Trại Súc Vật (Animal Farm) - Chương 3
Trại Súc Vật (Animal Farm)
George Orwell
Phạm Minh Ngọc dịch và giới thiệu
Chương 3
Phải công nhận là chúng làm việc rất chăm, không quản mệt mỏi, chỉ cốt thu hoạch cho
xong! Công khó của chúng đã được đền bù, chúng thu được nhiều hơn dự kiến.
Đôi khi chúng cũng gặp một số khó khăn vì tất cả công cụ đều được làm để dành cho
người chứ không phải cho súc vật, mà muốn sử dụng công cụ đó thì phải đứng được trên
hai chân sau. Nhưng phải nói bọn lợn là một giống thông minh ‐ khó đến đâu chúng
cũng có cách. Còn lũ ngựa thì hiểu rõ từng thửa ruộng, mà cắt và vun cỏ thành đống thì
chúng làm thạo hơn ông Jones và gia nhân nhiều. Bọn lợn không làm mà chỉ hướng dẫn
và kiểm tra các con khác. Với kiến thức như thế thì việc chúng nắm vai trò lãnh đạo là
đương nhiên. Chiến Sĩ và Bà Mập tự khoác lên mình máy cắt hoặc máy bừa cỏ (dĩ nhiên
là không cần hàm thiếc, cũng chẳng cần cương) và kiên nhẫn đi khắp cách đồng, trong
khi một con lợn nào đó bước theo sau, thỉnh thoảng lại kêu ʺĐi thẳng, đồng chí!ʺ hoặc
ʺQuay lại, đồng chí!ʺ. Tất cả các con vật, không kể lớn nhỏ, đều tham gia cắt và xếp cỏ.
Ngay đến bọn gà vịt cũng phơi mình dưới nắng suốt ngày để tham gia vận chuyển từng
lọn cỏ nhỏ bằng mỏ. Chúng đã hoàn tất công việc một cách nhanh chóng, phải nói là
nhanh hơn người, nếu ông Jones và gia nhân làm thì phải hai ngày nữa mới xong. Hơn
nữa đấy lại là một vụ mùa năng suất nhất từ trước đến nay. Không có chuyện rơi vãi vì
bọn gà, vịt rất tinh mắt, chúng nhặt đến từng cọng một. Và cũng không có con nào ăn
vụng, dù chỉ một miếng ngoạm.
Công việc của trang trại diễn ra thuận lợi trong suốt mùa hè năm đó. Bọn súc vật cảm
thấy vô cùng sung sướng, chúng chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện đó lại có thể xảy ra. Ăn
là cả một niềm vui, vì bây giờ thức ăn là của chúng, do chúng và vì chúng chứ không
phải là thứ do một ông chủ keo bẩn bố thí cho nữa. Sau khi chúng đã tống khứ được lũ
người ăn bám vô tích sự đi rồi thì khẩu phần mỗi con dĩ nhiên là nhiều hơn. Và mặc dù
chưa có kinh nghiệm, chúng vẫn có nhiều thời gian thư giãn hơn. Chúng có gặp một số
khó khăn, ví dụ khi thu hoạch ngũ cốc thì phải dùng sức để thổi trấu đi vì trang trại
không có máy đập, nhưng với trí thông minh của lũ lợn và sức khoẻ của Chiến Sĩ thì việc
gì mà chúng chẳng làm được. Chiến Sĩ rất được kính trọng. Ngay khi còn ông Jones nó
đã chăm chỉ rồi, nhưng bây giờ nó làm việc bằng ba, có ngày tưởng chừng như toàn bộ
công việc của trại đều đổ dồn lên vai nó. Nó kéo rồi đẩy từ sáng đến tối và bao giờ cũng
có mặt ở những chỗ khó khăn nhất. Nó nhờ một con gà trống đánh thức trước nửa tiếng
và tự nguyện làm một số việc cần kíp nhất trước khi ngày làm việc chính thức bắt đầu.
Trước bất cứ khó khăn, trở ngại nào nó đều nói: ʺTôi sẽ cố gắng hơn nữa!ʺ, câu ấy đã trở
thành phương châm hành động của chính nó.
