Bước tiến của Kim Jong Un và bước lùi của Yoon Suk Yeol trong vấn đề Triều Tiên

Bước tiến của Kim Jong Un và
bước lùi của Yoon Suk Yeol trong vấn đề Triều Tiên
Thường Lạc Văn
Sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un giữ thái độ im lặng bất thường. Kim đã biến mất khỏi truyền thông nhà nước gần 10 ngày kể từ sau chuyến thị sát các dự án tái thiết hậu lũ lụt ở tỉnh Bắc Pyongan hôm 5/11. Mặc dù điều này phù hợp với thông lệ nghỉ phép từ tháng 10 đến tháng 11 hằng năm, nhưng Kim Jong Un đã mang đến một quả bom thực sự khi trở lại sau kỳ nghỉ.
“Bước tiến” của Kim Jong Un
Ngày 19/11, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, lãnh đạo tối cao Kim Jong Un vào ngày 18/11 đã gặp trưởng phái đoàn của chính phủ Liên bang Nga kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nga Alexander Kozlov, người tới thăm Triều Tiên và tham dự hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban liên chính phủ Triều Tiên-Nga về hợp tác thương mại, kinh tế và khoa học công nghệ. Đây là phái đoàn cấp cao đầu tiên sau khi Triều Tiên và Nga tăng cường hợp tác toàn diện và chính thức phê chuẩn Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Liên bang Nga. Triều Tiên không chỉ cử Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại Yun Jung Ho đến sân bay tiếp đón, mà Kim Jong Un còn gặp Kozlov trong cùng ngày, điều thể hiện mức độ coi trọng của phía Triều Tiên.
Do dân cư phân bố không đồng đều, Viễn Đông có đặc điểm đất rộng người thưa và khí hậu khắc nghiệt, lạnh lẽo. Chính sách phát triển vùng Viễn Đông của Nga luôn rất bấp bênh. Họ vừa hy vọng huy động được lực lượng của các nước Đông Bắc Á (người dân các nước Đông Nam Á luôn không thích nghi được với khí hậu cao hàn của Nga) để khai thác tài nguyên và phát triển thị trường, lại vừa không muốn liên bang trở thành phong kiến và xuất hiện “nhà nước trong nhà nước”. Vì vậy, với tư cách là một quốc gia giàu năng lực, kỷ luật và quy mô dân số có thể di cư mà không tạo ra mối đe dọa nào đối với Nga, đồng thời cũng đang ở vào giai đoạn có nhu cầu về công nghệ Nga, Triều Tiên đã trở thành lựa chọn hàng đầu.
Cộng thêm việc cả hai nước đều đang phải đối mặt với sự cô lập của phương Tây, Kim Jong Un kể từ khi lên nắm quyền đã luôn cố gắng phá vỡ cục diện khó khăn, ít nhất là để giành được ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Hàn Quốc, nhằm tái hiện niềm vinh quang Bắc mạnh, Nam yếu của những năm 1960. Ngay cả việc đầu tư mạnh vào các lĩnh vực sinh kế của người dân và xây dựng các câu lạc bộ trượt tuyết, câu lạc bộ cưỡi ngựa… cũng mang dụng ý này. Vì vậy, hợp tác Nga-Triều không chỉ là thượng sách để cả hai bên giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn là giải pháp duy nhất để bảo vệ hệ thống hiện có.
Cùng đến Bình Nhưỡng với phái đoàn kinh tế còn có phái đoàn của Học viện Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, do Giám đốc Vladimir Zarudnitsky dẫn đầu. Khác với sự tiếp đón đặc biệt mà phái đoàn kinh tế nhận được, Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Quân sự Kim Nhật Thành và Tùy viên Quốc phòng Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên đã đích thân tiếp đón phái đoàn tại sân bay, còn Kim Jong Un cho đến ngày 19 vẫn chưa tiếp xúc với phái đoàn quân sự Nga.
Từ cuối năm ngoái, quân đội Nga đã bắt đầu sử dụng tên lửa, đạn pháo và các loại vũ khí, đạn dược khác của Triều Tiên. Tuy nhiên, thông tin tình báo từ các bên cho thấy, việc “bản địa hóa” mà đơn vị phóng di động của Triều Tiên thực hiện đã khiến quân đội Nga gặp vấn đề trong quá trình sử dụng. Đây cũng chính là nguyên do khiến Triều Tiên phái quân sang Nga.
