BÀI 164: LẠI TẤN TUỒNG ĐÀN HẶC CUỘI
BÀI 164: LẠI TẤN TUỒNG ĐÀN HẶC CUỘI
Thứ Ba 9/2/2021 vừa qua, thượng
viện chính thức khai mạc cuộc luận tội cựu TT Trump.
Cuộc luận tội vô tiền khoáng hậu
này sẽ đi vào lịch sử vì đây là lần đầu tiên một tổng thống bị đàn hặc tới hai
lần. Mà cũng là lần cuối cùng, trừ phi các chính khách Mỹ mất lý trí tập thể
một lần nữa. Là chuyện mà cá nhân kẻ này, vốn là người lạc quan, tin tưởng vào
nước Mỹ và dân Mỹ, không tin có thể xẩy ra nữa.
Đàn hặc này cũng sẽ đi vào lịch
sử như một phiên tòa có một không hai ở điểm không có cáo trạng chi tiết, không
có điều tra, không có báo cáo độc lập của cảnh sát hay FBI hay công tố đặc
biệt, không có phiên xử với đầy đủ nhân chứng, bằng chứng, không có luật sư
biện hộ, không có bị can ra trước phiên tòa, cũng chẳng có đại bồi thẩm đoàn
nghe rồi kết tội. Bà chủ tịch hạ viện tuyên bố Trump phạm tội khích động nổi
loạn, rồi cho hạ viện biểu quyết là có tội luôn, dựa trên thế đa số của đảng
DC. Rồi chuyển ngay hồ sơ qua thượng viện lấy biện pháp trừng phạt. Mà hay hơn
cả là ông quan tòa tại thượng viện hoàn toàn công khai đứng về phe ‘công tố’
liên tục biểu quyết cùng phe công tố.
Công lý thời Bao Công cách đây
mấy ngàn năm còn công bằng hơn xa công lý của các đảng DC tự cho là văn minh
tiên tiến đấy.
Ta hãy xem lại cái
chuyện mất lý trí tập thể này.
Trước hết, một lời ‘thú tội’.
Khi TT Clinton bị đàn hặc, kẻ này
đã coi trực tiếp truyền hình có thể nói tới 80% toàn bộ ‘phiên tòa’. Qua vụ đàn
hặc TT Trump lần đầu, kẻ này còn coi tới chừng gần một nửa, chịu khó nghe hàng
loạt diễn văn dài lê thê lướt thướt của cả hai bên, cho dù chẳng có gì mới lạ.
Nhưng đến cuộc đàn hặc TT Trump lần thứ nhì này, thì kẻ này chỉ còn coi TV tổng
cộng có chưa tới 15 phút trong cả tuần lễ. Tất cả vẫn chỉ là một tấn tuồng cũ
rích, với những lập luận tố cáo và bào chữa xưa hơn đường mòn. Và tất cả thủ
tục pháp lý đi vào thùng rác hết. Đây là một phiên tòa chính trị mà phán quyết
cuối cùng tất cả thế giới đều biết trước, coi làm gì cho mất thời giờ?
Lý do, hay chính xác hơn, lý cớ
phe DC đưa ra là cuộc biểu tình ủng hộ TT Trump ngày 6/1/2021, cũng là ngày
quốc hội họp để kiểm tra kết quả bầu cử tổng thống chính thức của cử tri đoàn.
Trong khi quốc hội họp thì bên
ngoài đã có cả trăm ngàn người biểu tình tuần hành tới bao vây tòa nhà quốc
hội. Tình trạng biến chuyển mạnh, đi đến bạo loạn khi trong đoàn người, một số
nhỏ xung đột với cảnh sát gác quốc hội, một số nhỏ khác đập một cửa sổ kính rồi
tràn vào bên trong, trong khi vài trăm người khác công khai đi vào trong quốc
hội bằng cửa chính do cảnh sát tự ý mở toang ra.
Trong vụ đụng độ, một người biểu
tình bị bắn chết và một cảnh sát bị chết. Không có một cuộc điều tra nào để
biết tại sao chết và trong trường hợp nào. Ngoài ra, còn có ba người chết vì
bệnh như đột qụy và tai biến não trong khi đi biểu tình, không liên quan gì đến
biểu tình. Dù vậy, TTDC và các chính khách DC không ngại thổi phồng thành một
cuộc nổi loạn "chết người" -deadly riot- với 5 người
chết. Ngoài ra, đã không có bất cứ đập phá, hôi của, đốt công thự, lục hồ
sơ, ăn cắp đồ đạc nào.
