VÀI CHUYỆN CƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VÀI CHUYỆN CƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Trần Nguyên
Viết về nền văn học Việt Nam từ năm 1954 đến ngày nay, mà không đề cập
đến văn chương truyền khẩu của dân chúng là một thiếu sót, thiếu sót lớn.
Tại sao?
Đơn giản như đang giỡn, chỉ vì chế độ cộng sản là chế độ toàn trị, đàn áp và vi phạm nhân quyền tập thể một cách thô bạo và có hệ thống từ khi cầm quyền lần đầu năm 1945, rồi sau đó cầm quyền ở Bắc Việt năm 1954, cho đến khi cầm quyền trên toàn cõi Việt Nam năm 1975.
Nhà cầm quyền CSVN quản lý chặt chẽ mọi sinh hoạt xã hội, quản lý hết mọi thứ, từ A đến Z, kể cả những ý nghĩ còn nằm trong đầu của người ta, chứ chưa cần thể hiện thành hành động. Có câu chuyện kể rằng sau năm 1954, hai viên công an cộng sản A và B đang đi tuần tra trên đường phố Hà Nội. Hai tên nầy thấy một nhóm dân chúng đói khổ từ vùng nông thôn đang có cải cách ruộng đất, tìm về thành phố ăn xin. Tên A hỏi tên B: “Dân chúng đi ăn xin như thế, đồng chí nghĩ gì?”. Tên B lo ngại, sợ tên A theo dõi tư tưởng của mình, liền cười cầu tài và trả lời: “Tôi nghĩ cái điều mà đồng chí đang nghĩ.” Ai cũng tưởng câu trả lời như thế là hết sức khôn khéo, không ngờ tên A quay qua tên B, mở còng số 8, và gay gắt nói: “Thế thì tôi phải bắt đồng chí để báo cáo cơ quan, đồng chí tỏ ra thiếu kiên định lập trường giai cấp.”
Thế đấy, chế độ cộng sản kiểm soát ngay cái điều người ta suy nghĩ trong đầu và không dám nói ra thành lời, thì đố ai mà dám đăng báo, in thành sách vở, và chỉ còn cách kín đáo truyền khẩu với nhau mà thôi, cho đỡ tức. Thêm nữa, ngay khi vừa về Hà Nội ngày 15-10-1954, Hồ Chí Minh đưa ra một số quy định nghiêm cấm báo chí trong tháng 10-1954, đại để là: "Không được chống chính phủ và chế độ; không được xúi giục nhân dân và bộ đội làm loạn; không được nói xấu các nước bạn; không được tiết lộ các bí mật quân sự; không được đăng bài vở có phương hại đến thuần phong mỹ tục".(Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, tr. 31.)
Một lãnh tụ cộng sản khác, ủy viên Bộ chính trị đảng Lao Động (LĐ), Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh Đặng Xuân Khu, đã quy định công việc cho văn nghệ sĩ dưới chế độ cộng sản như sau: "Văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ đường lối chính sách của đảng. Văn nghệ sĩ phải trung thành với lý tưởng cộng sản và đấu tranh không mệt mỏi cho chủ nghĩa xã hội. Văn nghệ sĩ bằng hoạt động văn nghệ và hoạt động xã hội của mình cần luôn luôn phấn đấu để tăng cường sự lãnh đạo của đảng, củng cố lòng tin của quần chúng đối với đảng, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin..." (Tuyển tập Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, tr. 24.)
Có lẽ quý độc giả đều biết rằng Trường Chinh Đặng Xuân Khu đã từng là kẻ tổng chỉ huy cuộc cải cách ruộng đất đẵm máu trong hai năm 1955-1956 tại Bắc Việt, giết hại khoảng 172,000 người. (Con số do chính cộng sản đưa ra.) Đặng Xuân Khu là người đã lập thành tích bất hủ, khó có người Việt Nam bình thường nào làm nổi, được dân chúng ghi lại trong một câu đối dân gian truyền khẩu: "Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác-Lê, nhục ấy đời chê thằng họ Đặng. / Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội kia sách chép đứa tên Khu."
