Lựa chọn nhà thầu cáp quang biển Trung Quốc - Bài toán của sự đánh đổi
Lựa chọn nhà thầu cáp quang biển Trung Quốc -
Bài toán của sự đánh đổi
Sonnie Tran
Việt Nam đang ưu tiên triển khai dự án lắp đặt 10 tuyến cáp (quang) biển mới từ nay đến năm 2030, nhằm thay thế 5 tuyến cáp cũ đã xuống cấp và thường xuyên gặp sự cố, ảnh hưởng đến kết nối internet toàn cầu.
Tuy nhiên, việc HMN Technologies – một công ty Trung Quốc non trẻ – được cho là có khả năng trúng thầu đang gây ra nhiều tranh cãi.
Thành lập năm 2008, HMN Technologies được xem là “tân binh” trong lĩnh vực cáp biển, nếu so sánh với các “ông lớn” lâu đời như SubCom (Mỹ), NEC (Nhật Bản) và Alcatel Submarine (Pháp). Theo thông tin trên trang web công ty, hoạt động của HMN Technologies chủ yếu tập trung vào các tuyến cáp biển ngắn.
Điểm đáng chú ý là HMN Technologies bị Mỹ cáo buộc có liên hệ với Huawei, mặc dù công ty này khẳng định là một đơn vị độc lập. The Economist cho biết, HMN Technologies tiền thân có tên là Huawei Marine Networks, và cả hai đều đang nằm trong danh sách đen của Washington vì lo ngại an ninh quốc gia, một cáo buộc mà Huawei phủ nhận.
Năm 2022, HMN Technologies từng trúng thầu dự án cáp biển dài gần 20,000 km, kết nối 12 quốc gia từ Pháp đến Singapore với giá trị $500 triệu. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã can thiệp, khiến HMN Technologies bị loại và SubCom giành được hợp đồng với giá $600 triệu.
Theo Reuters, các nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho rằng việc lựa chọn nhà thầu non trẻ cho dự án cáp biển – tuyến đường truyền tải phần lớn dữ liệu toàn cầu – trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung đang leo thang là một lựa chọn tồi.
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng công nghệ ở Nam Trung Hải
Giống như trên Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoa Kỳ xem Việt Nam là đối tác tiềm năng, cần được “vun đắp” và “thu hút”. Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đã đến thăm Việt Nam trong năm ngoái, mở đường cho những khoản đầu tư lớn từ cả hai phía.
Trung Quốc với chiến lược tập trung thúc đẩy đầu tư hạ tầng với Việt Nam thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của chủ tịch Tập Cận Bình, với các dự án tiêu biểu như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, metro ở Hà Nội, đường ray kết nối Việt Nam – Trung Quốc, dự án cáp điện biển Côn Đảo và nay là thúc đẩy tuyến cáp biển internet, được xem là một phần của “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” – một trong ba trụ cột chính của sáng kiến này, thông qua công ty HMN Technologies.
Về phía Hoa Kỳ, quốc gia này muốn tạo dựng ảnh hưởng thông qua sức mạnh của các tập đoàn công nghệ. Washington không muốn lép vế trước Bắc Kinh trong bất kỳ lĩnh vực nào của hạ tầng công nghệ, từ cáp ngầm, 5G cho đến nền tảng mạng xã hội. Chính phủ Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận liên ngành, huy động sự phối hợp của nhiều cơ quan để đảm bảo vị thế dẫn đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu và Việt Nam.
Minh chứng rõ nét cho nỗ lực gây ảnh hưởng thông qua công nghệ với Việt Nam là việc, gần đây, cố Tổng Bí Thư – Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng từng gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Meta, Amazon,… nhân dịp tham dự Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York để kêu gọi hợp tác đầu tư. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển ngành sản xuất chip, vi mạch, hạ tầng và an ninh mạng trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trong bối cảnh đó, Reuters cho biết, từ đầu năm 2024, giới chức và doanh nghiệp Mỹ đã tổ chức gần chục cuộc họp với các đối tác Việt Nam và quốc tế, nhằm thuyết phục Hà Nội loại HMN Tech khỏi chiến lược phát triển cáp biển của mình.
Việc Hà Nội lựa chọn HMN Technologies hay không có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ, chủ yếu được cho là xuất phát từ hai động lực chính: an ninh quốc gia và thương mại.
Thứ nhất, về an ninh quốc gia: Mỹ lo ngại việc sử dụng cáp biển do công ty Trung Quốc lắp đặt có thể tạo ra lỗ hổng bảo mật, khiến thông tin liên lạc của các công ty, tổ chức Mỹ, đặc biệt là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng tại Việt Nam, gặp nguy cơ bị xâm nhập. Điều này có thể dẫn đến việc hợp tác quốc phòng Mỹ – Việt bị hạn chế do các quy định của chính phủ Mỹ.
Thứ hai, về thương mại: HMN Technologies có thể đưa ra mức giá thấp hơn so với các đối thủ Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Nếu HMN Technologies trúng thầu, đây sẽ là một “chiến thắng” cho “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” của Trung Quốc, đồng thời gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ đang muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngược lại, nếu lựa chọn nhà thầu khác, Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Mỹ và thu hút đầu tư lớn cũng như khả năng đào tạo nhân lực công nghệ cao từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu của quốc gia này. Việc Google quyết định đầu tư trung tâm dữ liệu tại Malaysia và Thái Lan thay vì Việt Nam là một ví dụ cho thấy Việt Nam có thể bỏ lỡ những cơ hội lớn.
Có thể thấy rằng, nỗ lực của Washington nhằm thuyết phục Ba Đình không lựa chọn nhà thầu Trung Quốc cho dự án cáp biển, cùng với những áp lực mà Mỹ đang tạo ra đối với các nước Đông Nam Á, cho thấy rõ cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ – Trung tại khu vực này, đặc biệt là tại các quốc gia chủ chốt như Việt Nam. Quyết định lựa chọn nhà thầu cáp biển của Hà Nội không chỉ sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai kỹ thuật số và mối quan hệ của nước này với cả hai siêu cường, mà còn định hình hạ tầng internet và tác động đến bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn trong khu vực.
Nhận xét
Đăng nhận xét