Sài Gòn, bi kịch những ngày sau Tháng Tư, 1975
Sài Gòn, bi kịch những ngày sau Tháng Tư, 1975
Ngô Thế Vinh
Giới văn nghệ sĩ sau khi miền Nam sụp đổ: “Một nỗ lực hủy diệt một nền văn hóa đến tận gốc: trước lịch sử, ai phải nhận lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?” 29 Tháng Năm 1975, Sài Gòn.
Phần 1
1975 – Bùi Giáng và Dương Nghiễm Mậu:
Sau 30 tháng 4, 1975 các văn nghệ sĩ không đi thoát, hoặc chọn ở lại như Dương Nghiễm Mậu, nếu không phải đám nằm vùng thì ai cũng chờ cái ngày đi vào nhà giam, các trại tù cải tạo. Giữa những ngày căng thẳng và ảm đạm ấy, có một người vẫn nhởn nhơ, đi tìm thăm bạn bè văn nghệ cũ. Không ai khác hơn đó là nhà thơ Bùi Giáng Lá Hoa Cồn.
Trung niên thi sĩ lúc nào cũng gầy và già hơn tuổi, râu tóc xơ xác như
từ bao giờ. Giữa một Sài Gòn thảng thốt, không biết anh đã lượm ở đâu trên
đường mà có được bộ quân phục “ngụy” với quân hàm Đại tá, Bùi Giáng đem mặc
ngay vào người, chân thấp chân cao đi nghêu ngao như diễn binh trên hè phố. Có
lẽ đây là hình ảnh tuyệt đẹp cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, với một
tân binh tình nguyện gia nhập đạo quân đã hoàn toàn rã ngũ.
Rồi Bùi Giáng cũng tới được khu nhà thờ Ba Chuông, nơi có căn nhà Dương
Nghiễm Mậu. Bùi Giáng hồn nhiên đi sâu vào con hẻm chật chội ấy đã thấp thoáng
màu cờ đỏ. Anh vẫn tỉnh táo nhớ đúng nhà, tới đập cửa rầm rầm đòi vào thăm cho
được cố tri. Trầm tĩnh và bản lãnh như Nghiễm, mà trước tình huống ấy cũng vẫn
như gái ngồi phải cọc; được cái lúc ấy chòm xóm còn là thân quen, mạng lưới
công an chưa đủ dầy đặc để gây nỗi phiền hà. Ra khỏi nhà Dương Nghiễm Mậu,
không biết Bùi Giáng còn đi gõ cửa tới thăm những ai khác, hay anh lại ra nơi
đầu cầu Trương Minh Giảng như một người tỉnh táo đứng làm cảnh sát công lộ chỉ
đường “trên dòng luân lưu hỗn mang của lịch sử” và để rồi sau đó nếu anh không
bị đám “cách mạng 30” hay bọn công an đánh tả tơi sưng mặt mũi thì rồi cuối cùng
chắc anh cũng lại tìm về với “mẫu hậu” Kim Cương, ngồi trước cửa phóng bút làm
thơ tặng nàng.
1975 – Toà Soạn Bách Khoa và anh Lê Ngộ Châu:
Tuần lễ trước 30 tháng 4, 1975, nhân viên Đài Mẹ Việt Nam và những cây
viết cộng tác đã được Mỹ lên kế hoạch di tản khỏi Việt Nam – để tránh bị trả
thù. Trước ngày lên tàu ra đảo Phú Quốc, nhà văn Võ Phiến tới thăm toà soạn
Bách Khoa, nơi vùng “xôi đậu” có Võ Phiến Bắt Trẻ Đồng Xanh ngồi chung với Vũ
Hạnh Bút Máu; cũng là nơi mà Võ Phiến đã gắn bó suốt 18 năm cùng với tuổi thọ
của tờ báo. Anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa kể lại: Võ Phiến thì phải đi,
nhưng linh cảm không có ngày về, vẻ mặt buồn thảm, anh chỉ ngồi khóc lặng lẽ
không nói nổi lời giã từ và rồi đứng dậy bước ra khỏi toà soạn.
