Quần Đảo Hoàng Sa: Phần Đất Không Thể Tách Rời Khỏi Việt Nam

Quần Đảo Hoàng Sa:
Phần Đất Không Thể Tách Rời Khỏi Việt Nam

Trần Văn Trí
(Lên mạng ngày 7/12/2004)

(Trình bầy nhân ngày Hội Hải Quân và Hàng Hải VNCH/San Diego tổ chức lễ ra mắt Tân Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 2004-2006 và ra mắt tuyển tập Hải Sử 5-12-04. KS Trần Văn Trí là chuyên gia về Khí Tượng trước năm 1975. Ông còn là nhà giáo và đã có nhiều bài viết về khoa học, giáo dục, tôn giáo. VNN)


Khi được quý vị trong Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải trao cho cuốn HẢI SỬ Tuyển Tập, tôi hân hoan đón nhận như một báu vật và càng đọc càng nhận thấy tác phẩm thực sự có tầm vóc giá trị sáng tạo cả về hình thức lẫn nội dung.

Với tinh thần yêu mến và trân trọng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam, người viết xin nhiệt tình khen ngợi tất cả những ai đã có công hình thành tuyển tập và, hôm nay, nhờ cơ hội được phát biểu ý kiến, xin chân thành ngỏ lời cám ơn và cầu chúc công trình văn hóa kỹ thuật này được mau chóng phổ biến rộng rải khắp nơi.

Tuy vậy, có lẽ những cảm nhận sâu xa như thế không riêng từ bản thân chúng tôi mà từ mỗi người đọc HẢI SỬ Tuyển Tập. Do đó, xin dành thì giờ để lắng nghe những nhận định sâu sắc của nhiều học giả khác. Phần chúng tôi chỉ xin khiêm tốn chia sẻ một số cảm nghĩ được khơi dậy qua các bài viết về "Hải Chiến Hoàng Sa 1974" (tr. 243-318) trong đó mô tả đầy đủ trận chiến giữa quân Trung Cộng và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao trên dưới 70 hải quân VNCH đã cam lòng hy sinh tánh mạng để bảo vệ các quần đảo này? Với tư cách người Việt có hiểu biết và tham gia công tác tại Hoàng Sa, chúng tôi xin minh chứng với quý vị, quý bạn, đặc biệt các bạn trẻ, các nam nữ sinh viên học sinh rằng lý do chính yếu của trận Hải Chiến Hoàng Sa là vì "Đảo Hoàng Sa là Phần Đất Không Thể Tách Rời Khỏi Việt Nam."

Sau đây xin nêu lên một số bằng chứng hay sự kiện về chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa.

1. Sự kiện lịch sử

Theo các tài liệu từ xưa để lại thì tên gọi "các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" trên Biển Đông đã có trong "Phụ Biên Tạp Lục" thời Lê Quí Đôn. Quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía Đông Đông Bắc Đà-nẵng, cách đất liền trên 200 dặm hay khoảng 400 cây số đường chim bay. Quần đảo Trường Sa ở phía Nam Biển Đông, cách Sàigòn trên 600 dặm hướng Đông Nam hay độ 1000 cây số đường chim bay.

Dưới thời Pháp thuộc, trước 1945, quần đảo Hoàng Sa gọi là Paracels và Trường Sa gọi là Spratleys. Khi Pháp trao trả độc lập, từ 1945, thì chính phủ Việt Nam tiếp tục điều hành các hoạt động thường xuyên tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Bằng chứng này không chỉ do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa công bố trước 1975, mà cả nhà biên khảo Frank Ching cũng kiểm điểm và công nhận trên Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông - Far Eastern Economic Review, ngày 10-2-94. Ngoài ra, nhà nghiên cứu bang giao quốc tế Frédéric Lasserre đề cập đến tại Montréal, Québec, Canada, vào 22-4-99 với nhiều tài liệu trích dẫn từ thế kỷ XVII đến nay.

