TRUYỆN TRÂU ĐẤT VIỆT


 TRUYỆN TRÂU ĐẤT VIỆT

Tân Sửu trâu mới đến rồi,
Mọi người hy vọng hết thời nhiễu nhương,
Ai ơi ! Nếu lỡ lầm đường,
Trở về vui sống yêu thương an bình.

Ngày Xuân gặp buổi thư nhàn, ngâm nga mấy vần thơ, mở lại vài trang sử Việt, luận cổ suy kim, học hỏi gương xưa tích cũ, tưởng nhớ quê xưa, nguôi sầu viễn xứ, mong hồi cố quốc…

Trâu trong tục ngữ ca dao.

“Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”

+++ 

"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cầy cấy nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Khi nào cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Lời Ca dao sao mà êm đềm thân thương thế, vẽ lên một bức tranh quê đơn sơ mộc mạc, nhưng không kém phần thi vị dễ thương. Phải có sợi giây chân tình giữa người và vật mới thốt lên những lời thơ ấy.

Người viết không là nhà động vật học luôn truy tìm nghiên cứu về loài vật, cũng không phải tử vi gia nghiên cứu xem vận mạng của Quí Vị có phù hợp với con Giáp trong năm hay không. Việc này đã có nhiều người bàn luận tiên đoán rất nhiều trên truyền thanh, báo chí…đôi lúc rất sôi nổi hào hứng về các nhân vật nổi tiếng nữa.

Năm nay Tân Sửu-năm con Trâu-con vật đứng thứ nhì trong 12 Giáp. Nhân dịp Xuân về, cùng Quí Vị tìm theo dấu vết Trâu trong thơ văn – một con vật gần gũi, thân thương nhất của người dân quê Việt nam trong loài gia súc như : chó, mèo, gà, heo, bò, ngựa… Trâu khi xưa sống từng bày nơi rừng hoang được con người đem về thuần hóa dùng trong việc nông trang, chở hàng hóa. Nên theo tiêu đề bài viết chỉ nói đến ‘Truyện Trâu Đất Việt’

Trâu còn được gọi là Sửu hay Ngưu theo Hán tự, chính là người bạn sớm tối đói no cùng người dân quê xưa. Trâu ngoài việc vất vả kéo cầy trong thời vụ, còn phải thồ hàng trong lúc nông nhàn. Đúng vậy, vì nuôi Trâu không phải để làm cảnh, vui chơi như đất mước Cờ Hoa…mà để đóng góp trong cuộc sống chân lấm tay bùn, nên cha ông dạy bảo ta qua nhiều câu tục ngữ rất thâm thúy :

Con trâu là đầu sự nghiệp.
Làm ruộng phải có trâu, làm giàu phải có vợ.

Vì thế mua trâu người ta chọn lựa, đắn đo kỹ lưỡng:

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc đó ắt là khó thay.

Muốn giàu thì nuôi trâu cái,
Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.

Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.

“Nái, vó, giống, nòi” đều quan trọng, nhưng cũng cần phải khoẻ, vì ngoài công việc đồng áng, trâu còn kéo xe, đạp lúa sinh sản giống tốt:

Mua trâu xem nái, lấy gái chọn dòng,
Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi.



Từ gần gũi thân thương nhất trong gia súc, phát sinh nhiều thành ngữ, tục ngữ răn đời đơn sơ nhưng sâu sắc như:

Trâu chậm uống nước đục

Đầu trâu mặt ngựa

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết

Đàn gảy tai trâu

Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu

Trâu cày không có, trâu ăn lúa lại đông

Trâu lành không ai cắt cỏ, trâu ngã lắm kẻ cầm dao

Trâu chết để da, người ta chết để tiếng

Cứt trâu để lâu hoá bùn…

Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo.

Xin tiếp nối Ca dao phong phú về trâu :


Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm.

+++ 

Trâu buộc ghét trâu ăn,
Quan võ lại ghét quan văn quần dài.

+++ 

Nghé ơi ta bảo nghé này,
Nghé ăn cho béo, nghé cầy cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.

+++ 

Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu,
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.

+++

Trâu kia kén cỏ bờ ao,
Anh kia kén vợ khi nào có con.