Trước một ngày mất Sài Gòn, thì hầu như toàn bộ nhân viên Đài Mẹ Việt
Nam trong đó có gia đình Võ Phiến Giã Từ, Lê Tất Điều Phá Núi, Viên Linh Hoá
Thân, Tuý Hồng Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Thanh Nam Bóng Nhỏ Đường Dài từ Phú Quốc
đã được đưa lên con tàu lớn Challenger đậu sẵn ngoài khơi. Khi bờ biển Phú Quốc
xa mờ trong tầm mắt, lần này thì Lê Tất Điều thấy Võ Phiến khóc. Cùng với những
con tàu thuộc Đệ Thất Hạm đội, họ lênh đênh trên Biển Đông trong cuộc hải trình
nhiều ngày để tới đảo Guam. Guam đã từng là căn cứ xuất phát của các đoàn phi
cơ B52 trong cuộc chiến tranh Việt Nam với những trận mưa bom trải thảm/ carpet
bombing có sức tàn phá của một cơn địa chấn. Đảo Guam chỉ rộng 550 km2 sau
tháng Tư 1975, là chặng dừng chân đầu tiên của hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn
trước khi vào đất Mỹ. Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa, Nghiêm Xuân Hồng Người Viễn
Khách Thứ 10, Mặc Đỗ Siu Cô Nương nhóm Quan Điểm cũng đi thoát và trước sau đặt
chân tới các trại tỵ nạn trên đất Mỹ.
Chưa đến một tuần lễ sau, ngày 5 tháng 5, 1975 một trong những cây viết
lâu năm của Bách Khoa, Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh đã tuẫn
tiết tại tư gia khi cộng sản hoàn toàn chiếm Miền Nam. Cái chết rất sớm và tức
tưởi của một tác giả có viễn kiến về lịch sử dân tộc, sức sáng tạo đang sung
mãn mới bước vào tuổi 43, đã như một hồi chuông báo tử cho bao nhiêu tang
thương diễn ra sau đó.
1975 – Chiến Dịch Đốt Sách:
Những ngày sau 30 tháng 4,1975, hai đứa con Vũ Hạnh trong bộ bà ba đen,
tay cuốn băng đỏ, tới toà báo Bách Khoa cũng là nơi cư ngụ của anh chị Lê Ngộ
Châu. Trước khách lạ, đứa con gái nói giọng hãnh tiến:
“Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả đêm qua đi kích tới sáng.”
Người dân lành nào vô phước đi lạc trên đường ruộng đêm đó có thể bị tụi
nó coi là “ngụy”.
Những tên nằm vùng cùng với đám “cách mạng 30” này chỉ như phó bản đám
Hồng vệ binh của Mao nhưng lại sau cả thập niên. Cũng chính những đám này là
thành phần kích động chủ lực trong chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hoá Mỹ
Ngụy, chúng dẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng chồng sách rồi tới cả tới
những kho sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề đọc, trong đó có cả
một tủ sách “Học Làm Người”. Sách của những “tên biệt kích văn nghệ” còn được
trưng bày trong tòa nhà triển lãm Tội ác Mỹ Ngụy cùng với vũ khí chiến tranh và
chuồng cọp, dĩ nhiên có sách của Dương Nghiễm Mậu, có cả cuốn Vòng Đai Xanh của
người viết.
Cảm khái với câu thơ Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh ký: văn chương vô
mệnh cũng tro than/ văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Hơn hai ngàn năm sau, chẳng ai quên chuyện “đốt sách chôn nho/ phần thư,
khanh nho” của Tần Thủy Hoàng, nhưng không biết chỉ 100 năm tới đây, các thế hệ
tương lai có ai còn giữ được “bộ nhớ” Đã Có Một Thời Như Thế – tên một bài viết
của Nhật Tiến, về giai đoạn người Cộng sản Việt Nam đốt sách giam tù cả một thế
hệ văn nghệ sĩ của Miền Nam?