Lúc đó, có người hỏi Đặng Xuân Khu rằng, như vậy là “cách mạng đã cấm tự do ngôn luận?” Trường Chinh sửng sốt trả lời: “Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi." (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội, tr. 275.) Chuyện như đùa.
Từ đó, chẳng có ma nào dám viết gì ngoài chỉ thị, chính sách của đảng, đến nỗi có người đương thời đã phát biểu: "Hai năm hòa bình, chúng ta thấy nhiều nhà văn (trước kia) có tài, (ngày nay) bị buộc chặt vào địa vị, bằng những sợi lụa có tẩm độc. Tác phẩm của họ (ngày nay) chỉ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo..." (Hoàng Văn Chí trích dẫn, tt. 11-12.) Một trong những văn sĩ nổi tiếng lúc đó là Nguyễn Tuân, đã chua chát tuyên bố: "Tao còn sống đến bây giờ là còn biết sợ! “ (Tuyển tập Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, tr.20.)
Vì sợ, không ai dám viết bất cứ điều gì ngược lại với đảng LĐ, nên người ta quay qua truyền miệng với nhau những đề tài cấm kỵ, giải tỏa nỗi lòng. Có kẻ nào đó đã nói: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.” Điều nầy là chân lý, nhưng đó là chân lý chính trị. Còn chân lý văn chương là: Ở đâu có áp bức, ở đó có chuyện tiếu lâm. Ở đâu áp bức càng mạnh, ở đó chuyện tiếu lâm càng nhiều. Vì vậy, chuyện tiếu lâm Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhiều vô số kể, bởi vì tiếu lâm giúp giải tỏa những ẩn ức chồng chất trong tâm thức của dân chúng trước những bất công xã hội, những đàn áp bóc lột của chế độ cộng sản, đồng thời tiếu lâm là võ khí duy nhất của kẻ yếu đối kháng với cường quyền, độc tài, độc đảng, toàn trị hiện nay ở Việt Nam.
Nhờ thế, kho tàng văn chương truyền khẩu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam được mở rộng, đón nhận những chuyện tiếu lâm rất phong phú, qua hai hình thức văn vần như vè, câu đối, ca dao, thơ; và văn xuôi kể chuyện, thuật lại những chuyện hài hước, châm biếm chế độ xã hội chủ nghĩa và đảng LĐ.
Đề tài chính của nền văn chương truyền khẩu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là chính trị đối kháng, vì đề tài nầy hoàn toàn bị cấm đoán, không được thảo luận để cải tiến, nên người dân mới phổ biến qua chuyện tiếu lâm để châm biếm, lên án. Tuy chỉ xoay quanh chuyện chính trị, nhưng những câu chuyện lưu truyền trong dân gian thật muôn hình vạn trạng, như những chùm pháo bông rộ nở trên bầu trời Bắc Việt trước 1975 và trên toàn cõi Việt Nam sau năm 1975.
Thật khó mà ghi lại một cách có hệ thống toàn bộ nền văn chương truyền khẩu Việt Nam từ 1954 trở đi, nhất là người viết không chuyên môn về ngành văn chương. Những bài văn vần dễ thuộc, dễ nhớ và đã có nhiều người viết. Bài nầy chỉ xin ghi lại vài câu chuyện nghe biết được trong thời gian hai mươi năm sống dưới chế độ cộng sản, theo các đề tài thời cuộc.
Đầu tiên hết là phải nói đến đảng Cộng sản Đông Dương (CSĐD), rồi đảng Lao Động (LĐ) là đảng cai trị chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Khi nói đến đảng CSĐD hay đảng LĐ là phải nói đến viên bí thư, là người lãnh đạo các đảng bộ đảng LĐ.