Khi mùa hè vừa qua Bờ Lờ Mờ nổi
loạn đốt phá, cướp của khiến hơn 30 người chết và hàng trăm người bị thương,
hàng tỷ đô thiệt hại thì TTDC mô tả là "phần lớn yên ổn" -mostly
peaceful".
Bất kể sự thật, phe DC với sự
phụ họa của TTDC, đã hô hoán đây là cuộc biến loạn chính trị kinh thiên động
địa nhất lịch sử nhân loại.
Đi xa hơn nữa, phe DC hùng hổ tố
cáo qua bài diễn văn sáng cùng ngày 6/1, chính TT Trump là người đã tung ra ý
kiến, cổ võ và xúi dục dân nổi loạn, trong một mưu toan đảo chánh, lật đổ kết
quả bầu cử để tiếp tục làm Hitler tân thời của Mỹ. Và đó chính là cái tội cần
bị đàn hặc để bảo vệ Hiến Pháp, bào vệ thể chế dân chủ và bảo vệ nước Mỹ.
Đó chỉ là lý cớ gần. Lý do xa là
ông thần Trump đã là một đe dọa sinh tử cho sự tồn vong của đảng DC nói riêng
và ý thức hệ cấp tiến nói chung ngay từ khi ông Trump mới ra tranh cử tổng
thống, chưa đắc cử. Và đảng DC cùng với toàn thể khối cấp tiến cảm thấy cần
phải hạ gục đến cùng, cho dù ông đã hết còn làm tổng thống. Nhổ cỏ phải tận
gốc.
CNN đã có bài nhận định về đàn
hặc, mang thật nhiều ý nghĩa vì đã nhìn nhận sự thật, dù sự thật đó, cả thế
giới đều thấy và biết.
Dưới cái tựa thật ý nghĩa “Bất
Kể Thượng Viện Biểu Quyết Ra Sao, Trump Đã bị Nhục”, CNN đã nhìn nhận kết
tội TT Trump hay không, không phải là mục đích của đàn hặc, mà chủ ý chính là
việc TT Trump sẽ đi vào lịch sử như “tổng thống đã bị đàn hặc hai lần”. Dĩ
nhiên, CNN không viết đầy đủ, vì nếu đầy đủ, sẽ phải nói thêm “cả hai lẩn đều
do đảng đối lập chủ xướng dựa trên lý cớ phịa, và đều thất bại”.
Tuy thất bại, nhưng cũng thỏa
mãn phần nào phe đối lập vì uy tín và ảnh hưởng chính trị của TT Trump theo họ
nghĩ, đã mất một mảng lớn khiến ông khó có thể ngóc đầu lên lại trong tương
lai.
Có một lý cớ nữa giải thích việc
đảng DC lại đàn hặc nữa cho dù biết sẽ chẳng đi đến đâu: các chính khách Mỹ, vị
nào cũng mơ tưởng được dịp lên trước TV ‘hoành tráng’ đọc diễn văn nổ hơn đại
bác cho cử tri cả nước nghe. Chẳng mấy khi có dịp hiếm có này.
Lý cớ xúi dục nổi loạn có chính
đáng không?
Kẻ này xin nêu lên vài điểm.
Thứ nhất, TT Trump đã không đốc
thúc nổi loạn bạo động khi ông hô hào “fight like hell”. Tất cả những
người nào hiểu sơ sơ tiếng Anh và văn hóa Mỹ đều biết dân Mỹ luôn luôn hô hào
‘fight’ chứ không chấp nhận ển ển xìu xìu bỏ cuộc, mà không bắt buộc phải dùng
bạo lực. Diễn giải ‘fight like hell’ có nghĩa là hô hào bạo lực đúng là cường
điệu.
[Ngày thứ nhì của đàn hặc, các
luật sư của TT Trump đã trát bùn lên mặt các dân biểu công tố của phe DC, khi
tung ra hàng loại tuýt của đám này, cũng hô hào ‘fight like hell’ y chang TT
Trump! Xin xem trang Tin Tức tuần này]
Thứ nhì ông đọc bài diễn văn đó
khi cả trăm ngàn người đã bắt đầu tụ họp, tuần hành, do đó làm sao có thể nói
ông đã xúi dục họ xuống đường nổi loạn được, nhất là khi những tài liệu được
công bố cho thấy cuộc biểu tình đã được kế hoạch hóa từ cả mấy tuần trước.
