DIỀU HÂU & CÁ SẤU

DIỀU HÂU & CÁ SẤU


Henry Kissinger trong một sự kiện tại Berlin ngày 21 Tháng Một 2020 (ảnh: Adam Berry/Getty Images)
 

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin là điều rõ ràng như ban ngày, không một người có lương tri nào lại lên tiếng bênh vực kẻ thủ ác khi hàng chục ngàn xác chết của người dân Ukraine đang được mang ra chứng minh sự dã man của Putin. Putin như con cá sấu đói khát quyền lực đến điên loạn đã được một con diều hâu chuyên giết người bằng mánh khóe mang tên ngoại giao công khai lên tiếng bênh vực. Con diều hâu già nua ấy là Henry Kissinger, một khuôn mặt gặt hái sự nổi tiếng trên xác chết của nhiều lãnh tụ các quốc gia, lạm dụng quyền lực ngoại trưởng của nước Mỹ làm những điều chống lại quyền con người chỉ để gặt hái thứ quyền lực của kẻ mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 24 Tháng Năm, Kissinger, nay đã 98 tuổi, cho rằng việc thất bại trong tái khởi động đàm phán với Nga và tiếp tục gây phẫn nộ cho Moscow có thể mang tới những hậu quả thảm họa cho sự ổn định của châu Âu về dài hạn. Ukraine nên chấp nhận từ bỏ một bộ phận lãnh thổ của mình để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga, chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài ba tháng giữa hai nước.

Có thể người chưa biết Kissinger sẽ bất ngờ khi ông ta đi ngược lại với gần như cả thế giới để bênh vực Putin bằng thứ lập luận hù dọa sai trái, thứ lập luận của một chính khách xem thường mọi thứ nhằm đạt được quyền lực. Ông Kissinger lần này không mưu cầu quyền lực mà mục đích của ông ta là nhắm vào một thứ khác: Giữ vững một đối trọng với nền dân chủ Tây phương nhằm cân bằng vị thế của Putin, người “bạn” thân thiết mà Kissinger đã dắt tay nhau qua “Kissinger Associates” một loại bang hội mà Kissinger đang là chủ thớt.

Marcel H. Van Herpen khi nói về Putin và Kissinger đã viết rằng: Một đằng là cựu ngoại trưởng thời Nixon, thích nhìn thấy sự ổn định bất chấp sự tàn bạo của độc quyền chuyên chế hơn là tự do dân chủ vì cho rằng tự do dân chủ gây rối loạn, còn đằng kia là một anh gián điệp KGB, còn đang luyến tiếc thời vàng son làm mưa làm gió của Liên Xô, và hy vọng là bản thân mình có thể sửa đổi được cái mà ông ta nghĩ rằng “sai lầm của lịch sử” đã xóa bỏ đi sự kiểm soát cần thiết về mặt địa dư tại Âu châu.

Marcel H. Van Herpen cũng nhắc rằng trong cuốn On China, Kissinger viết: “Khái niệm dân chủ và nhân quyền của Tây Phương không thể nào thực thi y chang… trong một xã hội có một nền văn minh kéo dài cả ngàn năm theo nhân sinh quan khác hẳn Tây phương”. Quan niệm nhân quyền theo lý luận Cộng sản của Kissinger là hy vọng của điện Cẩm Linh (*)

Vậy Kissinger là ai mà trong tay đầy quyền lực như vậy?

Có lẽ người Việt trước 1975 không ai lại không từng nghe tới tên của Kissinger, bởi chính cái tên này đã khiến VNCH sụp đổ, gián tiếp dẫn dắt đội quân miền Bắc vào xâm chiếm miền Nam. Kissinger cùng với Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ, được trao giải Nobel Hòa bình vào ngày 10 Tháng Mười Hai 1973, vì công việc của họ trong việc đàm phán các lệnh ngừng bắn có trong Hiệp định Hòa bình Paris về “Chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.  Theo Irwin Abrams, giải thưởng này gây tranh cãi nhất cho đến nay. Lần đầu tiên trong lịch sử Giải Nobel Hòa bình, hai thành viên đã rời Ủy ban Nobel để phản đối.

Kissinger là nguyên nhân rất lớn gây sự căm thù người Mỹ gần như khắp các nước Hồi giáo lẫn các nước nhỏ yếu thế. Trong cuộc chiến Pakistan mà Hoa Kỳ ủng hộ, Kissinger đã chế nhạo những người “đổ máu” vì “người Bengal đang hấp hối” và chính y phớt lờ bức điện tín đầu tiên từ Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Đông Pakistan do Archer K. Blood gửi đi thông báo rằng các đồng minh của họ ở Tây Pakistan đang thực hiện “một cuộc diệt chủng có chọn lọc”. Trong bức điện tín thứ hai, từ “diệt chủng” một lần nữa được sử dụng để mô tả các sự kiện, và hơn nữa với sự giúp đỡ liên tục cho Tây Pakistan. Như một phản ứng trực tiếp với sự bất đồng chống lại chính sách của Hoa Kỳ, Kissinger đã chấm dứt nhiệm kỳ của Archer Blood với tư cách là tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Đông Pakistan và đưa ông vào làm việc tại Văn phòng Nhân sự của Bộ Ngoại giao.

