Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà


GẶP BỐ TIÊN LẦN CUỐI CÙNG

 (Cha Phao Lô Phạm Long Tiên, Tổng Tuyên Úy Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Sài Gòn trước 1975) 

 Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Tôi từ nhà tù Cộng Sản về hồi tháng 2-1988, vừa kịp để “ăn” Tết Mậu Thìn. Sau những ngày đầu đoàn tụ gia đình hết sức bận rộn, tôi lần lượt đi thăm viếng những người thân yêu còn sống cũng như đã qua đời. Đương nhiên, tôi đã thu xếp lấy một lần tới dự lễ Chúa nhật tại nhà nguyện Mai Khôi, đường Tú Xương, để nhìn lại chốn xưa, may ra còn tìm được chút hình bóng những ngày tháng cũ. Và thế nào cũng phải thăm Bố Tiên. 

Nhà nguyện Mai Khôi vẫn thế, nhưng người xưa không thấy ai. Thuở ấy, cũng chính nơi đây, vào giờ khắc này, trên cung thánh có thể là cha Tiên hay cha Quế, cha Hoằng hoặc cha Thiện Cẩm, cha Hoà hay cha Lịch…, còn ở cuối nguyện đường, bên cánh phải, cạnh chiếc phong cầm có thể là các anh Hoàng Quý, Bửu Uy, Trần Chúc, Phạm Long, Ngô Bảo Tín,Trần Ngữ, Trần Hữu Cư, Nguyễn Văn Thành (guitar) Bạch Quang Cậy (organ) Nguyễn Hữu Thân (organ), các chị Nguyễn Quang Anh Thư, Nguyễn Quang Thái Ninh, Trần Thị Minh Tâm, Trần Thị Diệu Thanh… phụ trách đàn hát. 

Nhưng hôm nay, tôi đến đây như người khách lạ, hòa mình vào cộng đoàn một xứ đạo nhỏ. Lòng chợt thoáng u hoài. Bạn bè lớp trước nay tản mát khắp tứ phương. “Chuyện cũ mười phần chín chẳng như”! 

Lễ xong, mọi người lần lượt ra về. Tôi ở lại, hỏi han vài người và đã tìm ra phòng Bố Tiên. Phòng Bố Tiên nằm khoảng đầu dẫy ngay cạnh nguyện đường Mai Khôi. Tôi gõ cửa và Bố xuất hiện. Thấy tôi, Bố nhận ra ngay. 

- Mày mới về. Vào đây. Coi phong sương, nhưng rắn chắc hơn đấy. Bửu Uy chưa được về hả? 

- Thưa, chưa.

- Thương thằng Uy. Nghe nói, trong đó, nó “cứng” quá. Tao hãnh diện về nó. 

- “Vae victis” (khốn cho kẻ bại trận). Tao vẫn cầu xin cho chúng mày sống sót trở về. Được đứa nào mừng đứa ấy. Trai thời loạn biết làm sao được. 

Tôi thưa với Bố Tiên là tôi cũng rất lấy làm mừng vì Bố vẫn được bình yên. 

Rồi để không khí bớt căng thẳng, tôi nói đùa: 

- Hay là Bố có thiên thần hộ mạng? 

Sau dăm phút thăm hỏi, Bố Tiên ngồi nhích về phía trước một chút rồi hỏi: 

- Tao hỏi mày, nếu bây giờ còn có cơ hội, thì mình phải làm sao? 

Trộm nghĩ, trong tình hình hiện nay mà nói tới một cơ hội, xem ra là một ảo tưởng, thế nhưng nội dung câu hỏi lại có tính hiện thực về cả một quá trình sinh hoạt của tập thể sinh viên Sài Gòn trước 1975. Tôi hỏi Bố Tiên: 

- Cha hỏi con về sinh viên Công giáo hay sinh viên Sài Gòn? 

- Cả hai. Bố Tiên hỏi tôi như vậy có lẽ là vì Bố còn nhớ tôi từng sinh hoạt trong Liên Đoàn SVCG Sài Gòn thời Chủ tịch Đặng Quốc Dũng và Tổng Liên Đoàn SVCG Việt Nam thời TTK Nguyễn Văn Quản; nhất là Bố biết tôi và Bửu Uy đã trực tiếp tham dự vào Mặt Trận Đại Học giai đoạn quyết liệt nhất từ 1971 tới 1975. 