1975 – Nhà hàng Givral và Phạm Xuân Ẩn:
Trước 1975, La Pagode, Brodard, Givral là nơi tôi, Phạm Đình Vy (chủ
nhiệm Tình Thương) và các bạn Y Khoa thỉnh thoảng có dịp lui tới kể cả khi đã
ra trường. Givral cũng là nơi thường gặp gỡ các nhà báo như Phạm Xuân Ẩn, Cao
Giao, Nguyễn Tú, Như Phong Lê Văn Tiến… Phạm Xuân Ẩn, là bạn đồng môn với nhà
văn Sơn Nam thời trung học Cần Thơ, Ẩn gốc người Nam dáng chân quê mộc mạc.
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn chỉ được biết tới như
phóng viên của Reuters, sau đó chuyển sang tuần báo Times, trụ sở trong
Continental Palace bên kia đường. Cũng không thể không nhắc tới khách sạn
Caravelle, gần toà nhà Quốc hội cũ, nơi tập trung đông đảo nhà báo ngoại quốc,
nơi đặt văn phòng của các hãng thông tấn và truyền hình Mỹ như ABC, NBC, CBS…
Cũng chính Morley Safer trong một buổi phát hình CBS Evening News ngày 5
tháng 8,1965, chiếu cảnh lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong cuộc hành quân xua
dân ra khỏi làng và sau đó bật quẹt Zippo đốt nhà của họ, những hình ấy đã làm
rúng động Tòa Nhà Trắng và cả nước Mỹ như một vết hằn sâu của một cuộc chiến
bắt đầu thất nhân tâm.
7 năm sau, Nick Ut phóng viên AP với bức hình “Napalm Girl” chụp trong
trận giao tranh Trảng Bàng Tây Ninh ngày 8 tháng 6,1972, cũng là thời điểm Quốc
Hội Mỹ dứt khoát cắt viện trợ quân sự cho Miền Nam.
Đội quân báo chí hùng hậu ấy, trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, có
khả năng điều kiện hóa dư luận với “những tin tức xấu từ một phía”, đủ làm nản
lòng dân Mỹ, cùng với đám GI’s đang cầm súng từ phía bên kia nửa vòng trái đất;
truyền thông Mỹ có phần công lao không nhỏ gián tiếp đưa tới mất Miền Nam Tự Do
và cũng là một thất trận đầu tiên trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Hoa
Kỳ. Và rồi, tất cả bọn họ cũng đã kịp tháo chạy trước khi Sài Gòn đổi chủ.
Và rồi mấy ngày đầu tháng 5,1975, Givral lại như điểm hẹn của những
người bạn còn kẹt lại, tới đó để biết ai ở ai đi và nghe ngóng tin tức. Từ
những chiếc bàn nhìn qua khung kính trong suốt ấy, tình cờ gặp lại Phạm Xuân
Ẩn. Ẩn cũng đã từng tới thăm tòa soạn báo sinh viên Y Khoa Tình Thương trên
đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nào. Vợ con Phạm Xuân Ẩn đã được tuần báo Times
cho di tản trước đó nhiều hôm, nhưng Ẩn thì ở lại. Với hơi chút ngạc nhiên và
vẻ quan tâm, Ẩn hỏi tôi:
“Vinh, tại sao toa không đi?”
Lúc đó chỉ như một câu hỏi xã giao, nhưng phải sau này, khi đã ở trong
vòng rào các trại tù cải tạo, tôi mới thấm thía vỡ lẽ được câu hỏi ấy của Phạm
Xuân Ẩn, nó đã như lời báo bão về những năm tháng tù đày từ một chính sách mà
Ẩn thì biết rất rõ. Trong vỏ bọc của một nhà báo làm cho tuần báo Times danh
tiếng của Mỹ, thực chất trước đó nhiều năm Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên chiến
lược đơn tuyến của Cộng sản Hà Nội. Sau này cũng chính Phạm Xuân Ẩn tâm sự với
Morley Safer chương trình 60 Minutes của CBS rằng khi Sài Gòn sụp đổ không dễ
gì để nói với đám “cách mạng 30” đeo súng AK lúc đó rằng, tôi là đại tá quân
đội của họ, không phải CIA. Có thể tôi bị tụi nó giết và cả con chó của tôi
cũng bị nướng sống. (Flashback, Vietnam Revisited 1989, The Spy in Winter).
