CÂU ĐỐI TẾT TÂN SỬU 2021 - HÀ SĨ PHU

 

 
CÂU ĐỐI TẾT TÂN SỬU 2021
  HÀ SĨ PHU
 
clip_image002

Lại khóc lại cười với Trâu

Thấm thoắt đã lại đến Tết con Trâu.
Lạ thật, sao con Trâu lại đi ngay sau con Chuột? Một anh “nhỏ bằng cái nhắt”, khôn lỏi, “chúa thằn lằn” về khoản mẹo vặt và lừa đảo, lúc luồn sâu lúc leo cao, lúc nào cũng thập thò, gây đủ điều tai hại, mà sinh sản cực nhanh, càng bí mật vụng trộm càng đẻ nhiều, nên bị xếp vào loại lưmanh chúa tể. Tiếp theo ngay là một bác to đùng, ngu trung, to đầu mà dại. Cũng “có sừng có sỏ” rất oai, mà bị cái “thằng người homo sapiens” khôn ngoan nó “vặt  dziệt” (1), lúc sang phải, lúc sang trái, chỉ bằng một sợi dây thừng xỏ mũi. Rồi ta ngộ ra một điều: hai con giáp này xếp liền nhau là phải, bên cạnh anh ngu trung y như rằng xuất hiện lũ lưu manh, lợi dụng khai thác (mà các nhà chính trị vẫn gọi là bọn cơ hội). Hai thứ này cộng sinh, tương khắc nhưng lại tương sinh.

 Ai chẳng thuộc mấy câu Ca dao về con Trâu:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công?
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Thật là một bài ca nhân ái. Người và vật đã biết dựa nhau mà sống, bởi hiểu rằng “trong lẽ phải, có người có ta”! Ông chủ mà thương đy tớ, mà xẻ chia quyền lợi với nhau như một kiểu “nhà nước phúc lợi” ở mấy nước văn minhBài ca dao đưa ra một giọng đàm phán, thuyết phục để có đồng thuận, chứ không đem nghĩa vụ ra mà áp đặt.

Nhưng sự đời đâu chỉ có thế.
Đây, một bài ca dao khác về con Trâu:
 

    Ngày thường mày ở với tao
Đến khi mày yếu thì tao tuyệt tình
    Thịt mày nấu cháo nuôi binh
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
    Sừng mày tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược thưa, lược dày…(2)

Một phác họa sao mà sâu cay! Khi sống đã cống hiến hết mình cho chủ. Yếu sức rồi bị giết đã đành, nhưng từng mảnh xác vẫn phải được mài giũa để trang sức cho chủ. Nuôi binh, dao, mác… là phục vụ chiến tranh, quốc phòng. “Chùa, tụng kinh… là vẻ thánh thiện tôn giáo. “Trống chiêng” lễ hội, lược thưlược dày…” là phục vụ văn hóa và đời sống.   Ôi, vắt kiệt nhau đến thế là cùng! Tôi cứ ngậm miệng mà cười: Sao kiếp Trâu lại có thể nhiều vinh quang đến thế? Vậy mà khi chụp ảnh Trâu nghệ thuật thì người ta cứ bỏ cái  Ách ra, để cho Trâu “ toét miệng” ra cười, quên cả cái Ách  như một “sắc phục” không thể thiếu của loài Trâu.
Nghĩ đến con Trâu, có lúc thì bùi ngùi, thì thương Trâu chậm uống nước đụccó khi thì ơn, thì phục, có khi lại giận, lại trách, lại ghét trâu điên, ghét thói trâu buộc ghét trâu ăn, lại tàn nhẫn bảo ngu thì đáng đời, gảy đàn cầm” vào tai cũng phí…
 Thế cho nên lại khóc, lại cười với Trâu mà làm mấy Câu đối Tết năm nay.
=================================
 Ghi chú:
     (1) Lệnh điều khiển trâu (vùng trung du Bắc bộ): vặt= vrắt = sang phải,
         dziệt = sang trái.
   (2) Từ cổ gọi là lược thưa và lược bí.
   Có thể tham khảo thêm ở link của Hà Phương Hoài:
 
                                                                        *****

CÂU 1: Chuột đi Trâu tới:
 
CHUỘT tạm rút, hang sâu còn dưới đất, chui bồ, rúc cót, coi chừng lũ CHUỘT rất khôn!
TRÂU đang về, ách nặng vẫn trên vai, xỏ mũi, quất roi, yên phận kiếp TRÂU thì khổ!
 
