Dòng nhạc vàng mang án tù bao nhiêu năm, sau 1975?
Dòng nhạc vàng mang án tù bao nhiêu năm, sau 1975?
Văn hóa miền Nam sau 1975 đã trải qua những đợt đốt, cấm, thậm chí bỏ tù các tác giả, nhưng nghĩ cũng thật kỳ lạ, nhạc sến, trải qua bao nhiều năm dù có khuất nhưng chưa bao giờ tắt.
Mỗi thành phố trên thế giới đều có một tên gọi riêng, ngoài tên gọi địa lý hành chính. Những tên gọi như vậy, thường có được qua năm tháng bởi tính cách, sản vật, văn hóa… rất đặc trưng của nó. Nhưng tên gọi thành phố cùng với âm nhạc thường không nhiều – vì không dễ có. Người ta thường nói đến Lousiana với nhạc jazz, Nashville với nhạc đồng quê, Paris với tình ca… và Sài Gòn, cũng thường được nói đến với nhạc sến, về sau được gọi chung là bolero hay nhạc vàng. Dù hơn nửa thế kỷ, nhà cầm quyền mới muốn đại diện âm nhạc của họ là một thứ gì đó, rất khác.
Tháng Năm 1975, chiến dịch bài trừ văn hóa miền Nam được phát động. Sách báo và băng đĩa ca nhạc bị lôi ra đường đốt, xé, đạp bỏ ở nơi công cộng như sự chứng minh về sự đồng lòng của người dân quyết diệt “văn hóa đồi trụy”, và thể hiện quyết tâm của Hà Nội. Án tù cho nhạc sến bắt đầu từ đó.
Ngày 27 Tháng Năm 1975, có một bài đăng trên báo Nhân Dân với đầu đề “Văn nghệ lai Mỹ, phản động và đồi bại” bình luận lo ngại về các bài ca miền Nam bị gọi là “quá ủy mị, ướt át, muốn nằm dài ra mà thở”. Bài báo này cũng khẳng định các bài hát miền Nam như vậy chỉ được viết nhờ bảo trợ của Mỹ “tung tiền đặt hàng”. Theo tuyên truyền của miền Bắc thì các bài hát này bị dân miền Nam tẩy chay. Bài báo viết: “Hiện nay, đồng bào miền Nam càng căm ghét thứ văn nghệ phản động, đồi bại theo kiểu Mỹ đang tràn ngập ở miền Nam bao nhiêu, càng nhớ, càng yêu những bài thơ, câu hò, điệu múa trong thời kỳ kháng chiến bấy nhiêu”.
Sau đó ít lâu, sách báo cũ thấy được lén lút bày bán trên các vỉa hè, và âm nhạc thì vẫn nho nhỏ vang lên ở các ngôi nhà. Người dân sợ súng AK, nhưng vẫn cần văn hóa. Không hiếm các trường hợp các bộ đội khi hồi hương đã giấu cầm theo máy cassette chiến lợi phẩm và một mớ băng ca nhạc vàng đang bị lên án mang về quê nhà để nghe, để khoe. Và từ đó, ít ai biết được, sức công phá của nền văn nghệ này đã nhẹ nhàng đi vào đời sống, lan rộng và bất khả hủy diệt trong lòng chế độ mới. Ông Vinh Phạm, nghiên cứu sinh tiến sỹ về Văn học đối chiếu tại Đại học Cornell, từng nhận định rằng sức mạnh của “Nhạc Vàng là một trong những phương tiện giữ cho ký ức của nền Cộng hòa sống mãi”.
Ở Việt Nam, nhạc sến, nhạc bolero, nhạc vàng… – bất luận tên gọi nào – nhưng là di sản của VNCH, quả thật đã trở thành vũ khí lợi hại: Gợi nhớ về một chế độ cũ êm đềm, cho thấy sự khác biệt và mô tả căn tính của những người lính miền Nam hiền lành, không hề sắt máu trong cuộc nội chiến.
