Giải Giới

Giải Giới

Tưởng Năng Tiến

Ngày 31 tháng 10 vừa qua, RFA hân hoan thông báo: “Trại giam số 6 đồng ý mở cửa ‘chuồng cọp’, hai TNLT dừng tuyệt thực sau 21 ngày”. Danh từ “chuồng cọp” trong bản tin thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một bài báo cũ (“Ký Ức Những Ngày Ở Địa Ngục Trần Gian”) xuất hiện hồi đầu năm nay, trên báo Nhân Dân, hôm 01/05/24.

Ký giả Dung Trần tường thuật:

Ngày bị đày ra Nhà tù Côn Đảo cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác, bà Phan Thị Bé Tư chưa tròn 20 tuổi… Có dịp về thăm lại Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu), đứng trước những chuồng cọp, trại giam, bà Tư không cầm được nước mắt. Nơi đây, mấy chục năm trước đã giam cầm hàng nghìn chiến sĩ cách mạng và đặt ra rất nhiều chế độ hà khắc. Là nữ tù chính trị nhưng bà Tư cùng các dì, các chị chưa ngày nào được nương tay.

Phụ nữ nhưng 52 ngày không cho tắm, bữa ăn thì toàn mắm thối, khô mục, gạo mốc, xin chút muối chúng cũng không cho. Đến nước uống mà chúng tôi phải giấu trong đáy quần, khi chúng phát hiện được thì đánh đập dã man”.

Chuyện kể của bà Phạm Thị Bé Tư (“phải giấu nước uống trong đáy quần”) khiến tôi nhớ đến cách chống khát của tù nhân ở trại kiên giam (A – 20 Xuân Phước) qua lời của một nhân chứng khả tín và khả kính:

Trời Tháng Giêng ở thung lũng tử thần lạnh như có ai cầm dao cắt vào da, nhất là khi trời vào tiết Xuân, gió hiu hiu làm lay động hàng dừa trong sân trại. Cái lạnh thiên nhiên cộng với việc thiếu đường và chất béo từ 9 năm qua khiến cho buổi sáng ngày 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984 trở thành buổi sáng không thể nào quên được trong đời.

Chân tay anh em chúng tôi gần như tê liệt. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng đứng như trời trồng trước cửa biệt giam số 5 khi ngài được trật tự mở còng cho đi tắm và làm tổng vệ sinh buồng giam. Một tu sĩ Công Giáo nhỏ con, lanh lẹ như một con sóc, nổi tiếng hùng biện và can trường như ngài mà chỉ mới hơn 3 năm bị cùm trong xà lim, thân xác không khác gì người tù Do Thái trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai…

Linh Mục Vàng đứng lên được nhưng không thể nào bước đi được… Tôi cho ca nước của mình múc một ca, uống hết một nửa, một nửa đưa cho Linh Mục Vàng.

 Ngài uống hết rồi múc thêm một nửa ca nữa. Tôi hỏi ngài:“Bố vẫn còn khát hả?” Ngài trả lời:“Uống phòng xa.” Ðộng từ “phòng xa” anh em chúng tôi dùng để chỉ thời kỳ bị nhục hình bằng chính sách 2 muỗng cơm, hai muỗng nước, hai muỗng muối khi chúng tôi bị nhận chìm vào cơn khát của những người đi trong sa mạc nên mỗi khi bị gọi ra “làm việc” phải xin uống cho thật nhiều nước trước lúc bị dẫn trở lại buồng giam rồi đái ra để uống cho đỡ khát. (Vũ Ánh. Thung Lũng Tử Thần. Westminster, CA: Người Việt Books, 2014).

Uống nước giải để sinh tồn không phải là chuyện lạ lùng chi, đối với những kẻ đang chết khát. Dấu nước uống trong đáy quần mới là việc ly kỳ! Sự hoang tưởng của bà Phạm Thị Bé Tư cũng khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện tù đầy (cũng rất hoang đường, và trở thành huyền thoại) của một phụ nữ khác: bà Phạm Thị Chiều, phu nhân của nhà thơ Giang Nam.

Nhà báo Trần Đăng, báo Thanh Niên, cho biết:

Bà chính là “cô du kích” trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của Giang Nam, từng lay động nhiều thế hệ những người yêu thơ suốt 53 năm qua.

 “Cô du kích” trong bài thơ với tiếng cười “khúc khích” và đôi mắt “đen tròn” đã bị “giặc giết em rồi quăng mất xác”, còn bà Chiều thì vẫn gắn bó với nhà thơ Giang Nam đến tận hôm nay.

Sở dĩ có sự “vô lý” trên là do nhầm lẫn từ một nguồn tin của cơ sở trong thành báo ra. Nhà thơ Giang Nam nhớ lại: “Tôi và nhà tôi có cảm tình với nhau từ khi còn ở chiến khu Đá Bàn (Khánh Hòa) trong kháng chiến chống Pháp. Mãi đến năm 1955 chúng tôi mới cưới nhau.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ mỗi lúc một khốc liệt, để tránh sự bố ráp của kẻ thù, tổ chức phân công cả hai chúng tôi vào hoạt động tại Biên Hòa. Chẳng bao lâu sau, vợ và con gái tôi bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Lợi.

Giữa năm 1960, tôi nghe tổ chức thông báo rằng vợ con tôi bị địch sát hại trong nhà tù này. Quá đau đớn, trong một buổi tối ở rừng, tôi đã viết xong bài thơ Quê hương. Sau này tôi mới biết, thông tin trên là do nhầm lẫn.

Nhờ chút nhầm lẫn này mà Giang Nam trở nên nổi tiếng, qua mấy câu thơ được truyền bá, và xưng tụng (bởi cả một guồng máy tuyên truyền) khiến nhiều người nhớ:

        Hôm nay nhận được tin em
        Không tin được dù đó là sự thật
        Giặc bắn em rồi quăng mất xác
        Chỉ vì em là du kích, em ơi!
        Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Nhà thơ thêu dệt chuyện “giặc bắn em rồi quăng mất xác” cho thêm phần lâm ly (bi đát) còn nhà nước thì dựng đứng ra “vụ thảm sát Phú Lợi” để làm “phông bạt” cho một màn kịch tuyên truyền:

  • Ngô Nhật Đăng: “Năm 58, ở miền Bắc có một sự kiện gây xúc động sâu sắc, đó là vụ ‘Đầu độc ở nhà tù Phú Lợi’, ‘Chính quyền Ngô Đình Diệm đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, làm chết 4 ngàn tù nhân’. Đến năm tôi lên 6, 7 tuổi vẫn còn được nghe kể về nó, các cuộc mít-tinh đông đảo ở quảng trường Nhà hát lớn, ở nhà Đấu xảo, hàng chục ngàn người đầu chít khăn tang khóc ròng, thanh niên chích máu viết đơn xin vào Nam chiến đấu vv… Ở trường chúng tôi được học bài thơ ‘Thù muôn đời muôn kiếp không tan’ của Tố Hữu. Sau 75 mới biết, vụ này là bịa đặt, có mấy người ăn phải thức ăn thiu, bị ngộ độc thực phẩm, ông Diệm phải cho xe chở đi cấp cứu, thế là thành chuyện… “
  • Thái Bá Tân: “Tháng Năm năm Bảy Bảy/ Tôi đến nhà tù này/ Một khu nhà hoang vắng/ Xung quanh cỏ mọc dày/ Hỏi thì người ta nói/ Đó là chuyện tầm phào/ Không hề có chuyện ấy/ Không có thảm sát nào/ Vậy là những ngày ấy/ Chúng tôi, lũ học sinh/ Đã uổng công bỏ học/ Để tham gia biểu tình/ Khóc cho cái không có/ Căm thù cái hư vô”.
  • Nguyễn Đình Cống: “Tôi chỉ là người chứng kiến, tự mình không điều tra nghiên cứu như Thái Bá Tân. Thấy thông tin trái ngược nhau, nêu ra để các bạn tham khảo và suy nghĩ”.

Ti tiện, hèn hạ, lừa lọc, dối trá, bạc ác … đều là thuộc tính căn bản (và bất biến) của chế độ toàn trị hiện hành. Chớ còn phải “tham khảo” hay “suy nghĩ” cái con bà gì nữa! Ngay đến người quen (xa gần) của những tù nhân lương tâm mà còn bị sách nhiễu đủ điều, nói chi đến chính kẻ đang bị giam cầm.

Ngoài việc bị vu cáo rồi kết án hàng chục năm giam cầm, những tù nhân lương tâm (và thân nhân) còn phải ghánh chịu thêm một thứ “hình phạt bổ sung” nữa – theo như cách dùng từ của RFA: “Đại đa số họ bị chuyển đi thi hành án tù ở nơi xa gia đình. Người có gia đình ở miền Bắc thì bị chuyển vào trại giam ở miền Trung hay miền Nam, còn người ở miền Nam thì bị chuyển đi thi hành án ở miền Trung hoặc miền Bắc”.

Đó là chưa kể đến những chuồng cọp trong trại giam vừa bị phá vỡ vào tháng mười vừa qua, sau nhiều cuộc tuyệt thực dài ngày của tù nhân. Qua FB, bà Đỗ Thu (phu nhân của TNLT Trịnh Bá Phương) cũng đã phổ biến lời “cảm ơn chân thành” của những người trong cuộc:

Hiện tại chúng tôi đã kết thúc đợt tuyệt thực tập thể sau 3 tuần, sức khỏe chúng tôi đang dần hồi phục. Một lần nữa chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các bạn. Hẹn các bạn khi chúng tôi ra khỏi nhà tù nhỏ này, chúng tôi tin với sự quyết tâm và ý chí chúng ta sẽ gây dựng một Việt Nam dân chủ thịnh vượng, thượng tôn pháp luật và quyền con người. Phá bỏ nhà tù lớn đã giam hãm tư tưởng và tiềm năng phát triển của dân tộc Việt Nam trong nhiều thập kỉ qua.

Tôi đọc xong lời cảm ơn thượng dẫn mà đỏ mặt. Sao những người đang bị tù đầy  (những TNLT) thì vẫn quyết tâm sẽ “phá bỏ nhà tù lớn đang giam hãm tư tưởng và tiềm năng phát triển của dân tộc Việt,” còn vô số những kẻ đang ở bên ngoài song sắt lại đều “tự giải giới” (self disarm) ráo trọi như vậy – hả Trời? Bộ quê hương, đấ́t nước, xứ sở này chỉ của riêng họ hay sao?

Tưởng Năng Tiến

Nhận xét

Bài được quan tâm