Diễn Đàn Trái Chiều - Bài 369: Vấn Nạn 4 - Bảo Hiểm Y Tế
Diễn Đàn Trái Chiều
Diễn Đàn Trái Chiều
Bài 369: Vấn Nạn 4 - Bảo Hiểm Y Tế
Lời phi lộ: như đã thông báo, DĐTC xin đăng một loạt bài liên quan đến những vấn nạn quan trọng nhất của Mỹ mà tân TT đắc cử Trump sẽ phải trực diện. Bài tuần này sẽ bàn về đại vấn nạn Bảo Hiểm Y Tế, có ảnh hưởng lên tất cả mọi người, nhất là dân Việt tị nạn không giàu sang gì trong khi sức khoẻ cũng không tốt lắm.
Điểm đặc biệt là bài tuần này không phải do Vũ Linh viết, mà là bài của một độc giả quen thuộc, anh Freedom Fighter viết, mà VL này 'chôm' lại, đăng lên trang Bình Luận tuần này.
Xin cám ơn anh Freedom Fighter.
----------------
(VOA Photo) |
Những Tốn Kém Của Y Tế Hoa Kỳ và Giải Pháp MAHA
Bài viết này sẽ đi vào chi tiết của sự tốn kém trong lãnh vực bảo hiểm y tế mà TT Trump phải đối diện cùng với các kế hoạch giải quyết. Có rất nhiều nghiên cứu quan trọng tìm hiểu câu trả lời cho sự tốn kém của hệ thống y tế Hoa Kỳ mà chúng ta có thể đã từng đọc qua. Nhưng theo quan điểm cá nhân của một cán sự y tế sơ cấp, tôi nghĩ rằng bảo hiểm y tế Hoa Kỳ quá đắt xoay quanh hai yếu tố: sự can thiệp của chính phủ và những đòi hỏi của người tiêu thụ Hoa Kỳ.
Những can thiệp từ chính phủ Hoa Kỳ:
Hệ thống bảo hiểm y tế Hoa Kỳ ra đời trong bối cảnh hết sức bi quan: kinh tế Hoa Kỳ ở giai đoạn đại suy thoái, Đại Chiến thứ hai bùng nổ, và TT FDR chủ trương phát triển chính sách trợ cấp và phúc lợi xã hội đầy tốn kém nhưng mang tính chất mị dân. Nhân danh nhu cầu chiến tranh, nhà nước áp lực các công ty sản xuất phải tiết kiệm, giảm giá tối đa (price controls) dẫn đến việc giảm lương bổng cho nhân viên. Để tránh bị đình công và nhân viên bỏ việc, các công ty phải chiêu dụ nhân viên bằng cách hứa mua bảo hiểm y tế cho họ và gia đình đưa đến tập tục hãng phải bao bảo hiểm y tế cho nhân viên cho đến nay. Khi ấy, IRS chưa có luật đánh thuế rõ ràng, các công ty tự tiện khấu trừ chi phí mua bảo hiểm y tế cho nhân viên thành phí tổn điều hành. Đến 1954 khi sự việc đã rồi, Quốc Hội buộc phải công nhận không thể đánh thuế các khoản tiền dành cho phúc lợi và bảo hiểm nữa. Chính sách này đã tạo tiền lệ cho sự leo thang giá bảo hiểm vì lẽ đôi bên đều có lợi. Bảo hiểm hét giá cao, hãng hoan hỉ trả vì càng trả nhiều thì thuế thu nhập càng giảm. Từ đó trở đi, bảo hiểm y tế tự tiện để giá cả theo ý muốn. Những hãng nhỏ và tiểu thương bị kẹt vì không đủ vốn chu cấp, dẫn đến nhiều trường hợp tuy nhân viên đi làm full time nhưng không có bảo hiểm cho tới bây giờ. Đây là hậu quả lâu dài của chính sách điều khiển giá cả (price controls) của chính phủ Liên Bang trong nền kinh tế thị trường.