Chuyện kể về nguồn gốc chức “bí thư” như sau: Vào thời nhà Nguyễn, có một sứ bộ Việt Nam sang thăm Trung Hoa. Vua Nguyễn gởi tặng vua Thanh 50 con khỉ trắng. Đi giữa đường, một con khỉ bị chết. Sứ bộ không biết làm sao, đành tìm một con chó nhỏ cùng màu trắng, bỏ vào cho đủ 50 con như trong thư mà vua Nguyễn đã báo cho vua nhà Thanh. Khi trình diện đàn khỉ trước triều đình Tàu, vua Thanh rất thích thú, nhưng lại thấy có một con khác với 49 con kia. Con nầy không chịu ăn chuối, là món khỉ thích nhất, do vua Thanh ban cho. Vua Thanh liền tò mò hỏi sứ thần Việt. Sứ thần Việt xác nhận đây là con khỉ đặc biệt, cách ăn uống của nó cũng khác với các con kia. Nó không thích ăn trái cây như mấy con kia mà chỉ chuyên ăn đồ dơ, kể cả đồ dơ do người thải ra. Vua Thanh hỏi: “Con đó là thứ gì trong đoàn mà lạ lùng vậy, ăn cả những thứ dơ bẩn nhất?”. Sứ thần không biết nói sao, đành thưa rằng: “Con vật chuyên ăn đồ dơ đó lá bí thư đoàn. Chỉ có bí thư mới ăn dơ mà thôi.” Từ đó, phát sinh chữ bí thư đoàn, bí thư đảng.
Ai cũng biết bí thư là chức vụ đứng đầu trong ủy ban đảng bộ, còn gọi là đảng ủy các cấp của đảng CS. Đảng ủy là đề tài của một câu chuyện khác. Người ta kể rằng trong một phi vụ hỗn hợp, một chiếc phi thuyền lạc vào một hành tinh lạ. Phi hành đoàn gồm một người Mỹ, một người Nga và một ... Việt cộng (VC). Ban lãnh đạo của hành tinh lạ nói rằng họ sẽ giúp cho phi hành đoàn trở về trái đất nếu mỗi người nói cho họ biết một chuyện đặc sắc ở các xứ của phi hành đoàn. Người Mỹ khoe rằng xứ của họ có hỏa tiễn liên lục địa rất mạnh. Ở đất Mỹ có thể bắn qua bên nước Tàu được. Người Nga khoe rằng nước của ông ta có xe tăng mạnh nhất thế giới. Xe tăng Nga đã chống lại hữu hiệu các cuộc tấn công của Đức Quốc Xã, và nhất là đã giúp Bắc Việt tấn công Nam Việt trong cuộc chiến vừa qua.
Ban lãnh đạo hành tinh khen hai nhà phi hành Mỹ Nga đều nói chuyện hay, sẵn sàng cho về trái đất, nhưng phải đợi tên VC. Bí quá, không biết nói chuyện gì, tên VC khoe rằng ở cái xứ của y, điều đặc biệt nhất là có “đảng ủy”. Nghe đến hai chữ “đảng ủy”, ban lãnh đạo hành tinh lạ chẳng biết là cái giống gì, bèn họp quốc hội lại để thảo luận. Sau một tuần làm việc, quốc hội cũng chẳng biết là cái gì, nên mời tên VC tới hỏi. Tên VC trả lời liền: “Đảng ủy là cái đó đó, cái mà cứ thảo luận hoài chẳng ra cái thể thống gì cả, cuối cùng lãnh đạo quyết định mọi việc, khỏe re.”
