Trump Và Mộc Tồn Cẩu Sự

Trump Và Mộc Tồn Cẩu Sự

Donald Trump cố tình hay xảy miệng khi gắn di dân với ăn thịt chó. Ảnh mang tính minh họa, nguồn X

Nguyễn Thị Cỏ May

Ông Trump, ứng cử viên Tổng  thống đảng Cộng hòa, cáo buộc những người nhập cư ở Mỹ là những « người ăn thịt chó », nhơn dịp ông tới thành phố Springfield của bang Ohio, nơi có đông đảo người dân xứ Haiti định cư.

Ông Trump nói rõ là « ăn thịt chó », nói thẳng thừng, không hoa mỹ gì cả. Nhưng lại rất bình thường theo cách nói của ông xưa nay. Một nhà báo Anh để ý và theo dõi, ghi nhận, thì chưa bao giờ nghe được một câu nói lịch sự, lễ phép của ông  trước công chúng. Có lẽ chỉ nơi riêng tư, ông mới thì thầm, êm ái chăng?

Thật vậy, cũng thì « ăn thịt chó », người Việt Nam, giới bình dân, ít ăn học, chân lấm tay bùn, vẫn nói một cách văn chương bóng bảy «thịt cầy »«nai đồng quê». Và nơi bán thịt chó, lại có những tên hiệu đầy văn hóa ẩm thực như «Quán Cờ Tây »«Sống  trên đời»« Quán Mộc tồn”… Tuyệt nhiên không ai nói, không ở đâu có « ăn thịt chó » hết cả.

Nếu mai này, ông Trump đắc cử Tổng thống Huê kỳ, có qua thăm viếng Việt Nam, đồng nhiệm Tô Lâm sẽ mời ông đi « hạ cờ tây », chớ Tô Lâm sẽ không mời ông « ăn thịt chó » để ông thấy một dân dùi cui Hà nội vẫn nói năng lịch sự!

Nhưng khi cáo buộc người nhập cư ở Mỹ «ăn thịt chó», phải chăng ông Trump quên hẳn đi người Âu châu, như Đức, Thụy sĩ, Pháp đều ăn thịt chó cho tới gần đây, cuối những năm 1980, mới có lệnh cấm lò thịt làm thịt chó. Nghĩa là ăn thịt chó ở Âu châu vẫn còn lẻ tẻ nơi xóm làng hẻo lánh ở một vài nơi.

Vì khẩu vị, bổ dưỡng, giá rẻ

Khi ông Trump tố cáo di dân ở Mỹ là những người ăn thịt chó, nhà báo Thomas Mahler của AFP, hôm 16/09/24, lên tiếng nhắc ông đừng vội quên tổ phụ của ông, Cụ Frédérick Trump (tên gốc Friedrich Trumpf) là người Đức, năm 1885, từ Palatinat-Rhénanie, vùng Tây-Nam nước Đức, cũng di dân qua Mỹ và nhập cư ở New-York.

Nhơn buổi tranh luận với Kamala Harris hôm 10 tháng 9, ông Trump nói di dân Haiti ăn thịt chó để nêu lên sự khác biệt rõ về trình độ văn minh giữa người Mỹ da trắng  và người nhập cư.

Ngày nay, ở Mỹ, ăn thịt chó là điều cấm kỵ, cả về tập quán xã hội và luật pháp quốc gia. Vì ăn thịt chó, mèo, loài thú vốn là bạn chí thân với người, đồng nghĩa với ăn thịt người (Cannibale).

Xưa nay, Việt nam, Tàu, Đại hàn, vài nơi ở Phi châu vẫn chưa phải độc quyền về món « cầy tơ» .

Thật vậy, cách nay không mấy lâu, ở ngay Âu châu, nơi văn minh la-hi sáng chói, việc bỏ con chó vào nồi hoàn toàn không có điều gì là xấu hổ, là phạm tội hết cả. Điều khá khôi hài là ở nguyên quán của ông Trump, nước Đức, suốt thời gian dài, người dân mê thịt chó, mãi cho tới những năm 1980, chính xác là năm 1986, mới có lệnh chánh thức cấm giết chó làm thịt .