Cuộc chuyện của tôi với Bố Tiên kéo dài khá lâu; sau đây, xin ghi lại những gì còn nhớ được. 

Câu hỏi một: Về sinh hoạt của sinh viên Công giáo

Thực ra, nói đến SVCG, suốt mười mấy năm qua, chắc chắn không ai hồi tưởng và suy nghĩ nhiều hơn chính Bố Tiên. Đàng khác, cả hai chuyện Bố hỏi quá rộng lớn, do đó, dù tôi có nói chi, cũng chỉ là múa rìu qua mắt thợ và tất nhiên là phiến diện. 

Bởi tôi nghĩ câu hỏi của Bố Tiên mang tính giả định, cho nên tôi thưa với Bố, chúng ta không có thể quay ngược dòng thời gian. Ở lứa tuổi này, chúng ta không còn cơ hội nào nữa, nhưng ai cấm chúng ta nói đến những giấc mơ. Chúng ta mơ được sống lại cái thời trước 1975. 

Trước hết, tôi xin phép trả bài với Bố Tiên về ý nghĩa và mục tiêu các tổ chức SVCG. 

Theo định nghĩa thủ bản, các tổ chức SVCG là các tổ chức Công giáo Tiến hành chuyên biệt dành cho giới sinh viên, hoạt động dưới sự hướng dẫn của hàng giáo sĩ. Mục đích là giúp sinh viên Công giáo sống đạo và phổ biến ánh sáng Tin Mừng trong môi trường Đại học. 

Từ định nghĩa ấy, tôi thành thật nhận xét: mục tiêu đầu đã đạt được một số kết quả tốt đẹp, nhưng mục tiêu thứ hai - phổ biến Tin Mừng trong môi trường Đại học – phải nhìn nhận là khá mờ nhạt. 

Nguyên do 

Về hàng giáo sĩ, tức là các cha tuyên uý: sinh viên đã có các cha tuyên uý trình độ cao, nhưng các vị phải kiêm nhiệm nhiều công tác, không có thể dành trọn khả năng và thì giờ cho việc hướng dẫn sinh viên.

Về tập thể SVCG: chúng ta có quy chế tổ chức riêng, nhưng việc tham gia sinh hoạt hoàn toàn thả nổi, sinh viên tự do tham gia sinh hoạt hay không. 

Ngoài hai nguyên do trên, chúng ta còn gặp phải những trở ngại tự nhiên và khách quan. Thời sinh viên, tất cả phải lo đèn sách và không sinh viên nào muốn ở lại trường mãi. Họ phải mau tốt nghiệp để đi làm hoặc đi lính… Thời chiến cái gì cũng vội vã, nay còn mai mất. Tình hình chính trị, kinh tế, quân sự bấp bênh, rất khó duy trì nhân sự cơ hữu và sinh hoạt thường xuyên. Thêm vào đó, tuy sinh viên là thành phần ưu tú và đầy nhiệt huyết, nhưng họ còn thiếu phương tiện và thiếu cả kinh nghiệm nữa. 

Thử đánh giá kết quả 

Với tình hình nhân sự và thời sự như thế, phải nhìn nhận chúng ta đã cố gắng hết sức, đã có nhiều sáng kiến và hoạt động hữu ích: Bầu bán, tĩnh tâm, thuyết trình, hành hương, du ngoạn, báo chí, hợp xướng, hướng dẫn tân sinh viên… Song, một số sinh hoạt mới chỉ có hình thức và nói chung, mới quy tụ được một số ít sinh viên hoạt động thường xuyên, chưa phổ biến sâu rộng tới khối đa số SVCG.

Thật vậy, số SVCG tham dự các sinh hoạt quá ít. Tổng số sinh viên Sài Gòn vào năm 1975 khoảng 100 ngàn. Cứ tạm lấy tỉ số 1/10 thì số SVCG Sài Gòn cỡ 10 ngàn. Chúng ta thử coi lại xem, mỗi lần sinh hoạt ở khu trụ sở Hiền Vương được bao nhiêu? Mỗi cuộc tĩnh tâm Mùa Chay được bao nhiêu? Một cuộc hành hương lại càng ít hơn… thì ơn ích có đấy, nhưng mới chỉ ơn ích cho một số rất ít. Vì sao? Còn hàng ngàn SVCG khác đâu? 