https://m.youtube.com/watch?v=hmKhOibhfZw
Dù là chăm sóc sức khỏe, nhưng hệ thống y tế và bảo hiểm đều phụ thuộc vào định luật cung-cầu của tất cả các nền kinh tế. Chính sách trợ cấp của nhà nước vú em một lần nữa can thiệp vào cán cân cung-cầu y tế qua chính sách Đại Xã của TT Johnson 1965, Medicare cho người già và Medicaid cho người nghèo và trẻ em nghèo, mà sau này do cơ quan Centers for Medicare and Medicaid (CMS) điều hành. Vì yếu tố tuổi tác và sức khỏe, hiện nay người hưởng Medicare/Medicaid tiêu nhiều hơn số người trong tuổi lao động. CMS tự đặt giá khám, chữa bệnh, trả viện phí trễ và áp đặt nhiều luật lệ như luật phạt bệnh viện 3% nếu bệnh nhân Medicare bị nhập viện trở lại trong vòng 30 ngày; đưa đến tình trạng nhà thương chuyển số tiền lỗ sang những người có bảo hiểm tư.
[Mở ngoặc của người viết, những người có bảo hiểm Medicare và Medicaid thường có tâm lý chung là bảo hiểm chùa, xài bao nhiêu cũng được, một số lớn không chịu kiêng cữ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, sau vài tuần xuất viện họ thường quay lại phòng cấp cứu do bệnh cũ tái phát]. Một lần nữa chính phủ Liên Bang nhúng tay vào giá cả bảo hiểm của thị trường tự do qua hình thức ép giá hay price controls đưa đến tình trạng giá tiền chữa bệnh bị tăng đồng loạt. CMS từ chối trả tiền cho bệnh viện và bác sĩ không có nghĩa là nhà nước đã giảm được chi phí; hành động này chỉ là cách nhà nước bán cái món nợ sang cho người khác.
Năm 2003, TT Bush 43 cải tổ lại, tạo thêm Medicare phần D (trợ cấp tiền thuốc) trong đó có phần Health Saving Account (HSA). HSA là trương mục tiết kiệm cho phép công nhân được phép để dành tiền lương trước khi bị trừ thuế, như 401k, dùng để chi trả phí tổn dành cho y tế. Một năm được phép để dành tối đa 6.750đ. Năm 2017, TT Trump và CT Hạ Viện Ryan đề nghị tăng HSA lên 13.000đ/năm giúp dân Mỹ có khả năng mua bảo hiểm, thuốc men theo ý và bớt phụ thuộc vào nhà nước nhưng không được sự ủng hộ của Quốc Hội. Dự luật này chỉ giúp cho người đi làm, không ảnh hưởng đến dân ăn bám. Đảng DC và truyền thông loan tin láo rằng Trump chỉ làm luật cho dân giàu mà thôi.
https://www.cbpp.org/blog/trump-house-gop-health-savings-account-proposals-would-mostly-help-wealthy-not-uninsured
Ngoài ra, nhà nước còn tăng giá bảo hiểm qua các luật buộc người mua phải chi thêm các phần không cần thiết như chữa trị bệnh hiếm muộn (fertility treatments), ép khám thường niên (annual checkups),… Những điều lệ này chỉ gây tốn kém khiến nhiều người nhất là thanh niên không muốn mua. Hậu quả dây chuyền là thanh niên không mua bảo hiểm y tế nhưng khi họ cần lúc bị tai nạn, phải bỏ tiền túi. Luật Liên Bang cấm bệnh viện không được từ chối chữa bệnh để cứu chữa người nghèo, nhưng những thanh niên kể trên, cùng với di dân lậu, khách du lịch ở lì, dân nghiện ngập lợi dụng luật này để được chữa miễn phí. Đã là người nghèo họ có thể xin Medicaid, luật cấm từ chối chữa bệnh trở thành cái cớ cho dân xài chùa, cho phép bệnh viện đẩy những lỗ lã lên đầu người dân tự trọng có bảo hiểm, làm giá bảo hiểm đắt hơn.
Thật ra thì phe cấp tiến đã có tham vọng quốc hữu hóa hệ thống y tế từ thời TT Theodore Roosevelt (1901-1909) chạy theo xu hướng XHCN xuất phát từ Âu Châu sau cuộc cách mạng công nghiệp nhưng liên tục thất bại.
https://pnhp.org/a-brief-history-universal-health-care-efforts-in-the-us/
Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành siêu cường nhờ chính sách tự do mậu dịch. Nhưng ngày nay cái bả XHCN lại hiện diện giữa Quốc Hội và Toà Bạch Ốc. Giới chức cấp tiến cho rằng CEO, bệnh viện và bác sĩ làm việc kém hiệu quả, tham lam, hành chính tốn kém để giá bảo hiểm và viện phí quá đắt. Nếu được chính phủ kiểm soát thì các công chức sẽ có ma thuật tiết kiệm tiền, giá sẽ rẻ và không ai bị từ chối khi bệnh.
