Không ngạc nhiên chuyện ‘Bánh mì không phải là thực phẩm’
Không ngạc nhiên chuyện
‘Bánh mì không phải là thực phẩm’
‘Bánh mì không phải là thực phẩm’
Tác giả: Song May
Một tấm hình không rõ ai là tác giả đã được dân mạng truyền nhau là định nghĩa mới về danh từ "Bánh Mì": Bánh mì là một loại gì đó ăn được nhưng nhất quyết không phải là thực phẩm. Mắc cười nhất là dưới định nghĩa này có dòng ghi chú: #kho từ điển đóng phạt. Có lẽ những ngày phong tỏa chống dịch Covid-19 theo chỉ thị 16 ở Việt Nam sẽ còn đẻ ra lắm chuyện cười ra nước mắt như vậy!
Học tập Sài Gòn, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa mới đây cũng áp dụng chỉ thị 16, chỉ cho phép người dân ra ngoài mua đồ thiết yếu. Chiều 18/7, khi ông Trần Văn Em, một công nhân xây dựng của dự án Vega City, ra ngoài mua bánh mì và nước uống đã bị tổ công tác phường Vĩnh Hòa chặn xe xét giấy tờ. Dù ông Em đã xuất trình "giấy xác nhận yêu cầu công việc" do công ty ký vẫn bị tổ công tác giữ giấy tờ, giữ xe gắn máy và yêu cầu về phường làm việc vì cho rằng "bánh mì không phải là đồ thiết yếu". Một người trong nhóm cán bộ dừng xe người dân đã dùng lời lẽ miệt thị, xưng hô "mày, tao" và cho rằng người dân ở trên núi xuống, lại còn dọa sẽ gọi điện cho chỗ làm việc đuổi việc ông. Sau đó, tại phường, lý luận của ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa: "Bánh mì không phải là đồ thiết yếu, bánh mì không phải là thực phẩm" đã khiến dân mạng phản ứng, bàn tán. Đa số là ngạc nhiên hoặc cười bò, chỉ có thiểu số là giận dữ.
Trong nhiều bình luận tôi đọc trên mạng chiều ngày 19/7, tôi chú ý nhất đoạn bình luận của một Facebooker tên Thái Hạo.
"Cả một đất nước bị bắt đi xây dựng một cái mà không biết cái đó là cái chi, tiến lên một nơi mà không biết tiến lên bằng đường nào, và tất nhiên là không biết hết thế kỷ này có đến được chỗ đó hay không thì chuyện "bánh mì không phải thực phẩm", có chi để ngạc nhiên lắm vậy? Một cái chỗ đứng trên bục giảng mua tiền trăm, một cái ghế ngồi mất tiền tỉ... thì chuyện bánh mì không phải thực phẩm, có chi để ngạc nhiên lắm vậy? Làm người mà đến quyền nói ra cái vui, cái buồn, cái nghĩ của mình cũng không có thì chuyện bánh mì không phải thực phẩm, có chi để ngạc nhiên lắm vậy? Ngạc nhiên tức cười".
Tác giả Thái Hạo viết hoàn toàn đúng. Sự ngu ngốc của ông Thọ không dừng lại ở câu nói trên mà còn ở chỗ cho nhân viên quay video khi đang làm việc với ông Em để làm bằng chứng và trở thành "Gậy ông đập lưng ông"!
Ngày 19/7, dưới sức ép của dư luận, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP Nha Trang - phải chỉ thị chính quyền phường Vĩnh Hòa trả lại phương tiện và giấy tờ cá nhân cho ông Em, đồng thời phải chấn chỉnh rút kinh nghiệm. Trên thực tế, điều đó cũng chỉ tạm thời xoa dịu sự bất bình của dư luận, chứ chẳng có chút thực tâm nào cả, bởi trong công văn ra cùng ngày của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, khi liệt kê cái gọi là "Hàng hóa thiết yếu" hoàn toàn ngó lơ, không nhắc đến tên bánh mì và không xếp bánh mì vào bất cứ mục nào, cho dù là hàng công nghệ phẩm, cho dù là sản phẩm từ bột, tinh bột!
Dạ, cho dù không ngạc nhiên thì từ câu chuyện này, ta có thể thấy người dân ai cũng có thể trở thành nạn nhân từ việc hành xử tùy tiện của cán bộ thuộc cơ quan công quyền. Sau sự việc này, các cán bộ phường Vĩnh Hòa chỉ bị rút kinh nghiệm, nhưng ông Em, một nạn nhân của việc hành xử tùy tiện, thì đã bị mất việc, với lý do đi ra ngoài sợ lây nhiễm cho người khác. Có vẻ như ông Em đã tìm được công lý nơi dư luận nhưng không thể biện hộ được cho mình trước quyết định của công ty nơi ông làm việc! Rõ ràng, quyết định đuổi việc ông Em là sai, nhưng chắc công ty xây dựng đó đang tìm cách bảo vệ mình, bởi không ai muốn bị mang tiếng chống lại chính quyền !
Trước vụ ông Em, tại Sài Gòn sau vài ngày phong tỏa theo chỉ thị 16, dân mạng lan truyền một clip quay cảnh đội công tác ở Sài Gòn chặn một phụ nữ và đòi xem thuốc mà bà ấy mua. Khi bà đưa ra mấy hộp bao cao su mua ở nhà thuốc tây, một người trong đội đã nói bao cao su không phải là hàng hóa thiết yếu, thế là bà cãi lại: "Không dùng bao cao su, mang bầu rồi đẻ sao cha?". Khi người cán bộ nói sẽ điện thoại xin ý kiến, người phụ nữ vẫn cãi: "Xin ý kiến cái gì, bộ trong đó không ai cần bao cao su hả?". Xem xong, thật không biết nên cười hay nên khóc!
Những tranh cãi về hàng hóa thiết yếu sẽ không dứt ở Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam khác khi chỉ thị 16 còn có hiệu lực. Và tôi, hay bất kỳ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân!
Ngày thứ 11 Sài Gòn bị phong tỏa theo chỉ thị 16, nhiều người dân Sài Gòn vẫn đang thèm bánh mì, thèm nghe tiếng rao hàng "Bánh mì Sài Gòn, 5 ngàn một ổ, đặc ruột thơm bơ". Có những điều bình dị vẫn diễn ra ở Sài Gòn hơn 100 năm qua giờ đã trở thành điều ước và giấc mơ của dân Sài Gòn. Có những món quà ngon mà người dân ai cũng mua được để lót dạ bất cứ lúc nào trong ngày giờ bỗng trở thành món xa xỉ! Mặc xác cán bộ không nghĩ bánh mì là thực phẩm, món bánh mì kẹp ở Sài Gòn chẳng đã từng lọt vào top các món ăn vặt trên thế giới đó sao, và cho dù chẳng lọt top nào thì bánh mì vẫn luôn là thứ quà ngon dễ ăn vào mỗi sáng, mỗi chiều tối đối với nhiều người, nhiều gia đình ở Sài Gòn.
Sống ở cái đất nước này, với nhiều người, thật ra nỗi sợ công an, nỗi sợ cán bộ hành xử tùy tiện, bất chấp luật lệ, còn lớn hơn nỗi sợ chết, thật đấy!
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Song May từ Sài Gòn.
Nguồn Ba Cây Trúc: Không ngạc nhiên chuyện ‘Bánh mì không phải là thực phẩm’
Nhận xét
Đăng nhận xét