Những con khác cũng làm việc hết mình. Thí dụ lũ gà và vịt đã mót được đến hai tạ ngũ
cốc. Thói ăn cắp vặt; những tiếng ỉ eo về miếng ăn, miếng uống; chuyện cãi vã, cắn xé;
thói ghen tị ‐ những thói xấu đó của quá khứ đã biến mất hẳn. Không con nào trốn việc ‐
đúng ra là gần như không con nào. Mollie không thích dậy sớm và tìm cách chuồn trước,
nại rằng có hòn đá nhỏ dắt vào móng. Thái độ của con mèo cũng đáng ngờ. Cứ khi nào
cần là y như rằng nó đã bỏ đi đâu mất từ trước rồi. Chị chàng thường bỏ đi đâu đó rất
lâu và chỉ xuất hiện, như chưa có chuyện gì xảy ra, ngay trước bữa ăn hay vào buổi chiều,
khi công việc đã hoàn tất. Nhưng nó luôn luôn tìm được cách giải thích và kêu gừ gừ một
cách đáng yêu, thành ra khó mà nghi ngờ được thiện chí của nó. Chỉ có con lừa già
Benjamin là vẫn như cũ. Nó vẫn làm công việc một cách chậm chạp cố hữu như thời còn
ông Jones, không bao giờ trốn việc, cũng chẳng bao giờ làm hơn. Nó không nói gì về cuộc
Khởi Nghĩa cũng như những đổi thay sau đó. Nếu được hỏi có cảm thấy vui hơn thời còn
ông Jones không, thì nó bảo: ʺĐời lừa dài lắm. Các vị chưa thấy lừa chết bao giờ cơ màʺ ‐
bao giờ nó cũng nói một câu bí hiểm như vậy.
Ngày chủ nhật nghỉ. Bữa sáng ăn muộn hơn một tiếng và sau đó bao giờ cũng có một
cuộc họp mặt long trọng. Trước hết là lễ kéo cờ. Tuyết Tròn tìm được trong kho dụng cụ
một tấm khăn trải bàn cũ màu xanh của bà Jones rồi vẽ một cái móng và một cái sừng
màu trắng lên trên. Và thế là buổi sáng chủ nhật nào chiếc khăn trải bàn cũng tung bay
trên cột cờ trong vườn hoa. Tuyết Tròn giải thích rằng màu xanh tượng trưng cho đồng
ruộng Anh quốc, còn sừng và móng là biểu tượng của nước Cộng Hòa Súc Vật tương lai,
khi đã lật đổ được toàn bộ giống người rồi. Sau khi kéo cờ mọi con vật cùng đến tập
trung trong nhà kho lớn, chúng gọi đấy là Họp. Chúng lập kế hoạch cho tuần sau cũng
như thảo luận và ra nghị quyết về các kiến nghị khác nhau tại đây. Chỉ có bọn lợn đưa ra
kiến nghị mà thôi. Những con khác chỉ biết biểu quyết chứ không kiến nghị gì bao giờ.
Tuyết Tròn và Napoleon thảo luận hăng nhất. Nhưng hai con này luôn luôn chống đối
nhau: hễ con này đưa ra ý kiến gì là con kia lập tức phản đối. Ngay cả khi vấn đề đã được
quyết định rồi, như việc dành một miếng đất nhỏ phía sau khu vườn làm chỗ dưỡng già,
không ai có thể phản đối chuyện đó, thì hai con này lại tranh luận gay gắt về việc loài
nào, đến bao nhiêu tuổi thì được nghỉ hưu. Các buổi Họp bao giờ cũng kết thúc bằng bài
đồng ca ʺ Súc Sinh Anh quốcʺ, còn buổi chiều thì chúng được nghỉ tự do.
