Từ Nghị định 168 nhớ chiến lược chống Covid-19 và giải pháp cho Việt Nam

Từ Nghị định 168 nhớ chiến lược chống Covid-19
và giải pháp cho Việt Nam


Chánh Thành

Việt Nam đang thiếu những tổ chức đối lập có thể lãnh đạo người dân vượt qua kiếp nạn cộng sản.

Chỉ trong 11 ngày thực hiện nghị định 168, các thành phố lớn ở Việt Nam gần như tê liệt. Ngoài đường thì người dân bị kẹt cứng tại các giao lộ, với tâm lý hoang mang, sợ bị phạt. Trên mạng thì tràn ngập những chỉ trích liên quan tới các chính sách thượng tầng không phù hợp bối cảnh cơ sở hạ tầng. Nhiều người nói thẳng là những quan chức soạn nghị định đã không căn cứ vào đường xá giao thông và thu nhập của người dân, chỉ biết ngồi phòng lạnh rồi thông qua mức phạt nặng với lý luận “không vi phạm thì không sợ bị phạt”.

Kẹt xe sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ mà ai cũng biết, là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chuỗi cung ứng, tăng giá hàng hoá. Năm 2022 nhà nước CSVN thống kê rằng kẹt xe khiến TPHCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD mỗi năm, chiếm tới 9% GRDP (tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn thành phố này). Với nghị định mới thì có thể con số thiệt hại sẽ tăng phi mã.

Cũng có một số người bất đồng chính kiến lạc quan cho rằng nghị định 168 sẽ giúp dân tỉnh ngộ về chế độ cộng sản. Nhưng cần nhớ lại câu chuyện cách đây chỉ vừa 4 năm, hồi 2021, cả nước cũng từng rối loạn vì chính sách chống dịch (bằng cách phong tỏa và dùng kit Việt Á thọt mũi toàn dân) của đảng cộng sản dưới tay ông Trọng. Mấy chục ngàn người bỏ mạng, hệ lụy về sức khoẻ, kinh tế tới nay vẫn chưa hết. Thế nhưng 2024 người dân cả nước vẫn ca ngợi, biết ơn ông Nguyễn Phú Trọng như chưa từng có đợt phong tỏa kinh hoàng kia.

Nay phe ông Lâm thay phe ông Trọng, mới lên thì cũng đòi “tháo gỡ điểm nghẽn”, hùng hồn khí thế lắm. Nhưng mới mấy tháng là cả nước bị nghẽn dồn, từ nhiều điểm nghẽn thành một điểm nghẽn: toàn quốc kẹt xe. Tuy nhiên, với độ xảo trá và lươn lẹo của mình, có thể thời gian tới Tô Lâm sẽ chỉ đạo sửa đổi, hạ mức phạt hoặc đem một vài quan chức ra chịu trách nhiệm. Sau đó tung dư luận viên, ban tuyên giáo lại quay sang dẫn dắt dư luận phải biết ơn đảng, biết ơn Tô Lâm đã tài tình sáng suốt giải quyết vấn nạn…

Có thể thấy rằng sau khi chứng kiến nhiều chế độ độc tài sụp đổ, đảng cộng sản đã rút ra nhiều kinh nghiệm lịch sử và tinh ranh áp dụng tổng hợp mọi chiến lược để có thể cai trị xã hội trong bối cảnh mới. Từ chính sách tuyên truyền, độc quyền báo chí, dập tắt tiếng nói bất đồng; tới vuốt ve, xoa dịu tâm lý người dân bằng các chiến thắng nhỏ trong đá banh, hoặc phế bỏ một số lãnh đạo tham nhũng ở phe thất thế (để dân hả hê) nhưng thực chất là làm nền cho phe tham nhũng thắng thế.

Trong cuốn Từ Độc Tài Tới Dân Chủ của Gene Sharp thì tác giả có phân tích về những trường hợp tương tự Việt Nam ngày nay. Gene Sharp đã rút ra nhiều vấn đề từ việc quan sát về sự thành công và thất bại của các cuộc cách mạng dân chủ trong nửa sau thế kỷ 20. Có những nơi bị chế độ độc tài đàn áp tới mức người dân mất luôn ý chí kháng cự, chấp nhận bị áp bức chứ không dám vùng vẫy gì nữa hết. Nhưng tới khi có chín mùi của ba mặt chính trị, kinh tế, xã hội thì mọi thứ sẽ chuyển biến nhanh chóng.

Nhìn lại Việt Nam, hiện nay đảng chính trị duy nhất ở trong nước đang vô cùng chia rẽ chứ không còn đoàn kết như xưa. Kinh tế thì khủng hoảng trầm trọng, trong năm 2024 có 197.861 doanh nghiệp đóng cửa (mỗi ngày 542 công ty). Còn xã hội thì nhìn đâu cũng thấy thất nghiệp, bạo lực, lừa đảo, người dân mất niềm tin với nhau, mất niềm tin vào tương lai, và phải chịu muôn ngàn áp lực mỗi ngày.

Các điều kiện khách quan của một cuộc cách mạng đều hiển hiện trước mắt, nhưng vẫn còn thiếu vắng một thế lực đủ sức đứng ra dẫn dắt người dân đối thoại với đảng cầm quyền. Vẫn chưa thấy một tổ chức, hội nhóm, hay đảng phái đối lập nào có những tính toán lâu dài để từng bước thay đổi vận mệnh quốc gia. Nên nhớ, khi đã nói là vận mệnh quốc gia thì phải có chiến lược tổng thể, có kế hoạch từng bước rõ ràng. Thế lực đó phải kiên trì đi theo mục tiêu và lý tưởng dân chủ, phải thật sự vì dân mới có được lòng dân và phải đoàn kết (hoặc ít nhất là liên minh) được với những tổ chức có cùng mục tiêu dân chủ.

Chính vì thiếu lực lượng lãnh đạo đó, nên người dân không có sự lựa chọn, bởi vậy dù bị áp bức tới mức cùng cực thì người dân vẫn phải cam chịu. Nhìn xa hơn, từ những năm cuối thập niên 70, tới thập niên 90, người dân thà ăn bo bo, hoặc vượt biên, bỏ mạng trên biển chứ không dám vùng lên, vì không có tổ chức nào đủ năng lực dẫn dắt họ, không có sự lựa chọn nào khác ngoài đảng cộng sản.

Chánh Thành - Việt Nam Thời Báo


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025