Giả Nhân Giả Nghĩa

Giả Nhân Giả Nghĩa

(Hình nhột © Thằng Phản Động)

Đỗ Văn Phúc

Thực thi Nhân Nghĩa phải phát xuất từ đáy lòng, biết thương yêu và chăm lo cho sinh mệnh và hạnh phúc của người dân.

Chính đạo lấy Nhân, Nghĩa làm gốc. Phàm bậc vua chúa trị vì thiên hạ, ai thực hành được điều Nhân Nghĩa thì sự nghiệp được lâu bền và để tiếng thơm trong lịch sử. Thực thi Nhân Nghĩa phải phát xuất từ đáy lòng, biết thương yêu và chăm lo cho sinh mệnh và hạnh phúc của người dân: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui thú sau cái vui của thiên hạ.” (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc). Bởi vì chức năng cao quý của người cầm quyền là kinh bang tế thế, phát triển quốc gia cường thịnh, mưu cầu an sinh hạnh phúc cho nhân dân. Khổng Tử, khi trả lời Lương Huệ Vương hỏi làm sao cho có lợi, đã nói: “Ngài chớ nói về lợi, mà hãy nói về Nghĩa.”

Một nghìn năm trước đây, Việt Nam ta đã trải qua những triều đại huy hoàng Lý, Trần; mấy trăm năm yên ổn, thái bình. Mở đầu triều Lý là Lý Công Uẩn, xuất thân từ chốn thiền môn, thấm nhuần tư tưởng đạo lý Phật giáo, cai trị dân bằng lòng từ tâm, nhân ái. Vua Lý Nhân Tôn, một năm trời làm giá rét, vua sai quan mở kho lấy chăn phát cho dân nghèo mà nói rằng: “Trẫm ở trong cung kín đáo thế này mà còn thấy lạnh thay, huống hồ chúng dân ở ngoài còn lạnh đến đâu.” Ôi, một lời nói của vua hiền cảm động đến cả đất trời. Văn hoá Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng Nho giáo. Mạnh tử chủ trương “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Ngài coi dân là trọng hơn hết thảy, vua đuợc mệnh trời giao phó chăm sóc dân; bởi có dân mới có xã tắc, có xã tắc mới có vua chúa. Trái với Khổng Tử coi sự trung thành với quân vương là tuyệt đối, Mạnh Tử đồng ý có thể hạ bệ một vị vua xấu: “Ta nghe nói giết một đứa Kiệt Trụ, chứ không nói giết một vì vua.” (Vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thuơng bên Tàu là hai vua nổi tiếng hung ác) Nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê nhiều lần đại thắng quân Tống, Nguyên, Minh là nhờ có đại nghĩa mới kết hợp được lòng dân cùng một ý chí hy sinh, quyết chiến đấu, muôn người như một, làm nên những trang sử vẻ vang. Ba dòng họ đã nối đời làm vua từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 cho đến khi hôn quân ra đời đưa đất nước vào suy vong, chia rẽ. Bài học lịch sử còn rành rành ra đấy, lẽ nào những ai còn chút máu Hồng Lạc không còn lý trí để nhận ra mà tự cải hối sao.

Nửa thế kỷ qua, từ khi có chủ nghĩa Mác do Hồ chí Minh du nhập vào, nhân dân ta đã phải từng trải qua một thời kỳ đen tối, bi thương nhất trong lịch sử. Kẻ đem thứ chủ nghĩa ngoại lai, phi nhân đó vào áp đặt trên đầu cổ nhân dân ta lại tự xưng mình là nhân ái, khiêm cung; tự cho mình là chính nghĩa, còn tất cả ai khác đều là tà ngụy. Hồ Chí Minh, một tên Việt gian đại bợm đã lừa gạt hàng chục triệu nhân dân cả hai miền, lừa gạt cả một phần nhân loại trong cuộc chiến tranh xích hoá miền Nam. Hắn đã thành công cho đến ngày cái linh hồn u tối đầy tội lỗi được dẫn về địa ngục gặp các quan thầy Mác Lê-Nin. Ngay người dân Hoa kỳ cũng hoàn toàn lầm lẫn về tư cách của hắn qua bộ dạng bên ngoài. Có người nhìn vào tấm ảnh hắn như một cụ già tóc trắng phơ, đứng bên chậu hoa lan mà tự hỏi: “chúng ta đem hàng triệu tấn bom đạn để giết những cụ già chất phác này ư?” Họ có biết đâu rằng, nấp sau bộ mặt hiền từ chất phác kia là cả một tâm hồn đồi trụy, gian ác, đã từng nhuốm máu hàng trăm ngàn nông dân vô tội miền Bắc, hàng trăm ngàn trẻ em, phụ nữ miền Nam, xô đẩy hàng triệu thanh niên vào lò lửa chiến tranh cho mục tiêu quốc tế của chủ nghĩa Cộng sản.