2. Sự kiện khoa học kỹ thuật

Từ thập niên 1910-20, người Pháp đã tiến hành quản trị đảo Paracels trong cơ chế cai trị tại Việt Nam và nghiên cứu về tiềm năng hải sản cũng trữ lượng khí đốt tại quần đảo này. Năm 1932, các giới chức Pháp trách nhiệm về Khí Tượng, như Jean Carton, Paul Bézier, đã thiết lập tại đảo Pattle, phía Đông Bắc đảo Robert (Cam Tuyền), một trạm nghiên cứu thời tiết gồm đo hướng và tốc độ gió, đo lượng mưa, nhiệt độ, ẩm độ và khí áp. Khi Pháp trao đảo Hoàng Sa lại cho VNCH thì vào 1955, Nha Khí Tượng Việt Nam tiến đến hoàn chỉnh trạm Pattle theo tiêu chuẩn quốc tế với các qui ước của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới — World Meteorology Organization - WMO, như:

Tên trạm: Pattle; Vị trí: 16.30 độ Bắc - 112.00 độ Đông; Chỉ số: 48863; Trạm có đài Vô tuyến viễn thông liên lạc với Trung Tâm Khí Tượng Đà nẵng và Sàigòn. Rồi từ đó truyền đi trên hệ thống vùng Đông Nam Á và Thế Giới.

Sau đó, trạm phát triển thêm Vô tuyến Trắc lượng - Radiosondage, để thăm dò khí tượng không trung, như đo nhiệt độ, khí áp, hướng và sức gió ở độ cao từ 10m trở lên, và nhờ rộng thoáng chung quanh, nên nhiều ngày trong năm đạt trên 8.000 mét, và ngày trời quang đãng, có thể lên tới 15, 16.000 mét.

Về điều hành: Trạm Khí tượng Hoàng Sa có 3 nhân viên phụ trách, luôn phiên mỗi 6 tháng. Việc chuyên chở người và tiếp tế thực phẩm, cũng như vận chuyển dụng cụ và trang thiết bị đều nhờ Hải Quân giúp đỡ. Sự tương quan thân tình là khích lệ lớn lao cho những kẻ xa đất liền, xa gia đình cha mẹ, vợ con.

Ngoài ra, các chuyên gia khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và dự tính thiết lập Trạm Radar trên đảo Robert (Cam Tuyền) để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam về phương diện khí tượng, tiên báo về Gió Mùa Đông Bắc từ Hoa Lục xuống, cũng như theo dõi các cơn bão nhiệt đới từ Philippin tiến qua phía Tây hoặc trên Biển Đông.

Nhưng, trận hải chiến xảy ra từ 15-1-74 (đúng ngày Ông Táo Quý Sửu dâng Sớ lên Ngọc Hoàng) kết thúc sau ác chiến Thứ bảy 19-1-74 đã làm tiêu tan mọi ước mong. Trong số 48 người Việt bị Trung Cộng bắt từ đảo Cam Tuyền (Robert) và Hoàng Sa (Pattle), có ba nhân viên Khí Tượng (với anh Hoàng Đình An là trưởng trạm), đã phải qua Tết Giáp Dần (từ 24-1-74) trong trại tù cộng sản, đến T. 7-74 mới về.

3. Sự kiện chính nghĩa quốc gia dân tộc

Theo nghiên cứu trên Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông - Far Eastern Economic Review ngày 10-2-1994, ký giả Frank Ching đã tóm lược lập trường của hai chính quyền Nam và Bắc Việt Nam trước và sau Tháng Giêng 1974.

Khi đảo Hoàng Sa bị xâm chiếm Tháng Giêng 1974, Bộ Ngoại Giao VNCH, qua công bố 015/BNG/TTBC/TT đã kịch liệt phản đối:
"... Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc, không những đe dọa chủ quyền và an ninh của VNCH mà còn là mối hiểm họa đối với nền hòa bình và an ninh của Đông Nam Á và toàn thế giới. Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh Phủ và nhân dân VNCH cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia."