Trong bối cảnh chính sách của Mỹ có những thay đổi lớn, việc chính quyền Biden khẩn trương tiếp máu cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở và Trump nhiều khả năng sẽ “chấm dứt chiến tranh ở Ukraine”, mối quan hệ hợp tác quân sự đang trên đà phát triển giữa Nga và Triều Tiên cũng có chút khó xử – Nga cần mở rộng thành quả chiến đấu trước lệnh ngừng bắn, nhưng không thể vì thế mà quá thuận theo “báo giá” của Triều Tiên; Triều Tiên cần có được càng nhiều công nghệ hàng không vũ trụ và tên lửa của Nga càng tốt, nhưng không muốn lao vào tiền tuyến của Nga và Ukraine, mà để lại một tia hy vọng cho cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ.
Chưa kể các quốc gia láng giềng ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không muốn bán đảo Triều Tiên hỗn loạn vì lý do quân sự.
Từ góc độ của Triều Tiên, mặc dù cần phải kiểm soát mức nhiệt của hợp tác Nga-Triều nhưng “thuyết hai nhà nước” mới được đưa ra không lâu, năm nay và năm tới là những năm quan trọng đối với chính trị trong nước của Triều Tiên, sự kiện toàn quân đội chuẩn bị cho chiến tranh với Hàn Quốc vẫn đang nóng lên trên quỹ đạo quán tính. Vào ngày 15/11, KCNA đưa tin, Kim Jong Un đã chỉ đạo tại chỗ cuộc thử nghiệm hiệu suất của nhiều loại máy bay không người lái tự hủy do Tổ hợp Công nghệ Hàng không không người lái sản xuất, hình ảnh về thiết bị còn được xử lý làm mờ.
Nguyên văn từ KCNA nêu rõ:
“Đồng chí Kim Jong Un chỉ thị, phải xây dựng một hệ thống sản xuất hàng loạt càng sớm càng tốt rồi sau đó đưa vào sản xuất hàng loạt. Cuộc cạnh tranh dựa trên công nghệ tiên tiến với việc sử dụng máy bay không người lái làm phương tiện chính của lực lượng quân sự đang ngày càng gay gắt trên quy mô toàn cầu, phạm vi sử dụng của nó trong các hoạt động quân sự cũng không ngừng mở rộng. Với chi phí sản xuất thấp và quy trình sản xuất đơn giản, nó có thể dễ dàng đóng vai trò là một phần không thể thiếu của lực lượng tấn công trong các lĩnh vực mới. Máy bay không người lái đã đạt được những thành tựu đáng kể trong các cuộc xung đột quân sự lớn nhỏ, đây là một thực tế được quân đội các nước trên thế giới ghi nhận. Đây là đòi hỏi cần thiết và là xu hướng mới trong lĩnh vực quân sự hiện nay. Sự thay đổi khách quan này đòi hỏi cấp thiết phải cập nhật phần lớn nội dung lý luận quân sự, thực hành quân sự và giáo dục quân sự, đồng thời đòi hỏi cấp thiết các cơ quan giáo dục và khoa học quốc phòng của quân đội ta phải nỗ lực gấp đôi và nhanh chóng đưa ra những hành động thiết thực.”
Trong bối cảnh không tiến hành một cuộc chiến tranh nóng, tác chiến bằng máy bay không người lái là tiền tuyến đối đầu gay gắt nhất trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2013, truyền thông nhà nước Triều Tiên lần đầu tiên đưa tin Kim Jong Un theo dõi một cuộc tấn công mô phỏng bằng máy bay không người lái vào mục tiêu Hàn Quốc. Kể từ đó, Hàn Quốc nhiều lần cáo buộc máy bay không người lái của Triều Tiên vượt biên giới để do thám. Năm 2014, một máy bay không người lái của Triều Tiên thậm chí đã bay qua Seoul và trở về an toàn sau khi chụp ảnh Nhà Xanh (nơi tổng thống ở vào thời điểm đó).