Thứ ba, phe DC đã thiếu thành
thật, không trích dẫn trọn vẹn bài diễn văn khi trình chiếu trước thượng viện:
họ cố tình đục bỏ đi một câu nói của TT Trump, nhấn mạnh mọi người cần biểu
tình trong ôn hòa (nguyên văn: “… marching over to the Capitol
building to peacefully and patriotically make your voices heard”.)
Thứ tư, phe DC cố tình bỏ qua
những tin có lợi cho TT Trump. Cựu chánh văn phòng của TT Trump, ông Mark
Meadows đã cho biết trước ngày 6/1, TT Trump đã ra lệnh cho bộ Quốc Phòng mang
Vệ Binh Quốc Gia đến bảo vệ quốc hội khi nghe tin có cả trăm ngàn người sẽ biểu
tình. Quyền bộ trưởng Quốc Phòng trước ngày biểu tình, đã nhiều lần đề nghị với
thị trưởng thủ đô Washington DC cho phép ông mang 10.000 VBQG đến bảo vệ quốc
hội. Nhưng tất cả đều bị bà thị trưởng da đen của DC từ chối.
Phải nói thêm cho rõ, VBQG có
hai thành phần, một dưới quyền điều động của thống đốc tiểu bang, hay trong
trường hợp đặc biệt của District of Columbia -DC-, dưới quyền bà thị trưởng; và
một dưới quyền bộ Quốc Phòng liên bang, tuy nhiên muốn mang VBQG của liên bang
vào bất cứ tiểu bang nào, đều phải có sự đồng ý của thống đốc. Trong trường hợp
này, bà thị trưởng từ chối, VBQG dưới quyền tổng thống liên bang không vào DC
được.
Như vậy, ai là người chịu trách
nhiệm không giữ tòa nhà quốc hội, để dân biểu tình tràn vào? Chưa kể chuyện kẻ
này coi TV thấy rõ ràng cảnh sát quốc hội mở toang cửa chính và dân biểu tình
trong trật tự đàng hoàng, xếp hàng đi vào đại sảnh, vừa đi vừa nhìn ngang nhìn
dọc, hý hửng chụp hình kỷ niệm, đúng như du khách đi tour, hiển nhiên chẳng có
ai có ý nghĩ bạo động đảo chánh gì ráo.
Mà chẳng phải chỉ có ông Meadows
công bố chuyện bà thị trường bác bỏ việc mang VBQG bảo vệ quốc hội không. Trong
một cuộc điều trần trước quốc hội, cảnh sát trưởng phụ trách an ninh quốc hội,
ông Steve Sund tố cáo 3 ngày trước biểu tình, ông đã sợ sẽ có rối loạn, xin
phép kêu gọi Vệ Binh Quốc Gia tăng cường, tới giúp bảo vệ quốc hội, nhưng bị
các viên chức an ninh cả thượng viện lẫn hạ viện bác bỏ.
Trong câu chuyện TT Trump bị tố
cổ võ cho biểu tình chiếm đóng quốc hội, đáng xử vì tội nổi loạn chống chế độ
pháp trị, có một câu chuyện phản ảnh rõ ràng tính phe đảng thô bỉ của đảng DC
hơn tất cả mọi chuyện khác.
Cách đây một chục năm, khi một
đám thợ thuyền cấp tiến biểu tình trước quốc hội tiểu bang Wisconsin, đập phá
cửa, tràn vào đại sảnh săn đuổi dân biểu, bà Pelosi và các chính khách DC hoan
nghênh việc làm này, gọi đó là biểu tượng cho thể chế dân chủ, là ‘hình ảnh
đáng nể của dân chủ đang ra tay” – “impressive show of democracy in action”.
https://www.foxnews.com/politics/nancy-pelosi-praised-unionists-wisconsin-state-capitol
Bình thường thì phiên ‘tòa’ đàn
hặc phải do chánh thẩm phán Tối Cao Pháp Viện chủ tọa, nhưng TP John Roberts đã
từ chối không chủ tọa lấy lý do đàn hặc một cựu tổng thống không có trong Hiến
Pháp, do đó, không thuộc quyền hạn của ông. Phe DC nắm đa số tại Thượng Viện,
một cách hết sức sáng tạo, đã ‘bổ nhiệm’ thượng nghị sĩ DC Patrick Leahy để chủ
tọa.
