1.000 ngày Nga xâm lược Ukraine: Dư luận Việt Nam phân hóa như thế nào về Putin và Nga?
1.000 ngày Nga xâm lược Ukraine:
Dư luận Việt Nam phân hóa như thế nào về Putin và Nga?
Dư luận Việt Nam phân hóa như thế nào về Putin và Nga?
“Từ sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, chúng tôi hứng chịu rất nhiều sự tức giận và kích động từ nhiều người ở khắp nơi trên thế giới,” Nastya - quốc tịch Nga, một người mẫu tự do tại TP HCM - nói với BBC News Tiếng Việt.
“Trước đây khi người Việt Nam hỏi tôi 'Bạn đến từ đâu?' và tôi trả lời 'Nga', họ sẽ nói 'Ồ, nước Nga rất tuyệt, anh trai, bố, mẹ... của tôi đã từng đến thăm xứ sở bạch dương tuyệt vời hay từng làm việc ở đó'; hoặc họ sẽ giơ ngón tay cái và nói 'Ôi nước Nga, Putin, quá tuyệt, thật mạnh mẽ!’
Còn bây giờ thì mọi người chỉ im lặng hoặc 'Ồ, OK!'," cô gái Nga đến từ Saint Petersburg chia sẻ, với điều kiện không nêu họ của mình.
Tuy nhiên, cô cũng cho biết cảm thấy đỡ chạnh lòng khi chưa trải qua những phản ứng tiêu cực hay giận dữ nào từ người Việt Nam.
“Có lẽ cuộc chiến này cách xa ở đây nên người Việt cũng không suy nghĩ nhiều,” Nastya cho biết.
Nhưng không khó để nhận ra rằng tình cảm của người Việt Nam với Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga có sự thay đổi sau cuộc chiến Ukraine.
Ngày 19/11/2024 đánh dấu 1.000 ngày kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược quy mô lớn vào Ukraine.
Việt Nam, một người bạn lâu năm của Nga, đã duy trì chính sách ngoại giao trung lập giữa các cường quốc toàn cầu, tránh lên án thẳng thừng các hành động của Nga.
Trong khi các quốc gia phương Tây chỉ trích lập trường này, ông Putin đã ca ngợi cách tiếp cận "cân bằng" của Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 6/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam - diễn ra trọn trong ngày 20/6/2024
Phân hóa dư luận
Khi ông Putin đến thăm Hà Nội, chuyến đi bị phương Tây chỉ trích, nhà lãnh đạo Nga nhận được sự chào đón nồng nhiệt nhưng các nhà quan sát nói với BBC rằng không thể bỏ qua một thực tế rõ ràng là vẫn có những luồng quan điểm ở Việt Nam không ủng hộ Nga, hoặc có những người vẫn yêu mến nước Nga nhưng không ủng hộ hành động quân sự của quân đội Putin ở Ukraine.
Trong hơn hai năm sau khi Moscow xâm lược Kyiv, những thông tin về Nga và Ukraine được đăng trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt thường thu hút một lượng tương tác lớn hơn bình thường, khi cư dân mạng đưa ra những bình luận trái ngược.
Có những người luôn ủng hộ ông Putin và nước Nga, lập luận rằng “Việt Nam luôn biết ơn Liên Xô và nước Nga đã giúp đỡ Việt Nam chống quân xâm lược và bành trướng”, nhưng cũng không ít ý kiến lên án ông Putin và nói rằng, “Kẻ xâm lược phải bị xa lánh và trừng phạt”.
“Putin được coi là người đã đưa quan hệ Việt – Nga trở lại đúng hướng sau khi ông Gorbachev bỏ rơi Hà Nội. Hình ảnh 'người đàn ông mạnh mẽ' của Putin cũng được người Việt Nam yêu thích, đặc biệt là đối với nam giới trẻ tuổi,” Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nói với BBC News Tiếng Việt trước chuyến thăm Việt Nam của ông Putin hồi tháng Sáu.
Mối quan hệ giữa Hà Nội và Moscow bền chặt trong nhiều thập kỷ. Sự hỗ trợ của Moscow trong Chiến tranh Việt Nam rất quan trọng đối với chiến thắng của Hà Nội.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam và các công ty Nga khai thác dầu khí tại các mỏ của Việt Nam ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đưa ra các yêu sách chủ quyền và không ngừng gây sức ép. Hàng chục ngàn cán bộ Việt Nam đã đi học ở Liên Xô cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó có các lãnh đạo cấp cao.
Dù thực thể Liên Xô từng hỗ trợ Việt Nam đã tan rã hơn ba thập niên, và thực thể ấy từng bao gồm cả Ukraine và Nga, thì ngày nay, nhiều người Việt Nam luyến ái Liên Xô vẫn chỉ coi Nga là sự kế thừa chính thống.
