Hành hung ngư dân Việt: Bắc Kinh ‘cảnh cáo’ Tô Lâm
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông leo thang giữa Mỹ – Philippines và Trung Quốc, ông Tô Lâm đang thể hiện sự kiềm chế trước cuộc gặp với Tổng Thống Biden và âm thầm bồi đắp đảo. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Mỹ và những phát ngôn được cho là cởi mở hơn với Mỹ của ông Tô Lâm, quan hệ Việt – Trung có dấu hiệu xấu đi nhanh chóng, thể hiện rõ qua thái độ của Bắc Kinh đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.
Những ngư dân Việt bị Tàu cộng hành hung . (Báo NLĐ) |
Sự việc leo thang tình hình Biển Đông chẳng khác gì một lời đe dọa cảnh cáo tiếp theo tới ông Tô Lâm sau khi lời cảnh cáo về lập trường ý thức hệ, và “tương lai chung” mà lãnh đạo Việt Nam đã cam kết cùng Trung Quốc xây dựng thông qua sự việc Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng đăng lại đăng lại video vu khống Đại học Fulbright là mầm mống cách mạng màu của Quốc Phòng TV.
Ba Đình sợ sệt
Cụ thể, ngày 29 Tháng Chín, lực lượng Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương và tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam trên tàu cá QNg 95739 TS (Quảng Ngãi) khi đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù sự việc nghiêm trọng, Bộ Ngoại Giao Việt Nam phải mất gần bốn ngày mới lên tiếng.
Điều đáng chú ý là trước đó, báo chí Việt Nam khi đưa tin về vụ tấn công đã né tránh việc nêu rõ “tàu nước ngoài” hay “tàu lạ” là tàu Trung Quốc, dù ngư dân khẳng định tàu tấn công treo cờ Trung Quốc và những kẻ tấn công nói tiếng Trung.
Ông Phùng Bá Vương, chủ tịch xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Ngày 29 Tháng Chín, tàu cá QNg-95739-TS đánh bắt hải sản hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa, đã bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 101 truy đuổi, và tiếp cận tàu bằng 3 ca nô, với khoảng hơn 30 người có trang bị hung khí. Khi tiếp cận được tàu cá, những người này lên tàu đánh đập dã man ngư dân, làm 4 người bị thương tích nặng, và lấy toàn bộ trang thiết bị trên tàu và hải sản ngư dân đánh bắt được.”
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) thậm chí đã phải gỡ bỏ bản tin ban đầu nêu rõ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam mà không có lời giải thích. Mặc dù vậy, một số báo chí nhà nước, vào trưa ngày 1 Tháng Mười, vẫn đưa tin phỏng vấn những nạn nhân, nhưng không đề cập đến quốc tịch của “tàu lạ.”
Báo Kinh Tế Đô Thị viết: “Khoảng 6 tấn hải sản của ngư dân đánh bắt được đã bị lấy đi, và hầu hết dụng cụ trên tàu bị đập phá. Nhóm người lạ hung hãn kia chỉ chừa lại một máy định vị, để các ngư dân quay về bờ. Tổng thiệt hại ban đầu ước chừng khoảng 300 triệu đồng.”
Chỉ sau khi bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, đưa ra tuyên bố chính thức, báo chí mới dám chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm. Theo một nhà báo trong nước, việc báo chí ban đầu né tránh nêu tên Trung Quốc, bao gồm cả việc TTXVN gỡ bỏ bản tin, là do lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Hà Nội nhu nhược
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, một dự án nghiên cứu độc lập tại Việt Nam, đã tổng hợp dữ liệu theo dõi tàu thuyền và phát hiện ra một sự thật đáng lo ngại. Bên cạnh vụ tấn công nghiêm trọng vào tàu QNg 95739 TS của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên được truyền thông Việt Nam đưa tin một cách hạn chế, còn ít nhất một vụ tấn công tàu cá Việt Nam khác xảy ra tại quần đảo Hoàng Sa trong ngày 29 Tháng Chín 2023 mà chính quyền Hà Nội dường như đã cố tình “ém nhẹm,” có lẽ vì lo sợ leo thang căng thẳng với thiên triều Bắc Kinh.
Khoảng 9-10 giờ sáng ngày 29 Tháng Chín 2023, tại khu vực Đá Chim Én thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên đã phải trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng. Hai tàu Trung Quốc mang số hiệu Chấp Pháp Tam Sa 301 và Chấp Pháp Tam Sa 101 đã rượt đuổi tàu cá Việt Nam như những con thú săn mồi suốt nhiều giờ liền.
Khi bị áp sát, khoảng 40 người Trung Quốc hung hãn đã tràn lên tàu cá Việt Nam, ra tay đánh đập dã man các ngư dân. “Chúng tôi vừa chạy thì chúng đánh từ đằng sau đánh tới, gặp đâu đánh đó. Chúng nhằm vào tôi là thuyền trưởng, hai thằng đánh vô lưng và vai làm tôi bất tỉnh. Trong khi tôi bất tỉnh nó đánh mấy anh em khác, một anh bị gãy tay là anh Huỳnh Tiến Công,” thuyền trưởng Biên đau đớn kể lại.