(Hình nhột © Việt TUDO)

Chính chúng tôi, khi đọc qua những bài viết của Hồ, cũng từng tự vấn: “Ông Hồ viết ra toàn những điều răn dạy cán bộ, có điều nào nêu lên sự bạo tàn đâu?” Toàn là khiêm tốn, chí công vô tư, yêu thương đoàn kết, vậy tội ác của Việt cộng triền miên hàng mấy chục năm trời do đâu mà có.

Trong chiến tranh, quân đội ta, quân đội đồng minh cũng có kẻ làm điều xằng bậy, cướp của hiếp dâm. Nhưng quân luật trừng trị nghiêm minh. Ðại Hàn xử bắn ngay tại chỗ khi có sự khiếu tố của người dân. Rõ ràng là chỉ do cá nhân lẻ tẻ mà bản chất hung ác, côn đồ đã làm mất thanh danh chung. Trong khi phía Cộng sản, cả hệ thống cầm quyền, từ xã huyện lên đến trung ương; từ các ngành công an, dân chính, thậm chí cả y tế, giáo dục… đâu đâu cũng thấy lạm dụng quyền hành cưỡng bức dân chúng. Chúng tàn bạo và nham hiểm. Có quyền lực tuyệt đối trong tay, chúng có thể tác oai tác quái hoạch họe dân lành. Ba thứ mà chúng thèm khát tột độ là tài sản kẻ khác, thân xác phụ nữ và những bữa ăn ngon. Hãy nghe Dương Thu Hương, một nhà văn bồi bút Cộng sản viết trên báo Thanh Niên: “Nhìn cán bộ ăn uống mà cảm thấy xấu hổ, họ ăn như trong đời chưa bao giờ được ăn, như thèm khát đã bao đời.” Loá mắt trước cảnh huy hoàng của miền Nam, chúng tìm đủ mọi cách vu khống, chụp mũ để đưa vào tù những ai có tài sản mà chúng muốn chiếm đoạt, chúng cướp từ tài sản lớn cho đến những vật dụng nhỏ. Chúng lợi dụng quyền hành, phương tiện để đòi đổi chác sự giao hoan với phụ nữ. Thời kỳ chiến tranh, sau khi đưa thanh niên miền Bắc lên đường vô Nam, chúng ve vãn vợ con họ, dùng tem phiếu thực phẩm để gạ gẫm, cưỡng ép xác thịt. Tất cả bọn cán bộ Cộng sản đều như nhau, chúng tàn bạo, dối trá ngay cả trong hàng ngũ chúng, coi như một lối sống. Từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, trong tất cả báo cáo, diễn văn, toàn là những lời hoa mỹ, lừa mị, cùng một giọng văn, cùng một cách chấm câu, chỉ có độ dài ngắn là khác nhau tùy theo cấp.

Có thể coi xã hội Cộng sản như một sân khấu lớn, trong đó mọi người là diễn viên. Ai cũng phải đóng cho tròn vai trò của mình sau khi đã hóa trang che dấu bản mặt thật. Có kẻ nhắc tuồng là Ðảng. Ai lỡ diễn sai là có chuyện; hoặc có ai đó không quen đóng kịch lâu ngày, thấy ngượng ngùng hay khó chịu mà biểu lộ ra thì sẽ bị loại ngay khỏi sân khấu.