Ngay khi mở đầu tuồng hát đàn
hặc, một dân biểu DC đóng vai công tố, đại diện hạ viện ra kể tội TT Trump, đã
nói về việc chủ tọa cuộc luận tội. Ông này giải thích Hiến Pháp quy định đàn
hặc tổng thống phải do chánh thẩm phán Tối Cao Pháp Viện chủ tọa. Nhưng bây
giờ, không có vị này. Lý do theo ông dân biểu này, rất đơn giản vì Hiến Pháp
đòi hỏi chánh thẩm phán TCPV chủ tọa đàn hặc một tổng thống, trong khi tổng
thống hiện nay là cụ Biden, không bị đàn hặc, mà người bị đàn hặc là một thường
dân, cựu tổng thống, do đó không cần chánh thẩm phán TCPV.
Ông dân biểu này lý luận một
cách cực mâu thuẫn mà không nghĩ xa hơn. Nếu ông Trump chỉ là thường dân, không
cần TCPV can dự thì Hiến Pháp cũng ghi rất rõ ràng đàn hặc là biện pháp truất
phế một tổng thống đương nhiệm, không phải là một phiên tòa để kết án một
thường dân. Như vậy, sao lại còn chuyện đàn hặc ông thường dân Trump nữa? Để
làm gì? Truất phế khỏi chức… thường dân sao?
Điểm cao siêu đáng nói nhất là
vai trò của ông chánh án. Trong một cuộc đàn hặc bình thường, chánh thẩm Tối
Cao Pháp Viện chủ trì, đóng vai trò bảo đảm đàn hặc được tiến hành trong công
bằng, tuân đúng theo Hiến Pháp, ông không biểu quyết gì hết, không biểu quyết
về thủ tục và nhất là không biểu quyết can phạm có tội hay không. Lần này,
chánh thẩm TCPV từ chối việc chủ trì vì Hiến Pháp KHÔNG ghi việc đàn hặc cựu
tổng thống, phe DC bầu một thượng nghị sĩ DC chủ tọa chẳng theo luật nào hết
ráo. Ông này có quyết định đầu tiên là biểu quyết cùng phe DC, ô-kê tất cả mọi
vi phạm thủ tục Hiến Pháp của phe DC. Thế thì chủ tọa cái gì? Ở đây, ông chánh
án cũng là công tố mà cũng là bồi thẩm đoàn luôn. Đến cuối phiên tòa, xin hỏi
quý độc giả, ông quan tòa có biểu quyết theo phe DC hay không? Xin đón xem.
Một nhà báo kỳ cựu, ông Byron
York của báo Washington Examiner đã nêu lên 5 lý do đàn hặc lần này vi phạm
Hiến Pháp.
1. Hiến Pháp ghi rõ ràng ‘đàn hặc tổng thống’, có nghĩa là tổng thống đương nhiệm, chứ không phải cựu tổng thống, hay chuẩn tổng thống.
2. Mục
đích của đàn hặc là để truất phế tổng thống. Nếu hết còn là tổng thống rồi thì
sao lại đàn hặc để truất phế gì nữa.
3. Trong
gần 300 năm lịch sử Mỹ, chưa bao giờ có chuyện đàn hặc cựu tổng thống. Hiến
Pháp không có điều khoản này. Đây là việc đảng DC sáng chế ra hoàn toàn ngoài
vòng luật pháp. Thượng viện có biểu quyết về tính hợp Hiến, nhưng cuộc biểu
quyết đã hoàn toàn lệ thuộc tính phe phái với tất cả 50 nghị sĩ DC ô-kê, cùng
với 6 nghị sĩ CH chuyên môn chống Trump từ hồi nào tới giờ.
4. Tất
cả tài liệu lịch sử còn lại cho thấy khi thảo Hiến Pháp, không ai trong các Cha
Gìa Lập Quốc thảo luận việc đàn hặc cựu tổng thống hết.
5. Trước
khi Hiến Pháp liên bang ra đời, đã có vài tiểu bang có hiến pháp riêng, trong
đó có điều khoản đàn hặc cựu quan chức. Nhưng khi viết Hiến Pháp liên bang, các
Cha Già Lập Quốc đã bác bỏ điều khoản này.
Nói trắng ra, việc đàn hặc cựu
tổng thống không có trong Hiến Pháp. Trừng phạt một người về một tội không có
ghi trong luật chỉ có thể là một việc làm hoàn toàn bất hợp pháp, mà trong một
phiên tòa bình thường, tôn trọng luật lệ, không một công tố nào có thể lên
tiếng tố cáo và không một quan tòa nào có thể tuyên án được.
https://www.realclearpolitics.com/articles/2021/02/06/impeachment_impossibility_145193.html
Các nhân vật DC thường hay làm
những chuyện... không cấm lắm. Như cậu Hunter ngủ với bà chị dâu vừa góa chồng,
hay cụ Biden cầm nhầm vợ bạn, cũng không có luật nào cấm, nên đều là những
việc… làm được.
