Thư Viện Việt Nam Cộng Hòa : Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thực là một hiền nhân

Thư Viện Việt Nam Cộng Hòa
Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
đích thực là một hiền nhân
Tiết Trực Tâm Hư - Thơ Lê Nam

FB Nghê Lữ
Lời dẫn (FB Nghê Lữ): Bài viết dưới đây là một bài xã luận của cha Gérard Gagnon, Dòng Chúa Cứu Thế người Canada, nhằm phê bình một bài viết của nhà báo Lorenzo Paré đăng trên tờ L’Action, cho rằng nguyên nhân chính làm sụp đổ chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa là do các cuộc biểu tình của Phật giáo. Theo cha Gérard Gagnon, câu chuyện Phật giáo chỉ là cái cớ, còn nguyên nhân thì nhiều, trong đó có việc Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh, việc dùng người của Ông Diệm và một vài chính sách không khoan nhượng của ông với đồng minh và phe đối lập gây bất bình trong nhân dân đã bị Việt cộng lợi dụng triệt để, ngoài ra không thể không kể tham vọng của giới chính khách bất tài nhưng nhiều tham vọng.
Dưới đây là đoạn nói về cuộc đời của ông Diệm, những thành tựu mà ông đạt được, cùng cái chết bi thảm và sự nuối tiếc của những người có chút liên quan tới cái chết của ông. Nhân dịp kỷ niệm 58 năm Tổng thống Gioan B. Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Gioan B. Ngô Đình Nhu tạ thế, xin gửi tới quý bạn quan tâm bài viết này, để thấy một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) ngoại quốc am hiểu về tình hình Việt Nam như thế nào:
-----
Thật khó để nói cái gì là thật, là giả, những gì phổ biến nhất về ông, người đàn ông đã là Tổng thống dân cử của miền Nam Việt Nam, là người đứng đầu chính phủ gần chín năm. Người ta gọi ông là “vị quan cuối cùng của Triều đình”, một nhà độc tài hay đơn giản chỉ là người đứng đầu nền dân chủ mà đất nước chưa bao giờ có. Những người Cộng sản thì tố cáo ông là con rối của Hoa Kỳ, trong khi những nhân viên của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lại trách ông là người quá Châu Á và quá độc lập.
Khi ông lên nắm quyền, chiến tranh đã chia đôi đất nước, nền kinh tế sụp đổ, những người cộng sản đã bắt đầu kế hoạch chống phá và xâm lược. Cả bạn bè và kẻ thù của ông đều không muốn ông cầm quyền lâu dài. Khi chấp nhận sự đầu hàng của Pháp ở Điện Biên Phủ vào tháng Năm năm 1954 và đồng ý ký vào Hiệp định Genève hai tháng sau đó, những người cộng sản tin rằng, chưa đầy hai năm sau, họ có thể tái thống nhất hai miền Nam - Bắc dưới quyền lực của cộng sản mà không gây nhiều xáo trộn. Đây là nguyên nhân chính yếu để cộng sản ký kết Hiệp định Genève.
Tổng thống Diệm được khen ngợi hết lời nhưng cũng bị phê bình hết sức nghiêm khắc. Để hiểu điều này, cần phải biết một chút về quá khứ của ông. Cha của ông là một nhà tri thức và là một quan lớn trong triều đình An Nam. Mẹ của ông, gốc gác dân thường, được giáo dục kỹ lưỡng theo truyền thống Nho giáo. Ngô Đình Diệm sinh ngày 02 tháng Giêng năm 1901 tại Huế. Ông có năm anh em. Ngô Đình Khôi, người anh cả, một vị quan đầu tỉnh, đã bị cộng sản giết chết cùng với người con trai năm 1946. Người anh thứ hai, Ngô Đình Thục, trước làm Giám mục Vĩnh Long, sau làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, vào thời điểm Ngô Đình Diệm bị sát hại, ông đang tham dự Công đồng Vatican II. Lúc đó, ông đang ở Rome. Một người em khác là Ngô Đình Luyện, có vài năm làm Đại sứ quán Việt Nam tại London, hiện đang sống ở bờ biển Bắc Phi, nơi ông đang phải vất vả để nuôi một đại gia đình. Trong số các anh em của ông, Ngô Đình Nhu, người bị giết cùng với Tổng thống, là người bị công kích nhiều nhất. Ông là Cố vấn của Tổng thống và không lâu sau đó, ông trở thành người lãnh đạo phong trào giới trẻ. Ông lên kế hoạch xây dựng các ấp chiến lược và trở thành người quyền lực nhất sau Tổng thống. Ông đã một lần, cùng với vợ ông là bà Nhu và cô em gái, bị cộng sản bắt giam vài tháng, nhưng đã được thả sau khi đóng một khoản tiền chuộc. Người em thứ tư của Tổng Thống là ông Ngô Đình Cẩn, Tổng đốc Huế, sau cuộc đảo chính, ông đến xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ nhưng bị từ chối và bị di lý vào Sài Gòn. Mặc dù, sứ khỏe rất yếu do mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn bị trói vào cột xử bắn. Một trong số các chị em gái của Tổng thống, cưới một thương gia, bà là mẹ của Đức cha Thuận, Giám mục Nha Trang.
