Nhật ký phong thành (số 5): Anh không chết đâu em
NS.TUẤN KHANH
Mấy ngày trước, trong các nhóm hay chăm sóc mấy ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, gửi cho nhau tin báo ông Yến mất rồi. Nếu là một ngày bình thường, mọi người sẽ rủ nhau ghé qua chào ông lần cuối. Nhưng giữa đại dịch thế này, lại còn khắp nơi bị chặn hỏi, xét giấy… thôi thì đành chắp tay nhớ về ông vậy.
<0><0><0>
Ông Yến
là một người vô danh, ngay trong cuộc chiến Nam Bắc, ông đã vô danh. Sau năm
1975, ông lại càng vô danh hơn. Giống như kiểu một người có hình dạng nhưng cứ
rồi trong suốt dần, đến khi hòa tan lẫn vào gió, vào nắng trên trần gian.
Lần ghé
thăm ông ở Cần Giờ trước khi Sài Gòn có phong tỏa, nơi giáo xứ Dòng Chúa Cứu
Thế có xây một khu nhà nuôi dưỡng những ông vất vưởng trên đường, mang về và
chăm sóc, tôi chú ý đến một người đàn ông có nụ cười hiền và ít nói năng gì.
Đón nhận quà xong, ông quay vào phòng, ngồi nhìn qua cửa sổ. Mắt xa xăm như
xuyên qua ánh nắng chiều, suy nghĩ bọc trong tiếng nhạc cải lương nho nhỏ, ri
rỉ. Ông là một trong rất nhiều người đàn ông không may, sau chiến cuộc vẫn còn
phải chịu một cuộc chiến tinh thần từ nhà cầm quyền, coi các thương phế binh
VNCH là những thừa thãi và bất lợi trên toàn cảnh chiến lợi phẩm cách mạng vô
sản.
Có người
nói ông Yến “đi” vậy cũng hay, vì vẫn êm ả hơn hàng ngàn các ông thương phế
binh VNCH khác, đang thẫn thờ với tuổi già, và khốn khó vì đại dịch.
Chắc bạn
sẽ hỏi tôi, đại dịch và phong tỏa ở Sài gòn, có biết bao nhiêu là người già và
nghèo khó, vậy sao cứ tách riêng số phận của các vị cao niên thương phế binh
VNCH (TPB-VNCH) ra để làm gì? Đơn giản bởi, ngay trong ngày thường, TPB là
những người luôn chịu sự đối đãi khắc nghiệt của mọi chính quyền địa phương.
Mọi hình ảnh liên quan và cả sự trợ giúp với họ, bị coi là “nhạy cảm” theo ánh
nhìn chính trị của chính quyền sau 1975.
Năm
ngoái, nghe nói có ngân sách 62.000 tỷ đồng, rồi năm nay tiếp theo là 26.000
tỷ… mà chính quyền tuyên bố dành trọn cho những người khó khăn, neo đơn, những
người không có khả năng mưu sinh qua mùa dịch này. Nhưng hầu như không có ai,
là TPB mà có thể nhận được những phúc lợi đó. Mọi người phải làm đơn xin, và
phải duyệt xem đúng thành phần nào đó, mới được nhận. Chuyện dân chúng vẫn cười
ngả nghiêng, văng nước miếng, nói cùng nhau lên tivi lãnh tiền cứu trợ đã đành,
nhưng ngay với các ông TPB, thì có đùa, câu chuyện đó cũng không thể cười được
với phần mình.
Cha Vinh
Sơn Phạm Trung Thành, là một trong những người âm thầm nhận giúp đỡ cho nhiều
ông TPB. Lúc ít thì 20-30 người. Lúc nhiều thì lên đến 160-200 người. Đại dịch
này thì cha tối tăm mặt mày, chỉ lo phát gạo cho các ông thôi, cũng không xuể.
Sau tháng 7-2019, khi chương trình có tên Tri Ân TPB-VNCH thường kỳ tại Nhà thờ
Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, bị cha Giám tỉnh mới về dẹp bỏ, nhiều linh mục, nhóm,
và dòng… đã chia nhau, gánh mỗi người một ít, cố không cho các ông bị hụt hẫng.
Nhưng
không chỉ vậy, việc phát quà TPB-VNCH diễn ra từ giữa năm 2019 đến nay từ Sài
gòn đến các tỉnh, dù âm thầm nằm trong diện chơi “cút bắt” với các chính quyền
địa phương, khiến mọi thứ thêm tan tác. Theo thống kê, hơn 6.000 người già và
bệnh tật như vậy đã bị giải tán khỏi chương trình trợ giúp chính danh tại Nhà
thờ Chúa Cứu Thế, Kỳ Đồng, và họ chỉ còn thấp thỏm chờ gọi tên từ các cú điện
thoại không thể hẹn trước, của những nhóm lặng lẽ nối tiếp công việc này.
Vào ngày
phong tỏa đại dịch, khi được hỏi rằng sao không tìm cách điền đơn giúp các ông,
để đưa lên Ủy ban xin giúp đỡ, như nhà nước vẫn nói. Cha Vinh Sơn bật cười “Khó
lắm, hầu như không có ai được. Nghe đâu có vài ông, con cái đứng ra xin chung
cho gia đình thì may mắn được. Còn những ông TPB mà chúng tôi biết, là hoàn
toàn không. Họ không thể xin vì không có hộ khẩu, không có giấy tờ đầy đủ lâu
nay. Nhiều ông từ miền Trung, khó khăn quá nên chạy vào Sài Gòn để xin bán vé
số, xin làm lặt vặt đổi bữa cơm, không có gì để chứng minh cả. Chính quyền địa
phương thì tụi mình quá biết rồi đó. Làm một cái đơn thì bị hỏi, bắt khai báo
lung tung rồi cũng chẳng làm được gì”.
Người
không lanh lợi như ông Yến, lại càng chẳng xin được gì. Mấy linh mục đưa ông
Yến về nhà chăm sóc, kể rằng ngày vác được ông về, chỉ nghĩ được là mong làm
đám tang có nơi có chỗ cho ông. Ấy vậy mà khi được ăn uống đầy đủ, có người
chung quanh trò chuyện, ông sống lại. Cô Phạm Thanh Nghiên, một tù nhân lương
tâm sống ở Gò Vấp, kể rằng lúc đầu khi ở khu trọ Vườn rau Lộc Hưng, ông Yến
trong tình trạng suy kiệt, chỉ còn da bọc xương. Không ai nghĩ rằng ông có thể
cầm cự và sống được bao nhiêu ngày. Ông phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt hàng
ngày như tắm gội, ăn uống, vệ sinh đều cần có người giúp đỡ, chăm sóc. Lạ thật,
ông sống lại mà không ai tin nổi: như một cành khô gầy guộc, chỉ chờ để vứt,
lại chầm chậm ra lá, đơm hoa.
Nói đến
sự trợ giúp từ chính quyền, những người như ông Yến không dám mơ. “Cái vụ
62.000 tỷ đó, những người gọi là có tiêu chuẩn được nhận, thì phải làm giấy,
phải chứng minh, khai lên khai xuống và chờ được duyệt. Nhưng những người què,
mù, tật nguyền… như (ông Yến) vậy, họ đâu sao dễ dàng tới lui làm chuyện đó. Đó
là chưa nói khi khai bệnh tật của mình là TPB-VNCH là kể như xong. Nên tôi biết
là các ông không ai làm đơn xin gì cả”, linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành kể.
Gói hỗ
trợ dân nghèo 62.000 tỷ từ chính quyền, cho đến tháng 5-2021, báo chí thống kê
là chỉ phát được hơn 15.000 tỷ. Như vậy là có vô số người đã làm đơn, đã chờ và
thất vọng. Không hiểu vì sao chính quyền không phát tiếp, mà lại tuyên bố hết
hạn giải ngân, rồi đưa ra gói mới là 26.000 tỷ đồng. Mọi thứ phải làm đơn xin
lại từ đầu.
Nghe nói,
ông Yến được mặc chiếc áo sơ-mi trắng đẹp nhất của mình khi nhắm mắt. Tài sản
ông quý báu của ông là chiếc máy nhỏ hay phát nhạc cải lương, và đôi khi là mấy
bài bolero, có cả bài Anh không chết đâu em.
Cuộc
chiến của đời ông Yến vậy là kết thúc. Nhưng cuộc chiến sinh tồn vẫn còn đeo
đẳng với hàng ngàn đồng đội của ông trong tháng ngày đại dịch – phong tỏa tối
đen này. Không có chiến tranh, không có lý tưởng, chủ nghĩa, chắc ông sẽ là một
trong những người nông dân hiền lành ở đâu đó tại miền Tây Việt Nam. Ngày tháng
của ông sẽ chỉ là vườn tược và sông nước, hát cải lương và bài Anh không chết
đâu em.
Thôi thì
chào ông Yến vậy. Và chào những người như ông Yến, vốn vẫn còn phải đang vật
lộn với các tầng nghịch cảnh đời mình, dù không biết ngày mai ra sao, nhưng họ
vẫn đủ bền bỉ để mỉm cười, để hát cho hết bài ca của đời mình, ít nhất là qua
đại dịch.
NS.TUẤN KHANH
Nhận xét
Đăng nhận xét