Lan rộng và phổ biến cả nước, nhưng cũng kỳ lạ, nhạc sến là loại không dễ thâm nhập, đặc biệt với lớp nghệ sĩ xuất thân từ văn hóa tuyên truyền của miền Bắc. Bề ngoài của sến thì rất giản đơn – nhưng có thể cũng rất “bất thường”. Không ít người miền Nam sau này, nghe các ca sĩ mới danh tiếng ở miền Bắc trình bày nhạc sến, đã lắc đầu “nghe không vô”.
Để chứng tỏ sự “bao dung”, nhà cầm quyền Hà Nội cũng mở những cuộc hội thảo đặt tên, xét lại cho dòng nhạc này. Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo của nhà nước cho rằng từ “sến” bắt nguồn từ “sen” trong “con sen” – từ gốc Pháp vào những năm 1930-1940 dùng để chỉ cô giúp việc ở miền Bắc. Dĩ nhiên là ông ta nói theo tưởng tượng. Còn nhà văn Lê Đình Bích cho rằng đó là tên một trong hai cây đàn chủ lực trong trình diễn âm nhạc tài tử ở Tây Nam Bộ (cây kia là guitar phím lõm). Theo ông, có thể thuở xưa, khi nghe một bản đàn tài tử cải lương chơi bằng đàn sến (ảnh) thật hay, người nghe đã thốt lên: “Chơi thế này mới gọi là sến!”, và “sến” dần trở thành tính từ đồng nghĩa với mùi mẫn, đi vào lòng người. Thế nhưng đàn sến – là một loại nhạc cụ không phổ biến trong dân chúng, nên khó có thể trở thành tên phổ thông như vậy.
Có giai đoạn, bên cạnh cấm đoán, nhà cầm quyền sau 1975 còn tạo lý luận cho rằng nhạc sến là một sản phẩm của thời chiến tranh nên uỷ mị, chán chường, nên giờ không hợp thời, phải bỏ đi. Nhưng trên thực tế nhìn lại, cũng có rất nhiều sản phẩm thật sự sinh ra từ thời chiến tranh như nhạc tuyên truyền cách mạng của Hà Nội, không ai bỏ nhưng đã bị quên lãng hoàn toàn.
Nhạc “Bolero”, tên gọi một nhịp điệu khởi nguyên do vũ sư Sebastian Zerezo sáng tạo ra, thịnh hành tại Cádiz, Tây Ban Nha vào những năm 1780. Rất nhiều salon giải trí của giới quý tộc thời đó thích thú và yêu cầu thể loại này. Cuba là một trong những quốc gia phát triển mạnh nhịp điệu này cùng với các bộ gõ tay. Nhưng khi đến Việt Nam, bolero đã chuyển lại thành một kiểu cách khá riêng biệt, chậm rãi hơn và phù hợp cho ban nhạc nhỏ trình diễn. Điều đáng nói, nhịp (tempo) của bolero rất gần với nhịp câu 4 và câu 6 của vọng cổ. Mặc dù vẫn có những bài bolero nhịp nhanh hơn, sôi nổi nhưng loại bài hát chậm và thong thả vẫn luôn được khán giả ưa thích nhiều hơn.
Từ đầu thập niên 50, tân nhạc Việt Nam phát triển mạnh, đặc biệt là dòng bolero ở miền Nam. Theo nhiều dữ kiện lịch sử âm nhạc của miền Nam ghi lại, bài Duyên Quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, sáng tác năm 1955, là một trong những tác phẩm tân nhạc – được chơi theo kiểu bolero – khởi đầu cho dòng nhạc này. Có thể đã có nhiều bài bolero ra đời vào thời điểm đó, nhưng năm 1956 khi được in đĩa nhựa 33 vòng, bài Duyên Quê trở thành “hit” trong công chúng, và được ghi nhận như một trường hợp điển hình, đáng nhớ. Lối viết ca khúc gần gũi, pha trộn âm điệu dân nhạc Quảng Trị của người nhạc sĩ kỳ tài này cùng nội dung thôn quê đẹp đẽ đã khiến người Việt thời đó săn tìm và hát theo vào mỗi buổi chiều nghe đài phát thanh.
Cũng có những bài hát khác được tìm thấy sớm hơn, nhưng lại chỉ là văn bản và không được công chúng biết nhiều như bản Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, viết năm 1952.