Năm 15 tuổi, Ngô Đình Diệm bắt đầu đi học để trở thành một Sư huynh. Tuy nhiên, ông sớm rời khỏi nơi đây để vào học tại một trường trung cấp chuyên đào tạo các công chức. Sau đó, ông theo học tại trường Luật Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1921, với vị trí đứng đầu lớp. Ông trở thành một quan tri huyện ở Huế và năm 28 tuổi, ông trở thành tỉnh trưởng Phan Rang. Năm 1932, ông nổi tiếng là một nhà quản trị tài giỏi. Ông được Bảo Đại bổ nhiệm làm Tổng thư ký Ủy ban Cải cách Hành chánh và một năm sau đó, làm Bộ trưởng Nội vụ, đứng đầu các Bộ. Sau hai tháng, nhận thấy Bảo Đại quá nhu nhược không thể chống được Cộng sản, ông từ quan và từ năm 1934 – 1941, ông qua Pháp sống nhiều năm, tiếp tục giữ quan hệ với những nhà lãnh đạo theo Chủ nghĩa Quốc gia. Năm 1944, ông trở về Việt Nam. Năm 1945, khi Việt Minh chiếm Huế, trên đường bỏ trốn, ông bị lộ, bị còng tay và bị dẫn ra Tuyên Quang trình diện Hồ Chí Minh. Biết được tài lãnh đạo của ông, Hồ Chí Mình đã cho ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ mà ông đã từng giữ dưới thời Bảo Đại. Mặc dù đang là tù nhân của Việt Minh, nhưng ông vẫn từ chối hợp tác với Hồ Chí Minh ngay cả khi tính mạng bị đe dọa. “Ông đã giết anh tôi...Ông là một tội phạm!” “Tôi không biết gì về anh trai ông. Tình hình quá lộn xộn. Hãy ở lại và cùng tôi chống Pháp” – Hồ Chí Minh giải thích. “Có lẽ, ông không biết tôi là người thế nào. Hãy nhìn vào mắt tôi... Phải chăng tôi là một người đang sợ hãi? Không! Vì vậy, tôi sẽ đi khỏi đây” – Ngô Đình Diệm đã quay lại nhà tù. Ông được trả tự do sau những thỏa thuận giữa Pháp và Việt Minh liên quan đến các tù nhân chính trị.
Năm 1947, ông qua Nam Ninh, với hy vọng được những người Trung hoa theo chủ nghĩa quốc gia giúp đỡ. Tuy nhiên, sự giúp đỡ này rất hạn chế. Năm 1950, ông rời Sài Gòn sang Hồng Kong, Tokyo và đi Hoa Kỳ. Sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, Bảo Đại đã trao cho ông toàn quyền trên lãnh thổ Quốc gia Việt Nam. Ông tới Sài Gòn ngày 26 tháng 06 năm 1954. Mặc dù là Thủ Tướng, nhưng ông không có quyền kiểm soát quân đội và tướng Hinh âm mưu chống lại ông. Ông đã khôn khéo tìm cách cách chức vị tướng này. Ngày 20 tháng 07 năm 1954, hai tuần sau khi ông thành lập nội các, Hiệp Định đình chiến Genève được ký kết giữa Pháp và chế độ Hà Nội. Việt Nam bị chia làm hai miền. Hồ Chí Minh gọi chế độ Cộng sản của ông là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Từ Hà Nội, ông kiểm soát khoảng 17 triệu dân. Miền Nam, thủ đô là Sài Gòn, có khoảng 15 triệu dân.
