Người Êđê ở Đắc Lắc kêu cứu: CSVN bóc lột dã man hơn cả thực dân Pháp

Người Êđê ở Đắc Lắc kêu cứu:
CSVN bóc lột dã man hơn cả thực dân Pháp

Cuộc biểu tình của người Ê Đê bắt đầu từ ngày 18 Tháng năm, nhưng chính quyền vẫn im lặng
 


Hàng trăm người Êđê tuyệt vọng, đã tụ tập biểu tình ở các cơ quan công quyền của chế độ CSVN, mà hầu như không có nguồn yểm trợ hay tiếp sức nào từ bên ngoài, về một vụ cướp đất tàn nhẫn hơn cả chế độ thực dân bóc lột vào đầu thế kỷ 20. Từ ngày 18 tháng Năm đến nay, người dân ở buôn Lang, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc đã kêu gào tuyệt vọng với Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk, để đòi lại mảnh đất canh tác rộng khoảng 40 hecta, trong khi chính quyền cứ hứa hẹn hảo.

Video và hình ảnh ghi lại cuộc biểu tình trên được chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh này cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động cũng có mặt ở hiện trường và xảy ra va chạm với người dân. Đến ngày 28 Tháng Năm, người dân tiếp tục tổ chức biểu tình, căng biểu ngữ để yêu cầu phía công ty trả lại đất. Báo chí nhà nước đến nay không đưa tin tức gì về vụ việc.

Buôn Lang hiện có khoảng 250 hộ dân, tất cả đều là người thuộc sắc dân Êđê bản địa, và toàn bộ người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp. Người dân địa phương cho biết họ vốn dĩ đã canh tác trên mảnh đất này từ nhiều đời, tuy nhiên sau năm 1975 thì bị nhà nước lấy và giao cho doanh nghiệp Nông Trường Cà Phê Ea Pôk, sau đổi thành công ty Ea Pôk để trồng cây cà phê. Từ việc là chủ của khu đất, người dân bỗng dưng trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Một người Êđê giấu tên, kể rằng một ngày sau 1975, chính quyền đi kèm công an, đại diện cơ quan hành chính địa phương đến từng nhà, bắt khai số đất đang canh tác, và tuyên bố, từ nay đất không còn là của họ mà thuộc nhà nước quản lý. Một công ty của nhà nước được lập ra để kiểm soát và thu tô thuế người dân trong khu vực theo định kỳ tháng và năm. Tất cả việc cướp đất này được giấu dưới một cái tên mỹ miều là: Nhà nước hợp tác sản xuất cùng đồng bào thiểu số.

Gọi là hợp tác, nhưng chính quyền CSVN ở Đắc Lắc không bỏ ra bất kỳ thứ gì cả. Từ phân bón, nước tưới, công lao động… kể cả khi có tai nạn lao động thì những người nông dân Êđê này phải tự gánh chịu một mình. Không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ công ty đại diện lẫn chính quyền.

Ngược lại, từ năm 1983 đến nay, người dân cho biết họ được phía công ty cho phép canh tác trên mảnh đất được cho thuê, nhưng phải giao khoán sản lượng 18 tấn cà phê/1ha, hoặc đưa ra mức nộp sản lượng lên đến 80% mỗi vụ thu hoạch. Hầu như không ai có đủ sức đóng đủ mức tận thu này, nên nhiều người phải nợ lại năm sau, rồi lại nợ tiếp tục, khiến khốn khổ cứ chồng chất. Họ trở thành nô lệ lao động chính thức trên vùng đất tổ tiên của họ đã khai quang và dựng nên.

Cũng theo người dân, đến năm 2010 thì phía công ty cho người đến ra lệnh cho các nông dân Êđê phải nhổ cây cà phê, và trồng các cây hoa màu khác có giá trong thời vụ đó. Một người Êđê nói nhà nước cùng công an bắt họ cũng phải nộp sản lượng, hoặc đánh thuế lên đến 80% sản lượng mỗi vụ. Hành động này gây khó khăn cho nhiều gia đình chỉ quen trồng cây cà phê, phải mò mẫm trồng các loại cây khác theo yêu cầu như không có ai chỉ dẫn, không được hỗ trợ thuộc trừ sâu, phân bón, thậm chí cả cây giống.

“Người dân phải tự bỏ tiền ra, công ty không hỗ trợ một đồng nào, cũng không cho được một viên thuốc nào lúc người dân bị ốm” – Một người dân khác đang canh tác trên mảnh đất rộng 10.000 mét vuông cho hay.

Sự kiện bùng phát làn sóng phản đối của người Êđê tại buôn Lang, là do công ty lại đổi ý, muốn người dân dừng trồng hoa màu và chuyển sang trồng cây sầu riêng vì mặt hàng này đang có giá. Điều này như giọt nước tràn ly, vấp phải sự phản đối của người dân. Thế nhưng thay vì thảo luận với người dân, công ty này cho người đi cùng công an thường phục đi từng nơi, phá hủy hoa màu của người dân nhằm chuẩn bị đất để trồng sầu riêng. Chẳng đặng đừng, ngày 18 Tháng Năm người dân vừa đưa đơn lên chính quyền địa phương, vừa biểu tình phản đối.

Những người chứng kiến, nói chưa bao giờ họ thấy cách thu tô thuế của chế độ CSVN lại cao kinh sợ như vậy. Trong cuốn sách “Vấn đề dân cày”, hai tác giả Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đã viết: “Họ vớ được một số lời cao hơn với số lời của họ thườngcó trên thị trường thế giới”. Số lời cao đó, trong kinh tế chính trị học gọi là “thặng dư lợi nhuận thuộc địa”. Trong sách đó, Thuế gián thu (Công quản) áp dụng như với dân Ê Đê, chỉ cần bảo đảm số thu đến gần khoảng 70% tổng số lợi nhuận.

Nhiều cơ quan truyền thông tự do đã liên lạc với công an, ủy ban tỉnh Đắc Lắc, lẫn gọi vào số điện thoại của Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk, nhưng tất cả đều thoái thác việc trả lời.

Như Hồ



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209