Giấc mơ của tôi 

Giả tưởng chúng ta còn có một cơ hội thì cần chú ý tới làm sao thu hút được thêm sinh viên tham dự các sinh hoạt, bằng cách quan tâm đặc biệt tới các loại hình sinh hoạt dễ phổ biến sâu rộng sau đây: 

1. Hội học 

Vô tri bất mộ. Sinh viên là những người trẻ đang trau dồi những kiến thức cao đẳng về các bộ môn. Kiến thức khoa học càng cao, càng cần phải nâng cao sự hiểu biết về đạo, về những giáo huấn của Hội Thánh, nhất là những Thông điệp, những Tông huấn mới nhất. Những tài liệu này hết sức quan trọng và cần thiết vì chúng hướng dẫn tín hữu sống đạo và giải đáp những vấn nạn đặt ra trong thế giới hôm nay. Nếu không, niềm Tin Cậy Mến sẽ chênh vênh và bị thử thách. 

Do đó, chúng ta nên tiếp tục tổ chức đều đặn các buổi hội học cho sinh viên và đặc biệt là nên mở rộng mời cả học sinh những lớp cuối trung học nữa. Địa điểm: Mượn một thánh đường thuận tiện giao thông (mới đủ chỗ ngồi). Mời gọi: Giấy mời hết sức quan trọng. Để thu hút sinh viên tham dự, nội dung giấy mời phải có sức lôi cuốn và phải được phổ biến rộng rãi tới các xứ đạo, các Phân khoa… Nên nhờ các cha xứ thông báo trong các thánh lễ Chủ nhật và trong các tờ Thông Tin của xứ đạo. Thuyết trình viên: mời một giáo sư Đại chủng viện, một giáo sư Đại học, một học giả hay một chuyên viên. Nếu tổ chức tốt, chúng ta có thể quy tụ hàng ngàn sinh viên, học sinh tới tham dự các buổi hội học. 

Có hiểu biết tạm đủ và kịp thời những giáo huấn của Giáo hội thì SVCG mới có thể duy trì niềm tin trước những vấn nạn thời đại, mới cùng thao thức với sứ mệnh rao giảng Chúa Giêsu Kitô của người tín hữu trong môi trường Đại học. 

2. Tiếp nối và phát huy Ca đoàn Trùng Dương 

Hợp xướng là hình thức sinh hoạt văn hoá “cao cấp”, là phương tiện rao giảng Tin Mừng cũng như cổ xuý văn hoá dân tộc một cách nghệ thuật, có sức làm say mê hấp dẫn. Bộ môn hợp xướng cũng có sức lôi cuốn số đông khán thính giả, cho nên ơn ích cũng tăng theo tỉ lệ thuận. 

3. Tờ báo Thông Cảm

Đã là giới Đại học, SVCG cần có một tờ báo (ngày nay có thể là một trang mạng riêng). Chúng ta đã có tờ Thông Cảm (do anh Nguyễn Trần Quý phụ trách lâu dài). Ước mong SVCG cộng tác và phổ biến tờ báo của mình. Ai cũng biết giá trị và ảnh hưởng của báo chí đối với nhiều giới sinh viên và cả quần chúng nữa. 

4. Các đợt hướng dẫn tân sinh viên 

Hằng năm, nên tiếp tục tổ chức đợt hướng dẫn học sinh vừa tốt nghiệp Trung học, để họ biết cách chọn ngành nghề, chọn môn học và hướng dẫn họ thi cử vào các Phân khoa thi tuyển. Chọn đúng ngành học có tầm ảnh hưởng lớn lao cho cả một đời người. Xin nhấn mạnh là phải tổ chức hết sức chu đáo mới đạt hiệu quả cao. Nếu các cựu SVCG (chứ không phải là sinh viên chưa ra trường) tình nguyện mở đợt thuyết trình và hướng dẫn tân sinh viên thì kinh nghiệm học tập và nghề nghiệp của các vị này sẽ giúp ích cụ thể trong việc chọn ngành học của tân sinh viên.

Nhiều cha mẹ không đủ trình độ hiểu biết, còn sinh viên chưa ra trường, chưa cọ xát với đời, cho nên chưa có đủ kinh nghiệm và sự hiểu biết để hướng dẫn tân sinh viên. Cũng không quên mục giới thiệu các kí túc xá cho tân sinh viên. 

Nếu chúng ta làm thành công những đợt hướng dẫn tốt đẹp cho hàng ngàn tân sinh viên, chắc chắn uy tín của tổ chức SVCG sẽ tăng cao và hữu xạ tự nhiên hương. 

5. Công tác xã hội 

Hằng năm, tiếp tục tổ chức cho SVCG đi công tác xã hội tại những bệnh viện, quân y viện, nhà dưỡng lão, cô nhi viện, trung tâm cải huấn, làng “khẩn hoang lập ấp”, buôn làng cao nguyên… để học tập, để thể hiện sự cảm thông và đức bác ái đối với những người đau khổ, cô đơn, nghèo nàn… 

6. Hoạt động chính trị 

Một điều rất hệ trọng là không nên để tập thể SVCG bị lôi kéo một cách vội vàng, cảm tính vào những phong trào chính trị nhất thời, gây phương hại cho số phận của đất nước. Chẳng hạn như việc một số ít SVCG tham gia đợt chống tham nhũng vào giờ thứ 25 hồi đầu năm 1975. Chống tham nhũng là việc nên làm, nhưng vụ chống này quá sai thời điểm. Thời điểm đầu 1975, VNCH đang trên bờ tử sinh. Tập thể SVCG hãy là những người yêu nước một cách sáng suốt. 

7. Thử một cách nhìn khác 

Đôi khi chúng ta nên thử có cái nhìn về thiện chí dấn thân của chúng ta một cách khác với thói quen, để công sức chúng ta bỏ ra mang nhiều ý nghĩa và sinh ra hiệu quả tốt hơn. Thí dụ, chúng ta muốn tổ chức một cuộc hành hương thánh địa La Vang mãi ngoài Quảng Trị tốn nhiều công sức và thời giờ. Vì đường xá xa xôi, chúng ta chỉ có thể quy tụ được hai ba chục SVCG, cho nên cuộc hành hương tuy có mang lại nhiều giá trị siêu nhiên và tinh thần, song chỉ ơn ích cho một số rất ít. Chúng ta thử suy nghĩ cách khác với thói quen. Hãy chờ đến khi Giáo hội tổ chức đại lễ hành hương cho hàng ngàn, hàng vạn giáo dân, chúng ta mới liên lạcxin cử một phái đoàn mấy chục sinh viên tới phụ giúp ban tổ chức. Các sinh viên là những tay có nhiều khả năng sẽ trợ giúp đắc lực cho ban tổ chức. Cách nhìn khác thói quen này chẳng những sẽ mang lại đầy đủ giá trị siêu nhiên và tinh thần cho nhóm sinh viên tình nguyện mà còn giúp mang lại nhiều ơn ích cho hàng chục ngàn tín hữu hành hương. 

8. Tổ chức hội ái hữu cựu SVCG 

Ước mong cựu sinh viên có khả năng và đầy nhiệt huyết tông đồ ở vùng Thủ đô Sài Gòn họp nhau thành một tổ chức ái hữu cựu SVCG. Họ là những người thành đạt đủ mọi ngành nghề và đang nắm giữ những vị trí khác nhau. Nếu tổ chức tốt, sẽ duy trì được tình cảm bạn bè gắn bó cố cựu, nâng đỡ nhau trên cuộc đời và nhất là sẽ trở thành những cựu sinh viên phụ giúp đắc lực cho các cha tuyên uý sinh viên. Các tiền bối đã một thời là SVCG thì hãy mãi mãi lưu giữ tình cảm huynh đệ với đàn em SVCG. 

Nếu được như vậy, tập thể SVCG mới đạt được những mục tiêu Công giáo Tiến hành trong thời sinh viên và trong môi trường Đại học. Và ơn ích sẽ theo các SVCG đến suốt đời chứ không dừng lại ở cổng trường đại học sau khi tốt nghiệp. 

Câu hỏi hai: Về sinh hoạt của sinh viên Sài Gòn 

Sinh hoạt của sinh viên Sài Gòn trước 1975 khá đa dạng. Nhưng vì thời ấy, VNCH đang trong cuộc chiến khốc liệt một sống một còn với Cộng sản Bắc Việt, cho nên tôi thưa với Bố Tiên là tôi sẽ không đề cập những sinh hoạt văn hoá văn nghệ và xã hội khá phong phú của sinh viên Sài Gòn mà xin nói ngay vào những phong trào sinh viên tranh đấu. Bởi vì Cộng sản đánh VNCH bằng nhiều mặt trận. Đại học cũng trở thành mặt trận. 

Thời VNCH, chúng ta có thể phân ra 2 loại phong trào sinh viên tranh đấu. Một là các phong trào sinh viên Quốc gia tranh đấu chống đối các chính quyền Quốc gia (chống TT Ngô Đình Diệm, chống Thủ tướng Trần Văn Hương, chống Tướng Nguyễn Khánh, chống Thủ tướng Phan Huy Quát, chống hai Tướng Thiệu-Kỳ). Hai là phong trào sinh viên tranh đấu do Thành Đoàn Cộng sản phát động, nhằm lật đổ chính quyền VNCH, tiếp tay cho Cộng sản Bắc Việt mau thắng lợi và nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam. 

Ở đây, xin hạn chế chỉ nói về cuộc đấu tranh thứ hai, tức là cuộc đấu tranh giữa lực lượng sinh viên Quốc gia và Thành Đoàn Cộng sản. 

Thành Đoàn Cộng Sản 

Tôi thưa với Bố Tiên rằng bây giờ ai cũng biết Thành Đoàn là gì, nhưng trước 1975, không có nhiều người Miền Nam biết về tổ chức này. Thành Đoàn là tên gọi tắt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoạt động nội thành Sài Gòn - Gia Định, có nhiệm vụ vận động thanh niên, sinh viên, học sinh nội thành. Thành Đoàn nằm trong hệ thống Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (cấp toàn quốc). 

1. Chỉ huy 

Cấp chỉ huy cao nhất của Thành Đoàn là những cán bộ lãnh đạo Đặc khu uỷ Sài Gòn – Gia Định, cao hơn nữa là Trung ương Cục Miền Nam (Cục R). 

2. Tổ chức: 

Tổ chức Thành Đoàn có 2 mặt, mặt nổi và mặt chìm Mặt nổi gồm những sinh viên, học sinh được tuyển chọn để tranh lấy những vị trí chủ chốt trong các tổ chức học đường công khai và hợp pháp, như Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn, Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh, Đại học xá Minh Mạng, ban đại diện sinh viên các Phân khoa, các ban văn nghệ, các ban cứu trợ… 

Qua báo chí Sài Gòn thời ấy, dư luận biết tên nhiều sinh viên Việt Cộng hoạt động trong những tổ chức học đường công khai, như Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Thị Quế Hương, Trầm Khiêm, Dương Văn Đầy, Võ Ba, Đỗ Hữu Bút, Võ Như Lanh, Nguyễn Xuân Lập, Nguyễn Đăng Trừng, Trịnh Đình Ban, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Chơn Trung, Nguyễn Thị Yến, Võ Thị Bạch Tuyết, Trần Thị Lan, Trần Thị Huệ, Huỳnh Quan Thư, Phan Nguyệt Quờn, Tôn Thất Lập, TrươngQuốc Khánh, Trần Long Ẩn… Cũng phải kể cả Nguyễn Văn Ngọc, bí danh Mười Tranh, đã từng giữ những chức vụ hàng đầu trong tổ chức sinh viên Công giáo. 

Mặt chìm gồm hầu hết là những đảng viên, chỉ một ít là đoàn viên. Họ nắm ban chấp hành Thành Đoàn trong vị trí bí thư, phó bí thư, các uỷ viên thường vụ, các uỷ viên, các bí thư chi bộ chỉ huy Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và các Phân khoa… Trước 1975, dư luận chưa biết danh tính những tên Việt Cộng hoạt động ở mặt chìm (bí mật), như Hồ Hảo Hớn, Lê Thiết, Phan Chánh Tâm, Phạm Chánh Trực, Trang Văn Học, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Văn Nguyên, Lê Mỹ Lệ, Trương Mỹ Lệ, Huỳnh Thiện Kim Tuyến... Những tay này là những cán bộ cốt cán của Thành Đoàn Cộng sản hoạt động trong bóng tối (bí mật).

Thành Đoàn tuyển mộ và huấn luyện nhân sự hết sức kĩ lưỡng. 

