Não trạng “hòa bình” và “ổn định” sẽ dẫn tới mất nước
Não trạng “hòa bình” và “ổn định” sẽ dẫn tới mất nước
Như người viết đã phân tích trước đây, “Hội chứng Ếch Luộc” (Boiling frog syndrome) là một ẩn dụ để chứng minh sự sai lầm của những người chỉ thấy sự ổn định trước mắt mà không lo cho hiểm họa lâu dài. “Hội chứng Ếch Luộc” được dùng nhiều trong tâm lý học nhưng về sau được dùng trong các lãnh vực khác nhất là chính trị.
Hội chứng này được giải thích như sau: Nếu bạn đặt một con ếch vào nồi nước nóng đương nhiên ếch sẽ nhảy ra ngay, nhưng nếu đặt ếch vào nồi nước ấm và đun nóng từ từ trong điều kiện nhiệt độ được kiểm soát, ếch ta sẽ rất lấy làm khoan khoái và cảm thấy đời sống rất là ổn định. Khi nóng tăng cao chút xíu cũng không sao vì ếch giống như con người có thể “tự diễn biến” cơ thể để thích nghi với thay đổi nhiệt độ. Nhưng khi nóng tăng cao tới độ sôi thì than ôi đã quá trễ rồi, độ nóng vượt giới hạn chịu đựng làm cho ếch ngất xỉu và hậu quả là bị luộc chết.
Trong chính trị học, hội chứng giải thích cách Trung Cộng với tham vọng và ưu thế tài chánh đang đun sôi thế giới. Khó có thể trả lời khi nào số phận của 8.2 tỷ người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột võ trang do Trung Cộng (TC) gây ra. Nhưng sẽ xảy ra.
Việt Nam, về địa lý, nằm trong vị trí “núi liền núi, sông liền sông” sẽ là nạn nhân trực tiếp, gần nhất, sớm nhất của mọi tai họa.
Một quy luật dù sinh học, thực vật học, vật lý hay xã hội học cho thấy mọi vật chất hay cơ cấu xã hội nếu chứa đựng các mâu thuẫn đối kháng (antagonistic contradiction) vật đó hay xã hội đó sẽ dẫn tới ung thối và tan vỡ. TC, một chế độ chính trị đi ngược với mọi nhu cầu, ước vọng và quyền căn bản của con người, sẽ phải sụp đổ.
Liệu các mâu thuẫn đối kháng trong nội bộ cơ chế TC dẫn tới một sự sụp đổ êm thấm như trường hợp Liên Xô hay qua bạo động hiện chưa biết được.
Năm 1988 là năm ổn định nhất tại TC với Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) tăng 11.3%, thất nghiệp giảm, mức lạm phát không tăng so với năm trước. Không ai nghĩ đến một sự kiện nào có thể gây bất lợi cho đảng CSTQ. Nhưng ngày 15 tháng 4, 1989, biến cố Thiên An Môn bùng nổ. Điều đó cho thấy các mâu thuẫn đối kháng ngấm ngầm từ chế độ đã đến thời điểm bộc phát. (China’s Economic Rise: History, Trends, Challenges, and Implications for the United States, The Congressional Research Service (CRS) June 25, 2019)
Sau biến cố Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình và giới cầm quyền TC áp dụng ba chính sách: (1) ngu dân bằng cách ngăn chặn mọi nguồn thông tin từ thế giới bên ngoài, (2) đun sôi lò lửa ái quốc cực đoan Đại Hán, đồng thời, (3) tìm mọi cách để không ngừng phát triển kinh tế để người dân quên đi thân phận nô lệ thời đại mới của họ.
Một ví dụ ngu dân cụ thể trong lãnh vực tin học. Một người tham gia WeChat, diễn đàn trao đổi tin nhắn phổ biến nhất tại TC, vốn đã bị cô lập bên trong Bức Tường Lửa Vĩ Đại Của Trung Quốc (Great Firewall of China), vẫn phải dùng tên thật và mọi trao đổi đều được cơ quan an ninh mạng thu thập, phân tích, kiểm duyệt và nếu vi phạm luật an ninh mạng sẽ bị trừng phạt.
