Nghĩ Về Báo Chí Mỹ ....!
Đó là một bộ mặt xấu xí. Rất xấu xí.
Đó là một bộ mặt độc hại. Rất độc hại.
Đó là một bộ mặt thiên tả. Rất thiên tả.
Qua lần tổng tuyển cử này (và hai lần trước 2016-2020), ít ai còn tin vào báo chí Mĩ. Ông chủ tờ Washington Post (khét tiếng thiên tả) Jeff Bezos nói quá đúng:
‘Công chúng không còn tin vào báo chí nữa.’
Nói cho rõ: đó là báo chí mệnh danh là legacy media — truyền thông truyền thống. Đó là những New York Time, New Yorker, Washington Post, LA Time, CNN, MSNBC, PBS, ABC, v.v.
Độc giả Mỹ và toàn thế giới đã bị báo chí Mỹ ‘gas lighting’ quá lâu rồi. (Xin mở ngoặc: gas lighting có nghĩa là giả tạo ra một thực tế để thao túng tâm lí người khác).
Cách họ (báo chí Mĩ) hành xử trong thời gian qua chỉ là một ví dụ tiêu biểu về gas lighting.
***
Bao che cho Biden
Báo chí đã nói láo và che giấu tình trạng sa sút sức khỏe tâm thần của ông Biden. Họ ra rả nói rằng ông Biden là người mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần.
Joe Scarborough của MSNBC tuyên bố rằng sức khỏe của ông Biden chưa bao giờ tốt hơn như lần ông tuyên bố ra tranh cử 2024.
Scarborough thậm chí chửi thề đối với những ai nghi ngờ Biden rằng:
‘ĐM bọn mày, những đứa không biết xử trí sự thật.’
Rồi y thề thốt như là bác sĩ riêng của ông Biden:
‘Phiên bản Biden hiện nay là tốt nhứt về mặt tri thức và khả năng phân tách, nếu đó không phải là sự thật, tao đâu có nói.’
Nhưng Joe Scarborough nói láo. Trong thực tế, sức khỏe của ông Biden sa sút nhiều.
Ông lẫn lộn nhiều lần. Tiêu biểu là ông nói Putin đang thất trận ở Iraq. (Ý ông nói thất trận ở Ukraine). Trong hội nghị G7, ông lang thang một cách vô định, và phải nhờ ông Thủ tướng Ý Giorgia Meloni hướng dẫn. Trong hội nghị NATO ông gọi Volodymyr Zelensky là ‘Tổng thống Putin.’
Trước đó, ông bị té vài lần. Té trên cầu thang máy bay Air Force One. Té trên bục giảng. Té khi đang đi.
Trong lần tranh luận với ông Trump (6/2024), ông nói năng không thành câu, còn mắt thì nhiều khi nhìn về nơi xa xăm, vô định.
Ấy vậy mà báo chí vẫn có thể tìm những ‘chuyên gia y tế’ (thường mang hàm giáo sư) khẳng định rằng sức khỏe của Biden ok. Lại có giáo sư suy đoán rằng ông Biden chỉ bị cảm cúm thôi. Nhưng khi ông ấy tuyên bổ bỏ cuộc tranh cử, báo chí mới tha hồ nói về tình trạng sức khỏe xấu của ông.
***
Bao che cho Harris
Báo chí bao che cho ông Biden. Họ còn tích cực bao che cho bà Harris. Trong tranh cử, Harris được báo chí nâng niu như là một … công chúa.
Nào là Harris đẹp gái, thông minh, học hành giỏi giang.
Nào là Harris thương người như thể thương thân.
Nào là Harris nói năng có duyên và lịch lãm.
Nói chung, họ miêu tả bà Harris như Á thánh.
Theo Media Research Center, 78% những thông tin liên quan đến Harris do NBC, ABC và PBS truyền đi là tích cực, so với 15% về Trump.
Truyền thông Mỹ còn sửa lời của Harris để tạo ra ấn tượng rằng bà ấy thông minh.
Trong chương trình ‘Face the Nation’, bà Harris trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa Mỹ và Do Thái một cách lòng vòng và dài dòng.
Chẳng ai hiểu bà ấy nói gì. Nhưng khi họ phát hình chương trình, họ biên tập những câu nói lòng vòng vô nghĩa một cách gọn gàng, làm như bà ấy có viễn kiến!
Nói cách khác, họ xem thường khán giả. Họ hành xử giống như George Orwell mô tả trong tiểu thuyết ‘1984.’
Trong thực tế, Harris tránh báo chí. Vì thiếu tự tin.
Khi cái teleprompter bị hư, bà ấy không có khả năng ứng khẩu mà phải lặp lại một câu nói 3-4 lần để câu giờ.
Ngay cả tờ báo khét tiếng thiên tả New York Time còn kêu gọi Harris nên họp báo. Nhưng bà từ chối. Harris không dám xuất hiện trong podcast của Joe Rogan.
***
Chống Trump tới cùng
Giới báo chí Mỹ không giấu diếm thái độ chống Trump.