Ngô Đình Diệm thừa kế một chính quyền quá yếu kém từ Bảo Đại. Chỉ hai tháng sau thất bại của Pháp, chế độ đã bị lung lay. Hầu hết các ngành công nghiệp của Việt Nam nằm ở miền Bắc. Miền Nam hầu như chỉ duy có nông nghiệp. Nhiều nhà quản lý người Pháp đã hồi hương. Các cửa hàng của người Âu đã đóng cửa. Hệ thống đường sắt và đường bộ trong toàn vùng bị cắt đứt và bị phá hủy. Lương thực thực phẩm không thể vận chuyển từ nơi này sang nơi kia. Các nhà máy xay xát gạo tại Sài Gòn ngưng hoạt động vì không đủ sản lượng thu hoạch. Và, du kích Việt cộng không ngừng khủng bố các làng quê.
Vũ khí lợi hại nhất của Ngô Đình Diệm là sự chính trực và kinh nghiệm quản trị của ông. Ông kêu gọi lương tri và lòng ái quốc của người dân. Ông được số đông dân chúng ủng hộ. Sau khi thành lập Nội các một thời gian ngắn, ông đã đóng cửa các sòng bài, các ổ mại dâm và các lò thuốc phiện. Các chủ chứa mại dâm và bài bạc bị bắt. Lực lượng Bình Xuyên bảo kê cho những người này cũng bị đánh bại và đánh bật ra khỏi thủ đô. Trong 9 tháng đầu tiên lãnh đạo đất nước, theo Hiệp Định Genève, ông phải đón một triệu người di cư rời khỏi miền Bắc Cộng sản để đến miền Nam còn tự do. Ông lo dựng trại, xây nhà, cung cấp lương thực thực phẩm và tìm kiếm việc làm cho họ. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều tổ chức cứu trợ của Pháp, Mỹ, cũng như các quốc gia khác, ông đã thành công trước chướng ngại vật có vẻ không thể vượt qua này ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền. Daniel Lyons, một tu sĩ Dòng Tên đã viết: “Chỉ có phép lạ mới có thể giúp chế độ mới sống sót trước bao nhiêu khó khăn như vây!”
Những người theo đạo Cao Đài và Hòa Hảo là những giáo phái có quân đội riêng. Ngô Đình Diệm đã từ chối thỏa hiệp với họ, và sau khi đánh bại Bình Xuyên, ông đã tìm cách thuyết phục họ ra nhập quân đội Chính phủ. Trong lúc Thủ tướng Diệm đấu tranh lập lại trật tự ở nơi chỉ thấy toàn hỗn loạn, thì Bảo Đại, lúc này đang sống yên ổn tại Pháp, cảm thấy bị mất quyền kiểm soát Việt Nam, nên đã gửi điện tín mời Thủ tướng Diệm sang Paris để báo cáo cho ông biết tình hình. Thủ tướng đã trả lời rằng ông không thể rời đất nước lúc này và đã mời Bảo Đại trở về Việt Nam. Nhà vua không muốn di chuyển. Ngày 23 tháng Mười, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức để xem dân chúng thích chế độ quân chủ hay dân chủ: 98,2% đã bỏ phiếu đồng ý thiết lập chế độ dân chủ ở Việt Nam. Năm sau, ngày 26 tháng Mười năm 1956, Hiến Pháp được ban hành và Ngô Đình Diệm được đặt làm Tổng thống. Ông trở nên nổi tiếng, được coi như vị Anh hùng dân tộc, người sáng lập Quốc gia.
THÀNH TỰU
Từ tình trạng của một quốc gia thuộc địa đi đến tình trạng của một quốc gia dân chủ không bao giờ dễ dàng. Nhất là đối với Việt Nam, có quá nhiều nan đề tạo nên hoàn cảnh không chỉ xấu mà còn đáng thất vọng như: đất nước bị chia đôi, thiếu nhà máy công nghiệp, một triệu người di cư không nhà cửa, tài sản, các phương tiện truyền thông bị phá hủy, ruộng, vườn bị bỏ hoang, lạm phát tăng cao, chiến tranh du kích lan rộng.
Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, mỗi ngày, có hàng ngàn di dân tập trung tại Sài Gòn. Thủ tướng Diệm đã cho xây dựng nhiều trại định cư khác nhau. Tại đó, các di dân có thể tìm được thực phẩm, chỗ ở. Trường học, trạm y tế cũng được xây dựng ngay tại vị trí trung tâm các trại. Ông cũng cho dựng lên các nhà xưởng để phát triển các ngành nghề thủ công. Nông nghiệp được khuyến khích và phát triển. Năm 1957, Tổng thống Diệm đã có thể nói: “Diện tích trồng lúa từ 1.659.000 hécta vào năm 1954 đã tăng lên 2.625.369 hécta vào năm 1957, tăng 59%. Số lượng cây ăn trái cũng tăng 30% trong cùng thời kỳ. 300.000 tấn lúa đã có thể xuất khẩu.
Từ năm 1955 – 1962, sản lượng lúa tăng từ 2.800.000 tấn lên 5.000.000 tấn. Năm 1965, Tổng thống Johnson đã tuyên bố rằng: “Bất chấp sự tàn phá của chiến tranh, miền Nam Việt Nam đã là một trong những vựa lúa lớn của thế giới.” Từ năm 1954, miền Nam Việt Nam đã tăng gấp đôi sản lượng lúa, không chỉ cung cấp đủ lương thực cho dân chúng mà còn là mặt hàng xuất khẩu thiết yếu của quốc gia.
Một thành tựu tốt đẹp khác của Tổng thống Diệm là chương trình cải tạo nông nghiệp. Thời Pháp thuộc, người nông dân chiếm đa số, nhưng phải chịu muôn ngàn khó khăn. Năm mươi phần trăm diện tích đất canh tác thuộc về ba hoặc bốn phần trăm dân số. Dưới thời Pháp thuộc, 80% ruộng đất do người nông dân canh tác, nhưng họ chỉ nhận được một phần rất nhỏ số hoa lợi mà họ đã làm ra. Nhiều trận đánh du kích diễn ra trên các cánh đồng lúa. Gia súc gia cầm bị giết, các công trình thủy lợi bị phá hủy và thanh niên được hai bên cùng tuyển quân. Gần một triệu nông dân bỏ thôn quê lên thành phố. Tại đây, họ làm thành một đội quân thất nghiệp, trong khi đất đai ở quê bị bỏ hoang.
Chính quyền của Thủ tướng Diệm đã đưa ra chương trình cải tạo nông nghiệp, trước hết, bằng quyết định tất cả những ai có trên 245 công đất, thì đều phải bỏ bớt phần dư chia cho những nông dân không có ruộng. Công cuộc cải cách ruộng đất diễn ra nhanh chóng. Trong hai năm, 26.120 hécta đất đã được phân bổ cho các nông dân để họ trở thành chủ sở hữu. Cuối năm 1959, 436.700 hécta đất đã được chuyển đổi và có thêm 119.000 nông dân được cấp ruộng đất. Ngoài ra, chính phủ còn đưa ra các biện pháp cần thiết để hiện đại hóa nông nghiệp, mua sắm máy móc, xe tải vận chuyển, hệ thống thủy lợi, nhà máy xay xát. Ngoài việc độc canh, nông dân còn được khuyến khích chọn giống, phân bón và những thứ có thể cho năng xuất cao hơn.
Trong tất cả các lãnh vực khác, những thành tựu lớn cũng đã đạt được. Ba năm sau khi nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước, ông Diệm đã bình ổn được giá cả và thị trường. Liên quan tới giáo dục, năm 1954, số học sinh tiểu học là 477.581 em; năm 1957, số học sinh tiểu học tăng lên 717.198 em; năm 1963, đạt tới 1.174.020 em. Về các học sinh cấp hai, năm 1954 có 47.890 em; năm 1957 có 72.020 em; năm 1963 tăng lên 160.500 em. Đối với các sinh viên đại học, năm 1954 có 2.109 em; năm 1957 có 3.823 em; năm 1963 tăng lên 17.345 em. Hơn nữa, dưới thời chính quyền Tổng thống Diệm, các trường kỹ thuật được khuyến khích phá triển.
