Để có thể thực sự hòa giải

Để có thể thực sự hòa giải

Biếm họa BaBui

Nguyễn Tường Tâm

Bây giờ là năm 2025, chiến tranh Việt Nam 1955-75 đã kết thúc nửa thế kỷ, nhưng lòng người vẫn ly tán, bởi vì bản chất cuộc chiến đã không được xác định đúng đắn. Đảng Cộng sản Việt nam vẫn cố gắng tuyên truyền và giáo dục dân chúng rằng họ, dưới lá cờ chủ nghĩa Mác Lê Nin bách chiến bách thắng, đã giải phóng nhân dân miền Nam thoát khỏi cuộc sống đói khổ tù đày, kềm kẹp của một chế độ độc tài tay sai đế quốc Mỹ. Để có thể thực sự hòa hợp hòa giải, bản chất cuộc chiến Việt Nam 1955-75 cần được xác định chính xác.

Năm 1939, thế chiến thứ II bùng nổ, dân Việt Nam nô nức thành lập các lực lượng chính trị và vũ trang (các đảng phái, giáo phái) đánh đuổi thực dân Pháp. Ông Hồ Chí Minh chọn con đường cộng sản thân Nga. Thành phần Quốc gia chọn con đường thân Trung Hoa Dân Quốc (Tổng thống Tưởng Giới Thạch).

Năm 1946, hai phe Quốc Cộng Việt Nam thành lập chính phủ liên hiệp. Nhưng sau khi Chính phủ Liên Hiệp tan vỡ, phe Cộng sản do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, được sự trợ giúp của Liên xô (cộng sản), thành lập lực lượng Việt Minh, tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia để một mình lãnh đạo công cuộc đánh Pháp dành Độc Lập. (Theo “Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam – Tập 3–Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia – Sự thật–Năm xuất bản: 2009”, để có thể thực hiện được chủ trương hoà với Pháp, bản Chỉ thị nêu bật những nhiệm vụ cần kíp sau đây:

– Lợi dụng thời gian hoà hoãn với Pháp mà diệt bọn phản động bên trong, tay sai của Tưởng, trừ những hành động khiêu khích ly gián ta và Pháp.)

Kể từ đó những người Quốc Gia, không áp dụng biện pháp bạo lực của cộng sản như không ám sát, bắt cóc thủ tiêu thành phần cộng sản nên phải thua Cộng Sản. Vì vậy thành phần Quốc gia đã không còn đất sống và họ phải hoặc lưu vong ở Trung Hoa, hoặc trở về Việt nam sống dưới chế độ bảo hộ của Pháp với tính cách thường dân, không tham gia chinh trị.

Năm 1949, theo môt thỏa thuận giữa Cựu Hoàng Bảo Đại và Tổng Thống Pháp, Quốc gia Việt Nam được thành lập nằm trong Liên Bang Đông Dương (gồm 3 nước Việt, Miên, Lào), thuộc Liên Hiệp Pháp. Chính phủ này gồm những thành phần không chấp nhận Cộng Sản; họ có thể chưa từng tham gia kháng chiến chống Pháp, hoặc họ có thể là những thành phần từng tham gia kháng chiến trong hàng ngũ Việt Minh nhưng rời bỏ tổ chức này vì không chấp nhận Cộng Sản.

Ngày 7 tháng 5, 1954, quân đội Việt Minh đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ khiến Pháp phải đầu hàng.

Chỉ một ngày sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, vấn đề Đông Dương được đem ra bàn hội nghị (ngày 8/5/1954).  (https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c886ypzvz7wo: Góc khuất của Hiệp định Genève - Nguyễn Tiến Hưng và Nguyễn Kim Cương).

Lúc 3 giờ chiều ngày 21 tháng 7, 1954, Ngoại trưởng Anh Anthony Eden, với cương vị chủ tịch Hội Nghị, dọc lời kết thúc Hội nghị. Hội nghị Geneve đã kết thúc với bản tuyên bố (declaration) với không có chữ ký của các bên tham gia hội nghị, mà chỉ có tiêu đề liệt kê danh sách tất cả các quốc gia tham dự (I had already been warned by Bedell Smith that the United States Government could not associate themselves with the final declaration…I also feared that it might lead to serious difficulties at our final meeting, for the Chinese had indicated that they would insist upon signature of the final declaration by all the delegations. I thought that I had better have this out with Molotov before the meeting. I went to see him and we eventually agreed that, in order to eliminate the problem of signature, the declaration should have a heading in which all the participating countries would be listed… At 3 p.m. on July 21st, I took the chair at the final plenary session of the conference.) The Memoires of Sir Anthony Eden, page 142. (1)

Bản Tuyên Bố của Hội nghị Geneve 1954, thường được gọi là Hiệp định Geneve 1954, qui định chia đôi Việt Nam tại Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải), với Việt minh ở miền Bắc thành lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chính phủ Quốc gia dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại, mà Thủ Tướng là ông Ngô Đình Diệm, ở miền Nam. Hai miền sẽ bầu cử thống nhất đất nước vào năm 1956.

