Hai lần vượt biên bằng đường bộ (Tập 1)

Hai lần vượt biên bằng đường bộ (Tập 1)

Lộng Gió Cánh Dù

"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông" - Nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921).

Khó hay không thì không biết nhưng 2 lần quyết tâm làm cột đèn dời đi bằng đường bộ tìm tự do nhưng đều thất bại.

Một lần vào năm 1980 hai bên TQ và VN còn đang chửi nhau qua lại ra rả trên loa phát thanh chĩa qua nhau, nghe nói bên TQ dễ đi qua Hồng Công lắm nên tôi tìm cách qua Cao Bằng kiếm đường để đi qua, đến Ngân Sơn thì Trời tối đen như mực 2 bên là sườn núi đá vừa lạnh vừa đói vì lúc đó dọc đường quán xá chưa có ai mở vì đang thời bao cấp.

Lạ nước lạ cái tôi chui đại vào một vách đá như cái hang nhỏ nằm nghỉ cho đỡ mệt, sáng hôm sau tờ mờ sáng gặp một người dân tộc biết tiếng Kinh hỏi thì được biết ở đây buôn bán hàng TQ thật nhưng đường đi rất khó vì 2 bên còn đang muốn chiến tranh với nhau, tốt nhất mày nên tìm đường khác mà đi kẻo lỡ...

Nghe tới đó, tôi ra đường ngoắc đại xe chở hàng nào qua ngang để xin đi nhờ, nói đi nhờ chứ lên xe xong là có người đòi tiền xe ngay, mà cũng tốt vì có xe đi Hà Nội cũng được.

Lang thang quay về Hà Nội gặp ngay một bộ đội đang đón xe đi đâu còn chờ ở bến, tôi đánh bạo hỏi thăm và anh ta bảo muốn qua TQ thì theo anh lên Lạng Sơn anh sẽ chỉ đường cho qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan rồi qua bên TQ bằng đường tiểu ngạch.

Thấy có bạn đường chỉ vẽ, tôi liều theo anh lên xe ra Lạng Sơn, đi đường anh ta kể anh ta là bộ đội đặc công đã giải ngũ, quay lại đơn vị để làm thủ tục giấy tờ xin lãnh lương lần cuối, dọc đường ăn uống gì tôi cũng mời anh cùng ăn, cùng uống nên anh nhiệt tình chỉ vẽ đường đi nước bước cho tôi trà trộn vào đường mòn buôn lậu do đặc công của anh gỡ mìn bẫy thành con đường mòn cho dân buôn hàng lậu bên TQ về VN.

Ngủ nhờ qua đêm của người quen anh, sáng hôm sau, sáng sớm tờ mờ còn phủ sương trắng, anh đánh thức tôi dậy và nói dậy đi theo đám người buôn lậu và đám cửu vạn khuân vác đồ mướn qua TQ bằng đường mòn.

Rửa mặt xong tôi theo anh chỉ đường và đi theo đám buôn hàng lậu đi tắt bằng con đường tiểu ngạch tức là đường mòn qua TQ.

Hồi đó tuy hai bên còn đang hậm hực chửi nhau qua lại nhưng TQ họ không đá động gì đến dân thường nên những người buôn lậu qua mua hàng TQ kéo nhau dài cả cây số, vừa đi vừa nói chuyện rôm rả cũng vui.

Đến cửa khẩu lớn thì rẽ vào đường mòn đi lối sau cửa khẩu lớn, nếu có giấy tờ hộ chiếu thì đi cửa chính qua, còn không có thì đi đường mòn qua công an TQ có thấy cũng làm ngơ vì họ cho là biết nể họ nên không dám đi cửa chính mà đi cửa hậu (lối tắt).

Qua bên TQ thì Trời lại tối như mực, đã vậy còn lạnh dưới không độ cũng may mà trên đường thấy có bao diêm quẹt rơi nên nhặt nhét vô túi lỡ có chuyện còn dùng.

Vừa đói vừa lạnh hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, lại đi bộ cả ngày nên tôi kiếm hang đá bên đường, gom ít lá cây khô đốt đống sưởi cho ấm lại nghỉ ngơi lấy sức mai tính tiếp.

Sáng dậy thật sớm ngồi vệ đường đón xe vào trong huyện Bằng Tường, một tiếng TQ cũng không biết, lên xe chỉ biết mỗi từ Bằng Tường đưa tiền 10 nhân dân tệ lớn nhất hồi đó cho xe nó thối lại, đến Bằng Tường lang thang nhìn coi có ai là người Việt không, may mắn có một tiệm may người Việt, hỏi thăm họ và họ chỉ đường vẽ lối cho đi tới Xóm Chanh giáp với biên giới Hồng Công, đến đây thì chỉ biết nhìn Trời nhìn đất vì cái hàng rào biên giới giữa TQ và Hồng công như lưới B40, cao 14 mét, có gài điện cao thế, chỉ chừa cho 2 người công an TQ và cảnh sát Hồng Công đi tuần qua lại, còn dẫn chó săn theo sau nữa.

Hết cách đành quay về VN lại, lần này hiên ngang ra cửa khẩu chính, công an TQ chận lại nói tiếng Việt luôn phạt 10 nhân dân tệ vì qua cửa khẩu bất hợp pháp, đóng phạt xong công an TQ mời một điếu thuốc thơm rồi khuyên, lần sau qua thì xin giấy tờ qua lại khỏi bị phạt.

Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy rờn rợn, lúc đó còn sức trẻ không biết sợ là gì, một mình lủi thủi đi bộ trong đêm giữa hai vách núi, lỡ có gì không biết xoay trở ra sao, bây giờ có tuổi chắc không dám như vậy.

(Hết tập 1 Vượt biên bằng đường Bộ qua TQ, tập 2 tiếp tục sẽ nói về đi đường bộ qua Cambodia).

Cánh Dù Lộng Gió

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180