XUYÊN TÂM LIÊN



 XUYÊN TÂM LIÊN

Tác giả: DODUYNGOC

Những ai đã sống sau 1975 ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, chắc chưa quên loại thuốc đặc biệt này. Trước đó, ở miền Nam Việt Nam, người dân được tiếp xúc và chữa bệnh bằng những loại thuốc tiên tiến, hiện đại của các hãng bào chế nổi tiếng trên thế giới, cho nên khi được cho toa uống Xuyên Tâm Liên, ai cũng ngỡ ngàng và nghi ngại.

Sau 1975, người dân được giới thiệu Xuyên Tâm Liên xem như là tiên dược trị bá bệnh. Đau đầu, nhức mỏi, viêm họng: Xuyên Tâm Liên. Ỉa chảy, ăn không tiêu, táo bón: Xuyên Tâm Liên. Đau gan, nóng sốt, thấp khớp: Xuyên Tâm Liên. Đến cả ung thư, huyết áp cao, tiểu đường týp 2: Xuyên Tâm Liên. Nói tóm lại, Xuyên Tâm Liên là loại thuốc mà bệnh nhân nào cũng được cho toa để uống dù bị bất cứ bệnh gì. Nó thông dụng đến độ khi nhắc lại thời kỳ khốn khổ đó ai cũng đều nhắc đên tên loại thuốc này như là biểu tượng của một thời y tế không có thuốc chữa bệnh. Nó cũng là nỗi ám ảnh và là đề tài châm biếm của một đoạn đời sau 1975. Thế hệ 9X chắc không biết chuyện này.

Thế mà mới đây, khi dịch Virus Vũ Hán tràn lan, vào ngày 7.7.2021 tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, các chuyên gia đã đề nghị bổ sung thêm vị thuốc Đông y có tên Xuyên tâm liên (có tác dụng kháng vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng…) vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đồng thời cũng có phát biểu cho rằng tại Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan cho thấy, trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng Xuyên tâm liên, tình trạng của các tình nguyện viên mắc COVID-19 đều được cải thiện…

Theo những chuyên gia y tế, Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), chống viêm, oxy hóa, ung thư… được dùng để điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, viêm nhiễm, ung thư, tiểu đường… thế thì đúng là thuốc tiên trị bá bệnh còn gì. Phen này các hãng bào chế thuốc chắc phải đóng cửa, phá sản chăng? Vì nó chữa được lắm bệnh đến thế kia mà. He...he.

Thú thật, khi mới đọc tin này, tui tưởng là báo cũ thời trước nhưng rồi chợt nhớ là nhắc đến virus Vũ Hán tui mới giật mình. Rồi cứ tưởng quý ngài đó nói khôi hài chơi, ai dè đó là nói thiệt trong một  họp được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức vào ngày 7.7.2021. Ôi cha mẹ ơi, không dè 46 năm sau tiên dược Xuyên Tâm Liên lại xuất hiện và có người cho rằng nó có thể là cứu tinh để diệt dịch. Thế có thể sắp tới lý luận rau muống bổ hơn thịt bò cũng của thời kỳ ấy lại xuất hiện chăng. Bởi Xuyên Tâm Liên với rau muống bổ hơn thịt bò xuất hiện cùng thời mà.

Tui không phải là nhà dược học nên không dám có ý kiến dược liệu này. Nhưng tui nghĩ nó cũng chỉ là một trong các loại thuốc Nam từ rau cỏ mà ngày xưa tổ tiên ta thường dùng để chữa bệnh khi chưa có các lọi thuốc khoa học hơn, tiên tiến và hiệu nghiệm hơn. Nhưng từ chuyện đau gì cũng Xuyên Tâm Liên khiến cho tui và rất nhiều người cùng thời ám ảnh và nghi ngờ tác dụng chữa bệnh của nó. Có thể bây giờ máy móc, thiết bị sản xuất thuốc khá hơn, viên thuốc Xuyên Tâm Liên có thể nhìn hiện đại hơn nhưng trong đầu tui vẫn nghĩ đến những viên thuốc như cục cứt dê ngày trước.

Thôi các bố, con lạy các bố. Cứ nhớ thời kỳ đó là tui hãi lắm rồi. Cứ nhắc đến Xuyên Tâm Liên là tui nhớ đến cái viên màu xanh lá đậm, ép không chặt, nhìn bẩn bẩn như cứt dê với mùi thum thủm của một thời khủng khiếp. Giờ đây dược học nước nhà đã có một bước tiến được nhiều người công nhận. Đã có nhiều xí nghiệp dược từ Bắc chí Nam sản xuất được nhiều thứ thuốc có thể dùng thay thuốc ngoại nhập. Sao lại đem thuốc Xuyên Tám Liên ra làm chi nữa quý ông. Hay là các ông muốn tự hào lắm Việt Nam ơi bằng thuốc Xuyên Tâm Liên chữa được virus Vũ Hán! Để Việt Nam trở thành trung tâm điển hình trong việc chống dịch cho thế giới đến học tập. Sợ thật! Tui nể các ông thật!




9.7.2021
DODUYNGOC

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025