Tìm hiểu danh từ Pháp trong “pháp trị” và “pháp quyền” Tác giả: GS VŨ QUỐC THÚC Nếu có một danh từ rất thông dụng trong giới Luật gia cùng người học luật, đó chính là danh từ “Pháp”. Cũng vì nó đã trở nên quá quen thuộc nên ít ai, hiếu kỳ, thấy cần phải tra cứu từ điển xem từ “pháp” được định nghĩa ra sao. Vả chăng từ “Pháp” ít khi được dùng đơn lẻ mà luôn luôn gắn với một từ khác, hoặc đặt trước (thí dụ: Hiến pháp, Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp v.v..) hoặc đặt sau (thí dụ: Pháp chế, Pháp luật, Pháp lý, Pháp nhân v.v..). Nhờ sự “gắn bó” này, kẻ nói cũng như người nghe, kẻ viết cũng như người đọc , hiểu ngay khái niệm được đề cập. Hậu quả là từ “pháp” mất một phần lớn ý nghĩa tự tại của nó và bị coi như một phụ từ. Sở dĩ tác giả bài tiểu luận này đã “lẩm cẩm” tìm hiểu từ “pháp”, chính vì qua mạng internet, được biết là tại quốc nội, đã có một cuộc tranh luận hào hứng về danh xưng nên đặt cho thể chế: “Pháp quyền hay Pháp trị?”. Chúng tôi không muốn tham gia cuộc tranh...