Năm 2022, máy bay không người lái của Triều Tiên lại xuất hiện trên bầu trời Yongsan. Hàn Quốc công bố thông tin về việc ngăn chặn, đồng thời thông báo về tình hình phát triển máy bay không người lái và hệ thống chống máy bay không người lái của Hàn Quốc, cho biết dự án nghiên cứu và phát triển hệ thống chống UAV cỡ nhỏ (Block-I) của doanh nghiệp công nghiệp quân sự LIG NEX1 dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2026.
Ngoài ra, Không quân Hàn Quốc cũng có lực lượng máy bay không người lái của riêng mình và không ngừng tìm cách trả đũa Triều Tiên, hai bên liên tục ăn miếng trả miếng. Việc Kim Jong Un thị sát tổ hợp máy bay không người lái lần này là nhằm chứng minh khả năng R&D và sản xuất máy bay không người lái, đồng thời cũng có thể liên quan đến việc Hàn Quốc trước đó đã triển khai máy bay không người lái rải truyền đơn gần trụ sở Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng.
Đến ngày 12/11, Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Liên bang Nga vừa chính thức được thông qua, phái đoàn Nga liền có mặt tại Bình Nhưỡng, bốn chữ “sản xuất hàng loạt” để lại cho thế giới bên ngoài một không gian rộng lớn cho trí tưởng tượng về sự hợp tác giữa Bắc Triều Tiên và Nga.
Về mặt chính trị, ngày 18/11, truyền thông chính thống của Triều Tiên đưa tin, Hội nghị lần thứ 4 của các chỉ huy tiểu đoàn và giảng viên chính trị của quân đội Triều Tiên đã được tổ chức tại Bình Nhưỡng từ ngày 14 đến ngày 15. Hội nghị này có ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt ở Triều Tiên, là nút thắt quan trọng để hoàn thành các giai đoạn trong việc chỉnh đốn quân đội, báo cáo kết quả cho Đảng Lao động và Quân đội Nhân dân cũng như thống nhất các ý tưởng.
Hội nghị gần nhất được tổ chức cách đây 10 năm vào năm 2014, ngay sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền. Trong khi đó, hội nghị lần thứ nhất và thứ hai phải truy ngược về năm 1953, ngay sau khi nhà lãnh đạo tối cao đầu tiên của Triều Tiên Kim Nhật Thành lên nắm quyền, và vào năm 2006 khi nhà lãnh đạo thứ hai Kim Jong Il nắm quyền và chuẩn bị công bố người kế nhiệm.
Phía Hàn Quốc đã phóng đại quá mức nội dung của cuộc hội nghị, đặc biệt là bài phát biểu của Kim Jong Un. Hãng thông tấn Yonhap cho biết:
“Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ tăng cường không hạn chế sức mạnh hạt nhân và dồn toàn lực để hoàn tất việc chuẩn bị cho chiến tranh.”
Tuy nhiên, bản tin của KCNA không dẫn toàn văn bài phát biểu của Kim Jong Un và báo cáo của No Kwang Chol mà chỉ trích dẫn phát biểu của Kim Jong Un, cho biết:
“Đồng chí Kim Jong Un chỉ trích việc các thế lực thù địch như Mỹ và bù nhìn Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc đối đầu quân sự nhắm vào Triều Tiên, có ý định leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên – điểm nóng lớn nhất thế giới, lên mức đe dọa tồi tệ nhất trong lịch sử, đồng thời đề ra các khẩu hiệu chiến đấu mà lực lượng vũ trang các cấp của ta phải tuân thủ khi tăng cường hoàn thiện công tác chuẩn bị cho chiến tranh phù hợp với yêu cầu của cách mạng và yêu cầu của tình hình hiện nay.”
Hai cách thể hiện này có sự khác biệt rất lớn.