1975 – Nhà báo Như Phong:
Chỉ sau cụ Hoàng Văn Chí Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, người hiểu rõ
cộng sản sau này không ai hơn nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến. Cô Thần cũng là
bút hiệu khác của Như Phong Khói Sóng trên nhật báo Tự Do, một chuyên mục viết
về cộng sản Miền Bắc. Hiểu cộng sản như vậy, với biết trước những tháng năm tù
đày, vậy mà anh vẫn chọn ở lại. Gặp lại anh tại nhà luật sư Mai Văn Lễ, trước
bệnh viện Sùng Chính trên đường Trần Hưng Đạo. Anh Mai Văn Lễ có một thời làm
Khoa trưởng Luật Khoa Huế thời Phật giáo Tranh đấu, bây giờ chỉ còn lại mình
anh, chị và hai con thì đã đi trước đó một tuần lễ.
Trưa ngày 30 tháng 4, ngay sau khi lệnh đầu hàng được phát đi, có thể
thấy từ mấy tầng lầu cao là một cơn mưa confetti, chỉ một màu trắng của những
mảnh vụn giấy tờ tùy thân của quân cán chính cần được xé hủy trước khi cộng
quân hoàn toàn kiểm soát Sài Gòn. Không kể những giày nón quân phục được cởi bỏ
vội vàng vứt tả tơi trên đường phố.
Là người đi trước thời cuộc, anh Như Phong tiên đoán đúng những gì sắp
diễn ra: chiến dịch đánh tư sản, kế hoạch đổi tiền cho mỗi hộ khẩu và rồi những
cuộn giấy bạc sau đó trở thành giẻ rách và rồi sẽ là quần đảo ngục tù /Gulag
Archipelago/ một tên sách của Solzhenitsyn. Dư tiền cũ thiên hạ đổ xô đi mua
vàng, đôla chợ đen không dễ gì có trong thời điểm này. Anh Như Phong thì chỉ
gợi ý mua những cuộn len quý nhồi trong các bộ nệm sa lông giống như ngoài Bắc,
sau này khi cần có thể gỡ dần ra bán để kiếm sống. Nói vậy thôi chứ thái độ của
cả mấy anh em vẫn là “chờ xem”.
Và rồi vang lên tiếng xích sắt nghiến trên mặt nhựa, nhìn qua khung cửa
là những chiếc tăng T54 treo cờ giải phóng hối hả chạy về phía trung tâm Sài
Gòn.
Phần 2
1980 – Cũng đừng tới thăm:
Ra tù ba năm sau, trở về một Sài Gòn đã đổi khác. Nếu còn chút gì thân
quen thì là mấy người bạn, không nhiều, còn ở lại. Anh ấy là một trong những cố
tri đầu tiên tôi nghĩ tới thăm. Là giáo sư đại học, anh tốt nghiệp ở Mỹ, trở về
Việt Nam từ cuối thập niên 1960, đầy lý tưởng, ôm mộng lớn về một cuộc cách
mạng xã hội – theo anh công bằng xã hội/ social justice/ phải là giải pháp rốt
ráo cho một cuộc chiến tranh bế tắc đang diễn ra khốc liệt giữa hai miền Bắc
Nam.
Tôi cũng đã từng gặp anh ở Mỹ và cả những năm sau này ở Việt Nam. Sự sụp
đổ mau chóng của Miền Nam với anh là cả một “giấc mộng lỡ”. Tuy không phải chịu
những năm tháng tù đày, nhưng cuộc sống gia đình anh, cũng như cả Miền Nam rõ
ràng là khó khăn. Từng bước, anh đã bán những bộ tự điển quý lúc đó rất có giá,
cho đám học giả đói sách từ Bắc vào mua; tiếp đến là đồ đạc tranh tượng, cuối
cùng còn lại là một tủ sách khoa-học-xã-hội đồ sộ mà anh đem từ Mỹ về thì nay
trở thành vô giá – no value, chỉ có thể đem cân ký bán lạt-son để làm bột giấy.
Vợ anh là cô giáo cũng phải ra giữa chốn chợ trời tần tảo kiếm sống. Anh thì
quá nhạy cảm để thấy nỗi đau và nhục.
Gặp lại anh, vẫn nét mặt trí thức và đôn hậu như ngày nào, nhưng trong ánh
mắt thì lộ rõ vẻ bất an. Thoáng nét vui mừng nhưng anh kịp kìm hãm, vừa nói vừa
canh chừng nhìn ra cửa: “Biết toa được ra trại thì mừng nhưng cũng xin toa đừng
tới thăm”.
Sự thẳng thắn rất trực tiếp của anh, thoáng như một gáo nước lạnh, nhưng
tôi cảm thông và vẫn rất thương anh.
Gia đình bên vợ anh ở Mỹ đang làm thủ tục bảo lãnh, nghĩ rằng việc có
liên hệ với lính ngụy với tù cải tạo có thể là cản trở cho cuộc hành trình hy
vọng của gia đình anh tới bến bờ tự do ấy. Anh phản ứng theo hoàn cảnh, không
chút phán đoán tôi vẫn dành cho anh sự kính trọng, và mai mốt đây nếu có ngày
gặp lại anh thì chắc chắn phải là trên một lục địa khác. Rất sớm trên toàn Miền
Nam đã bắt đầu có một mạng lưới tai mắt tổ dân phố và công an đủ để gây hoài
nghi và cả sự sợ hãi.
Ra khỏi nhà anh, có lại được niềm vui ấm lòng khi gặp người bạn tấm cám
Nghiêu Đề. Nghiêu Đề cho biết mới gặp Sao Trên Rừng đi xe gắn máy từ Đà Lạt
xuống, ngạc nhiên thấy Nguyễn Đức Sơn lần đầu tiên ăn vận đồ lớn complet
cravate, hỏi tại sao thì Sơn cười giọng khinh mạn:
“Có vậy mới khỏi lẫn với tụi nó”.
1980 – Trần Phong Giao ngoài chợ:
Trần Phong Giao dáng vạm vỡ, da sậm có vẻ công nhân lao động ngoài nắng
hơn là người làm việc chữ nghĩa văn phòng. Nổi tiếng là thư ký toà soạn báo Văn
trong 8 năm từ 1963 tới 1971, một tờ báo có vị trí đặc biệt trong sinh hoạt văn
học Miền Nam với phát hiện những cây bút mới và không ít sau này đã trở thành
những tên tuổi. Sau Văn, anh thử làm nhiều công việc khác cũng trong lãnh vực
báo chí, xuất bản, rồi thủ thư nhưng đã không để lại nhiều dấu ấn như ở Văn.
Không lâu sau 30 tháng 4, cả hai anh chị đã phải chạy chợ kiếm sống với
chiếc xe ba bánh, đậu trên đường Lê Thánh Tôn đứng bán từng bó củi, mấy nải
chuối hay những bó rau tươi để nuôi đàn con.
Ngày ra tù, tới thăm anh, vẫn ở trong con hẻm gần Cầu Kiệu, bên Tân
Định, anh gầy sút đi nhiều, hai chân đã rất yếu. Gia tài của anh đáng giá vỏn
vẹn còn một tủ sách, quý nhất là trọn bộ báo Văn đóng bìa da, một sự nghiệp của
Trần Phong Giao nhưng rồi anh cũng đã không giữ được và phải đem bán cho một
Việt kiều từ Mỹ về để có tiền chạy gạo và thuốc men. Trần Phong Giao mất trong
sự túng quẫn và bạo bệnh (2005), anh cũng bước qua được ngưỡng tuổi cổ lai hy.
1981 – Và những bữa cơm gia đình:
Ngôi nhà Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu) trong con hẻm với mặt tiền hẹp nhưng
khá sâu. Nghiễm mặc quần soóc, áo thun trắng, đôi mắt rất tinh anh lúc nào cũng
như mỉm cười, trông trẻ hơn tuổi của một người sinh năm 1936.
