BÁC VÀ "BÁC"

 


BÁC VÀ "BÁC"

Dư luận xôn xao về cái tờ trình xin kinh phí chống cúm Tàu, nhưng lại là mua heo quay và lễ vật thờ cúng. Mỗi người nói về một khía cạnh, tôi không muốn nhắc lại. Tôi chỉ nói đến cách làm việc của các công chức, viên chức nhà nước.

Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình, rằng chúng ta không được phép đưa một sản phẩm hỏng ra cho khách hàng. Chúng tôi lập ra các cơ chế kiểm soát, để giảm thiểu tối đa các sai sót trong các văn bản, hoặc tài liệu giao cho người bệnh.

Tôi hiểu là việc soạn thảo văn bản xin kinh phí cúng nghĩa trang của huyện Chư Sê được copy từ văn bản xin kinh phí phòng chống dịch cúm Tàu, và sửa lại các thành phần trong đó. Thực ra, đây là việc làm bình thường của những người có trách nhiệm soạn thảo văn bản, vì nó giảm được khá nhiều công viết, trình bày những cái thuộc về thủ tục. 

Tuy nhiên, nếu người làm việc có trách nhiệm sẽ phải rà soát lại tất cả các mục trước khi trình kí, và người kí cũng phải nhìn xem mình đang kí cái gì. Đằng này, cả người soạn thảo lẫn người kí đều không thèm nhìn đến những điều đó, cứ thế mà kí, cứ thế mà gởi. Tất nhiên, đây là công văn trong hệ thống đảng và chính quyền, sẽ chẳng có ai chịu thiệt thòi ở đây cả, nên việc truy cứu trách nhiệm có hay không cũng không quan trọng lắm.

Nhưng còn những văn bản mà sai sót ảnh hưởng đến người dân, trên thực tế đầy rẫy, thì ai là người chịu thiệt hại, và ai là người chịu trách nhiệm về những thiệt hại đó? Cơ chế quản lí nhà nước của chúng ta đổ hết những trách nhiệm và thiệt hại đó về cho người dân lãnh chịu.

Ví dụ như việc đổi CMND thành Căn cước công dân. Các công chức của chúng ta, không hiểu là do ngu hay do dốt, mà không có dòng nào về số CMND cũ. Đến khi phát hiện thì bảo không sửa được, và cấp cho người dân một tờ giấy A4 xác nhận. Chẳng ai phải chịu trách nhiệm, chỉ có người dân phải mang theo kè kè cái giấy chứng nhận, và trả tiền cho việc cấp cái giấy chứng nhận đó.

Cha của cháu tôi mất khi cháu tôi 20 tuổi. Hộ khẩu nhà cháu có 3 người, cha cháu, bà nội cháu (lúc ấy đã trên 90 tuổi), và cháu. Sau khi cha cháu mất, bà nội cháu quyết định chuyển hộ khẩu đến nhà bác cháu. Nhưng công an không cho bà chuyển đi, vì lí do cháu không được phép đứng tên chủ hộ. 

Chẳng biết qui định đó từ đâu ra, nhưng biết chắc là chỉ có "Bác" mới hóa giải được cái qui định đó. Vậy là cạy cục tìm đường dây và chung chi khá nhiều "Bác". Cuối cùng bà của cháu tôi được phép chuyển hộ khẩu đi, cháu tôi được phép làm chủ hộ của một mình mình. Nhưng khi nhận về cuốn sổ hộ khẩu thì tá hỏa, tên cháu bị viết sai.

Thế là lại một vòng gian truân, cứ như đó là sai sót tày trời của cháu. Khốn nạn nhất là chính kẻ làm sai, cũng là kẻ cầm tiền, lại quát nạt và nhục mạ cháu tôi. Nhưng họ có quyền. Cả một hệ thống toa rập với nhau để hành hạ người dân, ngay cả khi cái sai là do chúng gây ra. Vậy là một lần nữa, "Bác" lại phải cùng chúng cháu hành quân.

Sẽ có nhiều bạn phản đối tôi khi tôi dùng từ "Bác" ở đây. Nhưng thực ra, người đã tầm thường hóa Bác thành "Bác" không phải là tôi. Đó chính là những kẻ luôn rêu rao sống chiến đấu lao động và học tập theo gương Bác vĩ đại, đã biến Bác thành "Bác", và coi "Bác" là lẽ sống của họ.

Bs Võ Xuân Sơn

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025