vật, thư từ, hình ảnh của cha bà - Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, hạm phó tàu HQ-10 Nhựt Tảo, con tàu đã bị chìm trong trận hải chiến năm 1974.

Nửa thế kỷ sau biến cố ấy, chúng tôi đến thăm gia đình cố hạm phó Nguyễn Thành Trí vào một ngày cuối năm 2023, khi không khí Sài Gòn se lạnh. Càng cận kề Tết Nguyên đán thì ngôi nhà của gia đình càng đượm màu của quá khứ, của buồn thương, khi bà Thảo và em trai sửa soạn cúng giỗ cho cha mẹ.

“Từ hồi ba mình mất thì đối với mẹ mình là không có ngày Tết nữa. Nhưng rất tiếc là sau khi mẹ nói câu đó thì mẹ lại mất gần Tết, đâm ra hai chị em mình cũng rơi vào trường hợp tương tự, không có ngày Tết,” bà Thảo tâm sự.

Mẹ của bà Thảo, bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh, qua đời vào ngày 7/1/2017, khi chưa kịp chứng kiến người chồng quá cố được vinh danh trên Đài tưởng niệm Tử sĩ Hoàng Sa tại California, Mỹ.

Bức thư để lại

Có nhiều lời kể khác nhau về chuyện đã xảy ra trên chiếc tàu HQ-10 vào thời khắc định mệnh ấy. Dù đã được mẹ cho đọc bức thư ẩn danh viết tay tường thuật lại trận hải chiến, nhưng khi bắt đầu có mạng internet, bà Thảo tiếp tục tìm hiểu sự kiện này cũng như cái chết của cha mình.

Sau năm 1975, theo lời bà Thảo, ở trong nước, ít ai dám nói và cũng ít người biết đến câu chuyện Hải chiến Hoàng Sa, chỉ có nguồn tin từ hải ngoại, đặc biệt là lời của những quân nhân đã từng tham chiến ở ba chiến hạm còn lại: HQ-16, HQ-4 và HQ-5.

Mỗi người kể một kiểu. Một số người vì thương gia đình mẹ con bà Thảo nên đã cắt lại các bài báo và họ gìn giữ cẩn thận cho đến năm 2000, khi được về lại Việt Nam thì gửi đến cho gia đình bà.

Thông qua một số bạn cùng khóa 17 Đệ nhị Hải sư Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang của cha mà bà Thảo đã tìm được cách liên lạc với những quân nhân tàu HQ-10 còn sống.

“Một số người nói rằng bây giờ mà kể lại trận chiến hôm đó là họ sẽ mất ngủ mấy tháng. Tại vì cái cảnh tượng khi mà được lệnh đào thoát, tàu bị chìm, một số người từ hầm máy đi lên boong tàu, họ thấy xác người và máu lênh láng. Cho nên nhiều khi người ta cũng thương cảm, cũng nhớ, nhưng không thể cung cấp thêm vì nếu kể chi tiết thì nó hãi hùng lắm…,” bà Thảo nói với BBC.

Tháng 1/1974, sau lễ vinh danh, truy điệu Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, vợ con ông nhận được một bức thư tay để ngoài cửa không đề tên người gửi mà chỉ vỏn vẹn dòng chữ, “Kg chị Trí, 2B đường Bà Triệu, SGN”.

Bức thư ghi lại nhật ký cuộc hải chiến cũng như thuật lại những giờ phút sau cùng của vị hạm phó tàu HQ-10. Nhờ vào bức thư tay không tên, mẹ con bà Thảo hiểu được phần nào diễn biến trận chiến và người chồng, người cha mình đã hy sinh ra sao.
Bức thư tay thuật lại diễn biến trận hải chiến ngày 19/1/1974 được gửi đến nhà gia đình cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí

Lần giở cẩn thận bức thư tay đã bạc màu theo thời gian, những nếp gấp của trang giấy đã dần trở nên mỏng manh, bà Thảo đọc cho chúng tôi nghe đoạn cha bà cùng các binh sĩ trên tàu HQ-10 chiến đấu.

“Hải chiến với Trung Cộng bắn xong đợt đầu thì trở ngại tác xạ: trúng một tàu Trung Cộng bốc cháy. Cách nhau khoảng 100m, bị phản pháo, trúng ngay đài chỉ huy: Thiếu tá [Ngụy Văn] Thà Hạm trưởng gục chết liền, đại úy Trí bị thương ở đầu, chân, mất một miếng thịt và té xuống boong tàu.” (Ghi chú: Về sau, thiếu tá Ngụy Văn Thà và đại úy Nguyễn Thành Trí được truy thăng lần lượt lên trung tá và thiếu tá.)