Giả sử tất cả các CEO của hãng bảo hiểm và bác sĩ đều bị cắt lương xuống còn 1 đô/tháng để giảm chi phí thì nó chỉ gây ra tình trạng thiếu người có khả năng lãnh đạo và chữa bệnh. Giá chữa bệnh cũng không thể nào rẻ hơn được vì nhu cầu được chữa trị, chi phí cho công việc chữa bệnh và điều hành các bệnh viện vẫn còn đó, mà cán cân cung ứng nhân lực lãnh đạo qua tay CEO và bác sĩ lại thiếu hụt. Lúc ấy cái giá chữa bệnh sẽ tăng lên ngoài sức tưởng tượng. Sau 1975, chủ các bệnh viện Sài Gòn bị đánh tư sản, bác sĩ phải đi tù hoặc vào “biên chế”, nhận lương công nhân viên rẻ mạt dẫn đến việc bác sĩ không đi làm, vượt biên hoặc chỉ mở phòng khám tư buổi chiều. Cả miền Nam VN tê liệt, đói rách kinh hoàng. Đó là kinh nghiệm “thực tiễn” mà tôi vẫn còn nhớ rất rõ.
TT Obama có sáng kiến giúp giảm giá, vận động tạo Affordable Care Act (2010) giúp nhà nước chiếm được một phần điều khiển hệ thống bảo hiểm y tế của tư nhân. TT Obama cho rằng nếu nhà nước chủ đạo trong vấn đề kiểm soát giá cả chữa bệnh thì chi phí bảo hiểm y tế sẽ rẻ giúp người tiêu thụ có thể mua được bảo hiểm theo khả năng. Một cách đơn giản, ví dụ như giá mổ ruột dư là 5.000đ (chỉ là con số ví dụ cho dễ hiểu mà thôi, tôi không rõ mổ ruột thừa bao nhiêu tiền và co-pay bao nhiêu nữa), bảo hiểm sẽ bao 4,500đ trả cho bệnh viện, bác sĩ, y tá và các thứ linh tinh, còn lại 500đ bệnh nhân phải bù tiền túi. Bây giờ ObamaCare cho rằng giá mổ chỉ đáng 4000đ, bệnh nhân sẽ trả 300đ, và nhà nước trả 3,700đ. ObamaCare nghiễm nhiên cho là đã tiết kiệm được 20% nhưng ObamaCare không thấy hay không muốn biết 20% ‘tiết kiệm’ này đồng nghĩa với việc nhà thương và hãng bảo hiểm sẽ phải bớt 20% lợi nhuận, có thể 20% nhân viên sẽ bị mất việc, giảm lương, xài máy móc và thuốc men cũ và kém phẩm chất.
Cũng có thể họ sẽ phải lên giá bảo hiểm và giá viện phí của những bệnh nhân khác để bù đắp lại gây nên việc bảo hiểm và viện phí đồng loạt phải lên giá. Thực tế đã chứng minh, từ ngày có ObamaCare giá bảo hiểm tư nhân và ObamaCare cao hơn trước. Năm 2010 một gđ phải mua bảo hiểm ObamaCare 13.000đ, sang 2023 lên 24.000đ, gần gấp đôi.
https://www.heritage.org/health-care-reform/report/obamacare-has-doubled-the-cost-individual-health-insurance
Đưa đến tình trạng dân bỏ ObamaCare, chính phủ phải bơm thêm ngân sách cứu sống ACA nhiều lần, cụ thể nhất đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA 2022) đã phải bỏ ra 335 tỷ để nuôi sống ObamaCare trong 10 năm tới. Nghĩa là trên giấy tờ nhà nước giảm giá nhưng thực tế chuyển nhiệm vụ trả tiền cho bảo hiểm và nhà thương lên đầu toàn dân qua việc tăng thuế hàng loạt đều đặn.
