Tất Cả Chính Trị Mang Tính Địa Phương

Tất Cả Chính Trị Mang Tính Địa Phương

Trần Trung Đạo

Một câu nói quen thuộc trong sinh hoạt chính trị Mỹ: “All politics is local” (Tất cả chính trị mang tính địa phương).
Không ai xác định được tác giả đầu tiên mặc dù Tip O'Neill, cố Chủ tịch Hạ Viện Mỹ là người hay dùng câu nói đó vì ông muốn nhắc nhở các ứng cử viên quốc hội rằng mọi thành công hay thất bại trong cuộc chạy đua chính trị bắt đầu từ địa phương.
Trong một nghĩa rộng khác, chính sách của một dân biểu thành công hay thất bại đều do họ đáp ứng hay không đáp ứng được các ước vọng, mong muốn, đòi hỏi hay nói chung là ý nguyện của người dân tại địa phương. Một dân biểu hay nghị sĩ đáp ứng được nguyện vọng của người dân phải là người trưởng thành từ địa phương đó.
“Địa phương” của các chính trị gia gốc Việt là các cộng đồng Việt Nam.



Nhìn qua các đặc tính chủng tộc và màu da trong quốc hội Mỹ. Sau lần bầu cử bán phần 8-8-2022 thuộc Quốc Hội Mỹ Thứ 118, đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện, 222 so với Dân Chủ 213.