Một thành tựu to lớn khác của ông Diệm là các ấp chiến lược. Việt Cộng xâm nhập các làng, các vùng núi, dọc các con sông để tấn công và gieo mầm lật đổ. Tổng thống đã áp dụng một chiến thuật chống lại du kích cộng sản đã được áp dụng thành công tại Philipine và Malaisie. Vì vậy, năm 1961, ông bắt đầu gom các làng nhỏ biệt lập và các gia đình đơn lẻ vào các khu dân cư lớn và chắc chắn hơn. Các khoản chi phí cho ngôi nhà mới và việc di chuyển do chính phủ chi trả. Dự kiến kế hoạch đến năm 1963, sẽ có 11.864 ấp chiến lược. Ngay lúc ông còn sống, đã có 8.600 ấp được xây dựng, đảm bảo an ninh cho gần 10 triệu người. Mỗi ấp đều có binh lính, giếng nước và các bộ phận y tế. Mùa xuân năm 1963, chỉ một năm sau khi các ấp chiến lược đi vào hoạt động, với sự ngạc nhiên, ông Thomson đã cho chính phủ Anh biết rằng, chính quyền Ngô Đình Diệm dường như đã “xoay chiều và đang trên đà chiến thắng sự xâm nhập của Việt Cộng”. Các quan chức Mỹ và Anh đã khẳng định rằng, nếu miền Nam Việt Nam được hơn chín năm bình yên dưới chế độ của ông Diệm, thì chiến tranh đã sớm được giải quyết.
Cuối cùng, nhờ ông Diệm, vị thế của Nam – Việt Nam giữa các quốc gia được tôn trọng. Năm mươi hai quốc gia đã chính thức công nhận chính quyền của ông. Bốn mươi sáu quốc gia đã ký kết quan hệ ngoại giao và đặt cơ quan đại diện của họ tại Sài Gòn. Nhiều Hội nghị quốc tế đã mời miền Nam Việt Nam cử đại diện đến tham dự.
Khi chúng ta nhớ lại tất cả những thành tựu này và còn nhiều thành tựu khác nữa cũng đã được thực hiện, bất chấp những tấn công từ bên trong cũng như bên ngoài và vô số mưu toan nhằm lật đổ ông, chúng ta mới hiểu rõ hơn, lý do vì sao, Tổng thống Johnson, ngày nọ, đã có thể gọi ông là “Winston Churchill của Đông Nam Á”.
KẾT CỤC BI THẢM
Ông Diệm đã đánh giá quá thấp về việc cần thiết phải tuyên truyền có lợi cho chế độ. Ông hơi ngây thơ khi nghĩ rằng, chân lý tự chiếu sáng và rằng những kết quả tốt đẹp đã đạt được là lời chứng hùng hồn cho chế độ của ông... Đó là quên đi những hiểu lầm, những cắt nghĩa xấu, những lời nói bóng gió ác ý luôn luôn có thể xảy ra.
Và quả thật, một vụ việc phức tạp đã nảy sinh liên quan tới Phật giáo, vụ việc làm cho người ta kết án ông là người bách hại đạo Phật, trong khi ông lại là một ân nhân rộng rãi của họ. Không thể phủ nhận rằng, dưới chế độ của ông, con số các chùa đã tăng 200% và số nhà thờ chỉ tăng 30%. Chính phủ của ông đã cấp 12 triệu để xây chùa, trong đó có chùa Xá Lợi, nơi người ta âm mưu chống lại ông. Trong số 18 vị bộ trưởng chỉ có 5 là người công giáo. Trong số 38 tỉnh trưởng được ông bổ nhiệm, chỉ có 12 là người Công giáo. Trong tổng số 113 nghị sĩ Quốc hội, có 75 Phật tử. Các chủng sinh Công giáo phải đi nghĩa vụ quân sự trong khi các nhà sư được miễn.