Trước đó, chó được làm thịt trong những lò thịt do Nhà nước kiểm soát (Báo Der Spiegel, Thomas Mahler trích dẫn) .

Thịt chó cho nhiều chất đạm mà giá lại rẻ, chỉ bắng 1/3 giá thịt bò.  Ăn thịt chó, chọn mua thịt chó, không ai thấy mà lấy làm khó chịu hay tỏ ra coi thường. Từ cuối hạ bán thế kỷ XIX, gian hàng bày bán thịt chó nở rộ ở khắp nước Đức, Thụy sĩ, Pháp, …

Ở Pháp, cửa hàng thịt chó gần như ở khắp nơi . Nhà thơ Guillaume Apolinaire, trong bài thơ « Rượu », năm 1913, đã viết:

«Vài người đã rời chúng ta,

Trước một một cửa hàng thịt chó,

Để mua cho bữa ăn tối »

Ngoài giá rẻ, bổ dưởng và khẩu vị, từ nhiều thế kỷ qua, người ta còn tin tưởng ở đặc tánh y dược của mỡ chó, như có khả năng chữa trị bịnh về đường hô hấp. Riêng Việt nam, thì « chó liền da, gà liền xương » nên ở nhà quê, ngày xưa, ai bị trật khớp, gẫy xương, mấy ông thầy Đông y lấy gà ác giả nhỏ, gói trong khăn vải, bó chỗ gãy. Bị thương tích nhẹ, lấy chút mở chó bôi cho mau lành.

Trong giới mê thịt chó ở Đức, đừng quên có cả Hitler. Năm 1933, ông chánh thức đưa chó vào danh sách loài vật được quyền làm thịt ở lò thịt dưới sự kiểm soát của chánh phủ.

«Chó-Nóng» của người Mỹ

Ngày nay, ăn thịt chó bị đồng hóa ngay với kẻ dã man. Hoàng tử  Henrik của Đan mạch (mất năm 2018), phu quân của công chúa Margrethe II, là người vốn mê thịt chó hơn ai hết. Ông bị bêu riếu, sỉ vả tơi bời khi ông tự khai ra là ông đã từng ăn thịt chó và ông ngợi khen thịt chó ngon như thịt bê.

Ở Đại hàn, Quốc hội hồi đầu năm nay, đã biểu quyết chấp thuận luật cấm bán thịt chó với đa số tuyệt đối và luật sẽ được áp dụng vào năm 2027 do sự vận động  của bà Kim Keon-hee, người nhiệt tình bênh vực loài vật gần gủi với con người.

Còn 2 năm nữa, dân Hàn quốc sẽ mất món « boshintang », thứ « ragout cờ tây » mà ai cũng mê và ghiền.

Riêng ở Thụy sĩ ngày nay, trong những làng quê, việc ăn thịt chó vẫn còn thịnh hành một cách riêng tư và kín đáo. Năm 2014, một hội bảo vệ súc vật cho biết hiện nay có 3% người Thụy sĩ vẫn còn giữ tập quán ăn thịt chó, họ ăn lén, không vì nhu cầu thịt mà vì khẩu vị yêu chuộng.   

Thịt chó được làm xúc-xíc, mỡ chó dùng chữa phong thấp (rhumatismes) .

Ở Đức, vùng nguyên quán của ông Trump, từ cuối thế kỷ XIX, thứ xúc-xíc có tên gọi « Frankfurter », rất phổ biến và sớm theo chân phong trào di dân từ cảng Hambourg hoặc Brême qua Mỹ . Xúc-xíx « Frankfurter » vì ở Đức làm bằng thịt chó nên khi qua tới Mỹ được gọi theo tiếng  anh là « Dog » . Từ đây, tiếng « chó » (dog) mặc nhiên trở thành đồng nghĩa với « xúc-xíc » và thông dụng từ năm 1886.