Chẳng những có tính vi Hiến, mà
đàn hặc lần này phải nói là tuyệt chiêu về việc coi thường luật lệ và thủ tục
pháp lý. Nghĩa là đã quăng tất cả mọi nguyên tắc nền tảng của pháp lý Mỹ vào
thùng rác.
Cuộc đàn hặc TT Trump lần này
vỏn vẻn chỉ có vài câu tuyên bố của vài dân biểu đối lập, sau đó, hạ viện xúm
lại biểu quyết đàn hặc ngay, rồi chuyển qua thượng viện để biểu quyết truất
phế. Đại khái giống như chuyện một cảnh sát bắt một nghi phạm, tuyên bố ngay
tại chỗ là có tội, rồi yêu cầu quan tòa xử án ngay, dưới luật do cảnh sát vừa
viết ra tại chỗ sau khi đã bắt can phạm, đưa cho quan tòa do cảnh sát vừa bổ
nhiệm, không điều tra, không bằng chứng phạm tội, không gì hết. Các ông tướng
Myanmar đang nghiên cứu đàn hặc rất kỹ, hy vọng sẽ giúp họ nhốt hết đối lập, y
chang theo mô thức của đảng DC Mỹ.
Mà cái quái lạ đây là chuyện
không tầm thường chút nào, không phải chuyện cảnh sát bắt một tên ăn trộm một
bao thuốc lá trong tiệm chạp phô, mà là chuyện kết án một tổng thống đã được
một nửa nước bầu một cách hợp pháp và hợp hiến.
Giáo sư Hiến Pháp Jonathan
Turley đã viết bài tố cáo phe DC đã hoàn toàn chính trị hóa đàn hặc, trắng trợn
bất chấp chẳng những Hiến Pháp mà còn vứt vào thùng rác luôn nguyên tắc nền
tảng của công lý Mỹ.
Theo GS Turley, dân biểu Jamie
Raskin, trưởng đoàn công tố của hạ viện truy tố TT Trump, đã làm một chuyện vi
phạm thô bạo nhất. Ông Raskin gửi thư cho TT Trump, ‘mời’ TT ra điều trần, giải
thích tại sao ông khích động nổi loạn (nghĩa là coi như ông Trump đã phạm tội
khích động nổi loạn rồi), nếu ông Trump không ra điều trần, thì hạ viện sẽ kết
tội ông ‘im lặng tức là đã nhận tội rồi’ và ông Raskin sẽ dùng lý luận này để
yêu cầu thượng viện trừng phạt TT Trump.
Theo GS Turley, lập luận của ông
Raskin vi phạm lộ liễu nguyên tắc nền tảng của công lý Mỹ là tất cả những bị
can bị tố cáo bất cứ chuyện gì đều có quyền im lặng không trả lời tố giác, và
công tố hay tòa án không có quyền diễn giải im lặng đó là một sự nhận tội và
dùng sự im lặng đó làm bằng chứng đã phạm tội và trừng phạt bị can.
Tất cả những ai biết sơ sơ về
luật Mỹ, hay thường coi phim trinh thám Mỹ cũng đều biết hai chuyện:
- Bất
cứ khi nào một người nào bị cảnh sát bắt giữ, thì cảnh sát đều phải nói đại
khái câu “Ông/bà có quyền giữ im lặng… “
- Bất
cứ người nào bị kết tội gì hay chỉ là nhân chứng, cũng đều có thể viện dẫn Tu
Chánh Án thứ 5, từ chối trả lời.
Trong cả hai trường hợp, người
bị tố cáo đều có quyền không hợp tác, giữ im lặng, không trả lời câu hỏi, mà
không thể bị tố cáo vì sự im lặng bất hợp tác đó. Bây giờ, ông Trump không trả
lời, im lặng, bị mấy ông dân biểu Mỹ coi như đã đương nhiên nhận tội.
Chuyện lạ là mấy ông dân biểu,
tức là những người làm luật, mà lại có thể mù tịt về quy tắc nền tảng này của
công lý Mỹ. Hay là mấy ông đó cố tình vứt hết các luật lệ vào thùng rác vì nhất
quyết muốn kết tội hay bôi bác TT Trump?