+++ 

Trâu, dê lúc chết tế ruồi,
Sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn

+++ 

Phình phình lớn giữa lớn ra, 
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu, 
Ở nhà làng bắt mất trâu,
Cho nên con phải đâm đầu ra đi. 
(Tục xưa con gái chửa hoang phải đền trâu cho làng)

+++ 

 Một trâu anh sắm đôi cầy,
Một chàng đôi thiếp có ngày oan gia,
Chàng ơi chàng bỏ em ra,
Nhẽ đâu một ổ đôi gà ấp chung.

(Các bà không muốn người đắp chăn bông kẻ lạnh lùng )


Đôi lúc lại còn xót xa, bạc bẽo, chua chát thế thái nhân tình hơn:

Công anh chăm nghé bây lâu,
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cầy?

+++ 

Phù thủy, thày bói, lái trâu,
Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn.


Dựa ý câu ca dao trên, nên trong thời đồ đểu Việt cộng đã phát sinh câu :
  
  Việt kiều, Việt cộng, Việt gian
  Cả ba loại ấy ngang hàng như nhau!

Trâu trong thơ văn.

+ Lục súc tranh công : Kể lại 6 con vật : trâu, bò, dê, lơn, gà, ngựa tượng trưng cho 6 Vị quan đầu triều tranh nhau công trạng và ai cũng cho mình đóng góp nhiều công sức hơn cho Dân Nước. Hãy nghe quan Sửu kể công:

Trâu mỏi mệt trâu liền thăn thỉ (năn nỉ)
Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã… 
Từ tháng giêng cho tới tháng chạp,
Kế Xuân, Hè, nhẫn đến Thu, Đông,
Việc cầy bừa nông cụ vừa xong,
Lại xe gỗ giầm công liên khói.


+ Bà Huyện Thanh Quan nữ sĩ đa tài, nổi tiếng qua nhiều bài thơ như: Thăng Long hoài cổ, Chiều hôm nhớ nhà, Qua Đèo Ngang…

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn,
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn….


Bà còn lưu lại nhiều giai thoại nhẹ nhàng lý thú nhân khi ông Huyện vắng nhà, bà đã phê vào tờ đơn thày Hương Cống xin phép mổ trâu giỗ bố trong lúc đang thiếu trâu cầy :

 Người ta thì chẳng đuợc đâu, 
‘Ừ’ thì ông Cống làm trâu thì làm.


+ Học Lạc nhà nho nghĩa khí Miền Nam, không chịu hợp tác với Pháp, làm bài thơ trào phúng Vịnh con trâu, chế diễu những kẻ xu thời, nghêng ngang mũ áo, nham nhở như phường tuồng theo gót ngoại xâm :

Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Nghĩ lại mà coi thực lớn đầu,
Trong bụng lam nham ba lá sách,
Ngoài cầm lún phún một chòm râu.


+ Kẻ theo giặc chỉ là những con cờ thí, bị vắt chanh bỏ vỏ sau khi không còn dùng được nữa. Tú Mỡ nhà thơ trào phúng nổi tiếng, đặt cho hạng người này cái tên Ngài trâu như trong cuộc Chọi Trâu chí tử: con thua phanh thây nằm đó, con thắng mũ lọng nghênh ngang rước về làng làm lễ sát tế cúng Thành hoàng. Thật đúng là xuống hố chết ngỏm (XHCN) !

Tưởng rằng danh giá những gì,
Kiếp trâu khốn nạn vẫn là kiếp trâu,
Nào người qúi hóa gì đâu,
Rước về làm thịt xúm nhau người sài. 
Lắm anh danh vọng trên đời, 
Chung qui cũng chỉ như Ngài Trâu thôi.


+ Nhà thơ thiên tài mệnh yểu họa vận bài ‘Bán thơ’ của Bích Khê, đã khéo dùng ca dao tục ngữ đem vào thơ cách tài tình ‘Đàn gảy tai trâu- Vỏ quit dầy có móng tay nhọn – Mạt cưa mướp đắng’ :

Mặc người chau chuốt, mặc người mua, 
Ai bảo chanh chua khế chẳng chua? 
Mắc cá, hạt châu nên lừa lọc,
Miệng lằn, lưỡi mối khá thêu thùa, 
Trống qua của sấm qua đâu nổi.
Đàn gảy tai trâu, gảy bằng thừa.
Có vỏ quit dầy, tay móng nhọn, 
Mạt cưa mướp đắng thủa nào thua.