(Hình nhột © Thằng Phản Động)

Nếu chịu khó theo đọc trên báo Nhân dân hàng ngày qua những mẫu chuyện nhỏ, chúng ta mới tìm ra được sự lý giải cho thái độ thô bạo của Cộng sản đối với người dân dù vẫn được Hồ dạy là phải thương yêu. Một ngày trong tháng 6 năm 1975, một bà cụ già từ miền tây lên Saigon thăm con, mang theo chục ký gạo là sản phẩm của đồng bằng sông Cửu long làm quà cho con cái vốn đang gặp khó khăn trong vấn đề lương thực. Tên công an bến xe đã xét và tịch thu túi gạo vì cho rằng cụ buôn lậu thuế và vi phạm chính sách kiểm soát lương thực của nhà nước. Cụ bà khóc lóc năn nỉ giải thích rằng chục ký gạo thì không thể buôn bán mà chỉ là thứ quà mọn. Ðã không thông cảm thì thôi, tên công an mắng cụ và giật túi quà xô cụ té nhủi. Báo Quân đội Nhân dân đã đưa câu chuyện đó lên trang nhất với tựa đề: “Cảnh giác không để bị mua chuộc tình cảm giai cấp.”

Một chuyện khác xảy ra tại trại tù Suối máu, Biên hoà năm 1978 mà anh em chúng tôi mục kích từ đầu. Một anh sĩ quan VNCH bị bắt làm tù binh trước biến cố 30-4 mấy tháng và được chuyển về Suối máu, anh bệnh nặng, nằm liệt hàng năm qua nên không đi lao động. Do đó, anh không được phép gặp gia đình trong những lần thăm nuôi. Gia đình anh gồm mẹ già và các cô em gái lặn lội từ miền Trung vào thăm con sau mấy năm không hay tin tức. Bà cụ vừa khóc vừa kể lể sự tình và mong được nhìn thấy con trai để tin rằng anh còn sống sót. Tên cán bộ phụ trách ngồi xổm trên bàn, vừa đưa tay khều móng chân, vừa gay gắt trả lời: “chị không được dùng nước mắt mua chuộc tình cảm cán bộ.” Ðó, sự thực là đó. Hồ dạy phải yêu thương nhân dân, nhưng đồng thời phải luôn luôn đề cao cảnh giác, phải coi dân là đối tượng nghi ngờ, vì ai cũng có thể là kẻ thù địch trước mắt chúng.

Cộng sản đề cao Hồ là khiêm tốn, giản dị. Hồ là một người đại khiêm tốn đã viết hàng chục cuốn sách dưới nhiều bút hiệu khác nhau để tự đề cao mình! Hồ hỗn láo với cả tiền nhân, anh hùng dân tộc. Khi đi thăm đền Kiếp Bạc nơi thờ Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo, Hồ làm một bài thơ, xưng bác, tôi với tiền nhân, tự cho mình ngang hàng với Ngài:

Bác cũng như tôi vốn anh hùng (Khiếp) Bác tôi, tôi bác, nghiệp cầm cung.

Hơn thế, Hồ cho mình vĩ đại hơn Ðại Vương Trần Hưng Ðạo:

Bác đưa một nước qua nô lệ, Tôi dẫn năm châu tới đại đồng.

Ðúng là một tên xấc láo. Cả một bầy khát máu Lenin, Stalin, Mao còn chưa làm nên cơm cháo, sá gì một tên tay sai lưu manh ở dưới biết bao tầng của cái gọi là đệ tam quốc tế vô sản.

Cái đức khiêm tốn và tài hoa của Hồ được tô vẽ đậm nét và dẫn chứng qua nhiều câu nói mà y ăn cắp của tiền nhân; chỉ những kẻ thất học mới dễ dàng bị lừa bịp.

Hồ ăn cắp nguyên câu trong kinh Thi: “Vì lợi ích mười năm, trồng cây; vì lợi ích trăm năm, trồng người.” dán tên mình vào đó. Tập thơ Ngục trung Nhật ký mà Hồ sáng tác những năm bị tù ở Trung hoa chỉ là một tập sao chép những bài thơ Tàu, có bài sửa đi đôi chút, có bài thay đi vần điệu. Khả năng thực của Hồ là làm những bài thơ như sau:

Nước ta ở miền nhiệt đới, khí hậu tốt, đất phì nhiêu, Nhân dân cần kiệm và lao động,

Các nước anh em giúp đỡ nhiều. hoặc:

