Kim Jong-un là đồng minh của Trung Quốc - nhưng đã trở thành 'đồng chí âm binh'


Kim Jong-un là đồng minh của Trung Quốc -
nhưng đã trở thành 'đồng chí âm binh'
 
Laura Bicker

Ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un đã không gặp nhau kể từ năm 2019
Dưới làn gió thu mát mẻ, du khách Trung Quốc chen chúc nhau trên một tòa nhà 12 tầng, tranh giành vị trí đẹp nhất để chụp ảnh lưu niệm tại địa điểm mà nước họ tiếp giáp với Nga và Triều Tiên.
Ba lá quốc kỳ chồng lên nhau trên tấm một bản đồ trên tường, giải thích rằng thị trấn Phòng Xuyên ở góc đông bắc Trung Quốc là một nơi độc đáo vì lý do đó.
"Tôi cảm thấy rất tự hào khi được đứng ở đây… với Nga ở bên trái và Triều Tiên ở bên phải," một phụ nữ đi du lịch cùng đồng nghiệp cho biết. "Không có ranh giới giữa người dân các nước."
Có lẽ điều đó là quá lạc quan. Giống như vùng lãnh thổ Trung Quốc bị kẹp giữa mà người phụ nữ đã đến thăm, Bắc Kinh cũng bị kẹt giữa hai quốc gia láng giềng bị trừng phạt.
Nỗi lo sợ về liên minh đang nảy nở giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Kim Jong-un đã lên đến đỉnh điểm trong những tuần gần đây, với các báo cáo về việc Triều Tiên triển khai hàng ngàn quân để hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Và đó là trước khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa xuyên lục địa bị cấm vào hôm 31/10, bay được 86 phút, chuyến bay dài nhất được ghi nhận cho đến nay - sau khi liên tục chỉ trích Seoul trong nhiều tuần.
"Trung Quốc tìm kiếm mối quan hệ với mức độ kiểm soát hợp lý và cao đối với Triều Tiên," Christopher Green, một nhà phân tích từ tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nói. "Và mối quan hệ của Triều Tiên với Nga đe dọa làm suy yếu mối quan hệ đó."
Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không thể định hình liên minh Putin-Kim theo hướng có lợi cho mình, Trung Quốc có thể vẫn bị kẹt ở giữa khi sự tức giận và lo lắng của phương Tây gia tăng.
Một tòa nhà cao tầng ở rìa thị trấn Phòng Xuyên đã trở thành điểm thu hút khách du lịch vì có thể ngắm nhìn cảnh Triều Tiên
Moscow và Bình Nhưỡng phủ nhận việc binh lính Triều Tiên đang hướng tới Ukraine, một bước đi được coi là sự leo thang đáng kể. Nhưng Mỹ cho biết họ đã có bằng chứng về điều này, sau những cáo buộc từ tình báo Hàn Quốc và Ukraine.
Các thông tin về lính Triều Tiên đầu tiên xuất hiện ngay trước khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10/2024, làm lu mờ một sự kiện đáng lẽ nhằm gửi đến phương Tây một thông điệp thách thức.
Ngày càng có vẻ như các đồng minh của Trung Quốc đang vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. Bắc Kinh, đối tác cấp cao trong tam giác này, muốn trở thành nhà lãnh đạo ổn định của một trật tự thế giới mới, một trật tự không do Mỹ dẫn dắt. Nhưng điều đó trở nên khó khăn khi một đồng minh của họ đã khởi sự một cuộc chiến ở châu Âu và một đồng minh khác bị cáo buộc hỗ trợ cuộc xâm lược ấy.
"Trung Quốc không hài lòng với cách mọi thứ đang diễn ra," ông Green nói, "nhưng họ đang cố gắng giữ sự bất mãn của mình một cách tương đối im lặng."
Đây chắc chắn là một chủ đề nhạy cảm đối với Bắc Kinh, xét theo phản ứng trước sự hiện diện của chúng tôi (nhóm phóng viên BBC) tại thị trấn biên giới Phòng Xuyên, nơi có vẻ như khách du lịch được chào đón - nhưng các nhà báo thì không.