CMS cắt giảm Medicaid ở vùng quê vì tin tưởng ACA sẽ cung cấp đủ bảo hiểm như TT Obama hứa. Nhưng trên thực tế nhiều hãng bảo hiểm nhỏ ở đó không đủ vốn khi gánh những cắt giảm này đã bỏ người tiêu thụ ở nông thôn vốn đã thiếu bác sĩ, dân lại nghèo. Bác sĩ cũng từ chối bảo hiểm ACA vì trả quá thấp. Bảo hiểm nhỏ sát nhập với các hãng lớn ở đô thị đông dân và khá giả hơn khiến dân quê không được Medicaid phải mua ObamaCare lái lên thành phố tìm bác sĩ.
https://www.thirdway.org/one-pager/american-health-care-act-devastating-for-rural-america
ObamaCare không những gây khó khăn trong việc cung cấp y tế cho vùng quê mà còn gây tốn kém thêm trên cả nước.
Chưa hết, ObamaCare giới hạn lợi nhuận hàng năm của các hãng bảo hiểm; tạo lý do các hãng này phải tìm cách kiếm tiền kiểu khác. Họ bỏ tiền ra mua lại các pharmacy, phòng mạch bác sĩ để giúp họ độc quyền trong việc quyết định giá thuốc, chỉ bao thuốc cũ, và buộc bệnh nhân trả tiền túi nếu muốn xài thuốc mới theo toa.
https://americafirstpolicy.com/issues/obamacares-failed-promises
Ngày nay những chi phí cho bảo hiểm y tế tăng cao do nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người Mỹ cũng tăng giống tỷ lệ đòi hỏi dành cho kỹ nghệ xe ô tô ở những thập niên 1920-1940 ở Hoa Kỳ. Năm 2001 giá airtime cell phone hàng tháng khoảng 20đ, và được phone mới miễn phí. Năm 2024 phải trả góp khi đổi phone mới hoặc phải trả 7-8 trăm đô cho iPhone 15, và airtime 95đ/tháng. Sau 24 năm, giá airtime tăng 4 lần, bảo hiểm tăng từ 100đ năm 2001 lên 189đ năm nay cho 1 người, gần gấp đôi. Người Mỹ trả góp tiền nhà, tiền xe, thậm chí trả góp cho những đứa con 12t mua iPhone mới nhất, vậy tại sao khi trả góp tiền viện phí sau khi được cứu chữa lại trở thành vấn đề nan giải?
Tâm lý của giới trẻ và người Mỹ hiện tại muốn gì là có ngay liền tút-xuỵt. Những đòi hỏi gấp rút là động lực thúc đẩy các nghiên cứu thuốc tây mới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ví dụ cụ thể thuốc Viagra ban đầu dùng để chữa bệnh đau tim vì nghẽn mạch máu ở tim. Nhiều ông dùng xong vợ khen khỏe, quên mất chuyện đau ngực toát mồ hôi xuội lơ tuần trước, bèn dùng thử. Ít lâu sau ta có thêm Cialis, Levitra. Người lười tập thể dục cũng lợi dụng chích thuốc Ozempic vốn dành cho bệnh tiểu đường để giảm cân…. Kỹ nghệ chế biến thuốc tây Hoa Kỳ đứng đầu thế giới, vượt xa các nước Tây Âu tân tiến khác. Người ta ước tính từ 64-78% lợi nhuận của các hãng thuốc tây trên thế giới đến từ túi tiền của người Mỹ và thị trường Mỹ. Trong khi đó dân Âu Châu hưởng giá rẻ hơn nhờ chính sách trợ cấp y tế của chính phủ dưới hình thức XHCN ép giá các hãng thuốc Mỹ. Nếu các nước Âu Châu chịu đóng góp hào phóng 20% hơn giá tiền họ đang hưởng từ nền khoa học và thị trường Mỹ hiện nay thì cả thế giới sẽ được hưởng phúc lợi sức khỏe chung. Âu Châu sẽ có thêm 7,5 ngàn tỷ đô la phục vụ trong vấn đề dân sinh cho 50 năm tới. Nghĩa là từ đó đến nay cả thế giới đều trục lợi từ sự dễ dãi của người Hoa Kỳ.
https://healthpolicy.usc.edu/research/global-burden-of-medical-innovation/#:~:text=U.S.%20consumers%20spend%20roughly%20three,Download%20the%20full%20paper%20here
https://reason.org/commentary/how-america-subsidizes-medicine-across-the-world/#:~:text=much%20for%20drugs-,The%20U.S.%20healthcare%20market%20subsidizes%20much%20of%20the%20world's%20cutting,in%20pharmaceutical%20development%20and%20innovation
https://www.pbs.org/newshour/health/americans-spend-much-pharmaceuticals#:~:text=Americans%20use%20more%20pharmaceuticals&text=They%20rank%20first%20for%20their,towards%20meeting%20its%20clinical%20needs
Khoa học tiến bộ quá nhanh khiến người ta kỳ vọng nhiều vào kỹ thuật và khả năng của y sĩ. Thân nhân áp lực bác sĩ phải cứu chữa tối đa dù cho mọi cố gắng đều là vô nghĩa. Hoặc nhiều thân nhân buộc bác sĩ phải kéo dài sự sống của người nhà để người ta tiếp tục thừa hưởng pension hoặc tiền săn sóc bệnh nhân đáng lẽ đã chết từ lâu rồi.
Còn nhiều nữa, và chúng đều là những vấn đề cực kỳ nan giải đòi hỏi ngành Lập Pháp phải có những thay đổi quan trọng, nhưng chính trị Hoa Kỳ đang phân hoá cực độ. CH và DC không còn hợp tác làm lợi cho quốc gia mà chỉ giành giật chiếm đa số tại Quốc Hội. Trong bối cảnh này, TT Trump đã chọn giải pháp Make America Healthy Again hay MAHA của ông Robert F. Kennedy, Jr. thành mục tiêu đối phó với những tốn kém của y tế. Nếu người Mỹ tránh được bệnh tật bằng cách thay đổi nếp sống, và tránh những chất độc gây hại cho cơ thể thì chi phí dành cho y tế sẽ giảm. Ông bà ta có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là vậy!
RFK Jr. là luật sư chuyên ngành bảo vệ môi trường rất thành đạt. Người ta chê Trump chọn lầm người lãnh đạo bộ Y Tế. Nhưng đương kim BT Y Tế, Xavier Bacerra, cũng chỉ là một luật sư.
RFK Jr. đặt trọng tâm phục hồi sức khỏe của người Mỹ qua các chương trình: đối phó với sự leo thang của các bệnh mãn tính (addressing chronic diseases), cải tổ các điều kiện an toàn cho thực phẩm và dinh dưỡng (reforming food safety and nutrition), bảo vệ an toàn môi sinh (environmental health and safety), tôn trọng quyền tự do chọn lựa trong vấn đề y tế và sự an toàn của thuốc chủng ngừa (vaccine safety and medical freedom), những thách đố trong vấn đề áp dụng cải tổ sức khỏe (implementation challenges).
Đối phó với các chứng bệnh mãn tính: Hoa Kỳ tiêu tốn cho y tế nhiều nhất nhưng dân Mỹ có nhiều bệnh mãn tính và đoản thọ nhất. RFK Jr. cho rằng những độc tố từ môi trường sống và việc kiểm soát lỏng lẻo thực phẩm và chất dinh dưỡng của chính quyền đã gây ra những căn bệnh mãn tính ở thiếu nhi và người lớn. Cả Trump và RFK Jr. đều phục vụ hết mình, tự tin đặt một mốc thời gian thực hiện là 2 năm trong khi Trump không còn áp lực tái tranh cử nữa, có thể câu giờ đến 4 năm như các chính khách chuyên nghiệp, cho thấy họ hứa là làm.
Cải tổ chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm: tại Mỹ chuyện vu khống và mạ lỵ sẽ bị phạt nặng nề nhưng RFK Jr. nêu đích danh một số tên các hãng thức ăn, nước uống và thuốc tây lớn như: Cheeze-It, Cap’N Crunch, Welch’s fruit juice, Crest tooth paste, Vaseline, thuốc ho dạng sy-rô cho trẻ em Mucenex, Tylenol, vitamin, nước Gatorade,… có chứa độc tố Tartrazine (Yellow Dye#5) từ dầu thô. Tatrazine gây ra các chứng bệnh mãn tính, ung bứu, suyễn (asthma), chậm phát triển (developmental delays), ảnh hưởng thần kinh, attention deficit disorder-ADD-(bệnh lo ra không tập trung đầu óc để ngồi yên học hoặc làm việc), rối loạn các hóc-môn, rối loạn gene, các hội chứng rối loạn lo âu hoảng sợ hão (anxiety).