Nói đến lãnh đạo đảng LĐ, lại có một chuyện mà không thể quên được: Trong một chuyến chuyên cơ, chở những nhà lãnh đạo VNDCCH đi công tác. Viên chủ tịch họ Hồ móc trong túi ra một tấm giấy 100 đồng, bèn nói với bộ Chính trị: “Bây giờ Bác quăng tờ giấy nầy xuống đất, sẽ có một người hạnh phúc nhờ lượm được tờ giấy nầy.” Viên bí thư thứ nhất họ Lê can: “Bác nên đổi tờ trăm thành hai tờ 50, sẽ có hai người hạnh phúc, tốt hơn.” Viên chủ tịch quốc hội nói: “Khoan đã, theo tôi thì đổi thành 5 tờ 20, sẽ có những 5 người hạnh phúc.” Phạm thủ tướng lẹ làng tiếp lời: “Tôi làm thủ tướng lâu năm, chuyên quản lý chuyện kinh tế tài chánh, tôi đem sẵn tiền đây, đề nghị đổi 10 tờ 10 đồng, thì sẽ có 10 người sung sướng, có phải hơn không?” Viên phi công ngồi nghe bộ tứ lãnh đạo đảng LĐ bàn tán sôi nổi, mới nghĩ trong đầu: “Nếu tôi làm được, tôi quăng cả bốn người xuống đất, chắc chắn toàn dân hạnh phúc.”
Những câu văn vần về các nhà lãnh đạo trên cũng khá phổ biến. Hồ Chí Minh để râu dài. Dân chúng VNDCCH mua vải cung cấp hằng năm không đủ may áo quần, nên than rằng: “Mỗi năm vài thước vải thô, / Làm sao che được bác Hồ hỡi ai?” Vài thước vải thô dùng may áo thì không đủ may quần, nên đàn ông đàn bà đều đành phải loài râu bác Hồ. Ngưòi ta còn kể rằng, có một ngưòi đàn ông khỏa thân làm mẫu ở trường hội họa. Ông nầy rất hâm mộ Kút-Xếp và Ken-nơ-đi, nên vẽ hai bên bắp vế hình hai lãnh tụ nầy. Nhìn người mẫu để vẽ, có một học sinh đã ứng khẩu hai câu thơ: “Kút-xếp với Ken-nơ-đi / Ở giữa lại chính là Hồ Chí Minh.”
Khi Hồ Chí Minh chết (2-9-1869), Tôn Đức Thắng lên thay làm chủ tịch VNDCCH. Nguyễn Lương Bằng được đảng LĐ chỉ định làm phó chủ tịch nước. Dân chúng có câu đối tặng hai người nầy rằng: “Bác Lương Bằng, mấy thằng lương bằng lương bác. / Ông Đức Thắng, nhiều đứa đức thắng đức ông.”
Nhắc đến chuyện Hồ Chí Minh chết, có lẽ nên nhắc đến bí quyết cai trị của họ Hồ. Khi biết mình sắp sửa đi gặp Các-Mác với Lê-nin, Hồ Chí Minh gọi các học trò thân tín đến để trăn trối. Họ Hồ dặn dò các đệ tử rằng khi lập tòa án nhân dân để xét xử, nhớ phải xét xử trước hết là mấy thằng nhà giáo. Lê Duẫn hỏi lại tại sao không diệt mấy tên chính trị phản động mà lại diệt mấy thằng nhà giáo trước, Hồ Chí Minh thì thào: " Mấy thằng nhà giáo nầy lắm chuyện, vì chúng bày vẽ, dạy cho dân khôn và hiểu biết, thì làm sao dân theo cộng sản chúng ta.”
Viên bí thư thứ nhất Lê Duẫn có câu chuyện mà có thể nhiều người đã nghe biết: Vào một buổi sáng đẹp trời, lính bảo vệ dinh bí thư vào báo cho đồng chí bí thư thứ nhất Lê Duẫn biết có người bạn học xin vào thăm. Lê Duẫn suy nghĩ một chút, liền ra lệnh bắt ngay người đó. Bà Lê Duẫn thấy vậy, liền can chồng: “Bạn học của ông đến thăm, ông không tiếp thì cho người ta đi, chuyện gì mà bắt người ta tội nghiệp?” Lê Duẫn liền rầy vợ: “Bà nói lạ chưa? Tui có đi học khi mô mà có bạn học? Đó là tình báo địch kiếm cách ám hại mình đó.”