Tuy sống gần khu Chợ Cũ, sẵn những quán ăn vỉa hè và nhà hàng, rất tiện
cho nếp sống cơm hàng cháo chợ, nhưng thường sau một ngày làm việc, thay vì về
nhà tôi ghé nhà Nghiễm, được chị Trang vợ Nghiễm cho thêm chén thêm đũa với
những bữa ăn đạm bạc nhưng ngon miệng vì là bữa cơm hạnh phúc gia đình. Trong
tù, tôi và Nghiễm thì đã quen với những bữa ăn đói ngày đêm, ra ngoài tuy rau
đậu nhưng cũng là bữa tạm no. Người lớn thì không sao, nhưng với trẻ nhỏ đang
tuổi “mau ăn, chóng lớn” thì khẩu phần ấy phải xem là suy dinh dưỡng.
Nếu không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem
tới bày thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm
đó với hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít
nói. Hình như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng
đã hiểu nhau rồi. Chỉ có cô giáo Trang vợ Nghiễm sau một ngày dạy học mệt nhọc
nhưng lúc nào cũng có đôi chuyện vui từ trường đem về gia đình. Miền Nam tài
nguyên thì vẫn nguyên vẹn, nhưng đã có chính sách bần cùng hóa kiểm soát từng
bao tử của người dân qua khẩu phần và sổ lương thực của họ.
1982 – Dương Nghiễm Mậu và một Thanh Tâm Tuyền khác:
Đã gặp Thanh Tâm Tuyền ở những ngày 30 tháng Tư 1975 nơi một căn nhà nhỏ
bên Gia Định. Vợ Tâm lúc đó cũng vừa sinh đứa con trai út trong cảnh tán loạn
bệnh viện Nguyễn Văn Học. “Một Chủ Nhật Khác” cuốn tiểu thuyết cuối cùng của
“một thời để yêu một thời để chết” cũng vừa mới in xong, chưa kịp phát hành.
Ra tù 1982, gặp lại Thanh Tâm Tuyền của Bếp Lửa, bằng tuổi Dương Nghiễm
Mậu nhưng trông anh già hơn nhiều, da sậm đen, sắc diện của một người bị bệnh
sốt rét kinh niên. Khó có thể tưởng tượng với vóc dáng mảnh mai ấy anh sống sót
qua suốt bảy năm tù đày ngày nào cũng đói lạnh nơi những vùng sơn lam chướng
khí ấy ở các trại giam Miền Bắc. Bảy năm đốn tre trảy gỗ trên ngàn, bị tre nứa
đâm xuyên đùi không giải phẫu thuốc men nhưng anh vẫn sống sót, trong tù chống
rét anh tập hút thuốc lào, không giấy bút anh vẫn làm thơ qua trí nhớ nhưng là
những bài thơ trở về với các thể thơ truyền thống. Thơ ở Đâu Xa là tập thơ cuối
cùng làm trong tù TTT cho xuất bản ở bên Mỹ (1990).
Trong chỗ rất riêng tư, anh tâm sự: Thái Thanh bạn anh đã dứt khoát
không hát từ sau 1975. Khi biết Thanh Tâm Tuyền vừa ra tù đến thăm, cô ấy cầm
đàn và hát lại những bài thơ phổ nhạc của anh: Đêm màu hồng, Nửa hồn thương
đau, Lệ đá xanh… tuy ấm lòng gặp lại cố tri nhưng rồi anh đã không còn nguyên
vẹn cảm xúc để nghe lại những thanh âm ngày cũ. Anh đã nói không với những
người mới muốn gặp anh. Anh vẫn giữ thái độ đó khi sang định cư ở Mỹ. Sự khép
kín ấy khiến Mai Thảo đôi khi cũng phản ứng giận lẫy.
Rồi cũng có một buổi gặp gỡ cuối 1982, từ nhà Nghiễm có Doãn Quốc Sĩ,
Thanh Tâm Tuyền và tôi cùng đi bộ tới một quán cóc cũng trên đường Trương Minh
Giảng nơi gần đường xe lửa. Thức uống của Nghiễm bao giờ cũng là một chai bia.
Nhắc tới Tô Thuỳ Yên Trường Sa Hành thì vẫn còn ở trong tù. Rồi chẳng ai nhắc
tới nỗi khổ hiện tại mà câu chuyện lại xoay quanh những người bạn may mắn ở
phương xa.
Những người đi thoát trước 1975, vài tên tuổi được nhắc tới: Thanh Nam
Tuý Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Viên Linh… Nhưng rồi
tên Mai Thảo Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời vẫn như điểm hội tụ của những tin
tức. Anh là nhà văn duy nhất hiếm hoi thoát các vụ ruồng bắt của cộng sản trong
suốt hai năm sống lẩn lút ở Sài Gòn. Vẫn có nhiều người liều mạng che chở cho
anh. Trần Dạ Từ Tỏ Tình Trong Đêm cùng với rất nhiều nhà văn nhà báo thì đang
trong tù, Nhã Ca Giải Khăn Sô Cho Huế ra tù sớm phải cưu mang một đàn con nhỏ
nhưng cũng chính mấy mẹ con Nhã Ca đã bất chấp hệ lụy cất dấu bác Mai Thảo
trong nhà, một căn phố lầu trên góc đường Tự Do, đây cũng là chặng ẩn náu cuối
cùng của Mai Thảo cho đến khi anh vượt biển rất sớm thoát được tới đảo Pulau
Besar Mã Lai đầu tháng 12, 1977.
Hai năm sau Mai Thảo 1979, phải kể tới chuyến đi thừa sống thiếu chết
của 81 thuyền nhân trong số đó có Nhật Tiến Người Kéo Màn và thầy Từ Mẫn Lá
Bối, vợ chồng ký giả Dương Phục Vũ Thanh Thuỷ… và con tàu đã gặp nạn hải tặc
Thái Lan trên biển rồi trên đảo Kra, và cũng rất sớm qua ngòi bút của người chứng
Nhật Tiến đã ghi lại những thảm cảnh ấy và bắt đầu làm rúng động lương tâm thế
giới. Cũng khởi đầu cho phong trào Cứu Người Vượt Biển về sau này.
Sau lần gặp gỡ nơi nhà Nghiễm, Thanh Tâm Tuyền chuẩn bị đi Mỹ theo diện
HO, cho dù “tâm thái” – chữ của TTT, vẫn gắn bó với một quê hương mà anh không
muốn xa rời, riêng tác giả Ba Sinh Hương Lửa lại vào tù tổng cộng 14 năm trước
khi đi định cư 1995 và gặp lại Mai Thảo ở Quận Cam.
Trên đường đi, tôi không thể không có ý nghĩ nếu làm một con toán cộng
những năm tù đày của mỗi văn nghệ sĩ Miền Nam, con số ấy phải vượt trên nhiều
thế kỷ. Không phải chỉ có oan nghiệt giam cầm hủy hoại những thân xác, họ còn
giết chết sức sáng tạo của văn nghệ sĩ trong khoảng thời gian sung mãn nhất.
Một nỗ lực hủy diệt cả một nền văn hóa đến tận gốc: trước lịch sử, ai phải nhận
lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?
Ba mươi hai năm sau 1975, qua liên lạc vận động của nhà thơ Nguyễn Quốc
Thái, (cũng là người giới thiệu Phạm Duy đến với Công ty Phương Nam), nhà xuất
bản Phương Nam đã tái bản 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Đôi Mắt Trên
Trời, Cũng Đành, Nhan Sắc, Tiếng Sáo Người Em Út), và truyện dài Nguyệt Đồng
Xoài của Lê Xuyên. Ngay sau đó, Vũ Hạnh, tuổi đã ngoài 80, như một đao phủ đã
không nương tay viết bài đấu tố Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, và quy tội Công ty
Phương Nam.
Vũ Hạnh viết: “Sách của Dương Nghiễm Mậu thì nổi bật tính phản động tha
hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải
phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược, còn sách của Lê
Xuyên là tính đồi trụy.” Vũ Hạnh viết tiếp: “Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc,
phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy Công ty Phương Nam ấn hành sách của ông Dương
Nghiễm Mậu… Đem những vũ khí độc hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một
xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.” Và rồi cũng Vũ Hạnh kể lể: “Các tác
giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình
đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền nào.” (Sài Gòn Giải Phóng, 22/4/2007).
