Chủ nghĩa dân tộc trực tuyến ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào?

Chủ nghĩa dân tộc trực tuyến ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào?
 
Tác giả: Tessa Wong và Fan Wang
Trong một buổi sáng thứ Ba của tháng Chín, một cậu bé 10 tuổi chuẩn bị bước qua cổng một trường học Nhật Bản ở Thâm Quyến thì bị một người lạ tiếp cận và dùng dao đâm.
Cậu bé đã chết do bị thương nặng. Vụ giết người này đã gây chấn động cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc, làm bùng phát một làn sóng phản đối ngoại giao.
Chính phủ Nhật Bản nói rằng những gì đã xảy ra là do tệ bài ngoại. Ngoại trưởng Nhật Bản nói các bài đăng trên mạng xã hội có nội dung "ác ý và bài Nhật" đã dẫn tới vụ tấn công.
Các bình luận viên trực tuyến chỉ ra rằng vụ sát hại diễn ra vào thời điểm có tính nhạy cảm chính trị - ngày 18/9, là ngày kỷ niệm một sự kiện dẫn tới việc Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu của Trung Quốc vào đầu những năm 1930.
Đối với một vài người, vụ việc lần này là một tín hiệu của việc chủ nghĩa dân tộc trên mạng – biểu hiện qua các luận điệu bài trừ người nước ngoài ngày càng tăng trong những năm qua – đang len lỏi vào thế giới thực.
Hàng năm qua, các bài đăng liên quan tới các sự kiện thời Thế chiến II luôn lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng ở Trung Quốc, trong đó, sự xâm lược của Nhật Bản trong cuộc chiến này vẫn là một chủ đề nhạy cảm đối với những người dân tộc chủ nghĩa ở cả hai quốc gia.
Ở Trung Quốc, tội ác chiến tranh của Nhật Bản lâu nay vẫn là một vấn đề nhức nhối khi mà Bắc Kinh giữ vững quan điểm rằng Tokyo chưa bao giờ xin lỗi một cách đầy đủ.
Các bài đăng trên mạng là một phần của một hiện tượng lớn hơn, bao gồm tâm lý bài ngoại và những cuộc tấn công nhằm vào những công dân Trung Quốc với lý do là có biểu hiện không yêu nước.
Các nhà phân tích cho rằng chủ nghĩa dân tộc kỹ thuật số này đa phần không chịu sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, trong bối cảnh lòng yêu nước trực tuyến này tiếp tục hun đúc tâm lý chống người nước ngoài cũng như những lời cáo buộc nhằm vào các nhân vật người Trung Quốc.
Chủ nghĩa dân tộc trực tuyến có thể được thể hiện qua hình thức công kích bài ngoại hoặc những lời cáo buộc không yêu nước
Một số người đang băn khoăn liệu có phải mọi thứ đã đi quá xa.
Họ gọi những cuộc tấn công trực tuyến cáo buộc những người Trung Quốc nổi tiếng không yêu nước là “Cách mạng Văn hóa 2.0” – phong trào vận động mới nhất nằm trong một chuỗi vận động nhằm đảm bảo sự thuần khiết ý thức hệ.
Họ nhận thấy âm hưởng vang vọng của những chiến dịch bạo lực do nhà nước tài trợ nhằm vào những đối tượng được gọi là kẻ thù của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), vốn đã gây ra thương tổn cho đất nước này vào những năm 1960 và 1970.
Những cuộc thanh trừng, thường do lực lượng thanh niên được gọi là Hồng vệ binh dẫn dắt, đã gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người.
Người thân và láng giềng chĩa mũi dùi vào nhau.
Trong một bài luận gần đây, nhà văn và giáo sư đại học Trương Sinh (张生) viết rằng "trong quá khứ, người ta tập hợp Hồng vệ binh, bây giờ người ta tập hợp tiểu phấn hồng’” – một biệt danh phổ biến dùng để chỉ đội quân chủ nghĩa dân tộc trên mạng.
Những bài viết bài ngoại
Dù nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc bày tỏ thương cảm cho cái chết của cậu bé người Nhật Bản, một số người dân tộc chủ nghĩa trên mạng lại có giọng điệu hoàn toàn khác.