Tâm lí lịch sử tạo ra một sự yêu mến rất lớn của đông đảo người dân Việt Nam với nước Nga, cũng như Tổng thống Putin.
Trong một phóng sự trước chuyến thăm Việt Nam của ông Putin, hãng thông tấn Reuters đã phỏng vấn một người bán hàng ở Hà Nội, bà cho biết quà lưu niệm Nga ở cửa hàng của bà bán rất chạy trong dịp đó.
Các nhà quan sát nói với BBC rằng sau cuộc chiến Ukraine thì dư luận Việt Nam có sự phân hóa trong cái nhìn về ông Putin
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người dân Việt Nam phản đối hành động chiến tranh của Nga và không đồng tình với việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khi biểu quyết lên án Nga.
“Những người chỉ trích lập trường của Việt Nam trong cuộc chiến Ukraine đã đặt câu hỏi: 'Nếu chúng ta không đứng lên vì Ukraine, ai sẽ đứng lên bảo vệ chúng ta nếu Việt Nam bị Trung Quốc tấn công?'," Tiến sĩ Ian Storey nói với BBC.
Nam Phạm (không phải tên thật), một người kinh doanh tại TP HCM, nói với BBC rằng ông vẫn mến mộ nước Nga vì sự giúp đỡ của Liên Xô trong thời chiến tranh Việt Nam và Tổng thống Putin, một người “lịch lãm và quyền lực”, nhưng kiên quyết không ủng hộ hành động xâm lược Ukraine.
Tố Thanh, một chuyên gia truyền thông ở TP HCM, lại lên án kịch liệt và gọi ông Putin là “tội phạm quốc tế bị truy nã”.
Tháng 3/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, buộc ông phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
“Một nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có trách nhiệm bảo vệ an ninh hòa bình thế giới nhưng lại đi xâm lược một nước yếu hơn thì đáng bị thế giới cô lập,” Tố Thanh bày tỏ quan điểm.
Chủ tịch nước Tô Lâm (hiện là tổng bí thư) tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 20/6/2024
Đại sứ Ukraine: ‘Chúng tôi hi vọng tìm thấy đồng minh quý giá ở Việt Nam’
Khi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine tiến gần đến ngày thứ 1.000, Đại sứ quán Ukraine đã gửi cho BBC News Tiếng Việt một bài viết của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ukraine tại Việt Nam Gaman Oleksandr.
Trong đó, ông Oleksandr đã bày tỏ lập trường về tình hình hiện tại cũng như tương lai của mối quan hệ Việt Nam – Ukraine.
“Khi Ukraine tiếp tục cuộc chiến vì toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, chúng tôi hy vọng tìm thấy một đồng minh quý giá ở Việt Nam, một quốc gia có lịch sử kiên cường tương đồng với Ukraine,” ông Gaman Oleksandr cho biết.
Theo ông, trong suốt lịch sử, Việt Nam đã chống lại sự đô hộ của ngoại bang, chiến đấu để giữ gìn bản sắc, độc lập và chủ quyền, giống như Ukraine đang làm trước cuộc xâm lược của Nga, và “cả hai dân tộc đã cho thế giới thấy rằng ý chí của một dân tộc không thể bị dập tắt, bất kể các thế lực bên ngoài có mạnh đến đâu”.
Đại sứ Ukraine cũng ca ngợi lịch sử và truyền thống bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trước những đối thủ mạnh, do đó ông cho biết Kyiv nhận thức rõ rằng Việt Nam luôn nhất quán ủng hộ hòa bình, ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, những giá trị mà Ukraine cũng đang theo đuổi.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “Nga thường lợi dụng thiện cảm của các quốc gia trân trọng di sản của Liên Xô, bao gồm cả Việt Nam, bằng cách khai thác những hồi ức đẹp đẽ về sự hỗ trợ từ Liên Xô trong quá khứ để thúc đẩy lợi ích của họ, mong đợi sự chấp nhận hoặc ủng hộ thầm lặng từ các quốc gia có mối liên hệ lịch sử với Liên Xô”.
“Gửi đến những người ở Việt Nam coi Ukraine và Nga là ‘các dân tộc anh em’, tôi muốn nói rằng: Chúng tôi chưa bao giờ là anh em, cũng không phải họ hàng. Lịch sử, văn hóa và bản sắc của chúng tôi hoàn toàn riêng biệt. Việc từng chung một chính quyền trong quá khứ không khiến chúng tôi trở thành một dân tộc. Ukraine luôn khao khát xây dựng con đường riêng của mình, tự do khỏi sự kiểm soát của Nga. Hôm nay, chúng tôi đang bảo vệ quyền được sống như một quốc gia có chủ quyền, độc lập khỏi sự thống trị của Nga,” Đại sứ Gaman Oleksandr viết trong văn bản gửi cho BBC.