“Hai giờ sáng ngày 20/1/1974, Đại úy Trí chết. Trước khi chết rất bình tĩnh. Tám giờ, bỏ xác Đại úy Trí cách Hoàng Sa khoảng hai hải lý,” bà Thảo đọc lại theo nội dung bức thư.

Theo cuốn Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của cựu hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San và đồng tác giả Trần Đỗ Cẩm, hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10 là tàu nhỏ nhất và có hỏa lực yếu nhất của Việt Nam Cộng Hòa nhưng đã phát hỏa vào tàu Trung Quốc, khiến chiếc 389 gần như tê liệt và sau đó, vì trúng đạn pháo nên tàu HQ-10 trôi không kiểm soát. Cuối cùng, tàu va vào chiếc 389 của Trung Quốc.

Trong lời kể của ông Trần Văn Hà, thợ máy của tàu HQ-10 với tờ Thanh Niên hồi năm 2014, hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh ngay tại buồng chỉ huy và tàu tiếp tục chiến đấu dưới sự chỉ huy của hạm phó Nguyễn Thành Trí.

Đến khi tàu không còn hoạt động được nữa, hệ thống thông tin liên lạc cũng bị cắt đứt thì hạm phó Trí ra lệnh đào thoát khỏi tàu để bảo toàn tính mạng cho các thành viên còn lại.

“Hạm phó Trí đã bị thương rất nặng. Ban đầu ông không chịu rời tàu. Nhưng anh em chúng tôi cương quyết thuyết phục ông, vì nếu không có ông chúng tôi không xuống bè,” ông Hà nói với Thanh Niên.

Vẫn theo lời ông Hà, vì nhiều quân nhân, trong đó có hạm phó Trí đã bị thương quá nặng và không qua khỏi, thêm phần máu chảy nhiều nên cá đi theo nhiều, họ đành thủy táng đồng đội của mình. Đến ngày 22/1, sau bốn ngày trôi dạt trên biển không thức ăn, nước uống thì bốn chiếc bè của HQ-10 đã được tàu Hà Lan vớt lên.

Ký ức về người cha



50 Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì

Đưa cho chúng tôi xem tấm bưu thiếp có hình chiếc HQ-10 mà cố hạm trưởng Nguyễn Thành Trí viết trước khi lên tàu, bà Thảo cho biết đây là những dòng tâm tình của cha bà dành cho mẹ con bà trước lúc làm nhiệm vụ. Sau cuộc hải chiến, những dòng thư viết tay đó đã trở thành kỷ vật còn lại của hạm phó Trí dành cho vợ con.

“Khi ba mất thì mình mới có năm tuổi, đương nhiên là ký ức thì cũng có rất nhiều. Mình nhớ nhiều nhất là lúc ba làm Chỉ huy trưởng Đài kiểm báo 302 tại Vũng Tàu thì mẹ con mình có sống ở trại gia binh đó luôn.

“Lúc đó luôn có ba bên cạnh, sáng cùng ba, trưa, chiều cũng cùng ba. Mình còn nhớ ba mình có vóc người cao to và trong khóa sĩ quan của ông, ông được mệnh danh là Trí Voi. Sau này, khi có dịp qua Mỹ dự lễ khánh thành đài tưởng niệm Hoàng Sa thì mình gặp những người bạn cùng khóa với ba mình, được nghe mấy bác kể nhiều về ba, nói ba mình rất giỏi thể thao. Mấy bác nói là hễ có thằng Trí là chắc chắn thắng,” bà Thảo cười, hồi tưởng lại những hình ảnh về cha.

Nhờ vào sự kỹ tính của mẹ mà hai chị em bà Thảo còn giữ được khá đầy đủ hình ảnh của cha, để từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào về ông. Theo lời kể của bà Thảo nghe từ mẹ, vào thời điểm hải chiến, do đang mang thai đứa con thứ hai nên bà Thanh cùng các con đón Tết tại quê ngoại ở Nha Trang, đợi chồng làm nhiệm xong ghé cảng Cam Ranh rồi mới đưa cả nhà vào Sài Gòn.

Đem album ảnh lễ truy điệu cho chúng tôi chụp lại làm tư liệu, bà Thảo nói vui rằng những tấm ảnh này gia đình may mắn có trọn bộ, phải giữ gìn rất kĩ vì còn quý hơn vàng.