Chúng tôi luôn ở khu vực công cộng, nhưng nhóm đã bị chặn lại, bị chất vấn liên tục, bị theo dõi và các cảnh quay của chúng tôi bị xóa.
Khách sạn yêu cầu giữ hộ chiếu của tôi vì "sự an toàn của tôi và những người khác". Cảnh sát đã đến phòng khách sạn của chúng tôi và họ cũng chặn đường đến cảng Hồn Xuân, nơi đáng lẽ sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn cận cảnh hơn về hoạt động thương mại hiện tại giữa Nga và Trung Quốc.
'Môi hở răng lạnh’
Trên đài quan sát ở Phòng Xuyên, rõ ràng là hầu hết khách du lịch đến để xem Triều Tiên.
"Tôi thấy một người đang đạp xe," một cô gái nhìn qua ống nhòm nói. Bạn của cô ấy vội chạy đến để xem: "Ồ! Đất nước này thật bí ẩn."
Gần đó là dòng sông Đồ Môn chảy nhẹ nhàng qua cả ba quốc gia. Đây là cửa ngõ của Trung Quốc vào Biển Nhật Bản.
Đường biên giới dài 1.400 km giữa Trung Quốc và Triều Tiên là nơi có một số đài quan sát hiếm hoi có tầm nhìn rõ ràng vào Triều Tiên. Biên giới giữa Hàn Quốc với Triều Tiên là một hàng rào gần như không thể xuyên thủng, với Khu phi quân sự được bố trí nhiều mìn và rất kiên cố.
Có người đưa cho tôi một cặp ống nhòm. Tôi thấy một số người đang đạp xe dọc đường làng trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, nhưng có rất ít dấu hiệu khác của cuộc sống. Một trong những tòa nhà lớn nhất là một trường học với biển báo kêu gọi trẻ em "học tập tốt vì Triều Tiên".
"Triều Tiên luôn là nước láng giềng của chúng tôi. Họ không xa lạ với chúng tôi," một người đàn ông trung niên Trung Quốc nói. "Được chứng kiến cuộc sống của họ khiến tôi nhận ra rằng Trung Quốc thịnh vượng và hùng mạnh."
Ở bên phía Trung Quốc có một số đài quan sát hiếm hoi có tầm nhìn rõ ràng vào Triều Tiên, quốc gia bị cô lập
Chế độ của ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ phải vật lộn để tồn tại nếu không có nhà tài trợ lớn nhất của họ là Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 90% thương mại quốc tế với Triều Tiên, bao gồm cả thực phẩm và nhiên liệu.
Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Vào đầu những năm 1960, chính người Trung Quốc đã chạy trốn qua sông Đồ Môn khi xảy ra nạn đói. Một số thậm chí còn đi học ở Triều Tiên vì họ tin rằng hệ thống giáo dục của nước này vào thời điểm đó tốt hơn.
Nền kinh tế Triều Tiên đã sụp đổ sau sự tan rã vào năm 1991 của Liên Xô - vốn là nguồn viện trợ chính và nguồn cung cấp dầu giá rẻ của nước này - dẫn đến tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và cuối cùng là nạn đói.
Khách du lịch Trung Quốc háo hức muốn biết thêm về nước láng giềng bí ẩn của họ
Chẳng bao lâu sau, những người tị nạn Triều Tiên bắt đầu lội qua một dòng sông thường bị đóng băng, với nguy cơ bị bắn chết, để thoát khỏi đói nghèo và đàn áp. Hiện có hơn 30.000 người đào tẩu sống ở Hàn Quốc và một số lượng không xác định vẫn sống ở Trung Quốc.
"Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, quốc gia duy nhất tài trợ cho họ," chuyên gia Green cho biết.
Nhưng giờ đây, ông nói thêm, Nga “đang đưa ra một giải pháp thay thế và Triều Tiên đang tìm cách khai thác điều đó”.
Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã ví mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng như sự gần gũi giữa “môi và răng”“Môi hở, răng lạnh”.
Liên minh ba bên từ lâu đã khiến phương Tây lo ngại - và sự gần gũi gần đây giữa Moscow và Bình Nhưỡng chỉ làm nỗi lo trầm trọng thêm
‘Đồng chí âm binh'
Giờ đây, Bắc Kinh đang đau đớn vì thấy thiếu lòng biết ơn khi đôi môi của ông Kim Jong-un đang “hôn ở nơi khác”, theo nhà xã hội học Aidan Foster-Carter, người đã nghiên cứu về Triều Tiên trong nhiều thập niên.
“Triều Tiên luôn là người đồng chí từ địa ngục đối với cả Nga và Trung Quốc. Họ lấy càng nhiều tiền càng tốt và [sau đó] làm những gì họ thích.”
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng ông Kim đã liên tục nịnh ông Putin hơn ông Tập trong năm qua. Ông Kim chưa gặp ông Tập kể từ năm 2019, nhưng ông đã gặp ông Putin hai lần trong năm qua. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến hai nhà lãnh đạo bị trừng phạt xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tổng thống Putin tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho cuộc chiến của mình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn củng cố chế độ của mình bằng các liên minh và sự chú ý.
Từ biên giới Trung Quốc, có thể dễ dàng nhìn thấy mối quan hệ đang tiến triển giữa hai bên.
Tiếng còi tàu lửa làm gián đoạn tiếng trò chuyện của khách du lịch và một đầu máy hơi nước kéo một hàng dài toa tàu chở hàng chậm rãi chạy qua cây cầu đường sắt từ Nga đến Triều Tiên. Con tàu dừng lại trước một biển báo tiếng Triều Tiên hướng về Trung Quốc với dòng chữ: “Hướng tới chiến thắng mới!”
Cây cầu hữu nghị nối liền Nga và Triều Tiên đã trở thành tuyến đường thương mại quan trọng
Mỹ ước tính rằng ông Kim Jong-un đã bán hơn một triệu quả đạn pháo và pháo phản lực Grad cho Moscow để sử dụng ở Ukraine, điều mà Triều Tiên phủ nhận.
Nhưng không thể nghi ngờ rằng hai bên đã tăng cường hợp tác sau khi ký một hiệp ước an ninh vào tháng 6/2024 để giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp có "sự xâm lược" đối với một trong hai quốc gia.
"Chúng ta có thể thấy những ngôn từ rất cứng nhắc và trang trọng dành cho ông Tập Cận Bình vào dịp thực sự là một sự kiện quan trọng trong lịch sử - kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa," ông Foster-Carter nói.
"Nhưng vào ngày sinh nhật của ông Putin, ông Kim gọi ông Putin là 'đồng chí thân thiết nhất của tôi'. Nếu bạn là ông Tập Cận Bình, bạn nghĩ gì?"
'Hàm răng nghiến chặt'
Thật khó để biết, vì Trung Quốc không có dấu hiệu can thiệp vào liên minh Nga-Triều Tiên.
Mỹ đã nhận thấy sự bất an của Bắc Kinh và lần này, hai đối thủ Mỹ-Trung có thể có mục tiêu tương tự nhau.
Trong tuần qua, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu vấn đề về quân đội Triều Tiên ở Nga với các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Bắc Kinh có nhiều lựa chọn - trước đây, họ đã cắt nguồn cung cấp dầu và than cho Triều Tiên, và tuân thủ lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với cáo buộc của Mỹ rằng họ đang bán các thành phần để sản xuất vũ khí cho Nga để hỗ trợ cho cuộc xâm lược Ukraine. Hoạt động thương mại của Bắc Kinh với Moscow cũng đang phát triển mạnh mẽ, ngay cả khi họ cố gắng đối phó với thuế quan của phương Tây.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã giữ mối quan hệ gần gũi với Nga vì ông cần sự giúp đỡ của Tổng thống Putin để thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Nhưng ông vẫn không ngừng cố gắng hàn gắn mối quan hệ với châu Âu, Anh và thậm chí là Mỹ. Trung Quốc cũng đã đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc để xoa dịu căng thẳng lịch sử.