Nhưng Đặng Tiểu Bình phải biết khi cánh cửa kinh tế mở cùng lúc ánh sáng văn minh theo đó soi vào, mọi quan điểm cực đoan đều dẫn đến tai họa và không một nền kinh tế nào có thể phát triển mãi mãi.
Theo UNESCO, hiện có trên một triệu sinh viên Trung Quốc đang theo học các đại học nước ngoài. Trung Quốc đã có một Lưu Hiểu Ba sẽ có nhiều Lưu Hiểu Ba khác.
Mọi mâu thuẫn triệt tiêu sẽ dẫn đến điểm vỡ. Chính Mao Trạch Đông chứ không ai khác trong bài giảng “Bàn Về Mâu Thuẫn” nổi tiếng tại Trường Đại học Quân Chính Kháng Nhật ở Diên An năm 1937 cũng thừa nhận trong lúc các mâu thuẫn giữa những người trong cùng giai cấp có thể hòa giải nhưng mâu thuẫn đối kháng giữa các tầng lớp con người thù địch sẽ dẫn đến cách mạng. Mao phát biểu: Trong lịch sử loài người, sự đối kháng giữa các giai cấp tồn tại như một biểu hiện cụ thể của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập. Hãy nhận xét mâu thuẫn giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Những giai cấp mâu thuẫn như vậy cùng tồn tại lâu dài trong cùng một xã hội, dù là xã hội nô lệ, xã hội phong kiến hay xã hội tư bản, và chúng đấu tranh với nhau; nhưng phải đến khi mâu thuẫn giữa hai giai cấp phát triển đến một giai đoạn nhất định thì nó mới chuyển sang hình thức đối kháng công khai và phát triển thành cách mạng. Điều tương tự cũng xảy ra đối với việc biến hoà bình thành chiến tranh trong xã hội có giai cấp.” (Mao Tse-tung, On Contradiction, Selected Works of Mao Tse-tung, August 1937)
Bản chất đích thực của chế độ CS tại TC ngày nay là một biến thể của chủ nghĩa nô lệ trong thời đại toàn cầu, qua đó giai cấp chủ nô sở hữu toàn bộ tài sản xã hội và giai cấp nô lệ được ban phát theo nhu cầu sống trong từng thời điểm. Do đó, không ngạc nhiên khi Trung Tâm Vì Giá Trị Hoa Kỳ ( Center for American Values) kết án chế độ CS tại Trung Quốc ngày nay là Chế Độ Nô Lệ Thời Hiện Đại (Modern Day Slavery).
Dĩ nhiên con người không phải là nô lệ và càng không phải một động vật. Nhu cầu sống của con người không chỉ là nhu cầu vật chất. Do đó, cuộc cách mạng giữa các tầng lớp cùng giai cấp trở nên thù địch tại TC sẽ phải được giải quyết bằng một cuộc cách mạng khác, vấn đề chỉ là thời gian và hình thức. Lịch sử của các triều đại Trung Quốc cho thấy, sụp đổ bằng máu có xác suất cao hơn sự sụp đổ trong hòa bình.
Các lãnh đạo một nước nhỏ láng giềng của TC phải chuẩn bị cho một sự sụp đổ bạo động tại TC.
Những bài học từ hai cuộc thế chiến cho thấy, nếu có chuẩn bị, một quốc gia có thể thoát ra hay ít bị ảnh hưởng hơn các quốc gia khác. Ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo chỉ vì tham vọng quyền lực, vì nồi cơm chén gạo của cá nhân và gia đình, vì quyền lợi đảng phái mà không thực hiện các thay đổi cấp bách, đất nước sẽ rơi vào vực thẳm.
Các nhà phân tích thời sự thường dùng Thế Chiến Thứ Hai để phân tích các xung đột thế giới nhưng đúng ra nên dùng Thế Chiến Thứ Nhất. Thế Chiến Thứ Hai chỉ là hậu quả của những nguyên nhân bắt nguồn từ Thế Chiến Thứ Nhất chưa được giải quyết rốt ráo. Biến cố ám sát Quận Công Franz Ferdinand ngày 28 tháng 6, 1914 chỉ là giọt nước tràn ly của các mâu thuẫn đối kháng. Thế Chiến Thứ Nhất là cuộc chiến giữa các liên minh quân sự và được hâm nóng từ lâu. Đức bị bao vây trước liên minh thù địch Anh, Pháp, Nga (Triple Entente).