Kể từ bài Duyên Quê, các bài hát bolero của các nhạc sĩ tài danh ở Sài Gòn cũng bùng phát, mở màn cho kỷ nguyên bolero miền Nam. Các bài hát như Trăng về thôn dã (Hoài An), Về miền Tây (Y Vân & Văn Thế Bảo), Sông núi miền Nam (Cô Hương Huyền Trinh), Tiếng Hai Đêm (Hoàng Nhân)… cũng được sự trợ giúp của các chương trình phát thanh gửi đi khắp nơi, tạo thành một không gian âm nhạc mới mẻ và hấp dẫn giới trẻ. Cũng cần nói thêm, bài Duyên Quê vào thời điểm đó thành công dài lâu đến mức năm 1972, danh hài Phi Thoàn gửi thư xin phép nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cho viết “chế” thêm lời hài hước trong các tiết mục trình diễn trên truyền hình của ông.
Lý do của sự thành công này, là do nền âm nhạc Việt Nam vẫn có nhiều nhạc sĩ viết theo nhạc pháp Tây học như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến… nhưng đa số khán giả vẫn thích những nội dung và nhạc ngữ khuynh hướng thuần Việt. Cũng từ việc nhìn thấy được cảm quan của khán giả mà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mở rộng hơn, cho ra mắt dòng đồng quê Việt Nam với các tác phẩm như Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi, Chuyện tình cô lái đò bến Hạ… mà sau này, thừa kế từ đó, ra đời dòng nhạc quê hương trữ tình hiện nay.
Theo những dữ liệu từ báo chí Sài Gòn cũ, chữ “sến” này bắt nguồn từ cách đọc nhại đi của nữ diễn viên phim tình yêu diễm lệ đầy tính drama, người Áo Maria Schell (tên đủ là Maria Margarethe Anna Schell, sinh năm 1926, chết năm 2005). Trong những ngày đầu màn ảnh chớp bóng xuất hiện ở Sài Gòn, các bộ phim của nữ diễn viên này – được coi như là những chuyện tình ướt át Quỳnh Dao của phương Tây – như Die Letzte Bruecke, As Long As You’re Near Me, The Magic Box…
Vào những ngày tháng mà thói xu thời Tây Phương, cũng như việc chạy theo trào lưu văn hóa thịnh hành khiến các ký giả có khuynh hướng bảo thủ chỉ trích, ký giả Tuấn Huy của tuần san Kịch Ảnh, vào thập niên 60 đã viết nhiều bài bình luận, nhại tên của nữ diễn viên này thành “Ma-ri Sến” để mô tả giới trẻ đang yêu thích nhạc bolero và chê bai các nội dung đầy nước mắt, u buồn của dòng nhạc này là “Sến”. Nhạc sến có thể được coi là khai sinh tên gọi bình dân từ đó.
Những năm 2000. từ khi Internet trở thành cuộc cách mạng, âm nhạc của miền Nam VNCH chính là cuộc nổi loạn đầu tiên, khi vượt rào kiểm duyệt của nhà nước cộng sản và tự do phổ biến trên các mạng xã hội. Nhạc vàng, bolero, nhạc sến… được giới thiệu như sự thách thức ngấm ngầm về việc phải tìm hiểu một nền văn hóa tự do. Thậm chí sự hồi sinh của dòng nhạc vàng còn là cơ hội tìm thấy nhiều giọng ca mới thừa kế di sản văn hóa của miền Nam, mặc dù họ lớn trên trong sự giáo dục của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Cuộc đánh vật triền miên và nhiều tình tiết bi hài giữa nhà nước cộng sản và dòng nhạc vàng chính thức kết thúc vào ngày 14 Tháng Mười Hai 2020, bằng nghị định 144/2020. Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa CSVN, nói “sẽ không còn quy định về việc cấp phép biểu diễn tác phẩm nữa”. Sau 46 năm dùng đủ loại quyền lực và nguồn lực để hủy diệt, Hà Nội đã mệt mỏi, chính thức rời sàn đấu, và đành chấp nhận để cho dòng nhạc “đồi trụy, ủy mị” của chế độ cũ tự do đi vào đời sống. Nhạc Vàng chính thức không còn thân phận tù đày sau 46 năm.
Nhận xét
Đăng nhận xét