ĐÔI LỜI THÂM TẠ

 


Đôi Lời Thâm Tạ


Mấy thập niên sau, sau khi Vietnam War đã vùi sâu vào ký ức – có hôm – một cư dân ở tiểu bang Philadelphia nhận được tin nhắn (ngăn ngắn) qua điện thoại:

Ông là Richard Hiebsch phải không? Tôi có một chút này để biếu ông, đó là những gì ông đã để lại ở Việt Nam". Hiebsch, 56 tuổi, gọi lại. Và rồi ông gặp bà Tracey Hansen, 36 tuổi, một nhân viên cứu hỏa ở San Jose, California, người đã về Việt Nam hai chuyến.

Trong chuyến đi gần đây nhất, bà đã ra Huế và dừng lại mua nước uống ở một điểm bán giải khát bên đường. Người đàn ông già bán hàng có một cái bàn nhỏ bày đầy những đồ trang sức rẻ tiền. Một cái bát bằng thủy tinh trên bàn có chứa cái gì đó khiến bà Tracey chú ý.

"Ðó là một bộ thẻ bài," Hiebsch nói: "Bà ấy cầm lên xem và thấy đó là của quân nhân Hoa Kỳ. Bộ thẻ bài ấy mang tên tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đã bỏ ra hai đô la để mua những tấm thẻ bài ấy". Một tuần lễ sau thì gói hàng đó đến. Bên trong có hai miếng kim loại khắc tên, số quân, loại máu và tôn giáo của người sở hữu.

Bà Tracey Hansen có viết kèm theo mấy chữ: "Tôi muốn nói lời cám ơn về sự phục vụ của anh và tất cả những gì anh đã hy sinh ở bên đó. Tôi rất lấy làm buồn và hối tiếc về cái cách mà người ta đã đối xử với các anh khi các anh trở về. Tôi quả tình là không thể nào hiểu nổi”. (Như Sao. “Những Tấm Thẻ Bài.” Tuần Báo Trẻ 18/06/ 2020).

Câu chuyện thượng dẫn tuy không có gì vui nhưng cũng không đến nỗi buồn (thê thiết) như những lời nhắn, vẫn thường đọc được trên những trang báo – hay trang mạng – của cộng đồng người Việt. Xin ghi lại dăm ba:

  • Năm 2014, một gia đình nông dân trong khi đào đất xây nhà đã phát hiện ra hài cốt của một người lính VNCH, địa điểm là dưới chân đèo An Khê khoảng 3 km thuộc tỉnh Bình Định. Gia đình này đã chôn cất lại hài cốt đó và giữ lại thông tin, gồm 2 thẻ bài quân nhân (dog tag), và một cái ví da nhưng đã mờ hết thông tin, chỉ còn lại thẻ bài quân nhân là rõ thông tin. Ai biết thì xin chỉ giúp để ông ấy được về doàn tụ với gia đình. NGUYEN NUOI SQ.57/219394. Email lien he: hoahuehoahong@gmail.com
  • Chiều Thứ Bảy, 21 Tháng Tư, chị Christine Tạ, một y tá, lái xe gần 40 phút đến tòa soạn Người Việt để nhờ đăng mẩu tin liên quan đến việc có người tìm thấy ba bộ hài cốt của ba người lính VNCH với ba thẻ bài ở bên Lào…

Một người quen, anh Phạm Văn Quý, là cố vấn của một công ty tư vấn về trồng trọt, nhân một chuyến công tác, thăm một nông trại ở Savanakhet, bên Lào, đã tình cờ biết được tin tức về ba bộ hài cốt, như sau:

Khi họ đào đất, phát hiện ba bộ hài cốt quấn bằng poncho, có thẻ bài. Có thể tử trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Lam Sơn 719. Có lẽ binh chủng dù. Chỉ là đoán. Giám đốc nông trại đã cho cải táng, làm mộ, làm miếu thờ:

1. Ngô Tâm hay Ngô Tam - Số quân: SQ 58/217455 Loại máu: LM O

2. Trương Lương hay Lượng - Số quân: SQ 57/208.815 Loại máu: LM A

3. Trương Văn Lễ hay Lề - Số quân: không đọc được. Đoán là: SQ 14/201701 Loại máu: LM A

Thân nhân có thể liên lạc anh Quý ở Việt Nam, điện thoại: 0988.747.064. Anh sẽ giúp liên lạc với nông trại bên Lào, để sớm đưa những người con lưu lạc về đất mẹ.

Hy vọng lòng mong mỏi của anh Quý, của chị Christine Tạ và người cậu sẽ được mọi người nhìn thấy và tiếp tục chia sẻ thông tin này đến với nhiều người để những người hiện còn ‘lạc lõng’ nơi đất khách có dịp đoàn tụ cùng gia đình, thân nhân vào một ngày không xa. (Ngọc Lan. “Những Bộ Hài Cốt Quân Nhân Quân Lực VNCH Hiện Còn Trên  Đất Lào.” Người Việt 25/04/ 2018).

  • Trong khi làm việc tại Đồn Điền Cao Su (KCN Dầu Giây ngày nay) Ba tôi tìm thấy một xác lính VNCH tên Lâm Quang. Thẻ bài bị đạn bắn thủng nên không còn số quân. Theo nguồn tìm hiểu từ các Hồi Ký của Đ/Tá VNCH Ngô Kỳ Dũng và Tác Giả Phạm Huấn v.v.. Những ngày cuối cùng của chế độ VNCH tại Dầu Giây có đại đội 2, tiểu đoàn 2 , trung đoàn 52, SĐ18BB , Chi Đoàn 3/5 Kị Binh, Địa Phương Quân và Tiểu đoàn Địa Phương Quân từ Định Quán về.

Các Cô, Chú, Anh, Chị từng có người thân từng đi lính cho các Đơn vị kể trên xin vui lòng cho Tôi gặp gỡ và xin một ít thông tin để tìm lại thân nhân cho người lính này. Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu rồi cùng là người Việt Nam nhưng trong hoàn cảnh đó lý tưởng khác nhau nên trở thành 2 chiến tuyến. Nghĩa tử là nghĩa tận. Đâu đó có gia đình đang mong chờ tìm thấy được cố nhân qua những ngày binh đao khói lửa. Từ một nấm đất xây cho Chú mồ yên Gia Đình con đã mãn nguyện lắm rồi. Lương tâm không còn áy náy.

Cám ơn Bác Vinh (Quận 2) , Ông Chỉnh (Q.Tân Phú), Bác Lâm (Hố Nai) và các cô chú khác đã nhiệt tình giúp đỡ để con có thể tìm hiểu thông tin trong nhiều tháng qua. (FB Hoàng Đức Tín September 5, 2020).

Hài cốt của tất cả các quân nhân vừa ghi đều đã được cải táng, lập mộ, và khói  nhang ấm áp. Kẻ đã khuất, chắc hẳn, cũng đều cảm thấy được yên ủi đôi phần. Thực là những câu chuyện ấm lòng. Cũng như bao nhiêu đồng đội khác, tôi chỉ là một người lính vô danh. Có khác chăng là tôi may mắn vẫn còn sống sót nên xin được nói lên đôi lời thâm tạ vì những nghĩa cử chí tình đã dành cho những chiến hữu vắn số của mình.

Dù cuộc chiến đã tàn gần nửa thế kỷ nhưng mãi cho đến giờ con số binh sĩ thương vong của bên thắng cuộc vẫn chưa được “giải mật.” Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi không ít xương cốt của binh sĩ (của cả hai bên) vẫn còn vương vãi khắp nơi nhưng không hề khiến cho những kẻ đang nắm giữ quyền bính có chút bận tâm nào cả. 


Riêng với những người lính được chôn cất ở Nghĩa Trang Biên Hòa  – trước 30 tháng 4 năm 1975 – mà ai cũng ngỡ là đã mồ yên mả đẹp thì hiện vẫn đang bị “quản lý” một cách chặt chẽ (và vô cùng khó hiểu) bởi … bên thắng cuộc – theo như lời than phiền của rất nhiều người: 

  • Việt Hùng: “Ðã 40 năm, nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa vẫn còn là một nơi nhạy cảm và là tâm điểm của người Việt khi nói về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Mặc dù nhà nước CSVN đã biến nơi này thành tên gọi Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, nhưng xem ra, còn lâu sự bình an thật sự mới đến với nơi này.”
  • Từ Đức Minh: “Người Cộng Sản không cần biết thế nào là nghĩa tử, nghĩa tận. Họ chủ động giáo dục cho đám con trẻ gọi mộ người lính Việt Nam Cộng Hòa là ‘mả ngụy’, ‘mả giặc’. Người ta canh tác rau trên mộ, tưới nước phân dơ bẩn, thả trâu bò lội giẫm đạp lên mộ. Khốn nạn hơn nữa , họ cho người đào giữa ngôi mộ và trồng lên đó những cây to…”
  • Ngô Thanh Tú: “Cứ mỗi bước chúng tôi đi đều phải chịu sự giám sát của ít nhất hai bảo vệ nơi này. Ánh mắt soi mói, những câu hỏi vô duyên, như: chụp hình để làm gì? Có động cơ gì không? làm chúng tôi vô cùng khó chịu. Người bạn đi cùng tôi nói, dường như cái chủ trương truy cùng giết tận còn được áp dụng cho cả người chết. Chế độ này ko chỉ trả thù người chết mà còn sợ họ đội mồ sống dậy nên kiểm soát rất chặt chẽ.”

Tuy bị “kiểm soát rất chặt chẽ” nhưng vẫn có người  “liều” đi tảo mộ hằng năm  (Ai liều tảo mộ chiều nay/Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn). Ông Lý Văn Lang (người vừa cùng con cháu và bè bạn ghé qua NTQĐBH vào ngày 3, tháng Giêng năm 2021) tâm sự:

“Tôi và mấy bạn già, con cháu đến làm những công việc trong nghĩa trang với tấm lòng tôn kính những người đã nằm xuống cho một vùng miền đất nước. Và tôi cũng thấy buồn, xót xa những nấm mồ hoang lạnh, u buồn, xác thân người xưa nằm dưới lòng đất, thiếu người nhang khói, chăm sóc… chúng tôi có những suy nghĩ giống nhau là còn khả năng, sức khoẻ làm được gì đó để các vị anh linh tử sĩ ấm áp và bớt đi sự điêu tàn, vong linh bớt tủi hờn vì những phần mộ nơi đây bất hạnh, không may.”

Một lần nữa xin thay mặt đồng đội cảm ơn ông Lý Văn Lang cũng như tất cả những ai đã “liều” tảo mộ cho những chiến hữu của  chúng tôi trong những năm qua.

Vô cùng trân trọng và kính mến.

Tưởng Năng Tiến
2/2021

 


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025