Vào ngày 17, em gái của Kim Jong Un là Kim Yo Jong đã thay mặt Đảng Lao động chỉ trích việc Hàn Quốc thả bóng bay và rải truyền đơn chính trị sang phía Triều Tiên. Hai bên đã tham gia vào một “cuộc chiến rác” trong hơn nửa năm và duy trì một sự ngầm hiểu về “không leo thang, không nổ súng, không khuất phục, không dừng lại, Hàn Quốc không thừa nhận sự tham gia chính thức và Triều Tiên không chấp nhận lời giải thích của Hàn Quốc”. Ngoài vấn đề tôn nghiêm và việc hai bên phải ăn miếng trả miếng, cuộc chiến rác này đã áp chế một cách khách quan tiếng nói của phe Đảng Dân chủ Hàn Quốc trong vấn đề quốc phòng, giúp cho Yoon Suk Yeol và Đảng Bảo thủ duy trì được địa bàn cơ bản.
Một chi tiết trong bản báo cáo là các mốc thời gian được ghi bằng lịch Công nguyên, điều này phù hợp với chỉ thị “hủy bỏ ghi năm bằng lịch Juche” trước đây của Kim Jong Un. Việc sử dụng “thuyết hai nhà nước” để thúc đẩy “phi Juche hóa” đã hoàn tất việc “Kim Jong Un hóa” chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Jong Il, thực hiện chỉnh đốn tư tưởng trong nước, đồng thời chứng minh quyền lực chính trị trong nước của Kim Jong Un đã đạt đến tầm cao chưa từng có.
“Bước lùi” của Yoon Suk Yeol
So với bước tiến kiên định của Triều Tiên, bước lùi của chính phủ Yoon Suk Yeol phía Hàn Quốc cho thấy chút do dự.
Trước khi tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương và G20, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nói trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha rằng, “nếu Nga và Triều Tiên không dừng các hành động quân sự mạo hiểm, Hàn Quốc sẽ cùng đồng minh và các nước thân thiện áp dụng các biện pháp đối ứng hiệu quả khác, chẳng hạn như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine”“Hàn Quốc đang duy trì liên lạc cần thiết với một bên tham chiến là Nga và kêu gọi nước này ngừng hợp tác với Triều Tiên. Hàn Quốc cũng duy trì liên lạc chiến lược với Trung Quốc, kêu gọi nước này phát huy vai trò trách nhiệm trong sự ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Việc Yoon Suk Yeol nhấn mạnh “nỗ lực ngoại giao” ở đây có khác biệt đáng kể so với ngôn từ trước đây của ông rằng, “Nếu quân đội Triều Tiên tham chiến, sẽ xem xét việc cung cấp vũ khí phòng thủ hoặc thậm chí là vũ khí sát thương cho Ukraine.” Các nhận định phổ biến cho rằng, điều này là do chính phủ Yoon Suk Yeol không nắm đủ rõ về chính phủ Trump sắp lên cầm quyền, cũng như mang tâm lý không mấy chắc chắn về bản thân Trump, người tuyên bố sẽ “chấm dứt chiến tranh ở Ukraine”.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng tiết lộ với giới truyền thông thông qua các quan chức giấu tên rằng, “Do Trung Quốc không muốn bị ràng buộc vào phe Trung-Triều-Nga và muốn giữ khoảng cách nên Hàn Quốc cần phải kéo lập trường của Trung Quốc gần về với mình.” Tuy nhiên, trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Biden đã tăng cường hỗ trợ toàn diện cho Ukraine và cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu của Nga. Điều này đặt ra một vấn đề lớn cho Yoon Suk Yeol.
Mặc dù chính phủ Hàn Quốc và các phương tiện truyền thông chính thống một bên thì “kéo gần quan hệ với Trung Quốc”, một bên thì “tận dụng tốt đòn bẩy Trung Quốc”, nhưng trên thực tế, những chỉ trích, thất vọng và bác bỏ trước thất bại toàn diện trong chính sách lạnh nhạt với Trung Quốc của Yoon Suk Yeol đã trở thành một nhận thức chung cơ bản. Mặc dù chính phủ của Yoon đã rút ra bài học, bắt đầu phanh lại và bẻ lái, tuy vậy vẫn chưa phản ứng đủ nhanh trước thái độ tích cực của Trung Quốc như miễn thị thực cho người Hàn Quốc hay nối lại một số đối thoại liên chính phủ. Không có nhiều niềm tin đối với việc liệu các nguyên tắc cơ bản có thể được điều chỉnh trong nửa còn lại của nhiệm kỳ hay không.