Sáng chui vào bụi, tối chun hang. Cháo bẹ rau măng vốn sẵn sàng…

Trở lại vấn đề nhân ái, sau chiến dịch cải cách ruộng đất giết hại hơn hai trăm ngàn nông dân miền Bắc (1953-1956). Trong nhân dân và bộ đội, đâu đâu cũng nổi lên làn sóng căm phẫn tột độ. Thấy bất lợi cho chiến trường đang ở thế quyết liệt, vừa để vuốt ve các cán bộ chiến sĩ trung cấp có gốc gác thành phần gia đình trung nông, địa chủ, Hồ đã rặn cho ra những giọt nước mắt cá sấu để bày tỏ sự ân hận. Hồ cho Đảng nhận sai lầm và hạ bệ Trường Chinh khi đó đang là Tổng bí thư đảng, một tên đấu tố và giết cha mẹ mình. Năm Mậu Thân 1968, quân cộng sản Bắc việt lại chôn sống hàng ngàn dân thường ở cố đô Huế, mãi gần 30 năm sau, có cán bộ lên tiếng đòi đảng nhận sai lầm nhưng đảng vẫn cứ ù lì. Biết giết người vô tôi là sai, nhưng Cộng sản vẫn làm, miễn là đạt cho xong mục đích chiến lược của chúng. Sinh mạng và hạnh phúc con người trong chế độ lấy duy vật biện chứng làm cơ sở, bị coi rẻ, chà đạp, chỉ ngang hàng với cỏ cây mà thôi.

Nhân dịp một đêm giao thừa ở Hà Nội (không nhớ năm nào), Hồ di hành đi một vòng thăm khắp các hang cùng ngõ hẹp của Hà thành. Ðến nhà một thiếu phụ có chồng đi chiến đấu trong Nam, thấy căn nhà chật hẹp vắng lặng, trống trải; trên bàn thờ không nhang khói, hoa quả. Chị đàn bà than thở: “nhà cháu nghèo, neo đơn, ngày tết không có ăn lấy đâu mà chưng mâm hoa quả.” Hồ bèn móc ra cặp bánh chưng nhỏ làm quà. Chị đàn bà mừng xoa xít: “Ôi chao quý hoá quá, Bác làm chủ tịch một nước mà còn đến thăm nhà cháu, cho quà…” Hồ trả lời: “Bác không thăm nhà nghèo như cháu thì thăm ai.” Ôi, cảm động ghê. Câu chuyện được nhắc đi nhắc lại hàng năm trên báo Cộng sản ca tụng sự nhân ái của Hồ đối với dân nghèo; một lãnh tụ cao nhất nước tìm đến thăm những người cùng đinh, sự kiện ít xảy ra trên thế gian. Ngẫm cho kỹ, suy cho hết lý, mới thấy buồn cười và mâu thuẫn. Làm lãnh đạo một đoàn thể, một đơn vị, một xã là làm sao cho người dân trong đơn vị mình có việc làm để từ đó có ăn có mặc. Làm lãnh tụ một nước là chăm sóc chung cho toàn xã hội thái bình, phát triển để bảo đảm đời sống hạnh phúc ấm no cho muôn dân. Nhân ái của nhà lãnh tụ không rót trên một cá nhân mà trên toàn xã hội; không rót trong một lần, một ngày mà trong trường kỳ; đó mới là chức năng cao quý nhất. Ðể cho người ta đói khổ triền miên, rồi trong cả chục triệu người, chỉ đem được một chiếc bánh cho một người và tự cho mình là nhân ái. Không, cái nhân ái mà Hồ dành cho người đàn bà kia chỉ là thứ nhân ái của một người thông thường, một anh hàng xóm, một kẻ qua đường thấy đồng loại đói rách thì nhường cơm xẻ áo. Việc này anh Ba xích lô, chị Tư bán đậu hũ ai cũng làm được, lọ là một nhà lãnh tụ vĩ đại.

Hồ thường khoe công lao giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân. Về sau này, khi đảng lộ nguyên bộ mặt xấu xa, nhiều đảng viên không thể che đậy bào chữa gì được, họ vẫn còn lý luận rằng đảng ít ra có công giải phóng dân tộc. Lịch sử thế giới biến chuyển theo giai đoạn; đầu thế kỷ 20 đánh dấu cao trào giải thực, khi các nước bị thuộc biết đấu tranh đòi lại chủ quyền. Chủ nghĩa thực dân đang đi vào thoái trào trước sức mạnh to lớn của khối các nước thuộc địa.

Phong trào quốc gia giành độc lập nổi lên khắp nơi. Nhìn ra các nước Á, Phi, Mỹ Latin đâu đâu cũng dành được độc lập nhờ kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Do đó ít hao tốn xương máu dân lành; do đó, mối quan hệ giữa cựu mẫu quốc thực dân và tân quốc gia độc lập ít bị sứt mẻ, các tân quốc gia còn được nhận viện trợ của cựu mẫu quốc. Nhìn lại Việt Nam, Hồ đã cương quyết dùng xương máu để đấu tranh. Hàng triệu thanh niên ưu tú bỏ mình trên chiến trường khắp nước. Quê hương bị tàn phá, hoang tàn, kiệt quệ; gia đình bị phân ly, tang tóc. Tại sao không chọn giải pháp ôn hoà khi có thể dùng được? Chỉ vì sự bướng bỉnh vì quyền lực và quyền lợi của Cộng sản. Chúng e sợ những biện pháp hoà bình vì sẽ phải chia quyền lợi với các đảng phái quốc gia. Có lúc Hồ đã bôi mặt cấu kết với kẻ thù là Pháp để rảnh tay thanh toán lực lượng Quốc gia (Thoả ước Vịnh Hạ Long giữa Hồ với Sainteny); có lúc Hồ bán đứng các lãnh tụ quốc gia cho giặc.

Chúng ta thấy sau phong trào giải thực, các nước mới độc lập mau chóng đi vào ổn định, phát triển. Chỉ trong vài thập niên, họ đã đến giai đoạn cất cánh trong phát triển kinh tế kỹ nghệ, thu hẹp khoảng cách với các nước phương Tây. Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tuy bị Việt cộng ngày đêm phá rối, vẫn đưa miền Nam đến mức độ phát triển khá, đồng tiền ổn định, nông lâm ngư nghiệp ở mức khả quan, hệ thống giao thông mở mang không ngừng. Thì ngược lại, tại miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, Hồ đã dẫn đưa trở lại thời kỳ đồ đá. Chế độ công quản trên mọi dịch vụ xã hội đã diệt hẳn sự kích thích thi đua, cạnh tranh làm cho sự phát triển trì trệ. Cộng sản đổ dồn tất cả sinh lực, tài nguyên vào phục vụ chiến tranh thôn tính miền Nam. Chế độ công an trị đã kềm kẹp người dân không ngóc đầu dậy nổi; chế độ tem phiếu thực phẩm thắt chặt bao tử người dân. Chế độ hợp tác hoá, đoàn ngũ hóa ràng buộc mọi tầng lớp vào một cơ chế chặt chẽ trông chừng dòm ngó nhau. Mọi người trở thành điềm chỉ viên của Đảng, cha mẹ không tin con cái, bạn bè nghi ngờ nhau và họ sẵn sàng tố cáo nhau vì chút quyền lợi nhỏ bé. Cái đáng thương của đồng bào miền Bắc là họ đã gánh chịu triền miên, từ gần một trăm năm đô hộ dã man của thực dân, phát xít. Rồi khi chuyển qua Cộng sản, họ không hề hay biết điều gì tốt đẹp hơn để so sánh. Họ dễ dàng chấp nhận và an phận với cái hiện có dù rằng cái hiện có chỉ là khoai lang độn, tấm áo rách vá chằng vá đụp, và căn lều mong manh tứ bề trống rỗng. Ít ra thì họ thỏa mãn tự ái ở chỗ họ nay là đồng bào với cả các nhà lãnh đạo.

Sau khi chiếm đoạt miền Nam năm 1975, sự giàu có, ấm no của miền Nam mới đánh thức thân phận của đồng bào miền Bắc. Cả cán bộ cũng tự hỏi: “sao miền Nam lại giàu có thế này, thế chính sách của họ phải hay lắm, nhưng sao họ lại thua?”