“Tôi không có ý kiến gì về việc người Nhật chết nếu họ không xin lỗi về quá khứ,” một bình luận được nhiều người thích trên mạng Weibo nêu.
Một bình luận khác nói rằng người Nhật đã giết rất nhiều người Trung Quốc trong Thế chiến II “và tới bây giờ vẫn chưa chịu xin lỗi. Sao những kẻ như vậy có thể được coi là có văn minh được nhỉ?”
Một quan chức Trung Quốc được cho là đã gửi tin nhắn trong một nhóm kín rằng “việc giết chết một đứa trẻ người Nhật chẳng có gì to tát” và “quy định của chúng ta xác định phải giết người Nhật”.
Người đàn ông này sau đó đã bị điều tra, theo hãng truyền thông địa phương Phượng Hoàng (Phoenix News).
Trong khi các quan chức Nhật Bản yêu cầu phải có câu trả lời về tội ác “ghê tởm” này, Bắc Kinh đang tìm cách làm nhẹ tính nghiêm trọng của sự việc bằng cách kiểm duyệt nghiêm ngặt các cuộc thảo luận trực tuyến về vụ việc, đồng thời gọi vụ việc lần này là một "trường hợp đơn lẻ, ngẫu nhiên" và là "sự cố cá biệt".
Nhưng đây đã là vụ tấn công người nước ngoài nghiêm trọng thứ ba xảy ra trong vài tháng gần đây, tất cả đều được Trung Quốc gọi là “sự cố cá biệt”.
Vào tháng Sáu, một người phụ nữ Nhật Bản và con trai đã bị tấn công tại một trạm xe buýt gần một trường học Nhật Bản, một người phụ nữ Trung Quốc đã thiệt mạng khi cố che chắn cho hai người này.
Chỉ vài tuần trước đó, bốn trợ giảng của một trường đại học Mỹ đã bị đâm tại một công viên ở Cát Lâm, Trung Quốc.
Dù động cơ chưa rõ ràng, các vụ việc này đã khiến dư luận xôn xao, lo rằng nguyên nhân có thể liên quan tới luận điệu bài ngoại trên mạng.
Các chiến dịch trực tuyến
Không chỉ người nước ngoài mới phải hứng chịu sự phẫn nộ của những người dân tộc chủ nghĩa trên mạng.
Trong những tháng gần đây, các nhân vật của công chúng và doanh nghiệp Trung Quốc cũng hứng chịu chỉ trích khi bị cho rằng yêu nước không đủ nhiều.
Nông Phu Sơn Tuyền (Nongfu Spring), công ty nước giải khát khổng lồ ở Trung Quốc, được coi là một ví dụ điển hình cho sự thành công, với việc nước khoáng đóng chai của hãng xuất hiện tại khắp các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng trên toàn quốc.
Nhưng vào tháng Ba, những người dân tộc chủ nghĩa đã cáo buộc công ty này có sử dụng các yếu tố Nhật Bản trong thiết kế sản phẩm.
Một trong những biểu trưng của công ty được cho là có hơi hướng của một ngôi đền Thần đạo, còn chiếc nắp chai màu đỏ đặc trưng thì bị coi là một sự gợi nhắc đến quốc kỳ Nhật Bản.
Từ đó đã dẫn tới một chiến dịch trực tuyến ngắn nhưng dữ dội: một số người kêu gọi tẩy chay, trong khi những video quay cảnh người ta dẫm nát chai nước của Nongfu Spring hoặc đổ nước trong chai trực tiếp xuống bồn cầu thì tràn lan trên mạng xã hội.
Vào tháng Ba, những người dân tộc chủ nghĩa đã cáo buộc Nông Phu Sơn Tuyền có sử dụng các yếu tố Nhật Bản trong thiết kế sản phẩm
Tương tự, một blogger dân tộc chủ nghĩa cáo buộc nhà văn Trung Quốc từng được trao giải Nobel Văn chương Mạc Ngôn đã “tô đẹp” cho binh lính Nhật Bản và thể hiện tinh thần không yêu nước trong các tác phẩm của ông.
Trong một động thái gây tranh cãi, blogger này đã kiện nhà văn vì cho rằng ông xúc phạm Trung Quốc.
Những hành động kiểu này đã gây ra lo ngại sâu sắc.
Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập tờ báo nhà nước Hoàn cầu Thời báo, từng cảnh báo rằng các cuộc tấn công có tính dân tộc chủ nghĩa nhằm vào những người có óc sáng tạo như Mạc Ngôn sẽ tạo ra hội chứng ớn lạnh.
Vu Kiến Vanh, một trí thức thẳng tính theo chủ nghĩa tự do, đã nói rằng những vụ tấn công người nước ngoài bằng dao gần đây được thúc đẩy bởi “các xu hướng dân túy nguy hiểm, thứ mà mọi người cần phải cảnh giác cao độ”.
Ngay cả truyền thông nhà nước cũng đã cáo buộc những người dân tộc chủ nghĩa trên mạng đã “kinh doanh lòng yêu nước”.
Một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cho rằng những người “khuấy động dư luận và đổ thêm dầu vào lửa để… tăng lượng truy cập và trục lợi cá nhân cần phải bị trừng phạt thích đáng.”
Nhưng có vài người cho rằng chính CCP cũng đã góp phần thổi bùng ngọn lửa.
Ai là người đốt lửa?
“Chủ nghĩa yêu nước do nhà nước hậu thuẫn” và những lời cảnh báo liên tục của Bắc Kinh về những ảnh hưởng của ngoại bang đã góp phần nuôi lớn “chủ nghĩa dân tộc bạo liệt” hiện nay, theo bà Rose Luqiu (Lư Khâu Lộ Vy), phó giáo sư tại trường truyền thông của Đại học Baptist Hong Kong.
Theo bà, rủi ro pháp lý khi bị coi là không yêu nước đã khiến mọi việc trở nên trầm trọng hơn.
Chính quyền Trung Quốc đã hình sự hóa hành vi “bóp méo và bôi nhọ [hình tượng] anh hùng và liệt sĩ” – điều đã được sử dụng trong vụ kiện tác giả Mạc Ngôn.
Họ cũng đã thông qua một luật chống gián điệp có phạm vi điều chỉnh bao trùm và phát động một chiến dịch khuyến khích người dân trình báo hoạt động đáng ngờ của người nước ngoài.
Để chính danh hóa sự cai trị của mình, chính quyền Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực củng cố lòng yêu nước tại các trường học. Từ khi còn bé, trẻ con Trung Quốc được dạy không chỉ yêu nước mà còn phải yêu cả Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong khi đó, sự gia tăng của Chủ nghĩa bài Trung Quốc khắp thế giới trong thời kỳ đại dịch Covid và tâm lý ngờ vực Trung Quốc gia tăng ở phương Tây do căng thẳng thương mại đã khiến một số người Trung Quốc thấy rằng đất nước của họ đang chịu sự đối xử bất công của người nước ngoài.
Nền kinh tế chững lại của Trung Quốc và tình trạng bất ổn xã hội lan rộng cũng có tác động.
“Nhiều người ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những nỗi lo kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Lạm phát, khủng hoảng nhà ở, thất nghiệp ở giới trẻ, và sự bốc hơi của những khoản tiền hưu trí đều khiến mọi người thấy bất an.”
“Chủ nghĩa dân tộc là khuôn mẫu sẵn có và hiệu quả để giải tỏa những ẩn ức trong lòng,” Florian Schneider, chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trực tuyến tại Đại học Leiden, nói.
Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến việc các blogger dân tộc chủ nghĩa trở nên nổi bật trên internet ở Trung Quốc trong vài năm qua.
Những người có ảnh hưởng trên mạng có thể thu hút hàng triệu người theo dõi – và kiếm tiền từ lượng truy cập – bằng việc sản xuất hàng loạt những nội dung thể hiện lòng yêu nước, ca ngợi phẩm chất Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời lên án kẻ thù của họ.
Dù thường mang danh nghĩa nhiệt huyết cách mạng cánh tả, những điều họ làm thực chất lại giống hành động của phe cực hữu ở các quốc gia khác - những người dẫn dắt các phong trào bài ngoại và phản động, Giáo sư Schneider nói với BBC.
Khi "những người dân túy đang tìm cách để làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”, họ "nuôi dưỡng hy vọng đưa xã hội quay trở lại một quá khứ huy hoàng trong trí tưởng tượng và coi tất cả tầng lớp tinh hoa và thế lực ngoại bang là chướng ngại vật của mục tiêu này".