Không. ‘Chống Trump’ chưa đúng; phải nói là ‘Căm thù Trump’ thì đúng hơn. Họ xem Trump như là một kẻ thù của người dân.
Trong cái nhìn của họ, Trump nói gì cũng sai, cũng dóc; Trump làm gì cũng bậy và nguy hiểm.
Ngay cả khi Trump bị ám sát hụt, một số báo chí loan tin với nghi ngờ rằng Trump đã dàn dựng sự kiện. Còn các báo công nhận có ám sát thì họ hạ thấp mức độ nghiêm trọng. Khi ông Trump hạ người thấp xuống tránh đạn, CNN mô tả là ông ấy ‘fall’ (té).
Họ không còn khả năng và lí trí để phân biệt đúng sai. Báo chí bôi nhọ Trump bằng đủ thứ nhãn hiệu ghê tởm:
Trump là một tên phát xít.
Trump kì thị phụ nữ.
Trump là kẻ mù quáng.
Trump là một tên độc tài.
Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ.
Vân vân...
Tờ Atlantic (khét tiếng căm thù Trump) viết rằng Trump phát ngôn giống như Hitler, Stalin, Mussolini.
Theo sau chiến dịch gas lighting bôi nhọ là những cái tít trên báo và tivi với ý đồ làm lung lay niềm tin của cử tri. Cử tri thì thấy tê cóng trước những cái tít độc địa. Họ không ngờ những kẻ giỏi chữ lại dùng con chữ để ám sát nhân cách của một ứng viên tổng thống.
Họ làm được với Trump, họ có thể làm đối với bất cứ ai. Ngay cả sau khi thắng cử, họ vẫn duy trì lòng căm thù đối với Trump. Và, họ đặt điều.
Họ viết rằng Trump đe dọa xử bắn bà Liz Cheney! Nhưng Trump không hề nói vậy.
Trump nói rằng bà Cheney là một ‘diều hâu chiến tranh’ và nếu bà ấy tìm thấy mình đứng trước 9 nòng súng, thì bà ấy có lẽ không muốn gởi người Mỹ vào cuộc chiến.
***
Elon Musk, một nạn nhân của báo chí truyền thống, nói:
‘Lí do mà công chúng không tin vào báo chí là vì cái bộ mặt gian dối của họ đã bị phơi bày quá nhiều lần để có thể đếm hết.’
Musk nói thêm:
‘Báo chí truyền thống rất xứng đáng nhận sự khinh bỉ và chế giễu mà họ đang gặt hái.’
Dù thương hay ghét, Trump đã bỏ qua báo chí truyền thống để đến với công chúng. Trump là người dám nói báo chí truyền thống là kẻ thù của người dân. Quan điểm đó đã đặt ông vào vị trí của một kẻ ngoại cuộc, dám đấu tranh chống lại bọn elites.
Sự xuất hiện của ông ấy trong chương trình Joe Rogan (người từng chống Trump) đã thuyết phục giới trẻ vốn bị báo chí cho ra rìa quá lâu. Cái podcast của Joe Rogan còn cho thấy những gì báo chí bôi nhọ ông ấy là một tội ác.
Báo chí truyền thống mắc một căn bệnh khó trị: ngạo mạn. Họ phách lối vì nghĩ rằng họ kiểm soát thông tin. Nhưng họ chưa nhận ra rằng họ không còn là kẻ duy nhứt kiểm soát thông tin. Ngày nay, truyền thông xã hội đã trở thành một nền tảng thông tin nhanh và gần với công chúng.
Trong khi đó, báo chí truyền thống đã và đang tự nguyện trở thành một bộ máy tuyên truyền của phe cánh tả. Cái bộ máy đó nó còn tiêm nhiễm sang các nhóm báo chí cộng đồng, như cộng đồng người Việt chẳng hạn.
Như là một dàn đồng ca: khi báo chí Mỹ nhả ra những câu chữ độc địa cho Trump thì truyền thông cộng đồng Việt hứng lấy, nhai lại, rồi làm ô nhiễm cộng đồng.
Không cần suy nghĩ. Không cần kiểm tra thông tin. Như là những cái máy. Đúng là ‘mưa xuống ễnh ương kêu.’ Ai cũng thấy điều đó.
Cách báo chí miêu tả Trump một cách tiêu cực là một lợi thế cho ông ấy. Tại sao? Tại vì người ta thấy ông ấy là một nạn nhân của một bộ máy tuyên truyền tàn ác và láo toét.
Có lẽ sự căm thù của truyền thông cánh tả đối với Trump cũng gợi lại trải nghiệm chua cay của nạn nhân lính Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam. Và, người dân đã ủng hộ ‘nạn nhân’ Trump như là một phát biểu hùng hồn rằng: các người cần phải học một bài học.
Đúng như Mark Twain (?) từng nói: ‘If you don’t read the newspaper, you are uninformed; but if you do read it, you are misinformed.’ Dịch: Nếu bạn không đọc báo, bạn sẽ bị mù thông tin; nhưng nếu bạn đọc, bạn sẽ bị thông tin sai lệch.
Nhận xét
Đăng nhận xét