“Hồi ba mất, mẹ đang mang thai đứa em, khóc tới nỗi xém hư thai mà. Mình nghe mẹ kể là hình như là đêm giao thừa, lúc ở Sài Gòn, đài Dạ Lan của quân đội phát thanh vào ban đêm thì mẹ mở radio cho mình ngủ, có nghe lời nhắn của bà nội là ‘Thanh, con đưa bé Thảo trở vào Sài Gòn gấp’.

“Mẹ nghe vậy nhưng cũng không hiểu. Vì từ nào giờ đâu có nghe trận chiến gì xảy ra với hải quân. Ngày mùng một hình như lại không có xe đò để đi, cho nên mùng hai mới vô lại Sài Gòn. Khi bà vô tới thì phòng khách bà nội mình đã đặt bàn thờ rồi. Thấy vậy mẹ xỉu ngay cửa,” bà Thảo nhớ lại.

Thời điểm ấy, bà Thảo mới năm tuổi nên chỉ nhớ rằng nhà có buổi lễ rất long trọng, đông người đến và mẹ bà khóc rất nhiều. Sau này, bà mới hiểu đó là ngày mà bà mãi mãi mất đi người cha của mình.

Mẹ của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - góa phụ Ngô Thị Kim Thanh - trong lễ tang của chồng năm 1974


Hình ảnh cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí trong quân ngũ mà gia đình luôn gìn giữ kĩ càng như báu vật

Nhưng ký ức về người cha mặc quân phục hải quân màu trắng, mỗi lần đi làm về là cúi xuống hôn con vẫn vẹn nguyên.

“Sau khi hôn, ba mình dắt tay mình đi vô chứ không bao giờ ẵm. Thời điểm đó là năm 1972, 1973, mình không hiểu, nhưng sau này nghe mẹ nói đó là kỷ luật của quân đội. Khi mặc đồ sĩ quan là không được bế em bé, vì bộ quân phục là tượng trưng cho quốc gia.”

“Nhờ vậy mình mới biết ba là một người giữ kỷ luật rất tốt. Thời điểm ba mất là mẹ có bầu đứa em mới hai tháng rưỡi thôi, thành ra bà luôn gìn giữ những hồi ức, những kỷ niệm, những giấy tờ liên quan đến ba để dạy lại cho hai con biết ba con là như thế nào thế nào.”

Với bà Thảo, hay những người con khác của các quân nhân VNCH đã tử trận trong cuộc hải chiến năm 1974, dù lịch sử có sang một trang mới thì có một sự thật không thể phủ nhận, cha của họ đã hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

“Với mình và gia đình thì ba mình vẫn là anh hùng, cho nên dù ai nói gì thì mình vẫn hãnh diện về ba.”

Tháng 1/1974, Ngô Thị Kim Thanh trở thành góa phụ lúc mới 28 tuổi. Để nuôi hai con nhỏ, bà bắt đầu làm việc tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Tới khoảng năm 1975, 1976, bà Thanh bị thuyên chuyển, không được ở Sài Gòn nữa mà mỗi tháng phải đi mỗi tỉnh khác nhau. Rồi bà bị cắt hộ khẩu do là “vợ sĩ quan chế độ cũ”.


Trong hoàn cảnh ấy, bà Thanh phải gửi con gái lớn ở lại Sài Gòn học lớp 1, còn con trai nhỏ được gửi về nhà ngoại ở Nha Trang. Rồi do phải thường xuyên đi tỉnh nên bà xin được chuyển hẳn về làm việc ở Nha Trang và đem con gái theo để gia đình được ở cùng nhau.

Tới năm 1979, bà Thanh gửi hai con vô lại Sài Gòn cho bên nội để đi học, còn bản thân thì cứ đi lại giữa Nha Trang và Sài Gòn để vừa làm việc vừa chăm con. Điều này quá bất tiện nên đến năm 1980, bà buộc lòng xin nghỉ việc.

“Bà bị ghi trong hồ sơ là ‘tự ý thôi việc’, thời đó có nghĩa là sẽ không được chuyển hộ khẩu trở về Sài Gòn, nên lâu lâu công an kiểm tra hộ khẩu vào ban đêm thì lại bị mời lên phường ngồi, sáng hôm sau mới về. Mãi tới năm 1985, Sài Gòn kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước thì mẹ mới được nhập lại hộ khẩu Sài Gòn, mới hết lên phường ngồi,” bà Thảo nhớ lại.


Những khó khăn chung của toàn xã hội miền Nam đổ lên mọi phận người, nhưng với các gia đình cựu sĩ quan VNCH thì cơ cực, buồn tủi hơn nhiều.