+ Phải chăng Nhà thơ Nguyễn huy Thiệp khắc khoải than thở cuộc sống ‘Trâu cầy’ đời người qua hình ảnh con trâu :

Sinh ra làm kiếp con trâu,
Suốt đời tăm tối dãi dầu nắng mưa,
Thân tôi cổ cầy vai bừa,
Nào thừng buộc, nào mõ khua rộn ràng,
Xin ông, ông cứ nhẹ nhàng,
Tôi xin nộp đủ thóc vàng cho ông.


Trong những tháng năm thơ ấu, tôi luôn nhớ hình ảnh đơn sơ tràn đầy kỷ niệm bài học trong Quốc văn giáo khoa thư: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểnh ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…. ”

“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. ” cũng là lời bài hát quen thuộc của Phạm Duy, mà thưở bé nhiều người trong chúng ta vẫn nghêu ngao hát cách khoái chí. Diễn tả niềm vui đơn sơ của những người thích hưởng thú thanh nhàn, tìm ra niềm vui đơn gỉan trong công việc. Nhưng dưới thời ‘Đỉnh cao trí tuệ’, than ôi thời thơ ấu mộng mơ nay còn đâu !

+ Trâu đã đi vào ký ức nhà thơ Thanh Nam trong năm tháng tuổi trẻ nơi làng quê :

Thuở còn thơ ngây hai buổi đến trường, 
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ, 
Ai bảo chăn trâu là khổ,
Tôi mơ màng như chim hót trên cao.


+ Hay say mê truyện Con Trâu của Trần Tiêu – một nhà văn có biệt tài mô tả loài vật – mà ông nhân cách hoá phản ảnh về cuộc sống vất vả của con người.

+ Trâu còn xuất hiện trong văn hóa Lễ Hội như tại Đồ Sơn Hải Phòng:

Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về,
Dù ai bận rộn trăm bề,
Mùng chin tháng tám nhớ về chọi trâu.


Gần đây, Trâu còn nhảy vào nghệ thuật điện ảnh qua phim’ Mùa len Trâu’ do Nguyễn Võ Nghiêm Minh đạo diễn, phóng tác theo tập truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam. Nhìn trong phim, đàn trâu hàng trăm con lướt đi như vũ bão trên cánh đồng mênh mông ngập nước, cho ta thấy một cuộc sống cuốn trôi tàn bạo, nhưng cần thiết cho đời sống kinh tế nông nghiệp người dân Miền Tây. Nhưng hiện nay Trung cộng cắt nước xả đầu nguồn từ những con đập, khiến các quốc gia nơi hạ nguồn không đủ nước ngọt, nước biển tràn vào sinh ngập mặn, hủy hoại mùa màng mà đồng bằng sông Mê-kông miền tây VN gánh chịu tai họa lớn nhất. Than ôi cảnh ruộng vườn trù phú năm xưa như trong phim ‘Mùa len trâu’ giờ thành hoang địa và nông dân phải tha phương cầu thực !

Danh nhân Việt Nam với loài trâu.



+ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, 3 lần đại phá Nguyên Mông vang danh lịch sử thế giới. Có lần ông cỡi voi qua sông voi bị sa lầy, may lúc đó có một em bé cho ngài mượn trâu vượt sông đuổi theo giặc. Khi quay lại thấy con voi đã từng theo ông đánh đông dẹp bắc chìm dần trong nước, ông nhỏ lệ hứa rằng :
“Khi nào ta chiến thắng trở về sẽ cho dựng tượng voi và trâu bên sông để ghi nhớ.”

+ Đinh Bộ Lĩnh nhà nghèo phải chăn trâu thuê cho chú. Ông thường cùng bọn trẻ tập trận cờ lau đánh giặc. Sau ông dẹp yên loạn 12 sứ quân hùng cứ, đem bình yên cho đất nước, lên ngôi Hoàng Đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, đóng đô tại Hoa Lư, xưng quốc hiệu Đại Cồ Việt.

+ Thiên Hộ Dưỡng lãnh đạo nghĩa quân Đồng Tháp Mười, có tài cầm roi luyện tập đàn trâu trên sông nước và thu nhận được một nghĩa quân có tài điều khiển trâu bằng tiếng mõ. Nên lúc lâm trận, tiền hô hậu ủng, kẻ cầm roi người gõ mõ, tả xung hữu đột khiến địch quân hoảng loạn tháo chạy.