Cuộc cải tạo công thương nghiệp miền Nam do Lê Ðức Thọ phát động đã diễn ra tàn khốc không kém, nhưng không hoàn toàn thành công. Chúng chỉ tước đoạt được tài sản của dân Nam, chúng chỉ xô đẩy được một bộ phận dân Nam ra khỏi thành thị, nhưng chúng không thể tẩy xoá ý thức sở hữu vốn là căn bản của người dân Nam. Chúng không thể tuyên truyền rằng chế độ Cộng sản là trăm ngàn lần tốt hơn chế độ tư bản. Chúng không thể kiểm soát, kềm chế ước vọng của người dân Bắc vào một cuộc sống hạnh phúc ấm no vốn xa lạ với họ từ hàng chục năm qua.

Chính vì sợ phản ứng của hơn hàng chục triệu đồng bào miền Nam làm cho Cộng sản chùn tay trong việc tắm máu anh em quân nhân Cộng hoà. Có 90 phần trăm đồng bào miền Nam có thân nhân trong guồng máy quân sự, chính quyền miền Nam. Vì thế chúng thi hành chính sách thâm độc khác, là nhốt các quân nhân miền Nam vào những trại tù khổ sai dài hạn với ý đồ tiêu diệt ý chí, hủy hoại dần mòn cơ thể con người, gây tan vỡ gia đình qua những sách nhiễu tại địa phương, qua sự ngược đãi con cái họ. Bọn chúng còn cho cán bộ ve vãn vợ con tù nhân để phá hoại hạnh phúc gia đình, trả thù thâm độc đối với những người vì lý tưởng mà cầm súng chiến đấu ngăn cản họ trước kia.

Bọn Cộng sản thường huênh hoang rằng chính sách cải tạo là một hành vi chưa đó là “kỳ quan thứ tám của thế giới.” Hồ Chí Minh đã làm một việc để phô trương lòng nhân đạo: nhân đi thăm trại tù binh Pháp bị bắt sau chiến dịch Ðông xuân, thấy một sĩ quan Pháp đứng co ro vì lạnh, Hồ cởi chiếc áo choàng đang mặc khoác lên cho anh ta. Thế hàng trăm, hàng ngàn người sĩ quan máu đỏ da vàng bị giam đói rét trong hàng ngàn trại tù khổ sai sau 75 thì sao? Năm 1981, một sĩ quan người Việt trong quân đội Liên hiệp Pháp trốn khỏi trại tù ngoài Bắc vượt biển qua tới Paris đòi truy lãnh, phục hồi quyền lợi. Việc đó mới vỡ lẽ rằng Cộng sản còn giam cầm tù binh Pháp sau hiệp định Geneve, khi hai nước đã ký kết thoả ước đình chiến, trao trả toàn bộ tù binh. Tệ hơn nữa, trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng, chính Pháp vì thâm thù với Hoa kỳ, đã tận tình giúp đỡ cộng sản về ngoại giao, cho bọn Mặt trận có phòng thông tin, có đại diện tại Paris.

Cái đức nhân ái của Hồ ở đâu khi những người vì lý tưởng riêng, vì thi hành nghĩa vụ công dân của tổ quốc họ mà cầm súng chiến đấu lại bị giam giữ vô hạn kỳ sau khi hoà bình đã vãn hồi, khi những người này đã thực sự không còn là mối hiểm nguy của chế độ? Hitler bị lên án vì tàn ác, nhưng ông ta chỉ tàn ác đối với dân tộc khác. Còn Hồ, đối với cả người cùng nòi giống, tổ tiên!

Lịch sử Việt Nam đã ghi rằng: cha ông ta bao lần sau khi thắng quân Tàu đã cung cấp thuyền bè, lương thực cho họ hồi hương về với gia đình. Truyền thống nhân ái đó không giáo dục được Hồ. Cho nên Hồ thay vì cung cấp phương tiện, lương thực cho đối phương, đã cung cấp cho họ cuốc xẻng và hàng chục năm đày ải nơi những trại tù thâm sơn cùng cốc.

Năm 1990, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) quyết định hủy bỏ chương trình kỷ niệm Hồ, vì họ phát giác ra bộ mặt thật của Hồ chỉ là một tên đại bịp quốc tế, một con ác quỷ thuộc tầm cỡ Hitler, Stalin, một tên đại gian hùng mà đời đời sẽ nguyền rủa.

Đỗ Văn Phúc - Việt Nam Thời Báo 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025