Sự phớt lờ vô nhân đạo này phản ánh lối ngụy biện gian xảo của Kissinger trong phát biểu tại Davos đã miêu tả chân dung của “nhà ngoại giao” Kissinger đến từng centimet.

Hồ sơ “gian xảo” của Kissinger không ai có thể qua mặt. Kissinger đã tham dự trực tiếp hay gián tiếp vào những hoạt động có tính đảo chánh của các chính phủ các nước: Tháng Mười Hai 1975 ở Đông Timor, Tháng Hai 1976 ở Cuba, Tháng Chín 1976 tại Rhodesia, Tháng Sáu 1976 tại Argentina và quan trọng nhất liên quan đến Chile:

Vào Tháng Chín 1976, Orlando Letelier, một đối thủ của chế độ Pinochet bị ám sát ở Washington, D.C. bằng một quả bom. Vụ ám sát này là một phần của Chiến dịch Condor, một chương trình đàn áp chính trị bí mật và ám sát được thực hiện bởi các quốc gia Nam Mỹ mà Kissinger đã bị cáo buộc có liên quan.

Tại Hy Lạp, trong một ấn bản Tháng Tám 1974 của New York Times, đã tiết lộ rằng Kissinger và Bộ Ngoại giao đã được thông báo trước về cuộc đảo chính sắp xảy ra của chính quyền Hy Lạp ở Cyprus.”Kissinger không chỉ biết về cuộc đảo chính lật đổ Tổng Giám mục Makutions trước ngày 15 Tháng Bảy, ông còn khuyến khích điều đó”.

Ngày 1 Tháng Ba 1973, Kissinger tuyên bố: “Sự di cư của người Do Thái từ Liên Xô không phải là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ và nếu họ đưa người Do Thái vào phòng hơi ngạt, đó cũng không phải là mối quan tâm của người Mỹ”. Với tính cách như thế Kissinger được lòng các chính trị gia bảo thủ nhưng giới bảo vệ nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào đều cho rằng Kissinger là một kẻ mang dã tâm vào chính trị.

Đối với Trung Cộng, Kissinger là nguyên nhân khiến người Mỹ quên béng dã tâm của Bắc Kinh đối với nước Mỹ. Vào Tháng Chín 1989, John Fialka của Wall Street Journal tiết lộ rằng Kissinger muốn có lợi ích kinh tế trực tiếp trong quan hệ Mỹ-Trung vào Tháng Ba 1989 với việc thành lập China Ventures, Inc., một đối tác hạn chế của Delwar, mà ông là chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc điều hành.

Khoản đầu tư $75 triệu vào một liên doanh với phương tiện thương mại chính của chính phủ cộng sản lúc bấy giờ, Tập đoàn ủy thác và đầu tư quốc tế Trung Quốc (CITIC), Thành viên hội đồng quản trị là khách hàng lớn của Kissinger Associates. Kissinger bị chỉ trích vì ủng hộ việc đàn áp biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn của Đặng Tiểu Bình và ông ta phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Cộng.

Không thành công như những mờ ám trước đây, lần này Kissinger bị một chính trị gia non trẻ phản ứng gay gắt bằng chính quá khứ mờ ám của ông ta. Tổng thống Zelensky, người đang được cả thế giới nể vì đã đại diện cho Ukraine mai mỉa: “Bất kể nhà nước Nga làm gì, luôn có ai đó nói rằng: Hãy tính đến lợi ích của họ. Năm nay ở Davos điều đó đã được nghe thấy một lần nữa. Ví dụ, vẫn ở Davos, ông Kissinger xuất hiện từ quá khứ sâu thẳm và nói rằng một phần Ukraine nên được trao cho Nga. Vì vậy, không có sự xa cách giữa Nga với châu Âu”.

Zelensky nhắc lại vết chàm của Kissinger: “Có vẻ như lịch của Kissinger không phải năm 2022 mà là năm 1938, và ông ấy nghĩ rằng mình đang nói chuyện với khán giả không phải ở Davos, mà là ở Munich vào thời điểm đó”. Zelensky đề cập năm 1938 là ám chỉ thỏa thuận ở Munich năm đó của các cường quốc Tây Âu cho phép Adolf Hitler tuyên bố chủ quyền với Tiệp Khắc, với hy vọng thỏa mãn tham vọng của ông ta. Hitler sau đó xâm lược Ba Lan vào năm sau, phát động Thế chiến thứ hai.

Zelensky sau đó kể lại quá khứ Holocaust của cá nhân Kissinger: “Nhân tiện, vào năm 1938, khi gia đình ông Kissinger chạy trốn Đức Quốc xã, ông mới 15 tuổi và ông hiểu mọi thứ một cách hoàn hảo. Và sau đó không ai nghe từ ông ấy rằng cần phải thích nghi với Đức Quốc xã thay vì chạy trốn hoặc chiến đấu với chúng”.

Chính trị là môi trường kinh khủng. Nó có thể làm một con người thành vĩ đại nhưng cũng sẽ đạp xuống bùn nhơ một con diều hâu quen mùi máu tanh của con người.

(*) Marcel H. Van Herpen – Nguyễn Trọng Dân lược dịch

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209