Phạm Văn Đồng cũng có chuyện vui: Một hôm, Phạm thủ tướng đi ngang qua Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, thấy một người quỳ trước tượng Đức Mẹ, lâm râm cầu nguyện. Phạm thủ tướng tò mò đến nghe thử ông nầy cầu nguyện điều gì. Thì ra ông nầy gia cảnh khó khăn, cầu xin Đức Bà cho trúng số, 100 đồng thôi, đủ để trả tiền học cho con trong tháng nầy. Phạm thủ tướng nghĩ bụng, chuyện nầy dễ quá, ta làm cũng được. Thế là y móc túi ra, lấy tiền cho kẻ nghèo. Nhưng Phạm thủ tướng chỉ còn 70 đồng, nên cho cả 70 đồng. Sau khi dạo phố, Phạm Văn Đồng, trở ngang qua nhà thờ, thấy người đó vẫn còn cầu nguyện trước tượng Đức Bà. Y liền đến gần để nghe người đó cầu khẩn điều gì. Người đó lâm râm khấn vái rằng: “Tâu xin Đức Bà, con cảm ơn Đức Bà đã ban phước cho con, nhưng lần sau, nếu Đức Bà ban phước, thì xin cho thẳng con, chứ đừng cho qua trung gian đảng. Qua trung gian đảng, chúng lấy của con hết 30%.”
Những nhà lãnh đạo cộng sản muốn “tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, là vì một hôm, nghe tin có một ông thầy bói tài tình, nổi danh biết rõ quá khứ vị lai, bí thư thứ nhất Lê Duẫn liền thử thời vận, đi xem bói. Đến nơi lại gặp cả người Mỹ, người Nga. Ông thầy bói mù cầm tay người Mỹ, phán rằng: “Nước ông muốn tiến lên toàn thịnh có thể phải mất 200 năm nữa.” Khi cầm tay người Nga, lão thầy bói nói: “Ồ, nước ông có lẽ phải lâu hơn, cần tới 400 năm” Cuối cùng, cầm tay Lê Duẫn, ông thầy bói lật đi lật lại, rồi nói nhẹ nhàng: “Nước ông chỉ cần 20 cây số nữa là toàn thịnh.”
Nghe thế, Lê Duẫn khoái quá, vênh mặt lên nói với hai đại diện Nga Mỹ: “Thấy chưa, mấy ông chê chúng tôi, nay thầy dạy chỉ cần 20 cây số là nước chúng tôi toàn thịnh.” Viên đại diện Nga kinh ngạc, không hiểu làm sao mà nước Việt cộng sản tiến nhanh như vậy, nhưng viên đại diện Mỹ, với óc phân tách cố hữu, tủm tỉm cười, nói với Lê Duẫn rằng: “Ngài nên suy nghĩ kỹ lại, theo kế hoạch 5 năm, nước ngài khoe rằng đã tiến lên một bước. Năm năm tiến một bước, thì 10 năm mới tiến 2 bước. Hai bước là một mét. Phải 10 năm, mà đi được 1 mét. Một cây số là 1,000 mét, vị chi 10,000 năm nước ngài mới đi được 1 cây số. Vậy muốn đi 20 cây số, nước ngài phải tốn 200,000 năm lận, thưa ngài.”