Nhà ngoại giao Ukraine cũng nói rằng bằng việc huy động binh sĩ từ Triều Tiên vào cuộc chiến, Tổng thống Putin đang đẩy căng thẳng lên cao nhất, lôi kéo châu Á vào một cuộc xung đột đe dọa đến sự ổn định của khu vực.
Từ tháng 10/2024, có thông tin lính Triều Tiên đã được triển khai đến Nga và đang hoạt động ở khu vực biên giới Kursk, nơi quân đội Ukraine đang đóng quân.
“Hành động này không phải vì thiếu nhân lực quân sự. Đó là một chiến lược có chủ ý nhằm lan truyền sự hỗn loạn trên diện rộng, bao gồm cả ở châu Á, khơi lên nỗi sợ hãi về một cuộc xung đột lớn hơn,” Đại sứ Oleksandr nói.
Theo ông, bằng cách lôi kéo Triều Tiên tham gia vào cuộc chiến này, Putin muốn biến châu Á, khu vực đông dân nhất trên thế giới, thành bàn cờ của mình, sử dụng mối đe dọa về một cuộc chiến mở rộng để ép buộc cộng đồng quốc tế phải nhượng bộ yêu cầu của ông ta.
“Mục tiêu của ông ta là thao túng nỗi sợ hãi của công chúng và, dưới vỏ bọc của việc tìm kiếm hòa bình tạm thời, buộc Ukraine phải từ bỏ tự do, lãnh thổ và người dân của mình. Ý định của ông ta rất rõ ràng: gieo rắc nỗi sợ hãi và hỗn loạn, gây áp lực buộc các quốc gia phải tuyệt vọng, giữ im lặng hoặc trung lập - tất cả đều phục vụ cho lợi ích của ông ta,” ông Oleksandr viết.
Moscow và Bình Nhưỡng phủ nhận việc binh lính Triều Tiên đang hướng tới Ukraine, một bước đi được coi là sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến ở Ukraine
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Hà Nội luôn giữ lập trường trung lập và thường nêu quan ngại sâu sắc về xung đột vũ trang, nhưng không chỉ trích trực tiếp Nga.
Cụ thể, đối với năm bản nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine, Việt Nam đã bỏ 4 phiếu trắng và 1 phiếu chống, nằm trong nhóm nước thiểu số trong cộng đồng quốc tế khi bày tỏ quan điểm về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Trong khi Nga đã bị quốc tế cô lập và áp những lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ vì cuộc xâm lược, Việt Nam là một trong những nước vẫn giữ mối quan hệ giao hảo với Moscow.
Đại sứ Oleksandr chia sẻ: “Các quốc gia nhỏ, đặc biệt là những quốc gia giáp ranh với các cường quốc có tham vọng vượt ra ngoài biên giới của họ, đặc biệt dễ bị tổn thương trước những chiến thuật này.”
Nhưng ông cho biết đối với những nước này, sự trung lập hoặc im lặng trước sự xâm lược như vậy là một “con đường nguy hiểm, bởi điều này chỉ tiếp thêm động lực cho những kẻ tìm cách làm suy yếu chủ quyền của họ”.
Chia sẻ với BBC, đại sứ Ukraine lại Việt Nam nói rằng người dân Ukraine, hơn bất kỳ ai khác, muốn chấm dứt cuộc chiến này.
“Chúng tôi khao khát hòa bình, không phải là sự đầu hàng mà là một kết luận công bằng buộc những kẻ gây án phải chịu trách nhiệm và thực thi các nguyên tắc của luật pháp quốc tế,” ông nói.
Tuy vậy, 1.000 ngày sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, vẫn chưa thấy hồi kết cho cuộc xung đột này.
Và bất chấp dư luận ở Việt Nam thay đổi cái nhìn về nước Nga hay ông Putin như thế nào, các thành phố, thị trấn và làng mạc của Ukraine đều bị chiến tranh tàn phá, còn những người dân nơi đây vẫn phải chịu những mất mát to lớn.
Liên Hợp Quốc ước tính hàng chục ngàn dân thường đã thiệt mạng, 10 triệu người Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã phải rời bỏ nhà cửa, trở thành người tị nạn, phải di tản trong nước hoặc chạy ra nước ngoài.
Về phía Nga, vào tháng 9/2024, BBC đã xác định được danh tính của 70.112 binh lính Nga thiệt mạng ở Ukraine, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn đáng kể.
Một số gia đình không chia sẻ thông tin chi tiết về cái chết của người thân một cách công khai - và phân tích của BBC không bao gồm những cái tên mà chúng tôi không thể kiểm tra hoặc cái chết của dân quân ở các vùng Donetsk và Luhansk do Nga chiếm đóng ở miền đông Ukraine.
Trong khi đó, theo số liệu do Ukraine cung cấp, hơn 700.000 trường hợp được xác nhận là lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng và sẽ không thể trở lại chiến trường.
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét