Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gián điệp và gây bất ổn trên toàn cầu

Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gián điệp
và gây bất ổn trên toàn cầu
Minh Phương - RFI
Với mục tiêu trở thành cường quốc số một thế giới, Trung Quốc đã không ít lần thực hiện các hoạt động gián điệp và gây bất ổn trên quy mô toàn cầu. Các hoạt động này xuất hiện ngày càng nhiều và dưới hình thức đa dạng, từ lan truyền tin giả, đánh cắp dữ liệu nhạy cảm, đến phá hoại các hệ thống cáp quang, v.v
Ảnh minh họa các hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc trên toàn cầu. AP - Seth Wenig
Các "nạn nhân" của Trung Quốc
Nạn nhân đầu tiên của các hoạt động này dĩ nhiên là đối thủ lớn nhất của Bắc Kinh hiện nay : Hoa Kỳ. Vào tháng trước, báo chí Mỹ đã tiết lộ vụ tấn công tin học nhắm vào dữ liệu điện thoại của ông Donald Trump và người đứng liên danh phó tổng thống J. D. Vance, đồng thời nhắm đến các thành viên trong ê kíp của ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris. Trên tờ The New York Times hôm 21/11, ông Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh: "Đây là vụ tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử viễn thông của chúng ta,"
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, các chuyên gia về an ninh mạng còn phát hiện một chiến dịch khác của Trung Quốc có biệt danh là "Spamouflage". Chiến dịch này bao gồm việc kích hoạt các tài khoản Facebook giả và phát tán các hình ảnh và video, thường được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo, nhằm làm gia tăng sự chia rẽ và cho thấy một nước Mỹ đang đứng bên bờ vực sụp đổ, bị tàn phá bởi fentanyl, một loại ma túy cực độc, và bạo lực súng đạn.
Ngoài các vụ tấn công mạng ở Mỹ, Bắc Kinh còn bị nghi ngờ dính líu tới các hoạt động phá hoại, gây bất ổn ở châu Âu. Hôm 22/11, Thụy Điển đã thông báo sẽ cùng Đan Mạch giám sát một tàu hàng Trung Quốc dài 225 mét, mang tên Yi-Peng 3, bị mắc kẹt ở biển Baltic. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tàu Yi Peng 3 không có mặt đúng tại vị trí của hai dây cáp, một cáp nối Thụy Điển với Litva, cáp còn lại nối Trung Âu với các nước Bắc Âu, ngay thời điểm chúng bị cắt vào ngày 17/11. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ngay lập tức phủ nhận mọi trách nhiệm trong vụ việc.
Dù chưa xác định được chính quyền Trung Quốc có dính líu đến vụ phá hoại cáp quang hay không, sự việc lần này gợi nhớ tới vụ tương tự diễn ra trước đó. Vào ngày 08/10/2023, một tàu Trung Quốc mang tên NewNew-Polar-Bear đã làm hư hại một đường ống dẫn khí đốt giữa Phần Lan và Estonia, cùng với một cáp viễn thông dưới biển. Tại hiện trường, người ta đã tìm thấy mỏ neo của tàu này. Nhưng phải một năm sau đó, vào tháng 8 năm nay, Trung Quốc mới thừa nhận rằng tàu container này đã gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng đó là một tai nạn do thời tiết xấu. Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis thậm chí đã viết trên mạng xã hội X: “Nếu tôi nhận được một đồng xu mỗi lần một tàu Trung Quốc để neo trôi trên đáy biển Baltic gần các cáp quan trọng, thì tôi đã có hai đồng rồi, dù không phải là nhiều nhưng thật kỳ lạ khi điều này lại xảy ra đến hai lần.”
Cũng trong năm 2023, 13.000 cư dân của đảo Matsu, thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan, đã phải sống trong gần 2 tháng với kết nối Internet hạn chế sau khi một tàu đánh cá và sau đó là một tàu hàng, cả hai đều là tàu của Trung Quốc, làm đứt hai cáp kỹ thuật số nối đảo Matsu với đảo chính Đài Loan.
Do đâu các hành động này ngày càng gia tăng ?
Những vụ việc gần đây phản ánh xu hướng gia tăng hoạt động của các tác nhân Trung Quốc vào các chiến dịch phá hoại hoặc thu thập tin tức tình báo dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 11/2012, lãnh đạo họ Tập đã rất chú trọng đến việc củng cố các cơ quan tình báo. Ông đặc biệt tăng cường hoạt động của bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động tình báo nước ngoài và phản gián. Bộ này từ lâu đã là một cơ quan ít được biết đến, thường bị lu mờ bởi cơ quan tình báo quân sự trong các nhiệm vụ ở nước ngoài và bởi bộ Công An trong công tác an ninh nội địa.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2022, khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba trong cương vị chủ tịch nước, ông Tập đã thăng chức cho bộ trưởng An ninh Quốc gia đương nhiệm Trần Văn Thanh ( Chen Wenqing ), đưa ông vào Bộ Chính Trị, một điều chưa từng có, và giao cho ông lãnh đạo Ủy ban Công tác Chính trị và Pháp lý của đảng Cộng Sản.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ quyết tâm của Bắc Kinh tạo ra một trật tự thế giới mới. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với kênh truyền hình BBC, ông Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo MI6 của Anh, cho biết "ông Tập mong muốn loại bỏ Mỹ khỏi vị trí cường quốc số một" và quyết tâm của ông ấy khiến giới lãnh đạo phương Tây phải lo ngại. Nhưng để làm được điều đó, ngoài việc thực hiện các hoạt động phá hoại, Trung Quốc còn phải chạy đua phát triển công nghệ để sánh ngang với Mỹ.
Do vậy Bắc Kinh còn mong muốn thu thập được các thông tin mật về công nghệ hiện đại. Chuyên gia Emmanuel Lincot tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) nhận định trên kênh truyền hình TF1: “Tình báo Trung Quốc xâm nhập vào mọi lĩnh vực, từ các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và thậm chí là cả các trường đại học. Tại Đức, vụ việc đầu tiên liên quan đến gián điệp công nghiệp. Họ (Trung Quốc) đã sử dụng một thủ đoạn quen thuộc, đó là tiếp cận với những người làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm và trả tiền cho họ để thu thập thông tin mật về các công nghệ đang được phát triển.
Lý do thứ ba phải kể tới, đó là sự chậm trễ của châu Âu và Hoa Kỳ. Giới chuyên gia lo ngại rằng, dù quyết tâm chống lại các hành vi này, phương Tây chưa đánh giá đầy đủ các thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra và đã bị tụt hậu trong công tác tình báo, khiến phương Tây trở nên dễ bị tổn thương trước các hoạt động gián điệp và phá hoại của Bắc Kinh, từ đó làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, dẫn đến các hậu quả tai hại.
Theo ông Nigel Inkster, một cựu nhân viên khác của MI6, các cơ quan tình báo Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động gián điệp công nghiệp từ những năm 2000, nhưng các doanh nghiệp phương Tây đã giữ im lặng. Ông giải thích: "Họ không muốn báo cáo điều đó vì sợ sẽ làm tổn hại đến vị trí của mình trên thị trường Trung Quốc".
Cuối cùng, việc xác định và ngăn chặn các hoạt động tình báo của Bắc Kinh cũng là một thách thức lớn với phương Tây. Theo BBC, giống như Trung Quốc, các nước phương Tây cũng theo dõi Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin tại Trung Quốc nhằm chống lại các hoạt động tình báo và phá hoại của Bắc Kinh lại không hề dễ dàng cho các cơ quan phương Tây.
Không bị trói buộc bởi các vấn đề nhân quyền, chính phủ Trung Quốc có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt thông tin nội bộ, cũng như giám sát chặt chẽ các hoạt động của người dân. Theo số liệu do Le Monde trích dẫn, tính đến đầu năm 2023, tại Trung Quốc có khoảng 540 triệu camera giám sát trên tổng số 1,46 tỷ dân, có nghĩa là mỗi camera sẽ giám sát khoảng 3 người. Việc theo dõi và nhận dạng khuôn mặt trên hệ thống kỹ thuật số dày đặc như vậy khiến mô hình tình báo truyền thống gần như không thể thực hiện. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là mục tiêu rất khó theo dõi đối với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), chuyên nghe lén các thông tin liên lạc và thu thập tình báo số, vì Trung Quốc sử dụng các nền tảng công nghệ riêng của họ, thay vì công nghệ của phương Tây.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm