COVID 19 - KHÔNG ĐỀ*
Saturday, July 17, 2021
Khó khăn, là bởi giữa giòng truyền thông về covid-19
phát đi của nhà nước với thông điệp rất rõ: phải sợ hãi và biết vâng lời, thì
Bác sĩ Phan Xuân Trung đang có những ý kiến khác biệt. Ông lên tiếng thường
xuyên trên trang facebook của mình khiến ngày càng nhiều người quan tâm, thậm
chí các đài quốc tế cũng gọi phỏng vấn. Đơn giản, ông đòi hỏi những phân tích
khoa học, và để đối phó với covid-19 là những giải pháp khoa học, chứ không
thiên về mệnh lệnh chính trị.
Nỗ lực của ông, đang khiến nhiều người nhớ về bác
sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) trong những ngày đầu bùng phát đại dịch ở Vũ Hán,
Trung Quốc. Nhưng hơn thế, có vẻ như ông Trung đang là người phát động cho một
chiến dịch bất tuân dân sự trong lòng xã hội, nhân danh lời thề Hippocrates,
quyết không bỏ rơi bệnh nhân.
Rõ ràng, khó khăn phần nhiều của đợt chống dịch thứ
4 này, từ chủ trương của thủ tướng Việt Nam, là “phải bảo đảm ổn định sản xuất,
và chống dịch thành công”. Nghe thì cũng có lý, nhưng khi vào thực tế, việc
phải đưa người đi lao động thời dịch giã để giữ vững kinh tế chế độ, đã khiến
xã hội không thể giãn cách hoàn toàn, con số người nhiễm dịch tăng vùn vụt,
khiến người bị lây nhiễm rơi vào tình thế của “giặc dịch phải bị chống”. Các
cuộc cách ly gắt gao, các biện pháp truy vết dai dẳng, rồi báo chí kết tội, lên
án những người nhiễm bệnh… khiến xã hội trở nên vô cùng căng thẳng, kể từ sau
đợt nghỉ dài 30-4 và 1-5 năm nay.
Từ đầu tháng 7, những ý kiến của bác sĩ Trung
lan dần trên mạng. Dựa vào những con số thống kê người mắc bệnh và người chết ở
Việt Nam, ông liên tục nhắc phía nhà nước rằng không thể học bài học đóng cửa,
dồn dân như kiểu Vũ Hán, mà nên nhìn vào các số liệu khoa học của tình hình
Việt Nam. Nhất là ở Sài gòn.
Một trong những lời nhắc nhở của ông với chính quyền Thành Hồ, được các “chiến sĩ thông tin” trích dẫn và rủa sả ghê gớm, là ông phản đối việc đưa trẻ em 3 tuổi, 5 tuổi… đi vào khu cách ly mà không có cha mẹ. Phía báo chí một chiều thì lại còn đưa những hình ảnh và sự kiện như một kiểu cảm động vì các em bé này "ý thức chấp nhận hy sinh, khó khăn vì đại cuộc từ tuổi nhỏ”. Không thể nào hiểu nổi.
Trước đó ít ngày, bác sĩ Trung có bày tỏ rằng nếu
cứ nói thẳng như vậy, chắc không ai nghe, mà đời ông lại còn gặp khó khăn về
sau nữa, nhưng biết làm sao bây giờ nếu thấy chướng mắt mà im lặng. Kiểu nói đó
không chạy đâu được. Dân miền Nam, y chang!
Và cũng với cái giọng miền Nam thẳng thừng không
gạt bà con, lời kêu gọi của ông đã chọc giận các “lực lượng yêu nước bằng mồm
và bàn phím” trên mạng. Nguyên văn là “Tôi yêu cầu chính quyền trả các cháu bé
F1, F0 về với gia đình ngay lập tức. Không nhân danh bất cứ điều gì để bắt các
cháu bé vô trại cách ly. Không giường nằm, không bác sĩ, sốt không có thuốc,
đói không có cơm! Một sự vô cảm đáng kinh tởm!”
Ngay lập tức, trang Chính trị Việt Nam trên
facebook bắn phát đạn lớn, kêu gọi công an thu thập chứng cứ và khởi tố bác sĩ
Phan Xuân Trung ngay lập tức. Hàng trăm lời bình được điều động vào hưởng ứng,
reo hò như đêm giữa ban ngày. Quái. Đất nước gì mà lúc nào cũng có giai cấp đấu
tranh ngồi chồm hổm chờ sẵn, reo hò đòi đưa người vào tù. Cái gì cũng réo tên
công an vào cuộc!
Ngoài các phân tích liên tục cập nhật, và đưa ra
giải pháp kêu gọi chính quyền Thành Hồ không nên sa lầy vào phương pháp chống
dịch tốn kém và ít hiệu quả như hiện nay, bác sĩ Phạm Xuân Trung vài lần dấy
động tâm can giới y bác sĩ, khi nhắc rằng bối cảnh Sài Gòn hiện nay, nhà cầm
quyền đang vận động toàn bộ nguồn lực y tế chỉ để chống dịch, đang bỏ rơi quá
nhiều các bệnh nhân khác, vốn cũng trong tình cảnh ngặt nghèo. Hơn nữa, việc
giãn cách bất chấp mọi vận hành tự nhiên của xã hội như đi khám bệnh, đưa người
đi cấp cứu, điều trị… sẽ khiến xã hội bị bịt mắt trước toàn cảnh thực tế, chỉ
biết chạy với tình trạng mệnh lệnh duy ý chí.
Lời kêu gọi thứ nhất, hôm 10-7, ông viết “Hiện nay
do lockdown toàn thành phố, nhiều cơ sở y tế đóng cửa khiến cho người bệnh bị
bỏ rơi. Tôi kêu gọi quý đồng nghiệp vì danh dự và trách nhiệm của Thầy Thuốc
hãy sẵn sàng đến nhà giúp bệnh nhân. Quý đồng nghiệp hãy ghi số phone, chuyên
khoa và khu vực mình ở lên facebook, zalo để dân chúng gọi khi hữu sự... Đây là
lời kêu gọi khẩn thiết đến quý thầy thuốc. Hãy giúp dân bằng cả trái tim”.
Lời kêu gọi này không chỉ đánh động tình cảm giới y
bác sĩ, mà cả còn cả người đọc quan tâm. Trang Fanpage có tên Giúp nhau mùa
dịch, với hơn 70.000 người tham gia đã trở thành nơi các bác sĩ, y tá, nhân
viên y tế ghi danh tình nguyện cho kết nối, liên lạc, nhận đi đến nhà người
bệnh.
Một người đưa lại tin này, nói mẹ của anh phải chạy
thận 2 lần/tuần trước phong tỏa, gần như tuyệt vọng vì không được đến bệnh viện
nữa, khi có các bác sĩ nhận đến nhà giúp, không khác gì như chết đi sống lại.
Một người khác nói họ cũng không khác gì, người nhà của họ đang ngoi ngóp lâu
nay vì không sao lấy máu để đem đi bệnh viện xét nghiệm INR (chỉ số đông máu),
do người nhà bị tai biến liệt nửa người.
Chuyện cứu người thôi, nhưng cũng đâu dễ qua các kiểu kiểm soát, chận phạt ở Sài Gòn. Dù nói rõ tính cần thiết và chính đáng. nhưng nhiều y, bác sĩ bị phạt tiền, hoặc bị đuổi về. Lên tiếng, cũng lại là bác sĩ Phan Xuân Trung. Ông viết “Dân thì bị hạn chế ra khỏi nhà! Ai bệnh thì cứ nằm chờ chết thôi! Chính quyền đang làm gì vậy?”
Thật ra, khi chép lại câu chuyện này, mục đích
chính của tôi là nói về một người dám lên tiếng. Sống trong lòng một nhà nước
độc tài, việc lên tiếng thẳng thắn và khác biệt, đồng nghĩa sẽ đánh mất nhiều
thứ về sau. Nhưng nếu thiếu những tiếng nói như vậy, Việt Nam hay Sài Gòn sẽ
lộng lẫy nhạt nhẽo. Và thiếu những con người như vậy, người Việt cũng sẽ hèn
mọn trong bình đẳng ngu muội.
Nếu không có bác sĩ Phan Xuân Trung lên tiếng,
những y, bác sĩ khác có sống với tinh thần lương y của mình không? Tôi đặt hỏi
như vậy với bác sĩ Nguyễn Đại, một người bạn của tất cả gia đình tù nhân lương
tâm và TPB-VNCH, người vẫn rong xe chạy tự nhiên khi có người đau yếu gọi tên.
Ông cười hà hà và nói, rằng lương tâm thúc mình lên đường, chứ đợi ai.
Quả vậy. Không có bác sĩ Trung, chắc chắn hàng ngàn
y, bác sĩ khác cũng có chọn lựa đúng của mình. Nhưng nếu có sự lên tiếng
ấy, những con người đang sống với lời thể Hippocrates sẽ không thấy cô đơn. Họ
được giới thiệu cho thấy rằng lương tâm, vẫn là ánh sáng soi đường giữa dòng
đời chằng chịt những mệnh lệnh, thời Sài Gòn phong tỏa.
NS.TUẤN KHANH
*Do tác gỉa không đề tựa cho bài viết, BBT/TD mạn phép để như vậy. Rất mong tác giả cùng qúy độc gỉa lượng thứ.
Nhận xét
Đăng nhận xét