+ Đào Duy Từ khi chưa tìm được minh chủ để phò tá như Lã Vọng ngồi câu bên bờ sông Vị chờ thời. Ông có kiến thức rộng, hoạt bát, đã biện luận với các võ quan về người quân tử và kẻ tiểu nhân.- Theo ông kẻ chăn trâu tiểu nhân chỉ biết dắt trâu ra đồng ăn cỏ, đến tối dắt trâu về không nghĩ ngợi lo lắng gì cả. Còn người chăn trâu quân tử vừa chăn trâu vừa luyện chí, nên chưa gặp thời cứ tạm sống theo thời thôi. Nên viên quan thấy ông ứng đáp trôi chảy, biết là người có tài chí lớn, tiến cử với chúa Nguyễn, giúp chúa tạo nên sự nghiệp.

+ Nguyễn Xuân Ôn gia đình nghèo phải đi chăn trâu cho một phú hộ. Ông thường lén nghe thày đồ dạy con chủ để suy nghĩ học hỏi. Ngày kia, trước khi về quê thày đồ ra bài tập thật khó cho con chủ. Ông giúp cậu chủ làm xong bài dễ dàng. Ông đồ lúc trở lại biết chú Ôn làm bài hộ và biết là người tài nên hết lòng giúp học thành tài, ông thi đậu tiến sĩ ra làm quan dưới triều vua Tự Đức.

+ Phạm Phú Thứ theo phái bộ Phan Thanh Giản qua Pháp, điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Khi ghé sông Nile Ai Cập, ông để ý đến loại xe dẫn nước giống bên ta nhưng lớn hơn và thay vì đạp bằng chân lại do trâu kéo. Ông sai người vẽ lại chi tiết cẩn thận đem về nước, sáng chế loại xe vận chuyển nước vào ruộng. Chiếc xe xuất hiện đầu tiên tại Hòa Vang, Quảng Nam.

Danh nhân VN tuổi Tân Sửu.

Một điều đặc biệt, năm nay 2021 theo lịch Đông Phương là năm Tân Sửu (Con Trâu) ta lại thấy một số anh hùng dân Việt sinh năm Tân Sửu. Tôi không phải là nhà chiêm tinh tướng số hay dòng dõi Quỉ Cốc Tử, nhưng chợt nhớ tại sao người ta thường gọi là Trâu Vàng? Vì theo m lịch năm 2021 Tân Sửu cầm tinh con trâu có can Tân hành Kim màu vàng, nên gọi là năm Trâu Vàng. Như thế các cháu sinh năm nay Tân Sửu là Trâu Vàng đấy, sau này có chí lớn sẽ nổi tiếng như các anh hùng dân tộc.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu truyện như khoa học giả tưởng, nhưng lại có thực trong xã hội ‘Đỉnh cao trí tuệ’.- Truyện kể : Có một ông đàn em trước Tết giả bộ đến chơi để thăm dò tuổi và quà tặng xếp lớn. Bà vợ xếp cho biết chồng tuổi Tý còn quà tượng trưng tùy chú. Sáng Mồng Một Tết đàn em đem đến tặng xếp con Chuột Vàng 3 số 999. Khi đàn em về rồi, ông chồng hỏi vợ : “ Sao nó biết tuổi tôi? “ Bà vợ trả lời : “Em nói cho nó đấy !”. Nghe vợ trả lời anh chồng muốn té xỉu quát lên :” Ngu bỏ mẹ ! Sao không nói tuổi Sửu? Có tăng thêm một tuổi lại được hưởng phước lớn có sao đâu !

Nhưng mong ước sinh con tuổi Tân Sửu không phải để hưởng Trâu Vàng, mà để nối chí những anh hùng khi trước đã có công giữ gìn và xây dựng nên Đất Nước tươi đẹp mà chúng ta đang thừa hưởng như :

+ Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu 761, sức khỏe vô địch vật trâu đả hổ, phát động phông trào chống nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ đất nước Việt.

+ Lê Đại Hành (Lê Hoàn) sinh năm Tân Sửu 941, sáng lập nhà Tiền Lê, tài thao lược, dẹp nội loạn, khéo bang giao, trị vì 24 năm.

+ Trần Quang Khải sinh năm Tân Sửu 1241, văn võ song toàn, dòng dõi hoàng gia nhà Trần, con vua Trần Thái Tông, chủ tướng 2 lần phá quân Nguyên và còn là một nhà thơ nổi tiếng.

+ Nguyễn Thái Học sinh năm Tân Sửu 1901 thủ lãnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, có chí lớn, tinh thần ái quốc cao, chủ trương dùng võ lực chống thực dân Pháp. Ông cùng 12 đồng chí bị Pháp hành quyết tại Yên Bái.



