Người dân sắp mất cả tiền lẫn tự do vì nghị định 147

Người dân sắp mất cả tiền lẫn tự do vì nghị định 147

Cao Nguyên


Một nhà hoạt động người Việt Nam tìm kiếm thông tin trên internet ở Hà Nội vào năm 2017. Photo: RFA


Nghị định 147 sắp có hiệu lực, sẽ như “chiếc đinh đóng vào quan tài”, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, ngay cả túi tiền của người dân cũng nằm trong diện bị kiểm soát.

Nghị định 147 siết chặt quản lý MXH

“Buôn bán hàng online bây giờ là quá nhiều, ai ai cũng bán được hàng online thì nhà nước làm sao mà bỏ qua mối hời như thế được, họ phải truy người bán để thu thuế chứ.” Chị M, 40 tuổi, một người kinh doanh online tại Hưng Yên nói với RFA.

Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp buôn bán hàng online biết đến nghị định này. RFA đã gọi điện cho 2 chủ cửa hàng bán mặt hàng thời trang online, chủ yếu bằng hình thức livestream ở TPHCM và Hà Nội. Cả hai đều cho biết mình không hề biết gì đến Nghị định 147 với nững quy định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của mình.

Thị trường kinh doanh qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội đã phát triển bùng nổ trong những năm gần đây.

Trước thực tế đó, Nghị định 147 được xem như một bản nâng cấp từ các nghị định trước đây, mở rộng và cụ thể hóa các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn trong bối cảnh công nghệ hiện đại, đặc biệt nhắm mục tiêu vào các dịch vụ mạng xã hội.

Nghị định 147 mở rộng phạm vi giám sát về nội dung, bao gồm cả nội dung trong các livestream và quảng cáo trên không giang mạng, vốn là những hình thức bán hàng online của cả triệu người

Người dùng mạng xã hội nước ngoài như Youtube, Facebook… phải xác minh danh tính. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước như Zalo, ZingMe… phải yêu cầu người dùng cung cấp thêm số định danh cá nhân. Đặc biệt, chỉ những tài khoản đã được xác minh danh tính đầy đủ mới được phép đăng tải thông tin, bình luận hoặc livestream.

Ngoài ra, thông tin định danh cá nhân của người dùng sẽ được lưu trữ và có thể được cung cấp cho cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công an khi được yêu cầu. Đại diện từ Cục An ninh mạng, ông Nguyễn Tiến Nam, khi trả lời VTV cho biết “Việc xác thực tài khoản giúp cơ quan chức năng xác định danh tính thực sự đứng sau tài khoản, hỗ trợ tốt cho quá trình điều tra và xử lý vi phạm.”

Công cụ đàn áp Tự do ngôn luận

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đăng status trên Facebook tại một quán cà phê ở Hà Nội ngày 27 tháng 11 năm 2013. Ảnh: AFP (Minh hoạ)

Nhà hoạt động về quyền bảo mật thông tin cá nhân, hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng các điều khoản về thu thập và lưu trữ cũng có vài mặt tích cực:

“Việc lưu trữ thông tin sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất dữ liệu khi cần thiết để điều tra các hoạt động vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn xã hội; Dễ dàng xác định danh tính người dùng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội như lừa đảo, xâm hại, tung tin giả mạo.”

Tuy nhiên, cũng theo nhà hoạt động giấu tên, việc thu thập quá nhiều thông tin cá nhân sẽ vi phạm quyền riêng tư của người dùng, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ thông tin cá nhân bị rò rỉ, hack, dẫn đến các vấn đề như lừa đảo, mạo danh v.v… Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể lạm dụng quyền lực để truy cập trái phép vào thông tin cá nhân của người dân, gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và các quyền khác.

Một số quy định khác được đánh giá là công cụ siết chặt sự quản lý của nhà nước đối với người dùng internet, bao gồm:

Những tài khoản bị xác định là đăng tải nội dung vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm an ninh quốc gia sẽ bị khóa vĩnh viễn theo yêu cầu của các bộ ngành liên quan.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong nước, người dùng bị cấm đăng tải nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.

Ông P. (24 tuổi, ở TPHCM) cho rằng việc đánh đồng hoạt động báo chí với đăng bài có nội dung như báo chí là việc đánh tráo khái niệm, công dân có quyền tự do tiếp cận cũng như đăng tải thông tin và chịu trách nhiệm với thông tin của mình đăng tải:

“Việc cấm công dân đăng tải thông tin dưới dạng báo chí là đánh đồng hoạt động báo chí, cần được cấp phép, với hoạt động cung cấp thông tin tự do dưới mọi hình thức của công dân.

Do đó, thay vì kiểm soát hoạt động đăng tải, thì cần tập trung vào việc kiểm tra tính chính xác của nội dung để đảm bảo một xã hội minh bạch và an toàn.”

Ông H. (37 tuổi, ở Hà Nội) đánh giá quy định này hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân và nó chặn đứng bất cứ sự trở lại nào của phong trào dân báo trước đây - với các blog, các facebook tổng hợp tin tức, bình luận chính trị trước đây như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, Anh Ba Sàm, TTX Vàng Anh,...

Nhà hoạt động giấu tên cho rằng, bên cạnh các yêu cầu nghiêm ngặt dành cho các doanh nghiệp và người dùng internet, điều quan trọng nhất là nhà nước cần phải ban hành luật quy định rõ ràng để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực của các cơ quan công quyền. Những nghị định hay luật về quản lý sử dụng internet hiện nay giống như công cụ đàn áp tự do ngôn luận trên không gian mạng hơn là để bảo vệ người dùng

Các công cụ quản lý Internet hiện có

Tính từ thời điểm ban hành Luật an ninh mạng vào năm 2018, chính phủ đã ban hành thêm 3 nghị định khác liên quan đến việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, bao gồm Nghị định 27 năm 2018, Nghị định 53 năm 2022 và Nghị định 147 vừa ban hành vào hôm 9/11 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12.

Luật an ninh mạng khi mới ban hành đã bị nhiều nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ mối quan ngại vì cho rằng đây là một công cụ đàn áp tự do ngôn luận trên không gian mạng hơn là để đảm bảo an ninh quốc gia.

Về nội dung, luật này cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để “chống phá nhà nước, lan truyền thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, xúc phạm người khác, xâm phạm an ninh quốc gia…”

Hình thức xử lý là doanh nghiệp phải xóa bỏ thông tin bị cho là trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Nếu không hợp tác sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Người sử dụng internet sẽ bị phạt hành chính nếu phát tán thông tin sai sự thật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi tuyên truyền chống nhà nước.

Song song với Luật an ninh mạng, năm 2018, chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 27. Đây là Nghị định bổ sung cho Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet được ban hành vào năm 2013.

Nếu như Luật an ninh mạng và nghị định 72 trước đó chỉ yêu cầu quản lý nội dung bị xác định là vi phạm luật pháp thì Nghị định 27 mở rộng phạm vi giám sát, bao gồm cả thông tin gây hiểu lầm, sai sự thật nhưng chưa đến mức vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp phải có hệ thống lọc tự động thông qua từ khoá hoặc thuật toán nhằm phát hiện các thông tin bị cho là “xấu, độc”.

Nghị định 53 về được ban hành vào tháng 8/2022 nhằm cụ thể hoá các quy định trong Luật an ninh mạng. Theo đó, để kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung trên không gian mạng, đặc biệt là nội dung liên quan đến an ninh quốc gia. Doanh nghiệp phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng trong thời hạn không quá 24 giờ đối với nội dung vi phạm an ninh quốc gia.

Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội phải áp dụng công nghệ để tự động phát hiện, cảnh báo các hành vi bị cấm đã nêu trong Luật an ninh mạng. Doanh nghiệp cũng phải báo cáo định kỳ cho cơ quan chức năng định kỳ 3 tháng 1 lần về tình hình giám sát nội dung.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025