Chất Tartrazine bị cấm ở nhiều nước khác nhưng vẫn còn thông dụng tại Hoa Kỳ. RFK Jr. cáo buộc các tổ chức kiểm phẩm Liên Bang như FDA đã làm ngơ cho phép các chất độc khác như Red#40, potassium bromade, BHA, BHD (trong chai lọ nhựa gây ra những dị tật liên quan đến hệ thống sinh dục, con trai nhưng có nhiều nữ tính hoặc ngược lại, xin đọc bài này:
https://diendantraichieu.blogspot.com/p/bai-khach-freedom-fighter_25.html?m=1
Ông cho rằng nếu những độc dược này bị loại khỏi thức ăn thì người Hoa Kỳ tự nhiên sẽ mạnh khỏe hơn, giảm các bệnh mãn tính mà không cần thuốc men gì cả.
Trong những năm gần đây 8 độc tố gây hại có trong thực phẩm đã bị cấm sử dụng nhờ công của không ai khác hơn là Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu; nhưng truyền thông im lặng vì đảng DC và cả CH đang ngửa tay hưởng tiền lobby của các công ty dược phẩm chế ra các loại thuốc chữa hen suyễn, thiếu tập trung đầu óc,… cho trẻ em Mỹ.
https://m.youtube.com/watch?v=0_OỌKe4BuDE
An toàn trong thuốc chủng ngừa và sự tự do lựa chọn trong các quyết định y tế: RFK Jr. nhiều lần xác định ông ta không chống việc chủng ngừa (anti vaccination) nhưng ông chống việc cưỡng bách chủng ngừa (vaccine mandate); tuy nhiên truyền thông cắt xén những câu nói của ông để kết án và gây ngộ nhận. Kennedy Jr. nêu lên những nghi vấn có cơ sở rằng một số thuốc chủng ngừa đã gây ra các bệnh dị ứng thực phẩm từ các loại đậu, hen suyễn, và autism (bệnh này thường thấy ở các bé trai, có những rối loạn về nhận thức. Tiếng bình dân gọi là “mát giây”, Google dịch là bệnh tự kỷ (?)).
Muối và nước là hai chất cần thiết và có sẵn trong các tế bào; nhưng nếu người bị bệnh truỵ tim (congested heart failure), cao máu, và bại thận cần lọc máu uống nước lã và ăn mặn có thể gây tử vong ngay. Do đó, dù thuốc chủng ngừa được nghiên cứu kỹ nhưng không có nghĩa là sẽ an toàn 100% cho toàn thế giới. Bắt buộc phải có người không hợp, bị dị ứng qua các phát tác như autism và dị ứng đậu.
Ví dụ như dân VN chúng ta ăn đậu phộng cả ngàn năm nay. Sau 1975, ai cũng phải ăn độn khoai sắn, đậu phộng muối mè nhưng không ai mang căn bệnh quý tộc dị ứng đậu phộng. Nhưng từ 20 năm nay, từ hải ngoại cho đến quốc nội, gia đình nào cũng có cháu bé bị dị ứng các loại hạt. Những thay đổi này trùng hợp với việc các cơ quan y tế thế giới cung cấp đầy đủ thuốc chủng ngừa miễn phí cho các nước nghèo chậm tiến.
Trường hợp bệnh autism cũng vậy, theo nghiên cứu, người ta thấy bệnh autism xảy ra nhiều hơn trước từ sau khi chính sách cưỡng bách chủng ngừa từ 40 năm nay. Điểm đặc biệt là tỷ lệ autism nhiều gấp đôi tại các nước văn minh, dư thừa thuốc và có luật bắt buộc so với các nước nghèo. Xin ấn vào đây để đọc rõ con số bệnh toàn thế giới.
https://worldpopulationreview.com/country-rankings/autism-rates-by-country
Bạn đọc nào tò mò muốn biết về những nghi vấn xoay quanh chuyện chủng ngừa có thể tìm đọc cuốn “Controligarchs: Exposing the billionaire class” do Seamus Bruner viết. Sách dầy trên 500 trang nhưng 1/3 là các tài liệu tham khảo có giá trị nêu đích danh thế giới bí ẩn của giới nắm quyền lực ngầm của thế giới từ GĐ Rockefeller, cho đến Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, George Soros, và Klaus Schwab dùng thuốc chủng ngừa để thôn tính thế giới.
RFK Jr. cáo buộc CDC biết rõ các nguy hại của việc cưỡng bách chủng ngừa nhưng vì lý do nào đó họ không chịu thâu hồi và bạch hoá các nghiên cứu.
https://m.youtube.com/watch v=fjfIiHleIz0&pp=ygUhUm9iZịZ0IGtlbm5lZHkganIgc2hhd24gcnlhbiBzaG93
Bảo vệ an toàn môi sinh: chất flouride được pha vào nguồn nước công cộng giúp người tiêu thụ có men răng tốt, tránh bị sâu răng. Nồng độ an toàn của fluoride là 0.7 mg/1 lít nước, trên 2.0 mg được xem là nguy hiểm và nếu dùng nước chứa 4 mg flouride có nguy cơ gây bệnh loãng xương và ung thư ở chuột.
https://amp.cancer.org/cancer/risk-prevention/chemicals/water-fluoridation-and-cancer-risk.html
Nồng độ fluoride không được ấn định thống nhất trên 50 tiểu bang và luật cũng không buộc các tiểu bang thông báo cho khách hàng theo tin từ trang của CDC.
https://nccd.cdc.gov/doh_mwf/default/default.aspx
Theo những nghiên cứu riêng của RFK Jr., ông cho rằng ngày nay kem đánh răng đã có đủ chất fluoride cho răng và việc pha fluoride vào nước uống trở thành thừa thãi, thậm chí còn gây ra các biến chứng của những căn bệnh như autism, ung thư, v.v. Rất tiếc tôi không kiếm được những nghiên cứu ‘trái chiều’ này vì các cơ quan có thẩm quyền quản lý các nghiên cứu khá chặt chẽ, lấy tất cả nghiên cứu kiểu này xuống. Kennedy Jr. cho hay ông có viết những nghiên cứu về sự nguy hại của các hoá chất như fluoride trên báo cách đây 20 năm nhưng nay đã bị chính phủ bịt miệng.
Những thách đố trong vấn đề cải tổ y tế và sức khỏe: như đã trình bày ở trên, động cơ thúc đẩy sự thành công của tiến trình MAHA sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào việc cải tổ toàn diện hệ thống luật lệ, điều hành và cắt giảm những rườm rà hành chính của hệ thống y tế Liên Bang. Nhưng những nhân viên của các cơ quan hành chính này là những bộ xương biết đi trong kiếp tầm gửi với một bộ óc hủ lậu, xơ cứng, ù lì. Họ sẽ chống những cải tổ cho đến cùng để khỏi phải thay đổi công việc và được sống đủ năm đủ tháng lãnh full pension khi về hưu. Ví dụ như giám đốc Viện Nghiên Cứu Dịch Bệnh NIAID, BS Fauci. Ông Fauci là nhân viên Liên Bang 59 năm, lương hưu là 414,000đ/năm, cao hơn lương TT khi tại nhiệm và còn được tăng lương mỗi năm dù đã nghỉ hưu, nhưng khi cần sự hướng dẫn anh minh của ông thì ông cho những chỉ dẫn ba phải và sai bét.
Cho nên muốn canh cải chỉ cần giảm thiểu những luật lệ ràng buộc -deregulation- và tống khứ đám tầm gửi đi là cỗ máy hành chính sẽ hoạt động có hiệu quả ngay. Thượng Viện đã bật đèn xanh, TNS Marshall (CH) đang vận động thành lập một nhóm caucus để yểm trợ những thay đổi cần thiết giúp TT Trump và tân BT Y Tế RFK Jr. trong công việc Làm Cho Người Mỹ/Nước Mỹ Khoẻ Trở Lại. Đây là điều rất khả quan cho tương lai Hoa Kỳ nói lên sự chọn lựa tuyệt vời trong các chính sách của TT Trump.
https://www.foxnews.com/politics/make-america-healthy-again-caucus-launched-sen-marshall-after-rfk-jr-meeting
TT Trump và tân BT Y Tế Robert F. Kennedy Jr. đã phác thảo và mở ra một hướng đi mới với những khát vọng mang Hoa Kỳ trở về vị trí siêu cường bá chủ thế giới bắt đầu bằng việc khôi phục sức khỏe người dân Mỹ. Đây là việc làm thiết thực và cần thiết cho quốc gia có nhiều nhân tài, óc sáng tạo trẻ trung và năng động.
Xin chúc mừng và cám ơn TT Trump và tân BT Y Tế Robert Francis Kennedy Jr.
07/01/2025
Tài liệu tham khảo:
Dismantling America (2010). Thomas Sowell
Nhận xét
Đăng nhận xét