AN NINH QUỐC GIA, HÀNG RÀO, CHÚ NAI VÀ VƯỜN CẢI
CHÚ NAI VÀ VƯỜN CẢI
Tác giả: TRẦN TRUNG ĐẠO
Theo sách vở, hai chiến lược thường được áp dụng để bảo vệ một cơ chế: (1) bảo vệ ngay tại trung tâm và (2) bảo vệ từ xa.
Các chế độ độc tài thường bảo vệ ngay tại trung tâm vì nếu trung tâm vỡ,
toàn bộ cơ chế sẽ vỡ theo. Trong khi đó, các chế độ dân chủ thường bảo vệ từ xa
qua liên minh, hợp tác, gây ảnh hưởng v.v.. vì trung tâm thường ổn định hay cho
dù bất ổn cũng chỉ tạm thời nhờ nền tảng tư tưởng và hiến pháp.
Có rất nhiều biến cố, hành động tác động đến sự tan vỡ của đảng CS Liên
Xô nhưng hành động bỏ đảng của Boris Yeltsin ngày 12 tháng 7, 1990 là chỗ nứt
ngay tại trung tâm cơ chế dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ cơ chế chỉ hơn một năm
sau đó.
Tại Trung Cộng, Đặng Tiểu Bình “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện”
đã quyết định tàn sát không thương tiếc mấy ngàn người đa số là thanh niên,
sinh viên, học sinh buổi sáng ngày 4 tháng 6, 1989. Khi thực hiện hành động sát
nhân ác độc này họ Đặng cũng nhằm bảo vệ cơ chế ngay tại trung tâm.
Khác với LX và TC, Mỹ bảo vệ đất nước từ xa qua các mối quan hệ truyền
thống với Anh, Canada và hàng loạt các liên minh kinh tế, chính trị, quân sự
như NATO (1949), NAFTA (North American Free Trade Agreement, 1993), liên minh
phòng thủ với Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Do Thái, Ai Cập, Philippines,
Đài Loan v.v…
Trong Chiến Tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất Mỹ có 52 quốc gia đồng minh tin
cậy. Một nước Á Châu nhỏ xa xôi là Mông Cổ cũng đã gởi 4500 quân để chiến đấu
trong hàng ngũ Hoa Kỳ và NATO trong cả hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.
Hai năm trước, tôi dọn một khoảng đất nhỏ chừng chục mét vuông để trồng
rau cải cho vui. Buổi sáng cà phê xong, ra vườn nghêu ngao “Em có nhớ căn nhà
xưa, bên khu vườn cải ….”.
Tuổi thơ tôi đến trễ nên khi già vẫn còn chút thanh niên.
Để mấy cô chú động vật khỏi phá tôi dựng chung quanh khoảng đất một hàng
rào cao chừng một mét. Tuy nhiên khi rau cải vừa lên cao chừng được ngón tay,
các cô chú nai và chuột chũi (groundhog) đến dọn sạch. Các chú chuột chũi theo
các chỗ hở dưới hàng rào chui vào còn các chú nai chỉ cần nhướng đầu qua là ăn
dễ dàng. Không chỉ ăn rau mà các cô chú còn ăn hết lá non từ những cây đào,
táo, hoa nhiều loại quanh vườn. Sáng thức dậy nhìn khu vườn như vừa qua cơn bão
không khỏi đau lòng. Các cô chú không dám đụng tới hoa hồng vì các người đẹp
này có gai.
Mùa xuân năm nay, vợ chồng bàn có nên nâng hàng rào quanh khoảng đất lên
cao hai mét hay rào cả chiều ngang của vườn. Tôi nhớ đến chiến lược “bảo vệ từ
xa” của Mỹ nên thay vì nâng hàng rào quanh khoảng đất nhỏ lên cao tôi chọn làm
hàng rào kín theo chiều ngang khu vườn. Mỗi sáng ra vườn vẫn gặp nhiều cô chú
thỏ nhỏ đang gặm cỏ non. Không biết các cô chú đến bằng cách nào nhưng thỏ vô
hại và rất dễ thương nên tôi cũng xét thấy không cần phải điều tra. Hai bên ký
thỏa hiệp, thỏ chỉ được gặm cỏ non thôi và người để yên cho thỏ.
Khu vườn chỉ vài mét vuông nhưng tôi trồng gần hết những loại rau cần
thiết như cải ngọt, cải cay, xà lách, cà tím, rau lang, ớt, bí, bầu, đậu, cà
chua, khổ qua, dưa leo v.v… Các hoa màu tôi trồng giống như các mẫu trong phòng
thí nghiệm thực vật hơn là cây trái trồng để ăn. Luống rau lang, trồng để nhớ
mấy luống rau ở chùa Viên Giác, ngay cả được mùa cũng không đủ nấu một nồi canh
nhỏ cho hai vợ chồng ăn.
Dù sao, tôi cũng hãnh diện khoe với vợ “Năm nay mình sẽ không mua rau
cải ngoài tiệm nữa, kể cả bắp.” “Bắp của anh chắc đủ nấu cháo cho hai cháu
ngoại ăn một bữa.” Mẹ cô út cười ngất. Cu Huy và em cũng về phụ ông ngoại một
tay. Tuần rồi cu Huy trồng thêm mấy cây cà chua và Khải My hái những trái đậu
Hòa Lan đầu mùa. Nhìn hai anh em bóc những hạt đậu non ăn một cách ngon lành
nên hôm sau tôi lại ươm thêm một số đậu Hòa Lan nữa.
Số tôi là số sống nhờ của thập phương bá tánh nên những hoa quả do các
thầy bên chùa, chị Trí Tina Dam, anh
Hà và bạn bè cho thường tươi tốt hơn hoa tôi mua ở các tiệm Home Depot, Lowe’s
hay từ internet.
Chiều hôm kia ra vườn, một chú nai đang đứng ngó qua vườn. Tôi gọi mẹ cô
út ra xem. Chú nhìn sang vườn rau xanh ngắt với dáng điệu thèm thuồng. Tôi vào
lấy máy hình chụp vài tấm. Người bước tới khá gần mà nai vẫn đứng yên nhìn qua
vườn. Nhìn dáng đứng là biết trong lòng chú không vui. Hai bên nhìn nhau. Tôi
không xua đuổi. Thương chú nhiều hơn nhưng không biết phải làm sao.
Tôi nói thầm trong bụng như để phân trần với nai “Đi đi đừng trở lại
nữa. Bên kia rừng còn nhiều cây cỏ. Bươn chải mà sống. Tôi không làm hàng rào
các cô chú sẽ qua phá nát. Tôi tôn trọng các cô chú nhưng các cô chú cũng nên
tôn trọng tôi. Người hay nai cũng đều có một cuộc đời để sống và dù muốn hay
không chúng ta cũng phải sống cho qua hết cuộc đời này. Phải vậy không?”
Chú nai không trả lời chỉ lặng lẽ bỏ đi.
Trần Trung Đạo
Nhận xét
Đăng nhận xét