"Vãn hồi hòa bình cho Ukraina bằng sức mạnh", Trump – Zelensky cùng chung chí hướng ?

"Vãn hồi hòa bình cho Ukraina bằng sức mạnh",
Trump – Zelensky cùng chung chí hướng ?
Thanh Hà - RFI
Trong trang quốc tế của các tờ báo Pháp ngày 21/11/2024, chiến tranh Ukraina, an ninh của châu Âu, đe dọa hạt nhân của Nga, Donald Trump và những bước chuẩn bị để trở lại Nhà Trắng làm lu mờ nguy cơ Cisjordanie của người Palestine bị Israel thôn tính, thu hẹp những bài viết về các cuộc thảm sát ở châu Phi, hay hiện tượng các rạn san hô đang chết dần chết mòn dưới tác động biến đổi khí hậu.
Tổng thống Volodymyr Zelensky (T) và ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Donald Trump tại New York, Hoa Kỳ, ngày 27/09/2024. AP - Julia Demaree Nikhinson
Volodymyr Zelensky nóng lòng đợi Donald Trump lên cầm quyền
Trump trở lại Nhà Trắng, liệu có là một tin vui đối với Ukraina ? Nghe qua câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn khi biết rằng, chính quyền Biden trên tuyến đầu ủng hộ Kiev chống quân Nga xâm lược, trái lại tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, Donald Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi : Tại sao dân Mỹ lại phải chia sẻ gánh nặng tài chính của cuộc xung đột ở mãi tận trời Âu ?
Theo quan điểm của nhà báo Sylvie Kauffmann đặc trách mục địa chính trị của báo Le Monde, biết đâu bản thân tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đang mong mỏi ngày Nhà Trắng đổi chủ ? Bà giải thích : Trong vài tuần lễ, cục diện khủng hoảng Ukraina hoàn toàn thay đổi vì hai sự kiện là lính Bắc Triều Tiên tiếp sức cho quân đội Nga, rồi cử tri Mỹ quyết định qua lá phiếu để Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Kim Jong Un không chỉ cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh của Putin, mà sự hiện diện của 10.000 lính Bắc Triều Tiên là dấu hiệu xung đột Ukraina đã chính thức được " quốc tế hóa ". Chính vì thế mà tại Washington, trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống, Joe Biden vội vàng cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa của Mỹ đến đánh vào lãnh thổ Nga.
Về phần tổng thống Ukraina, trong thông điệp hôm 06/11/2024 chúc mừng Donald Trump đắc cử, Volodymyr Zelensky nhấn mạnh Kiev đánh giá rất cao cách tiếp cận vấn đề Ukraina của tổng thống Mỹ tân cử, đó là khái niệm " tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh ".
Đại đế thời La Mã Hadrien là cha đẻ ra khái niệm này và chủ trương " tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh " đã được Robert O'Brien, một cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump làm sống lại. Trong một bài tham luận gần đây trên tạp chí Foreign Affairs, Robert O'Brien đã chỉ trích tổng thống Biden, biến nước Mỹ thành một nguồn viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraina nhưng lại " chậm trễ gửi cho Kiev những loại vũ khí cần thiết " để dẫn tới một giải pháp hòa bình.
Quan chức này dự báo, Donald Trump thì ngược lại, " vì muốn nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, đồng thời bảo toàn an ninh cho Ukraina " nên tổng thống Mỹ tương lai sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraina " những loại vũ khí gây sát thương, nhưng các chương trình này sẽ do châu Âu đài thọ ". Cùng lúc, Mỹ vẫn " mở cánh cửa cho vế ngoại giao " với " một số yếu tố bất ngờ " để có thể đẩy Matxcơva vào thế bất ổn.
Ukraina : Một sự tiếp nối giữa Biden –Trump
Nhà báo của tờ Le Monde thận trọng lưu ý độc giả rằng cho đến hiện tại O'Brien chưa được ông Trump mời tham gia nội các sắp tới và kế hoạch chấm dứt chiến tranh Ukraina của Donald Trump còn là một ẩn số.
Nhưng trong tuần, phó thủ tướng Ukraina bà Olga Stefanishyna đã nhắc lại khái niệm " tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh " quân sự. Kiev muốn chấm dứt chiến tranh trong năm 2025, nhưng để đạt được mục tiêu này Ukraina cần củng cố vị thế trên chiến trường trước khi bước vào đàm phán. Giữ được một phần lãnh thổ của Nga trong vùng Kursk để mặc cả với Matxcơva có thể là một giải pháp.
Trong điều kiện đó, Biden có lẽ đã thông báo với Trump về quyết định cho Ukraina dùng tên lửa ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga. Ưu tiên của Trump hay Biden chỉ là một. Để cho điện Kremlin rộng đường hành động, củng cố liên minh Nga –Bắc Triều Tiên –Trung Quốc và Iran " không phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ ".
Chiến thuật " leo thang " của Matxcơva
Câu hỏi còn lại là cách tiếp cận vấn đề của Vladimir Putin. Trong khi chờ đợi ông Donald Trump lên cầm quyền, Matxcơva khai thác là bài " leo thang hạt nhân " tựa một bài viết trên tờ Le Figaro.
Tờ báo trở lại với sắc lệnh tổng thống Putin ký cách nay hai ngày về học thuyết hạt nhân mới của Nga. Alain Barluet, thông tín viên của Le Figaro từ Matxcơva trích lời lãnh đạo tình báo Nga đặc trách về đối ngoại, Serguei Narichkin, theo đó " cập nhật học thuyết hạt nhân loại trừ mọi khả năng quân đội Nga thất thủ trên trận địa ". Đó là thông điệp Vladimir Putin nhắm gửi tới phương Tây và đã gây chấn động đến tận Brazil nơi đang diễn ra thượng đỉnh G20.
Nhưng về thực chất, " học thuyết hạt nhân mới " của Nga không có gì mới. Tháng 9/2024, điện Kremlin một lần nữa mang vũ khí hạt nhân ra đe dọa và nêu lên khả năng dùng vũ khí răn đe nhắm vào một quốc gia " không có vũ khí nguyên tử (là Ukraina) được một cường quốc hạt nhân (là Mỹ) yểm trợ ". Đây là điều Matxcơva từng đề xuất trong " học thuyết hạt nhân " của năm 2020.
Đến hôm 19/11/2024, vài giờ sau khi Washington cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa ATACMS đánh vào lãnh thổ Nga, ông Putin đặt bút ký sắc lệnh về " học thuyết hạt nhân mới ". Văn bản này cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, " nếu có những thông tin đáng tin cậy về các cuộc tấn công từ trên không nhắm vào các vùng sát biên giới bằng chiến dấu cơ bàng tên lửa hành trình, drone hay vũ khí siêu thanh ".
Nghe qua có vẻ " rất đáng sợ " nhưng điểm mạnh của học thuyết này chính là những điểm còn " tranh tối tranh sáng ". Nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaia quỹ Carnegie kết luận : Vào lúc Hoa Kỳ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, Matxcơva " tìm cách đặt phương Tây trước hai sự lựa chọn : Hoặc đẩy tất cả cùng lao vào một cuộc chiến nguyên tử, hoặc chấm dứt chiến tranh Ukraina theo những điều kiện của Nga ".

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209