Lịch sử Tháng Tám, Tháng Chín năm 1945 phải được viết lại (Phần 1)

Lịch sử Tháng Tám, Tháng Chín năm 1945
phải được viết lại (Phần 1)



Phần I

Dẫn Nhập

Bắt đầu từ mùa Hè năm 1945, Thế Chiến Thứ Hai khởi động từ 1939 đi vào giai đoạn kết thúc. Tại Âu châu, nước Đức dần lâm thế bị động do cùng một lúc phải hứng chịu hai mặt giáp công. Cuộc tiến công từ hướng Tây gồm liên quân Hoa Kỳ, Anh, Pháp và đồng minh Tây Âu khởi sự từ lần đỗ bộ vĩ đại lên đất Pháp ở bãi biển Normandie vào ngày 6 Tháng Sáu của năm trước. Đồng thời Hồng quân Liên Xô sau khi kết thúc chiến tranh ở châu Âu với Đức đã xé bỏ Hiệp Ước Bất Tương Xâm ký với Nhật trước kia và tấn công đạo quân Quan Đông của nước nầy nhằm chiếm đóng vùng Mãn Châu ở Bắc Á.

Ngày 6 và 9 Tháng Tám Mỹ quyết định thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố kỹ nghệ Hiroshima và Nagasaki; thấy rõ không thể cứu vãn được tình thế, ngày 15 Tháng Tám, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Hậu quả của tình thế chung tác động trực tiếp đến các nước trong vùng Đông-Nam Á trong đó có Việt Nam. Và khi thế giới dần ra khỏi cơn ác mộng chiến tranh thì trên đất Việt lại bắt đầu dậy cơn lửa đạn với một lực lượng gọi là Mặt Trận Việt Minh do Đảng Cộng Sản Đông Dương làm hạt nhân tổ chức và chỉ đạo.

Ðây là một chặng đường lịch sử vô cùng quan trọng vì đã tạo nên những biến động quyết định liên quan trực tiếp đến vận mệnh của đất nước và dân tộc Việt. Dẫu chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi của hai tháng Tám và Chín năm 1945, tuy nhiên từ yêu cầu khách quan và sự thật của lịch sử đã đến lúc cần viết lại để giải thích hiện tình Việt Nam ở thế kỷ 21 nầy. 

Đại diện Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh trên chiến hạm Missouri ngày 2/9/1945

1.1-

Để hiểu rõ tình thế của Việt Nam vào những ngày Tháng Tám, 1945 chúng ta cần tìm hiểu Mặt Trận Việt Minh là gì, do ai lãnh đạo và lực lượng nầy đã đưa đất nước đi về đâu..? Câu trả lời đầu tiên cần nói rõ là: Mặt Trận Việt Minh là tổ chức chính trị bạo lực đã cướp chính quyền hợp pháp của Vua Bảo Đại tại Hà Nội vào những ngày Tháng Tám, 1945 cách đây đúng 77 năm.

Trước tiên cần nhắc lại những sự kiện chính trị liên quan đến tình thế Việt Nam. Do nhu cầu liên kết những nhà hoạt động cách mạng người Việt ở Trung Hoa trong thập niên 30-40 của thế kỷ trước với mục tiêu dành độc lập từ tay người Pháp, các ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần với sự giúp đỡ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa đã thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh Hội tại Nam Kinh vào tháng 1 năm 1936. Nhờ sự giới thiệu và uy tín của ông Hồ Học Lãm đối với nhà cầm quyền Trung Hoa Dân Quốc, vào gần cuối năm 1940 một số cán bộ cộng sản người Việt gồm Lâm Bá Kiệt được giới thiệu đến nhà cầm quyền Trung Hoa.

Lâm Bá Kiệt là bí danh của ông Phạm Văn Đồng là người sau nầy giữ chức thủ tướng của chế độ mới tại Hà Nội kể từ 1955. Thủ tướng Đồng cũng là người ký công hàm thuận nhượng Hoàng-Trường Sa cho Trung cộng từ 14 Tháng Chín, 1958 mà hậu quả di hại với thực trạng Biển Đông tại hôm nay. 

1.2-

Vào đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh từ Trung Hoa về nước đặt căn cứ ở hang Pắc Bó, Châu Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng để trực tiếp chỉ huy lực lượng cộng sản đang hoạt động ở ba nước Việt, Miên và Lào. Sau khi củng cố nội bộ, huấn luyện đảng viên, phát triển cơ sở, Nguyễn Ái Quốc tổ chức Hội nghị Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 vào Tháng 5 năm 1941 đưa Trường Chinh Đặng Xuân Khu lên làm Tổng bí thư đảng chuẩn bị cho lần cướp chính quyền vào Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. 

Ngày 19 Tháng Năm, 1941 Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh ra mắt công khai tại Cao Bằng (Lưu ý, thời điểm 19 Tháng 5 vào năm 1946 được xử dụng làm ngày sinh của HCM với một mục đích chính trị khác). Kể từ đó, những đảng viên cộng sản Việt Nam, nhân viên của Quốc tế Cộng sản Nga-Hoa, hoạt động ở Trung Hoa cũng như ở trong nước Việt Nam đều núp dưới danh xưng Việt Minh nên đã đánh lừa được giới quan sát viên quốc tế cũng như tại Việt Nam.

Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh mới gồm đa số là đảng viên cộng sản, nắm rõ được biến chuyển của tình hình thế giới nhờ thông tin của Đệ Tam Quốc tế Cộng Sản và của cả OSS (Office of Strategic Services) tức là tổ chức tình báo của Hoa Kỳ, tiền thân của CIA (Central Intelligence Agency) ngày nay. Cũng do Việt Minh đã hợp tác với và cung cấp tin tức cho OSS về những hoạt động của quân đội Nhật Bản ở Đông Dương.

Từ Tháng Tư năm 1945, ban lãnh đạo Việt Minh bắt đầu tổ chức Uỷ Ban Giải Phóng tại các vùng họ hoạt động, thống nhất các lực lượng võ trang thành Việt Nam Giải Phóng Quân đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Võ Nguyên Giáp, đồng thời thành lập các Uỷ ban Dân tộc Giải phóng từ Tháng Bảy của năm 1945 đầy biến động nầy. Vì vậy ngay khi Nhật đầu hàng Mỹ vào ngày 14 Tháng Tám năm 1945, trong lúc lãnh tụ các đảng phái quốc gia chưa trở tay kịp vì thiếu thông tin liên lạc quốc tế và thiếu chuẩn bị khởi nghĩa trong nước thì Việt Minh ra lệnh cướp chính quyền ở khắp các tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Vua Bảo Đại giữa các sĩ quan Pháp và quan lại triều đình, năm 1945

1.3-

Trở lại với Triều đình Huế với Vua Bảo Đại cùng lần thành hình của Đế Quốc Việt Nam. Đế Quốc Việt Nam là một chính thể chỉ tồn tại từ 11 Tháng Ba đến 23 Tháng Tám của năm 1945; tuy  nhiên chỉ trong 5 tháng ngắn ngủi nầy, Nội các của Hoàng Đế Bảo Đại đã thực hiện được một sự việc vô cùng quan trọng đối với lịch sử mà hôm nay cần nhận định lại để xét xem “Lý Chính Danh” thuộc về ai. Sự kiện quan trọng ấy là là lần Tuyên bố Độc lập và Thống nhất qua việc tái nhập xứ Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam trên danh nghĩa. Chúng ta hôm nay có bổn phận nói rõ về biến cố lịch sử vô cùng quan trọng nầy mà hầu như số đông nhiều thế hệ người Việt đã không biết đến.

Cần nhắc lại những sự kiện quan trọng xẩy ra trong những năm từ 1939 đến 1945 của Đệ Nhị Thế Chiến. Sau khi chính phủ Pháp ở Ba Lê đầu hàng quân Đức vào năm 1940 thì quân đội Pháp mất quyền kiểm soát Đông Dương và quyền này rơi vào tay người Nhật. Tuy nhiên người Nhật vẫn giữ lại những viên chức người Pháp và chỉ điều khiển sau hậu trường. Nhưng do yêu cầu của tình thế nên ngày 9 Tháng Ba, 1945, Nhật đổi chính sách và thực hiện cuộc đảo chính ở Việt Nam nhằm bắt giam các tướng lãnh và tước khí giới của quân đội Pháp. Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Matsumoto Shunichi giao cho đại diện Pháp là Đô đốc Jean Decoux tối hậu thư buộc người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật trên mọi phương diện.