CÂU 2: Bằng-Trắc năm Trâu:
 
Cày bừa xong mổ thịt tế thần – thần phúc thần tài: đừng ban xuống cho quân… PHẢN TRẮC!
Ve vuốt để lột da bưng trống – trống con trống cái: hãy vang lên một lẽ… CÔNG BẰNG!
 
 CÂU 3: Vịnh con TRÂU như anh mọt sách:
 
Đã khệ nệ BỤNG to chứa SÁCH!
Sao ngu đần ÁCH nặng đeo VAI?
(Dạ dày trâu bò có bốn ngăn, ngăn thứ ba có nhiều nếp gấp gọi là sách)
 
CÂU 4: TRÂU hỏi NGƯỜI:

* Lũ trâu đây yên phận cấy cày, thế sự dẫu vô tình,
  nghe “Vặt-dziệt” cũng quen đường “phải-trái”! (1)
 
Những kẻ nọ mang danh tổ quốc, biên cương đang hữu sự,
  việc “mất-còn” không biết lẽ “tồn-vong”?
  (Vặt dziệt đồng nghĩa với Phải trái, Mất còn đồng nghĩa với Tồn vong).
                                                  
CÂU 5: Chọi nhau trong lễ phục:

clip_image004 
*  Mặc Lễ phục uy nghi,
       Trâu Ngựa tranh ngôi,
           trang trọng khiếp!
 
Tung Thông tin thật giả, 
       Á   Âu   đoạt chức,
           rối  ren  ghê! 
 

 
Vĩ thanh, để xin lỗi loài Trâu

clip_image005
 
Viết xong bấy nhiêu lời về Trâu, tôi hơi mệt và ngủ thiếp đi. Nào ngờ hiện ra một con Trâu lớn, và sau lưng là một đàn Trâu, xa nữa là bóng một con hổ đang cắm cổ chạy vào rừng… Tôi nghe như có tiếng Trâu nhắc nhở: “Ông quên rồi ư, ông là nhà Sinh học mà không biết Trâu là gì ư, Trời sinh ra đôi sừng nhọn hoắt này để mà chơi à? Những con Trâu mà ông bàn luận là thứ Trâu đã bị loài người các ông thuần hóa nên đã biến tính. Được cho ăn và nhốt trong chuồng nên sinh lười nhác và đê hèn để các ông ve vãn và hành hạ. Đàn Trâu hoang dã chúng tôi vừa mới hiệp lực đuổi đánh què một con Chúa sơn lâm hung ác đó, cứu được một em Nghé dại dột tách đàn chơi rông… Hợp quần thì sống, chia rẽ thì chết đấy các ông ạ.”.         
Thấm thía hình ảnh con Trâu đầu đàn, đầu đàn có sức để chỉ huy cứu đàn chứ không phải để bắt nạt các “đàn viên”. Tôi vùng dậy viết tiếp mấy lời cuối và diễn “lời của Trâu” thành Câu đối như sau:
                                                          
CÂU 6: Quần Ngưu đả Hổ:
 

 * Lẽ sống muôn đời: biết hợp lực, đàn Trâu thường thắng Hổ!
                                                                                            
 * Làm vua một cõi, chỉ đơn phương, mãnh Hổ cũng thua Trâu!
                      
 ***

Một chút chơi chữ vui Xuân


CÂU 7: Chữ BÁT- chữ CHI:
 

clip_image007    

   * Đường Dân tộc ngoắt ngoéo chữ CHI (),
     người dẫn lối chân đi chữ BÁT (),
     BÁT với CHI chắc chẳng… theo Tàu?

  * Thuyết Thiên đường lăng nhăng thằng CUỘI,
    kẻ tiên phong bụng giống thằng BỜM,
    BỜM và CUỘI tưởng như… thuần Việt?
 
  Việt hay Tàu? Hai vế đối như hai câu hỏi để cùng suy ngẫm, chỉ xin có lời góp thêm:               
                                      Việt Trung “hòa nhi bất đồng”!,
                                  Đồng văn đồng chủng, chứ không đồng sàng!
 
CÂU 8: TẾT “vui như Tết”:

Các cụ ông đi hội Hoa Xuân, gặp các cụ bà, liền ra vế đối vui mà hiểm hóc:

   Tết đuổi Chuột đi, Chuột đã đi rồi, Tết chúc cụ bà vui… như Tết!