Không dừng lại ở đó, sau khi đánh thuyền trưởng Biên bất tỉnh và anh Công gãy tay, lực lượng Trung Quốc còn dồn các ngư dân Việt Nam lại, bắt quỳ xuống và dùng bạt che kín, che giấu hành vi tàn bạo của mình.
Vụ tấn công đã khiến 4 ngư dân Việt Nam bị thương, trong đó có người bị gãy tay. Toàn bộ máy móc, ngư cụ và vài tấn cá trên tàu bị cướp sạch. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 500-600 triệu đồng.
Vụ tấn công dã man vào tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên tại Đá Chim Én sáng 29 Tháng Chín 2023 chỉ là khởi đầu cho một ngày kinh hoàng trên biển Hoàng Sa. Chiều cùng ngày, một tàu cá khác của Việt Nam cũng trở thành nạn nhân của lực lượng Trung Quốc.
Lần này, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90659 TS do ông Võ Thành Tân làm chủ tàu đã bị tấn công tại vị trí cách Đá Chim Én hơn 22 hải lý. Theo Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, vụ việc xảy ra vào lúc 15 giờ. Toàn bộ ngư cụ và lượng cá đánh bắt được trên tàu cũng bị tàu Trung Quốc cướp đi. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 300 triệu đồng.
Trước đó, vào Tháng Tám 2024, tàu QNg 98852 TS do ông Nguyễn Quang Dự làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cũng bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 301 tấn công và lấy đi nhiều trang thiết bị và ba tấn hải sản, với tổng thiệt hại khoảng 143,5 triệu VNĐ.
Các vụ tấn công liên tiếp gần đây cho thấy sự leo thang đáng báo động trong hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngư dân Việt Nam đang phải đối mặt với nguy hiểm ngày càng tăng khi ra khơi đánh bắt tại chính vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong khi tiếng kêu cứu của họ dường như bị bỏ qua trong sự im lặng đáng sợ của chính quyền.
Không những rủi ro bị tàu Trung Quốc tấn công hay xua đuổi, sinh kế của hàng ngàn ngư dân ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng trước lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của Trung Quốc tại vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 trở lên, từ ngày 1 Tháng Năm đến 16 Tháng Tám hằng năm.
‘Tam Sa Chấp Pháp’-‘Mưu đồ vùng xám’ và tham vọng ‘tằm ăn dâu’ của Bắc Kinh
Đáng chú ý, trong vụ tấn công hết sức thô bạo vào tàu cá Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng các tàu “Tam Sa Chấp Pháp” thuộc Lực lượng Chấp pháp Tổng hợp Tam Sa, một lực lượng thực thi pháp luật địa phương, thay vì Hải Cảnh Trung Quốc. Mặc dù lực lượng này được biết đến là phối hợp chặt chẽ và có thể chịu sự điều hành của Hải cảnh, nhưng việc không có bằng chứng cho thấy Hải Cảnh trực tiếp tham gia vụ việc khiến nhiều người nghi ngờ đây là một mưu đồ vùng xám của Trung Quốc.
Cụ thể, Trung Quốc sử dụng lực lượng địa phương như “Tam Sa Chấp Pháp” như một “công cụ” để thực hiện các hành vi gây hấn một cách quyết liệt và tàn bạo mà không cần phải sử dụng đến lực lượng trung ương như Hải Cảnh. Bằng cách này, nếu bị quốc tế lên án, Trung Quốc có thể dễ dàng phủ nhận trách nhiệm, cho rằng đó là hành động tự phát của lực lượng địa phương, hoặc đổ lỗi cho “sự cố đáng tiếc” ngoài ý muốn.
“Mưu đồ vùng xám” này nằm trong tham vọng “tằm ăn dâu” lớn hơn của Trung Quốc tại Biển Đông. “Tằm ăn dâu,” tức là Trung Quốc dùng vũ lực và các thủ đoạn tinh vi để dần dần đẩy đuổi tàu cá của Việt Nam, Philippines và các nước khác ra khỏi vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền phi pháp. Bằng cách liên tục thực hiện các hành vi gây hấn nhỏ lẻ, Trung Quốc muốn biến những hành vi này thành điều “bình thường mới” và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới do Trung Quốc tạo ra.
Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng: Hải Cảnh đi đầu, tiếp đến là dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác, và cuối cùng là Hải quân đóng tại các căn cứ, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.
Sự việc xảy ra với hai tàu cá QNg 95739 TS và QNg 90659 TS chỉ là hai ví dụ mới nhất trong số hàng loạt vụ lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm hữu và kiểm soát thực địa từ hơn nửa thế kỷ qua.
Nhận xét
Đăng nhận xét