Hạ viện đã đàn hặc. Bây giờ là
lúc thượng viện phải có quyết định về biện pháp trừng phạt, tức là truất phế TT
Trump.
Bỏ qua cái vô lý của biện pháp
truất phế một tổng thống đã không còn là tổng thống nữa, thì cuộc đàn hặc lần
này đã được nhiều người cho là … dead on arrival, tức là chết trong trứng nước,
chẳng đi đến đâu hết.
Muốn truất phế phải có hai phần
ba số thượng nghị sĩ hiện diện đồng ý, nghĩa là phải có tối thiểu 67 phiếu vì
tất cả các thượng nghị sĩ đều tham dự phiên tòa.
Cho dù toàn thể khối DC kể cả
ông 'quan tòa' vì tính phe đảng biểu quyết thuận việc truất phế kể luôn cả
‘quan tòa’, thì chỉ mới có 50 phiếu. Cho dù có 6 nghị sĩ CH phản đảng, nhẩy rào
biểu quyết TT Trump có tội, thì cũng mới chỉ có được 56 phiếu, còn thiếu 11
phiếu. Ở đâu ra số phiếu này?
Không ở đâu ra hết. Nói trắng
ra, đàn hặc lần thứ hai này vẫn thất bại như lần trước thôi.
Trên nguyên tắc, đàn hặc là để
truất phế một tổng thống đương nhiệm, bây giờ ông Trump đã hết làm tổng thống
rồi, truất phế gì nữa?
Nhiều người đã bàn đến biện pháp
cấm không cho ông Trump tham gia chính sự trong tương lai. Đây là biện pháp phụ
đính theo sau việc truất phế. Nhưng vấn đề là nếu không kết tội và truất phế
được thì cũng chẳng thể áp dụng bất cứ biện pháp trừng phạt phụ nào hết.
Thế thì tóm lại, đàn hặc để làm
gì?
Ý đồ thực sự của phe DC chỉ là
tìm cách ‘nhổ cỏ tận gốc’, phá nát uy tín và ảnh hưởng của ông, chặn không cho
ông Trump mai này còn có thể ra tranh cử bất cứ chức vụ nào, vì dù sao thì uy
tín ông Trump vẫn còn quá lớn, ông vẫn còn là mối nguy sinh tử cho đảng DC nói
riêng và ý thức hệ cấp tiến nói chung. Ai biết được mai này ông sẽ làm gì? Ra
tranh cử tổng thống lại, thành lập đảng mới,…?
Mới đây đã có một tin làm phe DC
còn run mạnh hơn nữa, là ông Trump sẽ làm một chuyện dễ dàng hơn nhiều: đó là
năm 2022 ra tranh cử dân biểu tại Florida, rồi với uy tín và ảnh hưởng cá nhân,
ông sẽ ra lãnh đạo khối CH trong hạ viện. Nếu phe CH chiếm đa số tại hạ viện,
ông có thể sẽ dễ dàng trở thành chủ tịch hạ viện. Khi đó thì không ai biết ông
sẽ làm gì: đàn hặc bà Pelosi? Đàn hặc cụ Biden?
Tin này đáng nghi ngờ. Với cá
tính ông Trump, có ít triển vọng ông sẽ chịu ra tranh cử dân biểu. Điểm đáng
nói là nhờ đảng DC, đàn hặc bây giờ đã trở thành chuyện phe đảng đếm phiếu, cứ
nắm đa số là tha hồ quậy, bất cần biết chuyện có tội hay không và tội gì, có
cần bằng chứng hay nhân chứng gì không. Đảng DC biến đàn hặc thành vũ khí chính
trị, mở toang cửa cho biện pháp vớ vẩn này, sẽ có ngày lãnh hậu quả thôi.
Nói huỵch tẹt ra, đàn hặc chỉ là
một mánh chính trị để đảng DC loại trừ một đối thủ chính trị cực nguy hiểm, một
cách vĩnh viễn nếu có thể. Chẳng ăn thua sơ múi gì đến việc TT Trump đã phạm
một tội gì. Hay chính xác hơn, để trừng phạt ông Trump vì cái tội đã có ý định
và xém thành công loại đảng DC ra khỏi chính trường Mỹ ít nhất trong vài ba
chục năm, như ông đã thay đổi hệ thống Tư Pháp Mỹ với việc bổ nhiệm các thẩm
phán bảo thủ đủ cấp.
Nhận xét
Đăng nhận xét