Quốc Hội Lần Thứ 118 là Quốc Hội đa diện về sắc dân và chủng tộc (race and ethnic diversity) nhất trong lịch sử Mỹ và xu hướng đó đang trên đà gia tăng.
Các nghị sĩ và dân biểu không-da-trắng (non-white) chiếm 28% tại Hạ Viện và 12% tại Thượng Viện. Họ thuộc gốc Da Đen (Black), Mỹ La Tinh (Hispanic), Mỹ gốc Á Châu (Asian American), Mỹ bản địa (American Indian), Mỹ bản địa Alaska (Alaska Native) hay đa chủng. Đó là sự thay đổi lớn. Đừng quên, năm 1945, con số nghị sĩ và dân biểu da màu trong quốc hội Mỹ chỉ chiếm 1%. (PEW Research)
Từ trước tới nay, chỉ có 2 dân biểu gốc Việt Nam được bầu vào Hạ Viện Mỹ là ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh) (2009-2011) và bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) (2017-2023). Cả hai đều tự trưởng thành và độc lập trong chính trị không có hậu thuẫn mạnh của cộng đồng người Việt tại địa phương họ. Nhiều người Mỹ gốc Việt chỉ biết đến bà Stephanie Murphy sau khi bà đắc cử. Bà Stephanie Murphy không tái ứng cử và Joseph Cao sau lần thất cử 2011 chưa có các hoạt động tranh cử nào nổi bật.
Trong Quốc Hội Thứ 118 có 62 dân cử là da đen, tỉ lệ 11 phần trăm tương ứng với tổng số người Mỹ da đen là 41.57 triệu theo thống kê 2022.
Trong Quốc Hội Thứ 118 có 22 vị dân cử gốc Á Châu, Nam Á, hay các đảo Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Số dân Mỹ trong nhóm này chiếm khoảng 22 triệu. Họ từ hơn 20 quốc gia Đông và Đông Nam Á, và lục địa Ấn Độ. Mỗi quốc gia có sắc thái văn hóa riêng biệt. (PEW, Key facts about Asian Americans, a diverse and growing population)
Người Mỹ gốc Á Châu là cộng đồng phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Sáu nhóm lớn cấu thành gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam, Nam Hàn và Nhật Bản. Người Mỹ gốc Trung Quốc chiếm 24 phần trăm, 5.4 triệu người, và có những đại diện trong Quốc Hội như Judy Chu, Grace Meng (TQ Đài Loan). Cộng đồng các quốc gia khác như Ấn Độ, Phi Luật Tân, Nam Hàn và Nhật Bản đều có dân cử gốc quốc gia họ.
Dân số người Mỹ gốc Việt hiện có trên 2 triệu nhưng Quốc Hội Mỹ Thứ 118 không có một dân biểu hay nghị sĩ gốc Việt nào.
Cộng đồng Việt Nam trải qua những chặng đường đầy gian khổ. Cộng đồng các sắc dân khác như người Scotland, Ireland, Ý v.v.. khi giong buồm ra biển họ nghĩ nhiều về tương lai hơn quá khứ. Họ ra đi vì tránh áp bức tôn giáo hay để mưu sinh. Cộng đồng Việt Nam thì khác. Mỗi bước chân đi của người tỵ nạn Việt Nam có tiếng dội của nỗi lo về tương lai và nỗi đau trong quá khứ. Chúng ta ra đi để lại có khi phần lớn người thân trong gia đình, cả dòng họ và nhất là cả một dân tộc thân yêu trong xiềng xích độc tài Cộng Sản.
Dù sao, sau gần nửa thế kỷ, cộng đồng Việt Nam đã bước những bước rất dài. Đồng hương Việt Nam đã biến những con đường đầy ổ gà thành xa lộ khang trang, biến những khu ổ chuột thành thị trấn sầm uất. Hai bên đường Bolsa ngày xưa chỉ là những khu đất ruộng, hôm nay hàng trăm ngàn cơ sở thương mại đã mọc lên.
Sự thành công đó không phải là con đường bằng phẳng mà rất gồ ghề. Sau lưng là biển cả và trước mặt là núi cao. Chúng ta không có đường lui ngoài việc phải vượt qua bằng mọi cách. Một danh sách rất dài những người có công xây dựng nên những cộng đồng Việt Nam và bên cạnh đó còn một danh sách dài hơn những người đóng góp âm thầm.
Thế hệ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ phần đông là hai bàn tay trắng. Họ phải làm hai hay ba công việc để xây dựng tương lai cho con cháu. Những kỹ sư, bác sĩ hôm nay được đầu tư từ những đồng lương 4 dollar một giờ của cha mẹ họ trong những ngày đầu.
Nhìn về quê hương Việt Nam từ đó cho tới hôm nay vẫn còn là đôi gánh nặng tinh thần. Đêm trên xứ người dù mệt mỏi sau ngày dài làm việc vẫn không quên theo dõi tin tức Việt Nam. Lòng đau nhói khi được tin quê nhà bị lũ lụt và xốn xang khi thêm một người tranh đấu bị bắt giam. Bao nhiêu người đã và đang chết, trong thiên tai, trong nghèo đói và trong ngục tù. Thời gian đó nhiều trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn chịu đựng trong các trại tù CS trên khắp ba miền.
Dù còn nhiều khó khăn, chúng ta vẫn cùng nhau mơ về một đất nước Việt Nam tự do, ấm no, dân chủ và nỗ lực trong sức mình để đóng góp vào một Việt Nam dân chủ. Nếu không có phản ứng của đồng hương trong vụ Trần Trường vào tháng 1, 1999 thì hôm nay cờ CS đã phất phới bay trước các khu thương mại ở Little Sài Gòn.