Frank Ching còn nêu bằng chứng: "Khi Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa vào 1974, Hà nội đã thinh lặng. Việc lờ đi không phản kháng hành động xâm lăng quân sự ngoại quốc vào lãnh thổ Việt Nam đã trở thành đòn đánh vào CSVN mỗi khi vấn đề chủ quyền Hoàng Sa được nêu lên. Vào những thập niên 1950 đến thập niên 1970 vì phải lấy lòng Trung Cộng để được viện trợ quân sự và tài chính, CS Hà nội đã phải nhượng bộ Bắc kinh về Hoàng sa. Tháng 6-1956, hai năm sau khi chính phủ Hồ Chí Minh đã thiết lập tại Hà nội, ngoại trưởng Ung Văn Khiêm nói với Li Zhimin, xử lý thường vụ Tòa Đại sứ Trung Cộng tại Bắc Việt rằng "Theo các dữ kiện của Vệt Nam thì các đảo Xisha (tức Tây Sa) hay Hoàng Sa (Paracels) và Nansha (tức Nam Sa, hay Trường Sa, Spratleys) có tính cách lịch sử là đất đai của Trung Quốc."

Trái lại, ngay từ 1958, chính quyền Sàigòn đã ra thông cáo khẳng đinh chủ quyền về đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratleys).

Ngày 4-9-1958, chính phủ Trung Quốc đòi mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, áp dụng cho cả Xisha, Nansha, Dongsha, Zhongsha, thì 10 ngày sau Phạm Văn Đồng đã gởi văn thư cho Chu An Lai rằng "Chính phủ Việt Nam DCCH nhìn nhận và hỗ trợ công bố của CHND Trung Quốc về lãnh hải Trung Hoa đưa ra ngày 4-9-1958."

Sau khi Trung Cộng đem quân tràn xuống Bắc Việt trong chiến tranh biên giới cuối 1978 đầu 1979, CHXHCN Việt Nam đã nặng lời chửi bới quân xâm lược từ Phương Bắc. Ngày 16-3-1979, Phạm Văn Đồng đã chối bỏ tuyên bố sai trái 1958 và cho rằng "đó chỉ vì trong thời kỳ chiến tranh mà phải nói vậy thôi, chứ vẫn luôn luôn giữ chủ quyền trên các hải đảo." Nhưng, theo Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm (1979) thì "vào 1958, thủ tướng Phạm văn Đồng đã hỗ trợ Trung Quốc về chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa."

Theo nghiên cứu trình bày tại Đại học Québec, Montréal, Canada, Giáo sư Frédéric Lasserre cho biết: "Năm 1981, ngoại trưởng CSVN Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam." Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.

Frank Ching tiết lộ: Ngoại trưởng CHXHVN Nguyễn Mạnh Cầm trong cuộc họp báo ngày 2-12-1992 tại Hà nội phải thú nhận rằng: "Vào 1956, lãnh đạo tuyên bố hỗ trợ đòi hỏi chủ quyền Trung Quốc trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đòi hỏi cấp thiết phục vụ cuộc chiến bảo vệ độc lập đất nước và tự do của quê hương, đáp ứng nhu cầu tức khắc đề phòng dế quốc Mỹ dùng các hải đảo này để tấn công chúng ta. Điều đó không liên quan tới nền tảng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa."

Tất cả các sự kiện này đưa Frank Ching đến nhận xét:
"Dù không đạt được quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên đảo Hoàng Sa vào 1974, thì nay 20 năm sau (1974-94) cũng rõ ràng rằng chính quyền Sàigòn có lập trường vì các quyền lợi quốc gia dân tộc Việt Nam hơn hẳn chính quyền Hà nội.."Phải chăng đó cũng là niềm hãnh diện của người Việt tự do khi đọc được các chứng liệu trong HẢI SỬ Tuyển Tập về sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ hải quân trong Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa tháng Giêng 1974 (tr. 243-318)?

Trần Văn Trí
(Dec. 05, 2004)

Tài Liệu Tham Khảo:

- The World Factbook, Paracels Islands, 2 November 2004
- Bộ Ngoại Giao VNCH 015/BNG/TTBC/TT (19/01/1974)
- Frank Ching, Far Easter Ecnomic Review, Feb. 10, 1994
- Frédéric Laserre, Once Forgotten Reefs.., 22 Avril, 1999
- Le Rinh, The Paracel Islands (Hoang sa) Sea Battle, July 11, 2002
- HẢI SỬ Tuyển Tập, Hải Chiến Hoàng Sa tr. 241-319, Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải

(Theo Web Lên Đường)


Bài Liên Quan:











Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025