Tiến sĩ như con khỉ!

Tiến sĩ như con khỉ!

 

Mai Bá Kiếm

Số là, Quốc hội đang thảo luận Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Điều 6 ghi “Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”.

Có báo đưa tin với tiêu đề: “Sẽ có định nghĩa về người có tài năng”. Đọc tựa này, tôi tưởng là bài giới thiệu sách “tự điển” mới, ai dè nó chỉ đưa tin Bộ Nội Vụ sẽ định nghĩa về người có tài năng để làm căn cứ tuyển dụng “người hoạt động trong công vụ”!


Đối tượng của hai luật trên, là cán bộ, công chức, viên chức thì cứ viết thẳng “Chính sách đối với cán bộ, công và viên chức tài năng”? Mắc mớ gì “người có tài năng”, rồi còn “hoạt động trong công vụ”? Không lẽ hàm ý “người không có tài năng hoạt động trong tư vụ” sẽ không được hưởng chính sách này?

Nếu “Hoạt động trong công vụ” là hoạt động “hành chính công và hành chính sự nghiệp” thì cứ tuyển từ Học viện Hành chính Quốc gia (HVHCQG) Việt Nam và phân viện Huế, HVHCQG TPHCM là đủ chuyên môn, mắc mớ gì đi tìm tài năng?

Trước năm 1975, VNCH có Học viện Quốc gia Hành chánh (chữ Quốc gia có nghĩa tầm vóc, không phải chế độ – tỷ lệ chọi tuyển sinh ngang với Y khoa), sinh viên tốt nghiệp sẽ làm quận phó hành chính hoặc tỉnh phó hành chính (cao học), không cần tài năng lăn tăn gì!

Học Viện Quốc gia Hành chánh ở Sài Gòn. (minh họa: Wikipedia)


Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định câu này, mới đau như bò đá: “Căn cứ theo tiêu chuẩn cứng về trình độ đại học, lý luận chính trị thì cũng rất khó cho việc tinh giản biên chế, vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”.

Má ơi! Tiến sĩ kèm lý luận chính trị là “tiêu chuẩn cứng” mà suýt bị tinh giản, thì có tài năng gì? Hóa ra, tiến sĩ như con khỉ!

Do đó, chính sách ưu đãi tài năng phải ghi vào luật, không để các địa phương tự trải thảm đỏ, treo thưởng phá giá, giành giựt tiến sĩ về làm cán bộ phường!

Mấy hôm trước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà vào TPHCM, mắng Giám đốc Sở Nội vụ: “Quản lý không chặt chẽ biên chế, thậm chí ‘buông lỏng’ dẫn đến việc để dư hơn 5.700 biên chế công chức, viên chức, dù Thủ tướng có nghị quyết tinh giản biên chế năm năm trước”.

Bà Trà vẫn nhớ vụ Đỗ Cường Minh xử lý nhanh gọn trong việc tinh giản, qua việc sáp nhập hai chi cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm! Giờ bà phải vắt óc suy nghĩ định nghĩa “người có tài năng” làm căn cứ để tinh giản cán bộ phường nào có tiến sĩ và lý luận mà không có tài năng!

Để đỡ mất công, bà Trà nên tham khảo GS.TS François Gagné – nhà sinh thái học phân tử Canada. Ông không thể định nghĩa “người tài năng”, chỉ đưa ra năm tiêu chí để nhận ra họ:

1- Chất lượng: Kết quả công việc xuất sắc nhất so với đồng nghiệp cùng chuyên môn.

2- Năng suất: Cao nhất so với đồng nghiệp có cùng điều kiện hành nghề.

3- Hiếm có: Trong những người có cùng kỹ năng, chuyên môn.

4- Nổi trội: Kết quả công việc được đánh giá cao hơn cả.

5- Giá trị: Được xã hội chấp nhận thành tựu đó mang lại hữu ích cho cuộc sống.

Mai Bá Kiếm

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025