Sự cân bằng đầy rủi ro
Đôi khi, giới chức có vẻ có để tâm tới những mối quan ngại.
Vào tháng Bảy, sau khi bị công chúng phản đối, chính quyền Trung Quốc đã lặng lẽ hủy bỏ một sửa đổi gây tranh cãi trong một luật an ninh quốc gia.
Họ thừa nhận rằng một điều khoản đề xuất cấm “làm tổn thương cảm xúc của người Trung Quốc" có thể "xâm phạm các quyền hợp pháp và cuộc sống bình thường của công chúng".
Các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đã tìm cách hạn chế những người dân tộc chủ nghĩa trực tuyến bằng cách tạm thời đình chỉ tài khoản của họ.
Những người theo dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng như Sima Nan và Guyanmuchan đã bị kiểm duyệt mà không có cảnh cáo trước.
Blogger đã kiện tác giả Mạc Ngôn gặp số phận tương tự. Vụ kiện của người này cũng đã bị tòa án bác bỏ.
Một blogger khác, người đã nổi tiếng vào năm nay sau khi đăng một video cáo buộc một trung tâm thương mại có đồ trang trí giống quốc kỳ Nhật Bản, cũng đã bị chặn.
Một bài xã luận gay gắt trên truyền thông nhà nước đã lên án video của người này là một “bản tin ác ý lợi dụng lòng yêu nước để thu hút lượt người xem lớn”.
Dù vậy, dường như chính quyền vẫn không kiểm soát quá chặt những người theo chủ nghĩa dân tộc trực tuyến.
Trong khi những người bất đồng chính kiến nhanh chóng bị đàn áp, hoặc trong một số trường hợp bị bắt với danh nghĩa ổn định xã hội, các blogger dân tộc chủ nghĩa có nhiều tự do hơn, cho dù họ đôi khi có những diễn ngôn gây kích động.
Truyền thông nhà nước thậm chí còn cổ vũ những tiếng nói này bằng cách đăng lại nội dung của họ.
BBC đã đề nghị chính phủ Trung Quốc cho biết lý do vì sao nội dung dân tộc chủ nghĩa dường như không bị kiểm duyệt trên mạng xã hội một cách chặt chẽ như những nội dung được cho là nhạy cảm khác.
Có thể là do nhà nước coi chủ nghĩa dân tộc trực tuyến là một chiếc van an toàn hữu ích giúp "tiêu tán đi những bất đồng chính kiến theo hướng không làm suy yếu quyền lực của chính quyền", đặc biệt là trong thời kỳ khó khăn kinh tế hiện tại, ở một "xã hội thực sự cần một nơi để phát tiết,”, Tiến sĩ Luqiu nói.
Bằng cách khuyến khích những người theo dân tộc chủ nghĩa và rồi thỉnh thoảng kiềm chế họ, chính phủ "khai thác chủ nghĩa dân tộc theo cách có lợi cho mình, chỉ can thiệp khi nó có nguy cơ trở nên quá trớn" và gây ra một tình huống không thể kiểm soát được.
Nghe có vẻ mạo hiểm, nhưng Bắc Kinh đã thành công dập tắt những thách thức nghiêm trọng đối với quyền lực của mình trong những năm gần đây, chẳng hạn như phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào năm 2019 và các cuộc biểu tình Bạch Chỉ (Giấy trắng) vào năm 2022 nhằm phản đối các chính sách chống Covid nghiêm khắc.
Do đó, chính phủ tự tin rằng họ có thể kiểm soát được những mối nguy hại, và điều đó có nghĩa là chủ nghĩa dân tộc có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại, bất chấp sự phản đối, theo một số nhà phân tích.
"Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi đối với các lãnh đạo Trung Quốc, và bây giờ họ đang bị cắt vào tay,” theo Giáo sư Schneider.
"Nhưng liệu giới lãnh đạo có suy nghĩ lại hoặc thậm chí buông chủ nghĩa dân tộc để nhường chỗ cho điều gì đó ít độc hại hơn không? Tôi sẽ không kỳ vọng vào điều đó.
Nguồn BBC
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025