Điều đó cho thấy, đồng hương Việt Nam dù có lúc không đồng ý về những chuyện nhỏ, mục tiêu tự do dân chủ cho dân tộc Việt vẫn giống nhau. Tự do và hạnh phúc không bao giờ đủ nghĩa nếu đó không phải là tự do và hạnh phúc chung, cùng chia ngọt sẻ bùi với đồng bào ruột thịt của mình. Dân tộc chưa có tự do, đồng bào chưa có hạnh phúc thì tự do và hạnh phúc của mỗi cá nhân chỉ là một thứ tự do hạnh phúc riêng tư và ích kỷ.
Đó là chưa kể những chuyến hải hành khủng khiếp kinh hoàng hơn các phim truyện Hollywood mà chính chúng ta phải trải qua vẫn còn trở về trong những đêm khuya khoắt. Tên những trại tỵ nạn Camp Pendleton, Palawan, Laem Sing, Pulau Bidong, Sungai Besi, Bataan, Whitehead, Phanat Nikhom, Galang như vẫn còn in trên trang báo.
Quả thật chúng ta mất quá nhiều và trả giá quá đắt để có ngày hôm nay.
Nhưng thay vì tiếp tục nỗ lực cho mục đích chung không ít người lại dành rất nhiều thời gian để tranh luận những vấn đề “đao to búa lớn” mà họ chưa chắc đã hiểu hết và bỏ qua những nguyện vọng bức thiết nhất của cộng đồng người Việt. Họ chạy theo những chiếc bóng người khác mà quên đi các giá trị đích thực của nhân quyền dân chủ, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Chính những giá trị đó đã làm nên bản sắc của cộng đồng Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản hôm nay không giống một cộng đồng nào.
Cố Thượng Nghị Sĩ Joseph Lieberman thuộc đảng Dân Chủ và từng là ứng viên Phó Tổng Thống đảng Dân Chủ nhưng ông ta là một trong những thượng nghị sĩ đầu tiên ủng hộ TT George W. Bush đánh Iraq và được xem là “một diều hâu” trong các chính sách đối ngoại của Mỹ. Lý do? Thượng Nghị Sĩ Joseph Lieberman là người gốc Do Thái. Ông ủng hộ Mỹ đánh Iraq để ngăn ngừa việc Iraq tấn công Do Thái sau này. Đó là quan điểm của nhiều dân cử gốc Do Thái. Quan điểm đó là sai. Là một người Mỹ, đừng nói chi là Thượng Nghị Sĩ, phải đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên. Dù sao sự kiện Thượng Nghị Sĩ Joseph Lieberman đứng về phía các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa cho thấy quan điểm chung của cộng đồng người Do Thái tại Mỹ.
Các chính trị gia nổi tiếng của Mỹ thường tìm cách giúp cố quốc chẳng hạn như Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của TT Richard Nixon, giúp Do Thái hay Bigniew Brzezinski, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của TT Jimmy Carter, giúp phong trào dân chủ Ba Lan.
Trong hồ sơ còn lưu trữ tại Đại học George Washington, Tiến sĩ Bigniew Brzezinski hãnh diện đã đóng góp cho quê hương Ba Lan của ông: “Tất nhiên chúng tôi có những công cụ nhất định để tiếp cận Ba Lan, chẳng hạn như Đài Châu Âu Tự do; chúng tôi đã có một chương trình xuất bản rất toàn diện; chúng tôi cũng có những phương tiện khác để khuyến khích và ủng hộ những người bất đồng chính kiến. Và khi thời điểm quan trọng đến vào tháng 12 năm 1980, khi Liên Xô chuẩn bị can thiệp vào Ba Lan, chúng tôi đã làm mọi cách có thể để huy động dư luận quốc tế, gây áp lực quốc tế tối đa lên Liên Xô, để thuyết phục Liên Xô rằng chúng ta sẽ không thụ động.”
Trong cùng ý nghĩa và áp dụng vào trường hợp cộng đồng Việt Nam, hơn bao giờ hết những người Việt quan tâm đến tương lai của cộng đồng Việt Nam đều trước hết nên ủng hộ để các những ứng cử viên gốc Việt thắng cử dù họ đứng dưới đảng nào, Cộng Hòa hay Dân Chủ.
Mỗi người dân hay mỗi ứng cử viên gốc Việt có thể có quan điểm khác nhau về thuế má, về các khoản tiêu dùng công cộng, về trách nhiệm cá nhân, về quyền hiến định, về ngân sách, về ngừa thai phá thai, về dùng súng v.v… nhưng chắc chắn chia sẻ những điểm chung về các giá trị lịch sử và văn hóa Việt Nam, về quyền lợi của người Mỹ gốc Việt cũng như về trách nhiệm của một người Mỹ gốc Việt Nam trước sự thịnh suy của dân tộc Việt Nam bên kia bờ Thái Bình Dương.
“Tất cả chính trị mang tính địa phương” là vậy. Địa phương của người Việt là cộng đồng Việt Nam và mục đích chung hiện nay là cùng nhau đi vào dòng chính để từ đó phát triển rộng hơn. Chúng ta tin tưởng một ngày không xa sẽ có những Bigniew Brzezinski Việt Nam, Joseph Lieberman Việt Nam. Mọi nỗ lực đều bắt đầu từ điểm khởi hành. Có đi rồi sẽ đến.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025