Tưởng cũng nên ghi nhận ở đây, trước 1975 đông đảo thế hệ văn nghệ sĩ
Miền Nam không thiếu lòng nhân ái đã hơn một lần cùng vận động ký tên yêu cầu
thả Vũ Hạnh. Vũ Hạnh cũng được Văn Bút Việt Nam che chở, và khi bị kết án tù
thì chính linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch Văn Bút đứng ra bảo lãnh, để rồi sau đó
Vũ Hạnh lại công khai ra ngoài họat động.
Sau 1975, nhiều nhà văn nhà báo miền Nam ấy đã chết rũ trong tù như Hiếu
Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn
Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường…
hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương. Nếu còn sống
sót, đều nhất loạt phải gác bút: Dương Nghiễm Mậu sống bằng nghề sơn mài, Lê
Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ ở đầu đường, Trần Lê Nguyễn tác giả kịch Bão Thời
Đại thì phải đứng sạp bán báo để độ nhật, Nguyễn Mộng Giác Đường Một Chiều làm
công nhân sản xuất mì sợi, Trần Hoài Thư Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi ba năm ở tù ra trở
thành Người Bán Cà Rem Dạo.
Nghiễm vốn tâm lành, nếu có ai nhắc đến chuyện Vũ Hạnh thì anh chỉ cười,
giọng vẫn bao dung, anh tin trên đời người tốt nhiều hơn kẻ xấu, kẻ xấu như vậy
rốt cuộc họ cũng tự thấy sai. Nghiễm có lạc quan quá không vì đã hơn 40 năm
chịu khổ ải do họ gây ra, nay đã tới tuổi gần đất xa trời mà sao họ vẫn “chưa
tự thấy sai” chưa hề biết sám hối. Một người bạn rất quen biết Vũ Hạnh nhận
định: sự hung hãn ấy chỉ như tấm bình phong – một thứ raison d’être, biện minh
cho sự hiện hữu của Vũ Hạnh còn như một người cộng sản.
“Ngày Xưa Vũ Hạnh” cộng sản nằm vùng vẫn được sống thênh thang, vẫn được
đối xử như một nhà văn (Lý Đợi, talawas 10.5.2007) “Ngày Nay Vũ Hạnh” bên thắng
cuộc – tên bộ sách của Huy Đức – thì vô cảm vênh váo, là tiếng nói hung hãn
nhất trong Hội đồng đánh giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia. Vẫn một
cliché, vẫn một khẩu hiệu tung hô không suy xuyển: “tác giả là gốc ngụy, nội dung
tác phẩm là nô dịch phản động đồi trụy”.
Vũ Hạnh xấp xỉ tuổi Võ Phiến, nay sắp bước vào cái tuổi 90 vẫn cứ nhân
danh “đảng ta, chèo lái con thuyền chở đạo” vẫn không ngừng truy đuổi cả những
thế hệ nhà văn trẻ nối tiếp có khuynh hướng tự do, điển hình qua bài viết phê
phán Nhã Thuyên và Nhóm Mở Miệng với hai cây bút nổi trội là Lý Đợi và Bùi Chát
(Thấy gì từ một luận văn sai lạc, Văn Nghệ 29/2013).
Có lẽ tấn thảm kịch của Vũ Hạnh cũng như những người cộng sản tha hóa
bước vào Thế Kỷ 21 là sự “ngụy tín/ mauvaise foi”, họ sống với hai bộ mặt, vẫn
không ngừng hô hào cổ võ cho điều mà họ không còn chút tin tưởng. Vũ Hạnh vẫn
không ngưng nặng lời chửi rủa Mỹ, nhưng rồi vẫn gửi con cái đi du học rồi
trưởng thành sống ở Mỹ; Vũ Hạnh vẫn được ra vào nước Mỹ như một con người tự
do.
Nhận xét
Đăng nhận xét