“Hồi xưa dùng từ rất là rõ ràng – ‘gia đình sĩ quan ngụy’, nhưng dù có khó khăn thì bàn thờ ba mình vẫn duy trì, di ảnh vẫn để nguyên quân hàm, dù có bị kiểm tra hộ khẩu thì vẫn vậy.

“Thời thế có thay đổi như nào, di ảnh của ba chưa bao giờ dẹp, chưa từng úp lại một ngày nào hết,” bà Thảo nói.

Bà Thảo mới 5 tuổi trong lễ tang của cha, cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí vào tháng 1/1974

Tang lễ Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí

Khoảnh khắc tự hào

Ngày 19/1/2020, Đài tưởng niệm Tử sĩ Hoàng Sa đã được khánh thành ở thành phố Westminster thuộc quận Cam, bang California.

Khi biết tin cộng đồng người Việt ở Mỹ dựng đài tưởng niệm thì bà Thảo có niềm mong ước được tận mắt nhìn thấy tên cha mình trên tượng đài. Các bạn bè đồng khóa 17 của cha bà đã cùng nhau hỗ trợ để bà sang Mỹ dự lễ khánh thành.

“Được qua đó dự buổi lễ, mình hạnh phúc và tự hào vô cùng. Lúc thấy tên ba trên bia tưởng niệm thì mình hạnh phúc lắm. Đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất trong đời mình,” bà Thảo hồi tưởng.

Trước đó, mỗi năm ở hải ngoại, nhiều người vẫn tổ chức lễ tưởng niệm anh linh của 74 tử sĩ VNCH. Với những gia đình như bà Thảo, đó là niềm an ủi rất lớn vì ít nhất, vẫn còn người nhớ đến sự hy sinh ấy, dù không phải trên chính quê hương mình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo chụp cùng tượng đài tưởng niệm 74 tử sĩ VNCH đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa 1974

Năm 2014, tròn 40 năm cuộc hải chiến, gia đình bà Thảo nhận được bức thư “hỏa tốc" mời tham dự chuyến đi ra Trường Sa do chính quyền tổ chức.

“Trong thư mời có số điện thoại của bên tổ chức thành ra mẹ mình chủ động gọi lại nói bà muốn đi cùng con gái. Sau khi người ta đồng ý, mình động viên mẹ đi vì hiếm có một dịp như vậy. Thế nhưng, cuối cùng chỉ có mình đi do mẹ lại sợ tàu thuyền, dù chồng bà là hải quân.”

“Chuyến thăm cho mình thấy biển đảo Việt Nam rất đẹp. Từ trên tàu mình nhìn vào các đảo, có thể thấy biển đảo của ta rất đẹp.”

Vào năm 2016, chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa trao cho gia đình bà Thảo căn nhà mới ở quận Bình Tân. Đó là nỗ lực của các cá nhân và tổ chức dân sự giúp đỡ các gia đình tử sĩ Hoàng Sa.

“Sài Gòn bắt đầu se lạnh là gần tới ngày giỗ của ba mình. Rất tiếc là mấy năm gần đây, lại còn có thêm giỗ mẹ mình, thành ra đối với chị em, những ngày này rất là buồn.”

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo chụp cùng bức hình của chính mình được lưu giữ tại nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng vào tháng 4/2022

Sống qua những năm tháng sau biến cố 1975, bà Thảo thấu suốt được vì sao trận hải chiến không được nhắc đến nhiều nhưng bà vẫn giữ hy vọng một ngày nào đó, tên tuổi cha bà sẽ được vinh danh chính thức.

“Trận chiến xảy ra khi nước Việt Nam mình còn phân chia hai miền Nam Bắc. Đấy là trận chiến duy nhất mà hai phía không chĩa súng vào nhau mà chĩa súng vào kẻ thù. Rồi qua biến động lịch sử, có nhiều người nhìn khác về trận chiến, nhưng mình vẫn mong có được sự tôn vinh ba mình và tất cả những người đã hy sinh trong trận chiến đó để cho thế hệ con cháu sau này biết Hoàng Sa đã bị cưỡng đoạt như thế nào.”

Nửa thế kỷ trôi qua, đối với những người có cha là tử sĩ trong trận hải chiến 1974, Hoàng Sa không chỉ là tên đường, tên quận, không chỉ là một địa danh được nhắc đến trong bản dự báo thời tiết, trong các bản tin về Biển Đông. Đó là vùng biển đảo mà thân xác cha họ đã mãi mãi nằm lại.

“Mình mong muốn mọi người, các thế hệ con cháu biết rằng Hoàng Sa là quần đảo của đất nước Việt Nam đã bị mất vào tay Trung Quốc.”

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180