Bọn lợn dành cái kho dụng cụ làm tổng hành dinh. Buổi tối chúng học nghề mộc, nghề
rèn và những nghề khác qua những cuốn sách nhặt được trong tòa nhà chính. Tuyết Tròn
còn đưa những con khác vào các tổ chức mà nó gọi là Ủy Hội Súc Sinh. Nó làm việc này
một cách say sưa, không biết mệt là gì. Nó đã thiết lập được Ủy Ban Trứng cho lũ gà mái,
Ủy Ban Chăm Sóc Đuôi cho lũ bò, Hiệp Hội cải huấn các đồng chí thú hoang (mục đích là
cải tạo bọn chuột và thỏ rừng); Phong Trào giữ lông thật trắng cho bọn cừu, vân vân và
vân vân, đấy là chưa kể các tổ xoá nạn mù chữ nữa. Nói chung các dự án của Tuyết Tròn
đều không có kết quả. Việc cải tạo lũ thú hoang thất bại gần như ngay từ đầu. Thái độ
của chúng chẳng thay đổi tí nào, mà cư xử tốt thì chúng lại càng láo thêm. Con mèo cũng
có chân trong Hiệp Hội cải huấn và đã hoạt động rất tích cực trong mấy ngày đầu. Có lần
nó lên tận mái nhà nói chuyện với mấy con chim sẻ đậu ngoài tầm với của nó. Nó bảo
rằng bây giờ mọi loài đều là đồng chí và nếu con sẻ nào muốn thì có thể đậu ngay lên
chân trước nó; nhưng bọn sẻ không dám lại gần.
Các lớp học đọc, học viết thu được kết quả khả quan. Trước khi mùa thu về đa số các con
vật trong trại đều đã thoát nạn mù chữ ở những mức độ nhất định.
Bọn lợn đọc thông viết thạo. Lũ chó cũng biết đọc, nhưng chúng chỉ đọc mỗi Bảy Điều
Răn mà thôi. Con dê tên là Muriel đọc thông hơn lũ chó nên buổi tối nó thường đọc cho
những con khác nghe các mẩu báo nhặt được trên đống rác. Lừa Benjamin đọc nhanh
không kém gì lũ lợn, nhưng nó chẳng đọc cái gì bao giờ. Nó bảo chẳng thấy có gì đáng
đọc. Bà Mập học thuộc cả bảng chữ cái nhưng không biết ghép vần. Chiến Sĩ không vượt
qua được chữ D. Nó thường lấy những cái móng to kềnh của mình để viết lên cát những
chữ cái A, B, C, D rồi đứng ngắm, tai cụp lại phía sau, thỉnh thoảng lại vẫy vẫy bờm, cố
gắng nhớ xem sau đó là chữ gì, nhưng chẳng bao giờ nhớ ra. Đôi khi nó cũng thuộc được
các chữ cái E, F, G, H, nhưng bao giờ cũng vậy, hễ thuộc mấy chữ đó thì lại quên các chữ
A, B, C, D. Cuối cùng nó đành thoả mãn với bốn chữ cái đó và ngày nào cũng viết một
hai lần để rèn trí nhớ. Mollie chỉ học năm chữ cái ghi đủ tên nó mà thôi. Nó thường lấy
cành cây nhỏ để xếp các chữ đó rồi trang trí thêm bằng một vài bông hoa, sau đó đi vòng
quanh để ngắm.
Những con khác không vượt qua chữ A. Những loài ngu hơn như cừu, gà và vịt không
thể thuộc được Bảy Điều Răn. Sau khi suy nghĩ, Tuyết Tròn tuyên bố rằng có thể rút Bảy
Điều Răn thành một cách ngôn như sau: ʺBốn chân tốt, hai chân xấuʺ. Nó bảo đấy chính
là nguyên lí cơ bản của Súc Sinh Kinh. Chỉ cần nắm vững cách ngôn này thì không còn sợ
gì ảnh hưởng của con người nữa. Bọn gà vịt phản đối vì cho rằng chúng chỉ có hai chân,
nhưng Tuyết Tròn đã chứng minh không phải như vậy.
ʺCánh chim, thưa các đồng chíʺ, Tuyết Tròn nói, ʺlà cơ quan để vận động chứ không phải để cầm
nắm. Cánh cũng là chân thôi. Đặc trưng để phân biệt với Giống Người là bàn tay, mọi việc xấu xa
đều do đôi bàn tay của chúng làm hết.ʺ
Bọn gà vịt không hiểu hết bài thuyết pháp tràng giang đại hải đó, nhưng chúng đồng ý
với cách giải thích của Tuyết Tròn và tất cả những con vật ngu si hơn lại phải học thuộc
lòng cách ngôn mới. BỐN CHÂN TỐT, HAI CHÂN XẤU được viết to hơn, bên trên Bảy
Điều Răn. Khi đã thuộc lòng rồi thì lũ cừu tỏ ra rất khoái cách ngôn này, mỗi khi nằm
nghỉ là chúng lại đồng thanh tụng ʺBốn chân tốt, hai chân xấu! Bốn chân tốt, hai chân xấu!ʺ
và cứ thế hàng giờ liền không biết mệt.
Napoleon không quan tâm đến các ủy hội của Tuyết Tròn. Nó bảo rằng giáo dục thế hệ
trẻ quan trọng hơn công tác vận động những con đã trưởng thành. Hai con chó cái Jessie
và Bluebell đẻ được chín con chó con khỏe mạnh ngay sau vụ thu hoạch. Napoleon bắt lũ
chó con ngay khi chúng vừa cai sữa, nó bảo sẽ chịu trách nhiệm giáo dục bọn trẻ. Nó đem
lũ chó con giấu trên gác xép, bên trên kho dụng cụ, phải có thang mới trèo lên được, và
giữ chúng ở đó kín đến nỗi dần dần không con nào còn nhớ đến lũ chó con ấy nữa.
Chuyện mất sữa không còn là bí mật. Bọn lợn đem trộn vào cám ăn hàng ngày. Những
quả táo đầu mùa đã chín, ngày nào cũng có quả rụng trên đám cỏ trong vườn. Mọi con
vật đều nghĩ là sẽ đem chia đều, nhưng một hôm có lệnh nhặt táo rụng rồi đem vào nhà
kho dụng cụ để dành riêng cho lũ lợn. Có mấy con phàn nàn về chuyện này, nhưng
không đi đến đâu. Về vấn đề này thì lũ lợn, kể cả Tuyết Tròn và Napoleon, đều thống
nhất quan điểm. Chỉ Điểm được cử đi làm công tác tư tưởng.
ʺThưa các đồng chíʺ, Nó nói, ʺTôi hy vọng là các đồng chí không nghĩ rằng loài lợn chúng tôi làm
như thế là do ích kỉ và đặc quyền đặc lợi chứ? Nhiều đồng chí lợn cũng ngán sữa và táo lắm. Tôi
cũng chẳng thích gì hai thứ đó. Mục đích của chúng tôi khi ăn những thứ đó chỉ là nhằm bảo vệ
sức khoẻ mà thôi. Sữa và táo (Thưa các đồng chí, khoa học đã chứng minh) có chứa nhiều chất cực
kì cần thiết cho sức khỏe loài lợn. Loài lợn chúng tôi làm công việc trí óc. Chúng tôi nắm toàn bộ
công tác tổ chức và quản lí trang trại này. Vì sự phồn vinh của các đồng chí mà chúng tôi phải
làm việc cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi uống sữa và ăn táo vì lợi ích của chính các đồng chí đấy. Các
đồng chí có tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra nếu loài lợn chúng tôi không cáng đáng nổi
nhiệm vụ không? Lão Jones sẽ quay về! Vâng, lão Jones sẽ quay về! Chắc chắn là như thế, thưa các
đồng chíʺ, Nó van vỉ gào to, vừa gào vừa nhảy từ phải sang trái, đuôi vẫy nhặng lên, ʺChắc
chắn là không ai trong chúng ta muốn lão Jones quay về rồi, có phải thế không ạ?ʺ
Chắc chắn là không một con vật nào muốn lão Jones quay về rồi. Đặt vấn đề theo cách đó
thì không con nào dám mở miệng ra nữa. Sức khoẻ loài lợn là việc hệ trọng, chuyện đó
không cần phải bàn. Thế là chúng đi đến thống nhất mà không bàn cãi thêm là sữa và táo
rụng (khi vào mùa thì toàn bộ) chỉ để dành cho riêng loài lợn dùng mà thôi.
<0><0><0>
Trại Súc Vật - Animal Farm 1954 Cartoon George Orwell
Bài liên quan:
Nhận xét
Đăng nhận xét