TC ngày nay cũng thế. Mối lo lớn nhất của Tập Cận Bình giống như các lãnh đạo TC trước đây và sau này là mối lo bị bao vây. Họ Tập tân dụng mọi cơ hội để xây dựng các liên minh quân sự để làm đối lực.
Nhưng Tập Cận Bình phải hiểu rằng các xung đột tương tự trong tương lai không còn là mạnh hiếp yếu mà sẽ được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế , và dù mạnh bao nhiêu, lớn bao nhiêu, một nước cũng không thể đương đầu với cả thế giới.
Tập Cận Bình phải hiểu rằng nếu một cuộc xung đột võ trang xảy ra, các nước dân chủ dù thiệt hại nhiều hơn vẫn có cơ hội phục hồi, trong khi đó chế độ CS tại Trung Quốc vốn xây dựng trên những mâu thuẫn đối kháng bên trong một cơ cấu mong manh dễ vỡ sẽ phải sụp đổ.
Thượng đỉnh BRICS vừa qua cho thấy thâm ý của Tập Cận Bình quá rõ. Nhưng mỗi nước tham gia có nghị trình riêng và có nước còn giấu dao trong túi. Putin muốn chấm dứt chiến tranh trong danh dự và có lợi. TC muốn duy trì bất ổn thêm một thời gian để tạo thêm vây cánh.
Sự có mặt của Ấn Độ, một nước dân chủ, trong buổi họp của đám “độc tài quốc tế “ này là một sự kiện đang được bàn cãi.
Theo quan điểm Chính Trị Thực Dụng (Realpolitik), Ấn không thể đứng ngoài BRICS trong lúc này vì (1) Ấn cần giữ quan hệ tốt truyền thống với Nga tận từ thời Liên Xô còn tồn tại dù trải qua nhiều thay đổi trong các chính sách đối ngoại của hai nước, (2) trong suốt 20 năm tính đến 2024 Nga là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất, 65%, cho Ấn Độ, (3) Nga dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng An Ninh LHQ để ủng hộ các chính sách đối ngoại lớn của Ấn trong khi Ấn không có quyền này, (4) trong đường dài, Ấn có thể khai thác xung đột biên giới đang có giữa Nga và Trung Cộng có lợi cho các chính sách an ninh của Ấn. Đó là chưa nói đến các mối lợi ngắn hạn nhưng cần thiết khác như việc mua dầu thô của Nga với giá rẻ để sau đó lọc và xuất cảng xăng với giá cao, đẩy mạnh phát triển kinh tế để chạy đua với TC hay ngăn chặn Pakistan tham gia BRICS.
Sự có mặt của một nước dân chủ lớn khác là Ba Tây trong khối BRICS cũng không phải là một thuận lợi cho TC. Theo South China Morning Post, cách đây hai hôm, 29 tháng 10 2024, Ba Tây từ chối tham gia vào sáng kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative) của TC. Trước đây TC muốn đưa vấn đề này thành một viên đá tảng đánh dấu quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trước khi Tập Cận Bình chính thức viếng thăm Ba Tây vào tháng tới.
Phân tích để thấy mọi thay đổi đều cần thời gian và với điều kiện kinh tế chính trị thế giới hiện nay sự thay đổi sẽ diễn ra rất chậm. Nhưng đó lại là một điều may mắn hiếm hoi cho các nước nhỏ như Việt Nam. Việt Nam vẫn còn có thời gian để thay đổi chính mình trước khi đương đầu với những đổi thay của thế giới, đừng đợi đến khi chảo dầu Á Châu phát hỏa mới nhúng tay vào.
Trong thời điểm này, những người Việt Nam có ý thức, biết quan tâm về tiền đồ dân tộc dù đang ở đâu cũng phải làm mọi cách trong điều kiện của mình để góp phần thay đổi hướng đi của đất nước.
Não trạng “ếch luộc”, cho rằng đất nước chưa bao giờ sống trong “hòa bình” và “ổn định” như ngày nay, sẽ dẫn tới mất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét