Biện-chứng-pháp: Nguồn gốc Á Đông của sự lập luận biện-chứng


 Biện-chứng-pháp: Nguồn gốc Á Đông của sự lập luận biện-chứng

Tác giả: GS BS Trần Ngọc Ninh

Giáo sư Trần Ngọc Ninh sinh năm 1923 là một nhà y khoa và nhà văn hoá người Việt, ông là Tổng trưởng Văn hoá Xã hội, đặc trách Giáo ‎dục trong nội các chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (1966-1967).

<0><0><0>

Biện chứng pháp, nói chung, là một cách suy luận tiền-khoa-học, bắt đầu trên những tính cách được công nhận, và một phần nào được chứng minh, của sự vật, để đi tìm cái thực chất của sự vật đó.

Ở thời thượng-cổ, thì Socrate, Plato, Lão Tử và Phật Thích Ca dùng những biện-chứng-pháp đặc thù của mỗi người để giác ngộ những người khác. Bên cạnh những vị sáng lập ra những tôn giáo và những triết lý cao cả nhất của loài người này, lại có một số người nữa, cũng là những bậc thông minh xuất chúng, nhưng có một chủ trương gì đó làm cho số đông nghi ngờ và xa lánh. Những người này cũng biện-chứng, và bị coi là ngụy biện; và vì nội dung của triết lý ngụy biện này không hợp với nhân đạo, nên những người này không được coi là những tôn sư của những tôn giáo mà thường được coi là “biện sĩ” giỏi về sự tranh luận nhiều khi ngụy biện. Đó là trường hợp của Zeno ở cổ Hi-Lạp; của Huệ Tử trong kinh Nam Hoa; của Hàn Phi Tử ở thời Chiến-quốc Trung-Hoa ; và đó cũng là trường hợp của Hegel và của Marx ở thế-kỷ thứ 19 bên nước Đức.

Nay ta tạm để những trường hợp của Zeno, Huệ Tử, Hegel v.v…sang một bên và chỉ chú trọng đến trường hợp của Marx mà thôi. Marx là một biện sĩ ngụy biện kỳ tài của thời Chiến-quốc hậu-Napoleon (Nã Phá Luân) tại Âu Châu.

Biện-chứng-pháp: nguồn gốc Á Đông của sự lập luận biện-chứng:

Với người Á Đông chúng ta thì thực sự cái khó chỉ ở một vấn đề danh từ. Biện-chứng-pháp theo Hegel và theo Marx là một cách nghĩ rất thường ở Đông-phương. Ta sẽ trình bầy vấn-đề một cách cũng rất thường như thế để ai nấy đều hiểu ngay.

Đầu tiên là ý nghĩ rằng chuyện gì trên đời này cũng có cái mà ta gọi là “lá mặt lá trái”, nghĩa là có hai diện đối nhau, mới trông vào thì tưởng rằng là phản nghịch nhau, nhưng cả hai là một , và là cái đó, người đó hay việc đó toàn bộ.

Lên cao hơn một bực nữa thì là cái tư-tưởng đồng nhất của triết lý Á Đông. Như ở Ấn Độ thì đạo cổ của Kinh Vệ Đà nói rằng khởi thủy trời đất là một khối tròn như quả trứng, rồi mới phân chia ra cái dưới cái trên đối nhau. Các Thần, lớp thứ nhất thẩy đều lưỡng phái, sau rồi thành nam và nữ khác nhau, với những tượng hình khác nhau. Ở Trung-Hoa thì Lão Tử dạy trong Kinh Đạo Đức rằng “một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”. Cái “một” là cái nguyên thủy, tức là Đạo. Trong cái nguyên thủy không hướng, không tên này, xuất hiện ra cái “hai” là hai cực đối nhau nhưng không rời nhau, gọi là Âm và Dương“Âm cõng Dương, Dương bồng Âm”, là một câu được truyền tụng rất nhiều và trích từ Kinh Đạo Đức của Lão Tử. Cái “ba” là cái tổng hợp hai cái nguyên lý đối nhau ở trên, tức là vạn vật, vạn sự: luôn luôn và ở mỗi vật, mỗi sự đều có âm và dương, và chính là sự vận chuyển của âm và dương làm ra thế gian và lịch-sử, càng ngày càng xa Đạo. Tư tưởng trong Kinh Dịch cũng bắt đầu từ sự đối lập giữa Càn và Khôn mà ta có thể gọi là cái thuần dương và cái thuần âm, tuy trong Kinh Dịch không dùng hai danh từ này. Tất cả mọi sự trên đời đều có thể quan niệm trong tính cách và trong sự biến chuyển, như được hình dung bởi sự ghép hợp của hai nguyên lý tương đối là – (dương) và – (âm) được gọi là “cơ” tức là cái động lực của lịch-sử và cái bản chất có biến đổi tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ.

Đạo Phật cũng có một biện-chứng. Khi Phật Như Lai nói rằng: có hai con đường, một con đường xa hoa và quá nhiều, và một con đường khổ tu, quá thiếu; cả hai con đường đều không dẫn đến sự giác ngộ; Như Lai đã qua hai con đường đó và Như Lai đã từ bỏ hai con đường đó để đi con đường ở giữa, đi ở Trung Đạo, Như Lai đã trở thành Giác Ngộ, Chánh Đẳng, Chánh Giác…thì đó là biện-chứng trong sự tìm ý nghĩa của sự sống. Sau đó, Nagarjuna đại-sư giảng về thuyết của Trung-quán, là một sách luận qui mô đầu tiên về tư-tưởng Phật Giáo Đại Thừa, mà nay ta có thể dùng Biện Chứng để chỉ được. Đạo Phật Đại Thừa thuyết một câu Sắc – Không mà ta dịch là có có không không: đó là thu tất cả biện chứng trong một công thức ngắn.

Ở Việt-Nam ta, tư-tưởng biện-chứng ở trong đời sống và trong tục ngữ phong dao, đã thành ra một nếp nghĩ gần như tự nhiên của dân-tộc. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng ảnh hưởng vào cái tư-tưởng ấy rất đậm, với quan niệm mở đầu rất yếm thế, là:

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau…

Tức thị là:

Chữ tài cùng với chữ tai một vần…

Đó là đề và phản đề, trong cái này có chứa cái kia, hai cái phản nghịch nhau nhưng gắn bó với nhau trong cái phận của một người. Cái mâu-thuẫn nội tại ấy không thể sửa được bằng sử dụng cái tài của mình để tránh cái mệnh bạc, và làm như thế thì chỉ càng buộc mình vào sự oan khổ:

Càng khôn ngoan lắm,càng oan trái nhiều…

Nhưng một tổng đề đã dần dần thành hình qua những “đau khổ lưu li” của đời người, và được nói ra trong đoạn kết:

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Biện-chứng-pháp đối với người Việt-Nam quả là không xa lạ, nhất là biện-chứng-pháp của Hegel cũng gần như ông Bourdan trong hài kịch “Trưởng Giả Học Làm Sang” của Molière, đã làm văn xuôi: cả đời nói văn xuôi mà không biết rằng đó là “văn xuôi”. Vì vậy cho nên ở trên ta nói rằng, đối với người Việt-Nam, biện-chứng-pháp chỉ khó là vì cái danh từ quỷ quái đó; chứ còn ta biện-chứng đã từ lâu rồi.

Cao Đài là biện-chứng-pháp, bắt nguồn từ sự xung khắc giữa đạo Phật với đạo Khổng, và giữa hai đạo cổ truyền này với đạo Thiên Chúa, từ La Mã qua Pháp và Y Pha Nho đưa tới.

Đạo Thiên Chúa Việt-Nam thờ phụng Ông Bà Tổ Tiên, cũng là biện-chứng.

Đạo Phật, có kinh Vu Lan là một quá trình biện-chứng còn sớm hơn nữa.

Chỉ có điều là ta chưa từng dùng đến danh từ “biện-chứng”, trước khi chủ-nghĩa Mác-xít được truyền ở nước ta.

Tại sao có sự kiện lạ lùng như vậy?

Tại lý do rất giản dị là: biện-chứng-pháp có tính cách một lý luận tiền-khoa-học.

Trước hết, ta thấy ngay rằng biện-chứng-pháp đã được Hegel trình bầy và sử dụng. Và Hegel thì là một đại triết gia chứ không phải là một nhà khoa-học. Marx theo phương-pháp của Hegel là vì cũng không có một phương-pháp nào khác của riêng mình. Giả sử như Marx mà biết Kinh Dịch, đọc được Lão Tử Đạo Đức Kinh, hoặc có nghiên cứu phép biện-chứng của Đạo Phật, thì chắc ông sẽ không nhận là mình theo Hegel nữa, vì biện-chứng-pháp của Hegel cũng chưa gột bỏ được hết tính cách cơ giới của “đề” và “phản đề” coi như những lực, và biện-chứng-pháp của Đông Phương phức tạp, tinh vi hơn nhiều. Nhưng, ngay cả trong trường hợp này, thì biện-chứng cũng vẫn không phải là khoa-học, và chỉ là xây dựng theo một đường lối vạch sẵn mà thôi.

Phương-pháp biện-chứng của Hegel và của Marx chưa hình thức hóa được, và vì thế lại càng xa sự công thức hóa mà khoa-học coi là thiết yếu. Do đó, phép biện-chứng cho phép muốn chứng minh cái gì cũng biện ra được hết.

Lão Tử biện-chứng của Hegel và của Marx chưa hình thức hóa được, và vì thế lại càng xa sự công thức hóa mà khoa-học coi là thiết yếu. Do đó, phép biện-chứng cho phép muốn chứng minh cái gì cũng biện ra được hết.

Lão Tử biện-chứng thì đi đến thuyết vô-vi, nghĩa là không làm gì cả. Hegel biện-chứng thì chủ trương rằng tất cả lịch-sử loài người là để thực hiện sự tự do. Marx biện-chứng thì cho rằng bước  đường sắp tới của lịch-sử, bắt buộc là phải “tiến” đến chế độ cộng-sản, qua sự chuyên chính độc tài của giai cấp và đảng vô sản. Cụ Nguyễn Du của dân-tộc Việt-Nam, vì trót sinh ra ở thời “tiền sử” và tin ở đạo Phật, nên biện-chứng ra một chữ “tâm” để giải quyết bằng một tổng đề cái mâu thuẫn giữa chữ “tài” và chữ “mệnh”. Nhưng nếu cụ mà sinh ra ở nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam thì Truyện Kiều chắc chắn là phải khác: các mâu-thuẫn trên sẽ được giải quyết bằng cách đưa cô Kiều vào đảng, rồi dùng cái tài của mình để làm ra cái mệnh của mình. Không bẻ lái cho sự biện-chứng đi theo đúng đường lối thì lọt sao cho nổi chin tầng kiểm duyệt mà Nhà-nước và Đảng đạt ra? 

GS BS TRẦN NGỌC NINH 

(Phần trích lục từ quyển LÀM GÌ - 1979) 

Ngày post 25/2/2021 - Thiện Ý Bolsa 

 

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025