Cũng chuyện thầy bói, một hôm Lê Duẫn vi hành, vào một quán cóc ở Hà Nội, có một lão thầy bói đang ngồi uống trà. Giả dạng thường dân, Lê Duẫn xin một quẻ. Quẻ bốc ra chẳng thấy viết câu nào, chỉ có hình một con ngựa phi. Ông thầy giải rằng: “Quẻ nầy không có chữ, nhưng trong sách viết rằng đây là quẻ “mã quy”, tức là ngựa về, thiên cơ bất khả lậu.” Thầy bói chỉ nói có thế, rồi làm thinh. Lê Duẫn về họp bộ Chính trị, tìm hiểu điển tích hai chữ “mã quy” là gì, mà không ai giải được. Bỗng một hôm viên tài xế của Lê Duẫn nghe chuyện nầy, đã buột miệng nói ngay “mã quy” là “Mỹ qua” chứ có gì đâu. Phải rồi, chỉ có Mỹ qua thì mới khá được. Thế là từ đó, chạy đôn chạy đáo xin Mỹ bỏ cấm vận. Quả nhiên sau khi Lê Duẫn chết, Mỹ bỏ cấm vận năm 1995, đồng đô-la tràn vào Việt Nam, thì nước Việt mới khá lên được
Khoe khoang, tuyên truyền là nghề của chàng. Nghe bên Liên Xô có chế một cái máy “kinh tế” rất tinh vi. Bỏ tất cả dữ kiện vào máy nầy, máy sẽ chạy ra những giải pháp cứu nguy kinh tế đất nước. Việt Nam DCCH cũng bắt chước, chế một cái máy theo mô hình Liên Xô. Làm đúng theo từng bộ phận của máy Liên Xô, không sai một ly nào cả, nhưng máy vẫn không chạy. Thử lui thử tới nhiều lần, máy vẫn đứng ngắc, không nhúc nhích. Cuối cùng, nhà nước VNDCCH đành phải mời chuyên viên Liên Xô qua kiểm soát. Mới nhìn vào máy, thử cho máy chạy một lần, chuyên viên Liên Xô kết luận ngay: “Máy của các đồng chí không chạy là phải, vì các đồng chí cho 95% công suất vào cái còi, còn 5% công suất vào bộ máy, thì làm sao máy chạy được.”
Công cụ lợi hại nhất của Cộng sản Việt Nam từ năm 1954 là bắt người ta bỏ tù không thời hạn tại các vùng rừng thiêng nước độc, gọi là “học tập cải tạo”. Tại một hợp tác xã nông nghiệp, bỗng nhiên có một con trâu không chịu đi cày, ăn no rồi nằm, hoặc rong chơi trong các ao hồ. Các nông dân dùng roi vọt đánh đập, nhưng chẳng thấm gì với trâu, trâu vẫn cương quyết bảo thủ ý kiến, nghĩa là nằm chơi xơi nước, không chịu làm việc. Viên bí thư huyện nghe báo cáo chuyện trâu, lấy làm lạ liền đi thực tế để tìm hiểu tình hình. Đến gặp trâu, viên bí thư huyện chỉ nói nhẹ nhàng: “Trâu ơi, nghe ta bảo này, trâu mà không chịu đi cày thì ta gởi trâu đi học tập ...” Mới nghe chuyện đi học tập, trâu liền đứng dậy, chạy ra đồng kéo cày ngay.
Như trên đã viết, chuyện tiếu lâm xã hội chủ nghĩa quá phong phú, không làm sao kể hết, mà không lẽ cứ kéo dài mãi như kẹo kéo, nên ở đây, để tạm thời kết thúc bài viết ngắn nầy, xin mời độc giả thưởng thức câu chuyện sau đây:
Nhân một đại hội ảo thuật thế giới, Việt Nam cộng sản gởi một đoàn đại diện đến tham dự. Trước khi trình diễn, một ký giả Tây phương phỏng vấn viên trưởng đoàn Việt Nam. Câu hỏi đặt ra xoay quanh khả năng điều khiển của huấn luyện viên trưởng đoàn Việt Nam. Ông trưởng đoàn khoe khoang với phóng viên phỏng vấn rằng: “Tôi ấy à, ồ các loại súc vật đoàn nào tôi điều khiển cũng được,không cần phải là của đoàn tôi, từ khỉ, ngựa, cọp, voi gì tôi cũng biết cách điều khiển, dễ dàng lắm đồng chí ơi!...”
