Trump: Tâm thần và y đức
Vấn đề sức khoẻ tâm thần của ông Trump đã được nêu ra từ 2016.
Năm 2018, ông ấy đi làm cái test nhận thức Montreal (MoCA). Kết quả 100% khoẻ mạnh.
Năm nay, lại rộ tin ông ấy mắc bệnh tâm thần.
Vài người trong giới báo chí tiếng Việt ghét Trump cho rằng ông ấy mắc bệnh tâm thần.
Nhưng cái nguồn của thông tin này là một vấn đề.
Đó là vấn đề nguồn và kĩ năng đánh giá thông tin y khoa.
Có một 'tổ chức' mệnh danh là “World Mental Health Coalition”, tạm dịch: Liên Minh Sức Khoẻ Tâm Thần Thế Giới. Sẽ gọi tắt là 'WMHC'.
Chữ 'tổ chức' trong ngoặc kép có lí do. WMHC không phải là một tổ chức y khoa chánh thống. Họ chẳng đại diện cho một chuyên ngành nào. Họ là một nhóm rất nhỏ.
Nói đúng ra, họ là một nhóm 'activist' có sứ mạng.
Sứ mạng của nhóm là đánh hạ ông Donald Trump. Một sứ mạng cụ thể là "Donald Trump must be convicted" (Donald Trump phải bị buộc tội).
Năm 2019, nhóm này tự xuất bản một cuốn sách nhan đề "The Dangerous Case of Donald Trump".
Nội dung là những bài viết của hơn 20 chuyên gia cho rằng ông Trump mắc bệnh tâm thần, không đủ năng lực làm tổng thống.
Họ cho rằng ông Trump mắc chứng hoang tưởng (delusional disorder).
Họ cho rằng ông Trump mắc chứng khoái lạc (dedonist).
Họ đoán rằng từ tuổi 13 ông ấy không còn trưởng thành về xúc cảm.
Họ cho rằng ông Trump mắc chứng ái kỉ (narcissism). Họ ghi thêm rằng đa số tổng thống và chánh trị gia mắc hội chứng này.
Họ cho rằng ông Trump mắc chứng vĩ cuồng (grandiose).
Họ cho rằng ông Trump mắc chứng du côn (bully).
Họ cho rằng ông Trump mắc bệnh vô nhân cách (sociopath).
Vân vân.
Nhưng chúng ta có thể tin vào các chẩn đoán trên?
Câu hỏi quan trọng, rất quan trọng là: các chuyên gia này dựa vào đâu mà đi đến những chẩn đoán ghê gớm đó?
Trước khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ phải trực tiếp khám bệnh nhân, nói chuyện với bệnh nhân, làm xét nghiệm, và thu thập & phân tích thông tin.
Trong thực tế, các chuyên gia này không hề khám sức khoẻ ông Trump.
Họ chưa bao giờ tiếp xúc ông ấy.
Họ chưa bao giờ nói chuyện với ông ấy.
Họ dĩ nhiên chẳng bao giờ có dịp làm xét nghiệm ông ấy.
Họ chỉ đọc những phát ngôn của ông Trump. Họ chỉ xem qua những hành vi của ông ấy. Rồi họ đưa ra chẩn đoán hay phán xét.
Ông bà chúng ta có câu "Người mù sờ voi". Họ chính là những kẻ mù có bằng cấp và danh hiệu.
Người chủ biên cuốn sách và cũng là đứng đầu nhóm WMHC là cô Bandy Lee. Cô Lee là một bác sĩ tâm thần pháp lí (forensic psychiatrist).
Cô ấy từng là một 'Voluntary Assistant Clinical Professor'. Trong khoa bảng, chức danh này có nghĩa là cô ấy là một giáo sư trợ lí, hệ kiêm nhiệm (tức không chánh thức), và cô ấy tình nguyện (không qua bổ nhiệm và không có lương).
Cô Lee từng tweet rằng luật sư Alan Dershowitz (luật sư của ông Trump) và ông Trump có thể bị chứng rối loạn tâm thần (psychosis).
Ông Dershowitz viết thư cho ĐH Yale và nêu vấn đề rằng cô Lee đã vi phạm y đức. Tuy nhiên, ông không yêu cầu Yale sa thải cô ấy.
Nhưng ĐH Yale đã sa thải BS Lee!
Tại sao sa thải? Vì cô ấy vi phạm Nguyên tắc Y đức có tên là "Goldwater Rule" trong chuyên ngành tâm thần học.
Theo Nguyên tắc Goldwater (do BS Barry Goldwater đề xướng), bác sĩ tâm thần không đưa ra ý kiến chuyên môn về một cá nhân nếu chưa khám bệnh cho cá nhân đó, hoặc chưa được phép của cá nhân đó.
Khi BS Lee đưa ra chẩn đoán bệnh tâm thần đối với ông Dershowitz và Trump (và nhiều người khác), mà chưa bao giờ khám bệnh cho họ, tức là Lee đã vi phạm y đức.
Theo ĐH Yale, BS Lee đã vi phạm y đức Goldwater nhiều lần, chứ không phải chỉ trường hợp ông Dershowitz và Trump. Đó chính là lí do cô ấy bị sa thải.
Cô Lee phản ứng bằng cách kiện ĐH Yale ra toà. Tuy nhiên, Lee thua kiện.
Quay lại bài báo tiếng Việt chẩn đoán rằng ông Trump bị bệnh tâm thần. Đó không chỉ là một cáo buộc, mà còn là một cách làm nhục, bác bỏ những quan điểm của ông ấy.
Vấn đề là bài báo dùng thông tin y khoa nhưng không biết đánh giá nguồn và thông tin.
Có vẻ người viết tin vào nhóm WMHC như là 'tiêu chuẩn vàng'.
Đó là một sai lầm.
Sai lầm này tiếp tay lan truyền cho những 'fake news'.
Ông Trump có mắc bệnh tâm thần? Chúng ta không biết.
Nhưng (với tôi) một số hành vi của ông ấy có vẻ khác thường.
Hành vi (behavior) và bệnh (disease) khác nhau.
Nhiều khi lòng thù hận và oán ghét làm cho cái nhìn của người ta bị lu mờ.
Người phương Tây có câu "We do not see things as they are; we see them as we are."
Câu đó có thể hiểu như vầy: khi bạn phán xét sự việc, bạn không định nghĩa sự việc, mà bạn định nghĩa chính mình.
———
Muốn biết tình hình sức khoẻ của ông Trump, có thể đọc từ nguồn ‘chánh thống’ như sau:
Nhận xét
Đăng nhận xét