Khi có xúc-xíc (dog), thợ bánh mì Charles Feltman gốc ở Hanoover, Thành phố Tây-Bắc Đức, định cư ở Coney Island, có sáng kiến làm thứ bánh mì nhỏ và dài, kẹp xúc-xíc để người ăn cầm không « nóng » tay, giá bán rẻ. Món bánh mì kẹp xúc-xíc này rất phổ biến ở những trận banh. Từ đó có món « Hot-Dog », tiền bối của fast-foods ngày nay.

Năm 1913, Phòng Thương mại của New-York ra lệnh cấm gọi món «bánh mì kẹp xúc-xíc» là « Hot-Dog » để mọi người không thấy tên một món ăn đầy phản cảm lại nhan nhản trên các quảng cáo nhưng đã không làm được. Trái lại Hot-Dog mặc nhiên đi vào danh sách những món ngon vật lạ của ẩm thực Huê kỳ.

Thậm chí, năm 1939, « Chó-Nóng » lại chễm chệ trên  thực đơn pique-nique của Tổng  thống Roosevelt tổ chức tại New York đãi vua George VI của Anh. Và bữa pique-nique hôm ấy, với món « Chó-Nóng » của Tổng thống Roosevelt, trở thành một kỷ niệm mà vua Anh không bao giờ quên .

Chó sủa từ Đông phương

Thú ăn thịt chó có ở Âu châu từ thế kỷ XIX trong lúc đó ở Tàu, như ở Tô châu, Cát lâm, đã có từ hơn hai ngàn năm trước .

Riêng tại Cát Lâm có câu tục ngữ “Cẩu nhục bằng hữu”.

Ở đây, có Lưu Bang (202 -195 trước Tây lịch) là người sáng lập nhà Hán, dưới danh hiệu Hán Cao Tổ . Lúc còn thanh niên, Lưu Bang là một thanh niên không chịu làm việc, tuy con nhà nghèo, chỉ ham ăn nhậu, lêu lổng chơi bời hết chỗ này tới chỗ khác.

Một hôm Lưu Bang tới đất Bái, gặp một người mặt đen đang lớn tiếng rao bán thịt chó, nhưng rao hoài mà không có ai mua. Đúng lúc Lưu Bang trong bụng cũng đang đói cồn cào, lại ngửi mùi thịt chó thơm ngon không chịu nổi, mà trong túi lại không tiền. Nhưng quen thói lêu lổng nên không ngần ngại, đòi mua hai cân, rồi đứng ngay trước hàng thịt vừa gậm vừa nhai ngồm ngoàm, miệng lớn tiếng khen “Ngon quá! Ngon quá! Đã quá ta!”.

Người đi chợ thấy Lưu Bang đứng ăn ngon lành, còn lớn tiếng khen ngon không ngớt nên cũng bước tới chọn mua thử. Chỉ ít lâu, hàng thịt chó bán hết sạch.

Người bán hàng vui mừng, không đòi tiền hai cân thịt của Lưu Bang mua. Còn Lưu Bang, theo thói quen cố hũu, lại không hề thăc mắc. Lưu chỉ hỏi tên họ của người bán thịt chó cho biết.

Đó là Phàn Khoái, người đất Bái.

Từ đây Lưu Bang và Phàn Khoái trở thành đôi bạn thân. Và người đời thường nhắc nhở câu chuyện “Cẩu nhục bằng hữu”.

Mới thấy nền văn hoá thịt chó là phát xuất từ bên Tàu, từ hơn 2000 năm trước. Cát lâm lại nằm sát biên giới Triều tiên nên Nam-hàn cho tới năm 2027 mới bị cấm ăn thịt chó .

Trong lúc đó, không nghe nói chuyện Bắc hàn ăn thịt chó như thế nào? Có ăn hay không? Hay Bắc hàn không ăn thịt chó vì không có chó!

Ở Sài gòn, sau 30/04/75, chó đã có từ trước, nay không dám sủa. Giám mục Paul-Léo Seitz có viết cuốn sách “Thời chó câm” (Le Temps des chiens muets – nhà Flammarion xuất bản ở Paris, 1977), nhưng sau đó chỉ ít lâu, sách của ông bị thu hồi do Vatican vì muốn tránh đụng chạm với Hà nội (Nay có bán trên internet) .

Nguyễn Thị Cỏ May

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025