Lúc đó, trên sân khấu một huấn luyện viên nước khác đang điều khiển một con khỉ. Viên huấn luyện viên nầy nói nhỏ với con khỉ, con khỉ mỉm cười chào khán giả. Huấn luyện viên nói thêm điều gì nữa, thì con khỉ khóc thút thít. Viên huấn luyện nói thêm câu thứ ba, con khỉ đứng lên chào khán giả, rồi thủng thỉnh đi vào. Khán giả vỗ tay tán thưởng.
Người ký giả Tây phương nghe huấn luyện viên trưởng của đoàn Việt Nam khoe rằng có thể điều khiển bất cứ loại vật nào của bất cứ đoàn xiếc nào, liền lên khán đài kể lại cuộc phỏng vấn huấn luyện viên trưởng Việt Nam và mời ông lên điều khiển con khỉ của đoàn trước. Sau khi chào hỏi khán giả, người ta dẫn con khỉ ra khán đài. Huấn luyện viên Việt cộng nói nhỏ với con khỉ một câu. Nghe xong, con khỉ cười lớn tiếng, cười hô hố vang cả hội trường, làm chotoàn thể khán giả cũng cười theo. Huấn luyện viên VC thì thầm câu thứ hai. Con khỉ đâm ra khóc nức nở, khóc như mưa, khiến cho khán giả phải mủi lòng, sa nước mắt. Khi HLV Việt cộng nói câu thứ ba, con khỉ đang khóc, vụt đứng dậy, chào khán giả, rồi vội vã nhảy vọt vào hậu trường. Toàn thể khán giả xem xiếc trong hội trường đồng thanh đứng lên vỗ tay khen ngợi HLV Việt cộng và màn trình diễn vừa qua thật quá hay.
Tối lại, khi gặp riêng với nhau tại khách sạn, đồng chí trưởng đoàn Trung cộng hỏi đồng chí HLV Việt cộng: “Sao đồng chí tài vậy, đồng chí điều khiển con khỉ của đoàn khác quá tài tình, xin đồng chí chỉ cho anh em bí quyết để anh em học tập được không?” Viên HLV Việt cộng nhỏ nhẹ trả lới: “Có gì đâu đồng chí ơi! Khi bắt đầu trình diễn, tôi nói nhỏ với con khỉ: “Ê, mầy có biết không, tau là HLV Việt Nam, tau đậu bằng “phó tiến sĩ” cơ đấy. Nghe nói phó tiến sĩ Việt Nam, con khỉ cười quá trời.”
“Thế thì đồng chí nói sao mà nó khóc dữ vậy?” “Tôi cũng không hiểu sao nó khóc quá xá. Tôi chỉ nói với nó rằng tuy đậu phó tiến sĩ, lương tau mỗi tháng tính ra đô la Mỹ không tới 50 đô. Không đủ nuôi gia đình mầy ơi! Chỉ ăn rau muống đắp đổi qua ngày. Nghe đến đó nó khóc nức nở, tội nghiệp nó, nó thương tôi quá. Tội nghiệp.”
“Cuối cùng, vì sao nó bỏ chạy vậy?” “Thưa đồng chí, tôi cũng lấy làm lạ, vì tôi rủ nó về Việt Nam với tôi. Nó nghe vậy, nó liền bỏ chạy mất đồng chí ơi! Tệ thật. ”
Ở Việt Nam ngày nay, cái cột đèn cũng muốn ra đi; con khỉ phường trò cũng bỏ chạy, huống gì là người hiểu biết. Thế mà gần đây, có vài tên ở hải ngoại, cũng có bằng tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư như ai, lại vác mặt về Hà Nội hội họp, uổng công cha mẹ cho ăn học, tung hê một chế độ phản dân hại nước. Nhóm chủ nhân Ba Đình dư biết các tên cơ hội nầy về Việt Nam chỉ để kiếm tý hư danh phù phiếm, bất cố liêm sĩ, bất tri quốc nhục, nên chúng không dại gì mà không lợi dụng để … tiếp tục phản dân hại nước.
TRẦN NGUYÊN
Nhận xét
Đăng nhận xét