Vui như Tết là thành ngữ quá quen, dễ gì đối được?

Chẳng ngờ các cụ bà “hội ý” chớp nhoáng rồi một cụ tươi cười đáp lại:

   Xuân đưa Trâu tới, Trâu đang tới đó, Xuân mừng ông lão tuổi… hồi Xuân!

Tuổi hồi xuân” cũng là thành ngữ đích đáng rồi, nhưng 80 tuổi mà còn mừng nhau “hồi xuân” thì Trâu cũng chịu thua! Nên các cụ ông hơi bị thẹn thùng, chỉ còn biết đồng thanh “Xin bái phục các cụ lão bà đấy ạ!”. Thế rồi các cụ vui vẻ cùng nhau trẩy hội Hoa Xuân mừng Tết Con Trâu.
 
 
LÝ TOÉT-XÃ XỆ VÀ BA CÂU ĐỐI TẾT

Trong khi chờ các bà xã chuẩn bị đồ nhắm buổi tất niên, Lý Toét và Xã Xệ tranh thủ làm một “sơ-mi-na” 15 phút về nỗi buồn vui năm Con Chuột vừa qua. Toét nghĩ đến các vụ Tù nhân chỉ vì nói tiếng nói của lương tâm mà bị đẩy vào trại tâm thần (để tiêm thuốc “tâm thần hóa” ư?), bèn đọc:
 
    Yêu nước phải vào trại Tâm thần, gian ác thế lại tự xưng nhân đạo!
    Thương dân thì ra tòa Hình sự, luật lệ này sao dám gọi công minh?
 
Xệ tán thành:

- Ừ, nghĩ đến vụ nhà văn Phạm Thành và anh Lê Anh Hùng phải vào Trại tâm thần mà đau lòng quá. Đấy là nỗi buồn của dân lành, của giới bị trị. Nhưng ông tưởng giới cai trị, tức các đảng viên thì không buồn sao? Nỗi buồn của họ còn dữ dằn hơn. Đảng viên thì bị 19 điều cấm, bọn có chức quyền thì tài sản phải phân tán, gia đình phải phân ly… Này nhé, lý tưởng tức Ý thức hệ thì gửi bên Tàu, nhưng con cái và tài sản kếch xù thì phải gửi các nước tư bản thù địch giãy chết bên Tây, đã phải “phân thân” như thế còn bị dân chửi là dối trá, nói một đằng làm một nẻo, sống hai mặt trái ngược như vậy là sự phủ định, là nhạo báng thẳng vào sư-tổ Các-Mác chứ “lý tưởng” cái nỗi gì, nhục như vậy đấy!
 
 Toét lại thêm:

- Ấy là các vị đảng viên đầu tỉnh và Trung ương. Nhưng chưa bằng người tối cao là ông… Tổng Tịch. Ngay từ năm 2016 già yếu muốn xin nghỉ mà không được nghỉ. Ông nói “Sức khỏe, trình độ cũng có hạn và tôi cũng đã xin nghỉ rồi, nhưng trách nhiệm của Đảng giao thì chúng tôi với tư cách là đảng viên phải chấp hành!”. Đứng cao nhất mà vẫn bị ép nên phải chấp hành, thế có khổ không? Mà đâu phải thế đã xong, tự dưng lại bắt cái thân già ốm yếu phải ngồi “một đít hai ghế”, ngồi đau bỏ mẹ chứ sướng gì, mà vừa rồi còn bắt tái cử lần thứ ba nữa mới khổ, mà vì ý thức đảng viên rất cao nên không dám chối từ. Thế thì nỗi khổ, nỗi buồn của đám dân đen làm sao mà sánh được? Đảng viên thường đã khổ, cấp tối cao lại càng khổ hơn, họ mất hết tự do, thiệt thòi đủ đường thật ông ạ. Tôi thấy họ đáng thương lắm. Các tổ chức Đảng sao không biết thương và chấp nhận nguyện vọng từ chức của một người già bệnh tật ấy nhỉ? Cứ nghĩ đến nỗi bất lực và oan khuất của Tổng Tịch tối cao là tôi lại ứa nước mắt mủi lòng…
 
Xệ không nhịn được, phá lên cười và bổ sung:

- Thôi thôi đừng tốn “nước mắt cá sấu” khóc thương giùm ông “dân oan tối cao” SIÊU CAO THỦ ấy nữa! Sự “khổ” của các đảng viên cấp cao như vậy thì Xệ đây cũng muốn được lây tý chút cái “khổ” ấy đấy ạ, còn sướng hơn tiên!
Nhưng, hài hước thì ta nói chơi như vậy, chứ những đảng viên tử tế thì họ có nỗi khổ thật sự, khổ và đau vô cùng. Ông xem, công khai thì suốt ngày phải tụng “học tập và làm theo lời Bác”, nhưng nếu tin và “làm theo” thật thì toi đời. “Bác” nêu khẩu hiệu “người cày CÓ ruộng” làm nức lòng người, nên khi thấy cảnh “người cày MẤT ruộng” ông Kình mới lấy tư cách đảng để đứng ra đòi ruộng cho dân, ai ngờ tan xương nát thịt? “Bác” cũng bảo “dân chủ là để cho dân được mở miệng”, ba nhà báo độc lập, nguyên là đảng viên, vì nghe lời Bác quyết “mở miệng” nên mới lãnh cái án văn tự tổng cộng 37 năm tù! Người đảng viên trung thành với lý tưởng tốt đẹp thì cũng khổ chẳng kém gì dân!
 
Hai thứ “KHỔ” khác nhau ấy, “KHỔ thật sự” và “KHỔ sướng như tiên” liền được Lý Toét và Xã Xệ đúc kết thành Câu đối:

* Đảng viên cấp cao cũng nhiều nỗi “thiệt thòi”, nhưng vẫn phải… “hy sinh” vì Cách mạng?!
Dân chúng lầm than thì lắm điều “ưu việt”: cấm công khai… mở miệng hỏi Nhân quyền!?
 
Nhưng đến đây, sau những phút hài hước, không hiểu sao cả hai người bỗng dưng sững lại, đượm buồn. Lý Toét bảo “Tôi cứ nhớ lời chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về cái Lỗi hệ thống và nạn Vua tập thể, lại nhớ lời ông Dương Trung Quốc về tình trạng Mất gốc hoàn toàn, mất hẳn “thế hệ vàng” ngày xưa. Mặc dù đó có thể chỉ là những liên tưởng bất chợt thoáng qua của các vị ấy, nhưng có lẽ muôn sự cũng chính từ đấy mà ra, nước mình a-dua theo con đường Cộng sản nên bị hư hỏng cả cái Nền cái Gốc. Ta phải nói một cái gì đây nghiêm túc thật lòng với tổ tiên ông ạ.

Sau những giây phút trầm tư họ thống nhất với nhau được một Câu đối để chốt lại chút tâm tư trong ngày đón Tết con Trâu:
 
Quốc sự muốn hanh thông, “lỗi hệ thống” phải tiêu trừ, cả nước chung tay vun lại GỐC!

Hận thù mong rũ sạch, “nếp tư duy” cần xét lại, mọi nhà góp sức dựng xây NỀN!
 
Câu đối mộc mạc nôm na thế, có khi thiên hạ bỏ ngoài tai, vậy mà họ nắn nót viết ra giấy, đặt lên bàn thờ, cạnh lư hương, rồi kính cẩn chắp tay vái lậy. Cứ như đang có một cái gì linh thiêng lắm đang hiện diện trên bàn thờ… Không, đó chỉ là cái lẽ sống bình thường, linh thiêng bên trong của họ.  
 
 
clip_image009
 
***
MỜI ĐỐI

Câu 1Vnh con Trâu 

             Sừng sỏ to đùng, óc đất sét vẫn đứng đầu cơ nghiệp!

(các cụ nhà ta có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”)
 
Câu 2 Chuột đã đi rồi, Tết chúc mọi người cứ… “vui như Tết”!
                                                            
Câu 3: (vịnh bức tranh chụp ba cảnh rất khôi hài):

Chuột cưỡi lưng TrâuTrâu lại cưỡi lưng Người! Ba loài ấy, hỏi ai là… Thượng đẳng?
 
Hoặc:

* Chuột cưỡi lưng TrâuTrâu lại cưỡi lưng Người, Chuột vênh váo hỏi… Ai là Thượng đẳng?

Có phải khi trên lưng đã trĩu nặng một khối ngu dốt và cam chịu thì tất cả sẽ nằm dưới một anh láu cá vừa tham nhũng tiền bạc vừa tham nhũng chức quyền?                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  
 
clip_image011 
Hà Sĩ Phu (Những ngày đón Tết Tân Sửu 2021)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025