Những năm Sửu ghi nhớ trong sử Việt.

- Tân Sửu (41) : Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi thái thú Tô Định, chiếm 65 thành trì, xưng vương, đóng đô tại Mê Linh.

- Ất Sửu (905) : Khúc Thưa Hạo lãnh đậo nhân dân nổi lên chống giặc nhà Đường, xây dựng nền tự chủ, kết thúc ách thống trị Tàu sau 1000 năm.

- Ất Sửu (965) : Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế là Đinh Tiên Hoàng, đóng đô tại Hoa Lư, quốc hiệu Đại Cồ Việt.

- Tân Sửu (1001) : Thập Đại tướng quân Lê Hoàn dẹp giăc Cù Long quấy phá tại Thanh Hóa, xây dựng lại trật tự dân nước.

- Kỷ Sửu (1049) : Nhà Lý xây chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột), 1 công trình độc đáo, biểu trưng nghệ thuật nước nhà và tinh thần tôn sùng đạo Phật.

- Kỷ Sửu (1289) : Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông phong Hưng Đạo Đại Vương lãnh ấn tiên phong 3 lần phá tan giặc Nguyên Mông.

- Tân Sửu (1481) : Vua Lê thánh Tông lập Văn Miếu tại kinh đô Thăng Long ghi tên 124 tiến sĩ và lập nhiều đồn điền để tăng thêm lương thực.

- Đinh Sửu ( 1697) : Vua Lê Huy Tông công bố bộ sách sử đồ sộ gồm 24 quyển sau 570 năm biên soạn.

- Đinh Sửu (1757) : Mạc Thiên Tứ con Mạc Cửu người Hoa, được phong tổng trấn Hà Tiên, vì có công mở rộng bờ cõi nước ta.

- Kỷ Sửu (1829) : Doanh điền sứ Nguyễn công Trứ khai thác các vùng sình lầy ven biển, lập 2 ấp Kim Sơn và Tiền Hải thuộc tỉnh Ninh Bình và Thái Bình.

- Ất Sửu (1865) : Tờ Gia Định Báo bằng quốc ngữ được xuất bản đầu tiên tại Nam kỳ năm 1865 do học giả Trương Vĩnh Ký sáng lập.

- Tân Sửu (1901) : Phan Chu Trinh từ chức Thừa biện Bộ Lễ, dấn thân vào đường cách mạng chống Pháp.

- Quí Sửu (1973) : Quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam sau 20 năm tham chiến chống Cộng Sản.
…………………….

Tuy kẻ viết bài không phải là thiền sư hay thiền giả, nhưng thường thảnh thơi ngồi thiền, qui hướng nội tâm, sực nhớ lời khuyên trong Phật giáo Thiền Tông qua bức tranh Thập Mục Ngưu Đồ : ‘Chăn Trâu’ 10 bước : 

1- Tìm trâu       2- Thấy vết trâu     3- Thấy trâu 
4- Bắt trâu        5- Chăn trâu          6- Cưỡi trâu 
7- Quên trâu    8- Quên cả người và trâu 
9- Trở về cội nguồn     10- Thong dong vào chợ đời.

Lời thiền làm cho tâm hồn thấy lâng lâng phiêu bồng, thi hứng bỗng bật thành thơ:

Một đời mải miết tìm trâu, (1)
Dõi theo dấu vết nông sâu mà tìm, (2)
Thấy trâu ta phải bắt liền, (3) (4)
Chăn trâu ngày tháng ưu phiền lánh xa, (5) 
Cưỡi trâu miệng hát hoan ca, (6) 
Quên trâu quên cả thân ta nữa rồi, (7) (8)
Cội nguồn hiện thực người ơi, (9)
Lỏng buông tay khấu chợ đời thong dong, (10)
Phù sinh dấu ấn hóa công,
Hành trình tâm thức trong vòng chăn trâu.

Kính chúc Quí Vị Năm Tân Sửu luôn mạnh khoẻ, đạt nhiều điều tốt đẹp !
Nguyện cầu Thương Đế cho đời sống tai qua nạn khỏi không như những năm tháng buồn rầu ảm đạm 2 năm vừa qua vì :

                Kỷ Hợi cháy rừng do Bà Hỏa,
                Canh Tý truyền bệnh tại Cô Vi.
 

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG 
Vietcatholic.News

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178