Qua một đạo dụ, ông Diệm quy định rằng trên mặt tiền các công trình tôn giáo (không phải bên trong), quốc kỳ phải được ưu tiên hơn các cờ hiệu của tôn giáo. Đây là nguyên tắc cơ bản áp dụng cho mọi tổ chức và tồn tại khắp nơi trên thế giới. Giáo hội Công giáo đã đón nhận nguyên tắc mới này. Nhưng, vì sắc lệnh được ban hành không lâu trước khi diễn ra các buổi lễ kỷ niệm ngày Phật đản, nên Tổng hội Phật giáo đã la toáng lên rằng họ bị đối xử bất công. Ngày 8 tháng 05 năm 1963, khi các buổi lễ được tổ chức tại Huế, cảnh sát đã muốn các điều khoản mới này phải được tôn trọng. Các Phật tử phản kháng. Quân đội phải can thiệp. Trong khi ẩu đả và khi màn đêm buông xuống, người ta nghe được những tiếng nổ. Tại hiện trường, bảy xác chết được tìm thấy, trong đó có hai là người Công giáo. Ngay lập tức, các hãng thông tấn quốc tế đã thuật lại rằng các nạn nhân này bị nghiền nát dưới bánh xe tăng. Một cuộc điều tra công khai xác nhận rằng họ tìm thấy những mảnh bom nhựa găm vào đầu các nạn nhân. Những mảnh bom này không phải của quân đội cũng như của cảnh sát miền Nam Việt Nam, nhưng là loại vũ khí Việt Cộng thường sử dụng. Nhưng, dư luận thế giới đã dậy sóng. Và dư luận còn sục sôi hơn nữa, khi ngay tại Sài Gòn, một nhà sư già đã tự thiêu trên đường phố, trước mặt mọi người. Sau đó, các vụ tự thiêu liên tục diễn ra. Một tổ chức lật đổ bằng cách kích động các nhà sư tự thiêu đã bị cơ quan an ninh vạch mặt. Tuy nhiên, khắp nơi trên thế giới, Tổng thống Diệm đã bị coi như một bạo chúa ghê tởm, một người bách hại Phật giáo hung ác.
Ngay những hãng thông tấn quốc tế, khi khẳng định Phật giáo chiếm khoảng 85% dân số Việt Nam, đã làm cho mọi người nghĩ rằng Tổng thống Diệm đã đánh mất niềm tin và sự ủng hộ cần thiết để tiếp tục cuộc chiến chống cộng. Trong thực tế, phần đông người Việt thờ cúng tổ tiên, theo Nho giáo và một số theo Công giáo. Ngoài ra, còn có những người theo tôn giáo vật linh, Cao Đài giáo, Hòa Hảo và Tin Lành; chỉ chưa đầy 35% dân chúng có khuynh hướng theo Phật giáo. Mặc dù vậy, điều sai lầm vẫn được bảo lưu, tại Hoa Kỳ, nhiều người cho rằng cần phải loại bỏ ông Diệm. Họ từ chối giúp ông về kinh tế, sau đó, là những khoản tiền trợ giúp cho quân đội. Họ cũng buộc ông phải loại bỏ đội cận vệ đặc biệt của ông; sau đó, ngày 1 tháng 11 năm 1963, một cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra; những đơn vị đảo chánh nhanh chóng chiếm Dinh Gia Long và ngay sau đó, Tổng thống Diệm và người em trai Ngô Đình Nhu đã bị sát hại.
Ngay lập tức, báo chí đưa tin rằng, Tổng thống Johnson đã phải kín đáo thừa nhận: “Việc giết hại ông Diệm là một trong những thảm kịch lớn của thời đại chúng ta”. Ngày 3 tháng Giêng năm 1965, thượng nghị sĩ Mansfield đã tuyên bố điều sau đây: “Giờ đây, chúng ta đang phải trả giá cho tội lỗi của chúng ta vì đã giết hại Tổng thống Diệm”. Ngày 26 tháng Giêng năm 1966, thượng nghị sĩ Mansfield còn nói với hai tác giả cuốn sách “Cuộc Khủng hoảng Việt Nam” rằng: “Sai lầm tồi tệ nhất của chúng ta là đã loại bỏ ông Diệm”.
Bằng sự chính trực, quyết đoán và tận tụy, Tổng thống Diệm đã làm được rất nhiều điều cho tổ quốc. Ông là kẻ thù không đội trời chung của Cộng sản. Ông đã thu phục được lòng tin của dân chúng trong cuộc chiến đấu vì tự do. Có người đã so sánh ông với George Washington. Có một cuốn sách được viết để chứng minh rằng ông là một SALARAZ của Việt Nam. Tờ Tạp chí Truyền Giáo “Missi” đã không cường điệu khi viết về Tổng thống Diệm: “Trong số những nhà lãnh đạo Á Châu, vị cựu quan chức triều đình này đích thật là một Hiền nhân”.
Gérard Gagnon, C.Ss.R.
(50 ans aux Việt Nam, Vol X. Vers L’Autonomie, p. 249 – 255).

Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thực là một hiền nhân



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025