Ở Huế, Đại úy Kanebo Noburu vào trình báo Vua Bảo Đại quyền lực của Pháp đã bị loại bỏ. Hiện thực tình thế nầy giới chức lãnh đạo Nhật ở Đông Dương thỏa thuận trao trả độc lập cho Việt Nam trên danh nghĩa. Hai ngày sau, 11 Tháng Ba vua Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki vào điện Kiến Trung để tuyên bố nước Việt Nam Độc Lập. Bản tuyên ngôn độc lập này có chữ ký của sáu vị thượng thư trong Cơ Mật Viện là cơ quan hành pháp tối cao của Vương triều Bảo Đại. Đấy là các Thượng thư Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính. Vua Bảo Đại công bố một chiếu chỉ đề ngày 27 Tháng Giêng ta tức năm thứ 20 niên hiệu Bảo Đại đến với Quốc Dân Việt Nam báo hiệu thời kỳ tự chủ, độc lập của đất nước. Nhà vua lên ngôi từ năm 1926 lúc mới 13 tuổi lúc còn đang du học ở Pháp.

1.4-

Nhắc lại những sự kiện quan yếu kể trên để hiểu rõ hơn nội dung và tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ bị người Pháp đô hộ kể từ năm 1884 trên toàn cõi nước Việt. Chiếu chỉ của Vua Bảo Đại có nội dung như sau: “Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: “Kể từ ngày hôm nay, Hòa Ước Bảo Hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia Độc lập.” Với Dụ số 1 ra Ngày 17 Tháng Ba nhà vua nêu khẩu hiệu “Dân Vi Quý” có nghĩa lấy Dân Làm Quý là phương châm trị nước.

Nhà sử học Trần Trọng Kim được bổ làm Nội các Tổng trưởng thời kỳ mới, giao nhiệm vụ thành lập nội các vào ngày 17 Tháng Tư. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập và ông Trần Trọng Kim trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của lịch sử dân chủ của quốc gia Việt Nam. Với tập hợp được những trí thức có danh tiếng lúc bấy giờ, thành phần nội các ra mắt quốc dân Ngày 19 Tháng Tư gồm các vị: Tổng trưởng Nội các hay Thủ tướng Giáo sư Sử học Trần Trọng Kim. Phó Tổng trưởng Nội các hay là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Luật sư Trần Văn Chương.

Ông Trần Văn Chương chính là thân phụ của Bà Ngô Đình Nhu, mà sau nầy ông giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ cho đến biến cố Phật Giáo năm 1963 xẩy ra ở trong nước. Bộ trưởng Nội vụ là Bác sĩ Trần Đình Nam là nhân vật sau nầy giữ nhiệm vụ Niên trưởng Giám sát Viện nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam (từ 1963 đến 1975). Bộ trưởng Tư pháp Luật sư Trịnh Đình Thảo sau năm 1960 giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tức là là tổ chức chính trị do nhà nước Hà Nội dựng nên từ 1960 để làm bình phong che giấu âm mưu lấn chiếm miền Nam của Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản…

Với những thành phần có thể gọi là ưu tú nhất của xã hội Việt Nam thời bấy giờ mà cũng là hôm nay… Tiếc thay Nội các của Thủ tướng Trần lại không có được bản lãnh mưu thuật chính trị để đối đầu với sách lược xảo trá cộng sản do Hồ Chính Minh chỉ đạo. Thế nên vận nước dần chuyển theo một tình thế nguy nan do mưu đồ cướp chính quyền bằng bạo lực qua những nguyên nhân và diễn tiến liên tục xẩy ra trong những ngày của Tháng Tám năm 1945.    

Thủ tướng Trần Trọng Kim
1.5-

Tháng Sáu năm 1945 Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim đặt Quốc hiệu là Đế Quốc Việt Nam; lấy Quốc ca là bài Đăng Đàn Cung; Quốc kỳ có “Nền Vàng Hình Chữ Nhật giữa có Hình Quẻ Ly gồm Ba Vạch Màu Đỏ thẫm”. Cần phải mở một dấu ngoặc ở đây để thấy rằng như thế Cờ Quẻ Ly của Đế Quốc Việt Nam đã là tiền thân của Quốc kỳ của Quốc Gia Việt Nam (1948-1955) và Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975). Đây là cờ biểu tượng chính thống xuất hiện trên toàn lãnh thổ việt Nam trước khi có lá cờ đỏ sao vàng của Chính phủ Lâm thời do Mặt Trận Việt Minh cướp được từ chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim theo một biến cố sẽ trình bày trong phần tiếp theo sau.

Cũng cần nói thêm để biết được rằng: Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sau nhiều vận động chính trị giữa cựu Hoàng Bảo Đại và những giới chức cao cấp của Pháp đã trở nên là một Biểu tượng Quốc gia chính thống cụ thể qua những biến cố sau đây: Ngày 7 Tháng Mười Hai năm 1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Cựu hoàng Bảo Đại và Pháp đã đàm phán và ký kết Hiệp Ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước nầy thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc Gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. Chính phủ quốc gia hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ làm Quốc Kỳ và bản “Thanh Niên Hành Khúc” với lời nhạc được sửa đổi làm quốc ca. Ngày 5 Tháng Sáu năm sau, 1948, Quốc Gia Việt Nam ký kết với Pháp một Hiệp ước Vịnh Hạ Long khác với nội dung Pháp công khai và trọng thể công nhận nền độc lập của Việt Nam.

1.6-

Cuối cùng, Tháng Một năm 1949, chính phủ Pháp thỏa thuận chấp nhận yêu cầu của Quốc trưởng Bảo Đại là miền đất Nam Kỳ phải trở lại với Quốc Gia Việt Nam. Ngày 8 Tháng Ba năm 1949 sau nhiều kỳ đàm phán, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã thuận ký kết Hiệp ước Elysée xác nhận nền độc lập của Việt Nam, chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại trước diễn trường chính trị thế giới. Điển hình cho sự xác nhận nầy là sự kiện liên quan đến vấn đề hôm nay:

Tại Hoà Hội San Francisco Tháng Chín năm 1951, trước sự hiện diện của 51 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện Quốc Gia Việt Nam là Thủ tướng Trần Văn Hữu đã đọc bản tuyên bố xác định chủ quyền đã có từ lâu đời của Quốc gia Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với những lời lẽ hàm xúc và chứng cớ lịch sử chính xác, Thủ tướng Hữu đã long trọng tuyên cáo trước công luận thế giới chủ quyền toàn diện và tuyệt đối của Quốc Gia Việt Nam đối với vùng quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Hoá ra trong trận chiến giữ nước lực lượng quốc gia dân tộc luôn là những người bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hơn hẳn phía cộng sản.

Nay chúng ta nhắc lại lời của Thủ tướng Trần Văn Hữu như một chứng cớ hùng hồn nhất để nói cùng Bắc Kinh và Hà Nội quyết tâm sắt son của người Việt quốc gia: “Thật là nghiêm trọng và cảm kích cho Việt Nam được đến San Francisco tham dự công việc của hội nghị hòa bình. Sở dĩ phái đoàn Việt Nam được hiện diện tại đây là nhờ các tử sĩ của nước Việt và lòng hy sinh vô bờ bến của dân tộc Việt Nam. Là một dân tộc đã chịu đựng biết bao đau khổ để được sống còn và giành sự trường tồn cho một nòi giống đã có hơn 4 ngàn năm lịch sử.”

Hội nghị San Francisco đã chính thức công nhận việc Quốc Gia Việt Nam khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

1.7-

Cho dù không đứng vững được bao lâu, nhưng Nội các Trần Trọng Kim đã cố gắng đặt nền móng xây dựng một thể chế độc lập và tự chủ đầu tiên không lệ thuộc người Pháp. Tuy không được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như thiếu rất nhiều về nhân sự và vật lực để điều hành một quốc gia vừa mới thành hình. Trong khi đó công tác đối ngoại thì phải cố gắng dung hòa giữa các thế lực quốc tế và chủ thuyết Đại Đông Á của Nhật, đối nội thì có nhiều phe phái muốn giành chính quyền, chính phủ mới vẫn đạt được một số điều kiện căn bản, nhóm lên nhiều hy vọng độc lập và tự chủ cho đất nước.

Trong những bước đầu tiên là Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Đình Thảo ra lệnh thả hàng ngàn tù nhân chính trị bị Pháp giam giữ từ trước trong đó có rất nhiều cán bộ cộng sản như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim còn thành lập Hội đồng Cải cách cai trị, tư pháp và tài chính gồm 16 nhân sĩ nổi danh được giao nhiệm vụ xúc tiến việc soạn thảo cơ cấu mới cho quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh giữ nhiệm vụ tổ chức Đội Thanh niên Tiền tuyến theo tinh thần quốc gia để huy động quốc dân giữ an ninh vì không có bộ quốc phòng. Bộ trưởng Phan Anh lại là một trong những nhân vật đầu tiên có mặt trong Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến với chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vào năm sau, 1946. Sau khi Việt Minh buộc Hoàng đế Bảo Đại thoái vị trong ngày 23 Tháng Tám, Đội Thanh niên Tiền tuyến dưới quyền lãnh đạo của Phan Anh đi theo hẳn cộng sản khởi đầu bi kịch Tháng Tám, và sự kiện Ngày 2 Tháng Chín, 1945 tại Hà Nội.

(Hết Phần 1)

Phan Nhật Nam

- Lịch sử Tháng Tám, Tháng Chín năm 1945 phải được viết lại (Phần 2)





Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025