Đói Thì đầu gối cũng phải bò
Đói Thì đầu gối cũng phải bò
Tác giả: Cánh Dù Lộng Gió
Tất cả phải nằm lòng câu :"Lao động là vinh quang", "Lang thang là chết đói". Vì thế tôi và gia đình tự động lên vùng kinh tế mới làm ruộng rẫy, CS lúc đó phát động phong trào thi đua sản xuất, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm.
Là một Thương Phế Binh nên biết thân biết phận rúc trong xó rừng, trồng lúa rẫy và trồng khoai lang để cải thiện bữa ăn, thất thu vụ lúa rẫy, đánh luống trồng khoai, tuy lúc đó được mùa khoai nhưng khoai rẻ rề, phí công mà chẳng được mấy đồng, chuyển qua trồng thuốc lá để làm thuốc rê, trồng lá đã to như cái quạt mo nhưng thiếu nước đành bỏ hoang cho rụi dần.
Lúc đó ai mướn gì thì làm nấy, đào giếng mướn, bổ củi mướn, kể cả cưa gỗ về bán cho thợ mộc làm chân bàn ghế. Mệt mà cũng phải nhắm mắt làm để kiếm sống qua ngày. Vết thương đau khi trở Trời thì đã có xuyên lung tung (Xuyên Tâm Liên).
Người ta thường nói: "Đói ăn vụng, túng làm liều", xoay đủ thứ nghề vẫn đói hoàn đói quyết định đổi nghề đi buôn chuyến, ngày xưa đi buôn chuyến khó đón xe, từ Sài Gòn đi miền Tây xuống Sóc Trăng phải đón 2-3 lần xe mới tới nơi, tới chỗ thì cũng muộn rồi kiếm gì lót bụng qua loa rồi ra bến xe nằm nghỉ, sáng ra tính tiếp.
Một vài lần đi bị bắt hết vốn, vì lúc đó chỉ 5kg gạo là bị tịch thu, thịt 1kg trở lên cũng bị tịch thu, đánh liều dùng giấy giả nhái các phòng lương thực huyện trong vùng kinh tế mới xa miền Tây, công an lúc đó còn mới rất hai lúa nên không biết thật giả. Giấy phép chở lương thực được nhờ máy đánh chữ nhà hàng xóm, con dấu khi đó chỉ có hai vòng tròn ngoài và trong, nên kiếm 2 nắp thuốc vừa với các con dấu cơ quan nhà nước, bôi mực đỏ vào là in xuống giầy, khâu còn lại lấy bút máy bơm mực đỏ vào ngồi nắn nót cho giống với các phòng lương thực các huyện ở xa với lý do là xin mua ít lương thực đi vùng kinh tế mới khi chưa sản xuất được, lấy đại tên trưởng phòng lương thực huyện nào ghi đại vào cũng được vì công an miệt dưới chưa có liên lạc đường dây toàn quốc, tự mình đóng dấu, tự mình ký tên.
Bắt đầu buôn gạo trung bình là 50kg mỗi chuyến, lần đầu tới trạm công an tỉnh Cửu Long, tài xế phải vào trình giấy tờ người đi buôn chuyến, lúc đó sợ quá mặt tái xanh 2 cái sợ đi đôi với nhau, nếu phát hiện giấy tào lao thì bị nhốt lại liền, nếu nó tịch thu hết số gạo đó thì mo vốn. Sợ nhưng cố gắng giữ bình tĩnh, một lúc thấy tài xế đi ra khỏi trạm, lúc này còn hồi hộp hơn không biết kết quả ra sao, thấy tới nơi tài xế lên tiếng đi thôi, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm.
Được một thời gian sau chúng nó đổi con dấu khác khó hơn và tụi công an cũng bắt đầu có kinh nghiệm nên nghỉ luôn không dám đi tiếp, trở về đi làm cò hàng hải ngoại gởi về, ai lãnh được hàng Mỹ nếu quen thì mình đến coi hàng có những gì, sau đó đi chào các nơi bán cho người có hàng, cao hơn giá họ cho thì kiếm lời thêm còn bán xong cho họ thì họ cho một chút nào thì xào chút nấy.
Giờ này nghĩ đến đi buôn chuyến còn thấy sợ giống kiểu nhất chín nhì bù thua Nhảy Dù xay rượu trong sòng bài đen đỏ quá, đúng là chẳng cái gì bằng cái đói phải bò cho dù phải lết cũng phải làm để kiếm sống nuôi mấy miệng ăn ở nhà.
Cánh Dù Lộng Gió
Nhận xét
Đăng nhận xét