Ngoài việc quá hữu khuynh về mặt chính trị và gặp khó khăn trong việc xoay chuyển tình thế, Yoon Suk Yeol còn “đặt quá nhiều mìn” trong công việc đối nội, giờ đây chỉ có thể được coi là một nửa tổng thống. Bên cạnh việc không chiếm được đa số trong Quốc hội, việc dùng Han Dong Hoon đang nổi lên trong đảng làm vật hy sinh và những bê bối thường xuyên của đệ nhất phu nhân, phiên tòa sơ thẩm ngày 15/11 đã đưa ra phán quyết đối với lãnh đạo Đảng Dân chủ Lee Jae Myung với cáo buộc vi phạm luật bầu cử, Lee Jae Myung bị kết án 1 năm tù và 2 năm tù treo, ngoài ra ông cũng phải đối mặt với các phiên tòa xét xử 3 vụ việc khác. Điều này tương đương với việc đẩy phe đối lập vào ngõ cụt và buộc phải quyết một trận sống mái.
Ủy ban đối phó chế độ độc tài công tố của Đảng Dân chủ đã tổ chức một cuộc họp báo khẩn tại Quốc hội vào ngày 17, tuyên bố rằng phán quyết sơ thẩm của Tòa án quận trung tâm Seoul vào ngày 15 đối với cáo buộc Lee Jae Myung vi phạm luật bầu cử là một cuộc trả thù chính trị nhằm bôi nhọ nhân phẩm của Lee Jae Myung và tuyên bố rằng “sẽ đấu tranh đến cùng”.
Vào ngày 16, trên con đường phía trước quảng trường Quang Hóa Môn (Seoul), Lee Jae Myung đã tham dự “Ngày hành động quốc gia lần thứ ba lên án đặc quyền chính trị của Kim Gun Hee, Yoon Suk Yeol và kêu gọi thanh tra đặc biệt”, đồng thời tuyên bố rằng “Lee Jae Myung sẽ không sụp đổ, nền dân chủ sẽ không sụp đổ và tương lai của đất nước này cũng sẽ không sụp đổ.”
Theo dự kiến, Đảng Dân chủ sẽ tận dụng kỳ nghỉ đông của học sinh, Giáng sinh và Năm mới để tổ chức thêm các cuộc diễu hành, biểu tình, mít tinh công khai, đồng thời sẽ huy động lực lượng chính trị để phản kích Đảng Bảo thủ. Vào ngày 25/11 sẽ có phán quyết sơ thẩm về vụ Lee Jae Myung bị cáo buộc xúi giục khai man. Vào ngày 28/11, việc truy tố đặc biệt đối với Kim Gun Hee sẽ được bỏ phiếu lại tại Quốc hội Hàn Quốc. Cho dù Đảng Bảo thủ đang tìm cách trả thù chính trị hay thực thi luật pháp một cách khách quan thì đều sẽ chỉ trở thành lực đẩy chính trị cho Lee Jae Myung.
Đảng Quyền lực Quốc dân chỉ trích việc Lee Jae Myung vi phạm luật bầu cử là “tội lớn đe dọa đến bản chất của nền dân chủ đại nghị” và mong Lee Jae Myung sẽ bị kết án nặng trong bản án sơ thẩm vào ngày 25 vì cáo buộc xúi giục khai man. Lãnh đạo Đảng Quyền lực Quốc dân Han Dong Hoon cho biết trên mạng xã hội: “Lee Jae Myung phủ nhận cáo buộc xúi giục khai man và không hề tỏ ra hối hận. Đoàn đội của ông ta cũng liên tục đe dọa thẩm phán phụ trách vụ án, đây sẽ là tình tiết để tăng nặng hình phạt.”
Mặc dù hai bên như nước với lửa, nhưng Lee Jae Myung phải lật đổ Yoon Suk Yeol để tìm lối thoát, Han Dong Hoon cũng phải từ bỏ Yoon Suk Yeol để “cá chép hóa rồng”. Với những vấn đề nội bộ căng thẳng đến vậy, không có gì ngạc nhiên khi chính phủ của Yoon thể hiện sự bất lực trong chính sách với Triều Tiên.
ThePaper.cn, 20/11/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan - Nghiên Cứu Quốc Tế

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025