3. Tuyển mộ 

Bước đầu tiên phải đi từ “quần chúng tốt”, tức là không thuộc gia đình quân nhân công chức cao cấp (của VNCH), có tư tưởng “tiến bộ” và năng nổ. Rồi lên hội viên (Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định). Tiếp theo là đoàn viên (Thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng). Cuối cùng mới được kết nạp đảng (đảng viên dự bị, rồi đảng viên chính thức). 

4. Huấn luyện 

Huấn luyện tại chỗ hoặc được giao liên đưa vào mật khu để dự các khoá huấn luyện. 

5. Hoạt động 

- “Tâm lí chiến”: Họ tuyên truyền và khai thác tối đa ý chí bài ngoại, “Chống Đế Quốc Mĩ xâm lược”, “Chính quyền VNCH chỉ là bù nhìn, tay sai”, “Cách Mạng” là chính nghĩa, là dân tộc, hi sinh chiến đấu giải phóng Miền Nam, vì độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, cơm no áo ấm cho đồng bào…

- Chiến thuật: Khi yếu, lợi dụng tối đa những nhân vật, tổ chức, hội đoàn, tôn giáo tiến bộ hợp pháp, công khai và bán công khai để bảo toàn lực lượng và dần dần cài người vào. Khi đã nắm được quyền thì tiến công liên tục dưới mọi hình thức, làm cho Sài Gòn càng rối loạn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. 

6. Kết quả 

Thành Đoàn đã thành công giành được các ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1967, 1967-68, 1968-69, 1969-70), Đại học xá Minh Mạng, Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh, Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn và một số ban đại diện các Phân khoa… Khi Thành Đoàn nắm được các tổ chức sinh viên hợp pháp, công khai, họ lôi kéo sinh viên học sinh, tạo thành phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu sôi nổi. Họ phát động hết cuộc đấu tranh này tới cuộc đấu tranh khác dưới nhiều hình thức, và đòi hỏi đủ thứ, chống đủ thứ. Họ muốn bãi khoá, nhà trường cũng bó tay. 

Xem xét như thế, chúng ta thấy Thành Đoàn Cộng sản là một lực lượng bề thế, có tổ chức chặt chẽ vừa mặt nổi vừa mặt chìm, có cán bộ được huấn luyện kĩ lưỡng. Họ có phương hướng, có chiến thuật, có tiền và còn có cả một lực lượng vũ trang, để khi cần, sẵn sàng ra tay tiêu diệt, ám sát đối thủ. Điển hình và nghiêm trọng hơn cả là 2 vụ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật, chủ tịch ban đại diện sinh viên Luật khoa Sài Gòn ngày 28-6-1971 và Gs. Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh ngày 10-11-1971. 

Tình hình trường ốc và phố phường như thế là quá xấu, không thể chấp nhận được. 

Vấn đề là làm sao ổn định tình hình đây? Làm sao để đối phó với Thành Đoàn Cộng sản đây? 

Đối phó với Thành Đoàn Cộng sản 

Tôi thưa với Bố Tiên, dù ai nói thế nào, trên thực tế, không có bất cứ đoàn nhóm sinh viên thuần tuý hay đảng phái, hoặc tôn giáo nào có đủ nhân sự và khả năng so găng ngang tầm với Thành Đoàn Cộng sản được. 

Bởi vì VNCH là một quốc gia dân chủ, chính quyền không bao giờ dám dùng bạo lực để đàn áp sinh viên (chỉ một năm sau, Tầu Cộng đã dùng quân đội tàn sát sinh viên trong vụ Thiên An Môn hồi tháng 4-1989). Dùng Cảnh sát (đã làm từ lâu) cũng chỉ có thể ngăn chặn đàng ngọn, vừa không có thể bứng tận gốc đối phương, vừa rất dễ bị dư luận lên án. 

Sau khi rút tỉa kinh nghiệm, “phe ta” đi tới kết luận: Cái chúng ta cần là có một lực lượng, nếu không mạnh hơn, thì cũng phải tương đương với Thành Đoàn Cộng sản, mới có thể chiến thắng. Lực lượng ấy phải là sự phối hợp giữa lực lượng sinh viên Quốc gia với các cơ quan an ninh chính quyền. Với vị thế và lực lượng sẵn có, chính quyền có khả năng cô lập các cán bộ Thành Đoàn, nếu chứng minh được họ là Việt Cộng. Sau đó, lực lượng sinh viên Quốc gia phải tích cực giành lấy các ban đại diện và các tổ chức sinh viên hợp pháp. Dùng cách đánh này, chắc chắn thắng. 