Năm 1955, ở miền Nam, được hậu thuẫn của Hoa Kỳ, ông Ngô Đình Diệm lật đổ Quốc Trưởng Bảo Đại để lên làm Tổng Thống thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa. Chính vì Hoa Kỳ và chính phủ VNCH không ký vào “Hiệp định Geneve 1954” nên họ tuyên bố không có bổn phận phải thực thi Tổng tuyển cử để thống nhất hai miền vào năm 1956 như Hiệp định qui định. Thực ra, thành phần Quốc gia lãnh đạo VNCH đã biết rõ Cộng sản miền Bắc sẽ không thực hiện tự do bầu cử, như mọi người đều chứng kiến những cuộc bầu cử do Cộng sản tổ chức cho tới nay (2025) cho nên giới lãnh đạo VNCH đã từ chối tổ chức bầu cử.

Việc chia đôi nước Việt Nam đều không được cả hai phe Quốc Gia và Cộng Sản (Việt Minh) đồng ý, mà đó là sự thỏa thuận giữa 4 siêu cường: Anh, Mỹ, lãnh đạo phe tự do; Liên Xô và Trung Cộng, lãnh đạo phe Cộng Sản.

Một bài báo Mỹ cho biết, theo cuốn “Lịch sử Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa,”công bố bởi Nhà xuất bản chính thức của Nhà nước, Lưu trữ, xuất bản,(“The History of the People’s Republic of China,” published by the official State Archives Publishing House,) trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã gửi tới Nam Việt Nam 500 ngàn quân, trong khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa gửi tới miền Bắc 320 ngàn quân, thiệt mạng hơn 4 ngàn người. Đồng thời Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cũng viện trợ cho miền Bắc hơn 20 tỉ đô la. Tiết lộ trên được công bố sau khi các viên chức quân sự Liên Xô thừa nhận Liên Xô gửi một đoàn cố vấn, không nói rõ con số (a contingent of Soviet advisers) tới miền Bắc tham gia chiến đấu và bắn hạ máy bay Hoa Kỳ. (Nguồn: The Washington Post, bài China Admits Combat In Vietnam War, xuất bản ngày 17, 5, 1989)

Thông tin về việc Trung Quốc đã lần lượt cử 320 nghìn quân tình nguyện đến Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam đã được Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI loan báo (với hơn 1400 cán bộ và binh lính tử trận được chôn cất tại 40 nghĩa trang liệt sĩ tại 19 tỉnh, thành Việt Nam và được Đại sứ quán Trung Quốc đến tảo mộ hàng năm vào Tết Thanh minh.) (2) Việc hàng năm chính phủ và nhân dân Việt Nam chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc tại miền Bắc cũng được báo của nhà nước Việt nam xác nhận.

Theo các dữ liệu trên, rõ ràng cuộc chiến giữa hai miền Nam & Bắc Việt Nam kể từ 1955 là do sự thúc đẩy của ngoại bang (Anh, Mỹ ở miền Nam; Liên Xô và Trung quốc ở miền Bắc). Bởi thế, thật chính xác, cuộc chiến 1955-75 tại Việt Nam có thể được coi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm của các siêu cường (a proxy war), đồng thời là cuộc chiến tranh ý thức hệ (tự do và cộng sản), và cũng chính là cuộc nội chiến, nồi da xáo thịt. Dứt khoát cuộc chiến 1955-75 do Cộng sản miền Bắc phát động chưa bao giờ là cuộc chiến tranh giải phóng, bởi vì, trong thời chiến tranh, nhân dân miền Nam sống tự do và sung túc gấp trăm lần nhân dân miền Bắc.

Nguyễn Tường Tâm - Đàn Chim Việt

—————————————-

(1): The Memoirs of Sir Anthony Eden, Full Circle, Cassel & Company LTD, 1960

(2): https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bo-quoc-phong-vn-sua-mo-liet-si-trung-quoc-12072024190326.html (Bộ Quốc phòng sẽ tôn tạo mộ của các liệt sĩ Trung Quốc có công với cách mạng Việt Nam—RFA–2024.12.07)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025