Nhưng lời lẽ ngày càng hung hăng của ông Kim Jong-un đối với Seoul đã khiến Hàn Quốc một lần nữa tranh luận về việc liệu họ có nên sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình hay không. Việc quân đội Triều Tiên đến chiến trường Ukraine sẽ chỉ làm rối loạn thêm các kế hoạch của Bắc Kinh.
Khả năng này đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đưa ra các tuyên bố về "các biện pháp đối phó cụ thể" và thảo luận về việc tăng cường hợp tác an ninh với Ukraine và NATO.
Điều Trung Quốc không muốn: Đông Á bất ổn hơn vì liên minh Putin-Kim
Một Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân hay một "NATO Đông Á" không phải là điều lý tưởng trong một khu vực mà Trung Quốc muốn có ảnh hưởng lớn hơn. Một Kim Jong-un được tiếp thêm sức mạnh cũng có thể dẫn đến sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ Mỹ đối với các đồng minh của họ là Seoul và Tokyo - dưới hình thức tàu chiến hoặc thậm chí là vũ khí.
"Trong một thời gian rất dài, Trung Quốc đã có chính sách ‘ba không’ ở Đông Bắc Á - một trong những điều ‘không’ đó là Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Rõ ràng là chính sách đó đã thất bại," nhà phân tích Green nói.
Bây giờ, Bắc Kinh lo ngại rằng liên minh với Nga có thể gây bất ổn cho Triều Tiên, ông nói thêm: "Điều đó thậm chí có thể có lợi cho Vladimir Putin theo cách mà nó thực sự không có lợi cho Tập Cận Bình."
Các chuyên gia đánh giá rằng Bắc Kinh cũng lo lắng như phương Tây về công nghệ quân sự mà ông Putin có thể bán cho ông Kim để đổi lấy binh lính.
"Chắc chắn là vệ tinh," ông Foster-Carter nói. "Nhưng Putin là người xấu - chứ không điên. Nga cũng như Trung Quốc đều biết rằng Triều Tiên là một con ngựa bất kham. Việc cung cấp cho [Kim Jong-un] nhiều công nghệ hơn cho vũ khí hạt nhân không phải là điều tốt cho bất kỳ ai."
Các chuyên gia tin rằng ông Tập Cận Bình khó có thể làm bất cứ điều gì quyết liệt vì Trung Quốc cần một Triều Tiên ổn định – nếu ông cắt viện trợ, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn ở biên giới.
Nhưng ông Kim cũng có thể phải đưa ra quyết định.
Mặc dù Nga đang trả tiền cho đạn pháo và binh lính, ông Foster-Carter nói, nhưng Trung Quốc "thực sự đã giúp Triều Tiên trụ được trong suốt thời gian qua, với hàm răng nghiến chặt. Tôi chỉ tự hỏi đến lúc nào Bắc Kinh sẽ quay lưng với Bình Nhưỡng?"
Những nước nào đang cung cấp vũ khí cho Nga?
Ván cờ chết chóc của Kim Jong-un cũng có thể có tác động sâu sắc đến đất nước của ông ta - 25 triệu người Triều Tiên bị cắt đứt với thế giới bên ngoài và hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ cai trị này để sinh tồn.
Bên kia sông Đồ Môn ở Phòng Xuyên, một người lính Triều Tiên đang theo dõi chúng tôi, trong khi chúng tôi quan sát anh ta.
Hơi nước bốc lên từ các quầy đồ ăn nhẹ bán mì và bạch tuộc nướng xiên que ở phía Trung Quốc. Và anh ta có thể nghe thấy tiếng cười khúc khích của khách du lịch chụp hình bằng máy ảnh và điện thoại đời mới nhất, những thứ mà anh ta bị cấm sở hữu.
Dòng sông nông này là một vực sâu mà cả khách du lịch và người lính đều không thể vượt qua.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025