Trên thực tế, kể từ cuối năm 1971 tới giữa năm 1972, “phe ta” đã gấp rút tiến hành kế sách này và đã mau chóng thu được thắng lợi triệt để. Các cán bộ Thành Đoàn bị cô lập hoàn toàn (bị bắt, chạy vào mật khu hoặc phải lặn thật sâu). Đang khi đó, lực lượng sinh viên Quốc gia đã lần lượt giành lại tất cả các ban đại diện sinh viên chính thức và hợp pháp. 

Nhờ vậy, tình hình trường ốc trở lại yên bình và các sinh hoạt sinh viên thuần tuý được phục hồi, đi vào nền nếp. 

Đúc kết 

Nhận thấy, nếu tiếp tục khai triển đề tài này, không biết tôi phải nói chuyện với Bố Tiên mấy buổi mới tạm đủ. Đàng khác, lúc ấy, Bửu Uy đi tù biệt xứ ở Miền Bắc mới được chuyển về trại giam Z30 D (Căn cứ 5, Rừng Lá); còn tôi, cũng vừa được thả, số phận khá mong manh, cho nên vẫn phải nhớ câu “hoạ tùng khẩu xuất” mà phòng thân. Vì thế, tôi thưa với Bố Tiên: “Chuyện này còn dài, nhiều tình tiết chưa tiện nói ra hết. Khi nào có điều kiện thuận lợi, con phải viết cả một cuốn sách”. 

Từ câu chuyện cũ trên đây, chúng ta có thể đúc kết mấy điểm, giả tưởng là để lại cho mai sau. 

* Trong Mặt Trận Đại Học, các đoàn nhóm sinh viên thuần tuý hay đảng phái, tôn giáo không đủ khả năng so găng với Thành Đoàn Cộng sản. Phải áp dụng công thức lực lượng an ninh của chính quyền cộng với lực lượng sinh viên Quốc gia. 

* Sinh viên là thành phần ưu tú đang sống trong tình hình chiến tranh tự vệ, nên quan tâm hơn tới chính trị, tới tình hình đất nước, không nên bất tri và vô cảm. 

* Khi quan tâm đủ tới tình hình đất nước, sinh viên sẽ không mang mặc cảm “gia nô” khi phải chọn lựa ủng hộ phía Quốc gia. Đây là cái mặc cảm rất tai hại trong xã hội Miền Nam lúc bấy giờ. Giữa hai sự xấu, người có suy nghĩ bình thường sẽ chọn cái ít xấu hơn. Giữa Cộng sản và Quốc gia, sinh viên (và cả dân Miền Nam nữa) phải chọn ủng hộ chính quyền Quốc gia (mặc dù chưa hoàn hảo). Phải giữ được Miền Nam tự do, rồi sẽ tranh đấu để lành mạnh hoá cơ cấu chính quyền. “Mất nước là mất tất cả”. Ngày 30-4-1975, tất cả chúng ta, chống Cộng hay không, gia nô hay trí thức phản kháng, trước sau, đều vắt giò lên cổ mà chạy thoát thân. Bởi vì nanh vuốt của Cộng sản bắt đầu chụp lên đầu dân Miền Nam rồi. 

Thời gian như bóng câu vút qua song. Nay Bố Tiên đã về Nước Chúa, nhưng tôi không quên lời đã thưa với Bố năm 1988. Vì thế, khi vừa tới tuổi nghỉ hưu, tôi đã bắt tay ngay vào việc thực hiện cuốn Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hòa, 416 trang, Tủ Sách Hoàng Sa, Tháng 11 – 2014 (hết). Tháng 4 – 2016 vừa rồi, sách lại được báo Thằng Mõ tái bản tại San Jose (hết). 

Tiếc thay! Không bao giờ tôi còn có cơ hội kính tặng Bố Tiên tác phẩm này nữa.

“Người đã ra đi tận cuối trời. Bao giờ gặp gỡ nữa? Than ôi!” 

Requiescat in pace! 

Như nén hương kính cẩn tưởng niệm Cha Phạm Long Tiên, một đời tận tụy phục vụ sinh viên Công giáo Đại học Sài Gòn. 

Chớm Thu 2016 

*Trần Vinh, bút hiệu Bạch Diện Thư Sinh (hoangsa4000@gmail.com)

Bài liên quan:

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180