“Xây dựng lại tốt đẹp hơn” và cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu



 “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” và cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu

Tác giả: KÝ THIỆT

Ngày 28 tháng 10 vừa qua, vài giờ trước chuyến bay sang Âu Châu tham dự cuộc họp thượng đỉnh tại Glasgow, Tô-Cách-Lan, về thay đổi khí hậu, được gọi tắt là COP26, Tổng thống Joe Biden đã phải bận rộn thuyết phục các dân biểu đảng Dân Chủ ở Hạ Viện hậu thuẫn cho khung chính sách được gọi là “ Build Back Better” (Xây dựng lại tốt đẹp hơn).

Khung chính sách “Build Back Better” là một dự luật ngân sách được cắt giảm từ 3.5 ngàn tỉ đô-la xuống 1.75 ngàn tỉ đô-la sau mấy tháng giàn xếp những chống đối trong nội bộ đảng, trong đó gồm 500 tỉ đô-la ưu tiên dành cho khí hậu như xe hơi điện và năng lượng mặt trời trên nóc nhà.

Trước khi lên đường, ông Biden nói trong một bài lên tiếng qua truyền hình, xin tạm dịch như sau: “Cái khung chính sách này cũng làm một sự đầu tư có ý nghĩa nhất chưa từng thấy nhằm giải quyết sự khủng hoảng khí hậu... vượt qua bất cứ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới, với sự cắt giảm hơn một tỉ tấn khí độc phế thải, ít nhất mười lần lớn hơn ngân sách nào về khí hậu đã được thông qua trước đây.

Nhưng, vào buổi tối hôm 28 tháng 10, rõ ràng sự chia rẽ vẫn còn nguyên, và không đạt được một thỏa hiệp trong nội bộ, ông Biden sẽ xuất hiện tại Glasgow với hai bàn tay không. Điều đó sẽ đưa đến sự nghi ngờ nghiêm chỉnh về khả năng của tổng thống Hoa Kỳ để thực hiện lời cam kết của ông sẽ rút giảm khí thải từ 50% tới 52% vào năm 2030 và thực hiện sáng kiến của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc đã trở thành câu chuyện chỉ nói và không hành động.

Trước đây, kế hoạch của ông Biden là sẽ đánh dấu sự trở lại huy hoàng của Hoa Kỳ trong tư cách lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow với thỏa hiệp về năng lượng xanh trong tay, nâng cao uy tín của ông tổng thống Hoa Kỳ trên sân khấu thế giới.

Bây giờ, cho dù các nhà lập pháp tai Quốc Hội Hoa Kỳ có thể đi tới một thỏa hiệp trước ngày thứ hai, 1 tháng 11, ngày ông Biden xuất hiện tại Glasgow, Tổng thống Biden cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác.

Theo tờ Washington Times, sau khi ông Biden cam kết sẽ hạ giảm khí thải của Hoa Kỳ trong thời gian ngắn hơn một thập niên, giá xăng dầu đang tăng vọt. Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã gây ra sự tồn đọng trong nhu cầu về than và khí đốt, làm phát sinh sự chống đối ở trong nước đối với những quyết định của ông tổng thống về việc cắt giảm năng lượng hóa thạch bằng cách hủy bỏ đường ống dẫn đầu Keystone XL và hạn chế việc khoan tìm dầu trên đất công.

Nghị sĩ John Barrasso, Cộng Hòa – Wyoming, nói rằng ông ta nghĩ ông Biden xuống nước thỉnh cầu tại Quốc Hội vào phút chót trước khi lên đường trông “yếu – sự yếu đuối của ông già cân nặng 89 pound”. Ông Barrasso nói với Fox News: “Tôi nghĩ ông Biden tới Glasgow để phất lá cờ trắng đầu hàng của nước Mỹ áp đảo về năng lượng và thịnh vượng để trở thành một nước lệ thuộc về năng lượng và suy yếu về năng lượng. Đó là do những chính sách của chánh quyền này.

Trái lại, John Podesta, người sáng lập và chủ tịch hội đồng quản trị của “Center for American Progress”, đã hoan nghênh sự sự kêu gọi của ông tổng thống để có sự thỏa hiệp trong nội bộ. Ông ta nói trong một bản tuyên bố: “Tôi hoan nghênh chánh quyền và những người tại Quốc Hội đã làm việc không mỏi mệt để hoàn tất việc này trước hội nghị về khí hậu toàn cầu tại Glasgow vào tuần tới. Khung chính sách của ngày hôm nay ghi dấu khả năng hành động quan trọng nhất chưa từng có cho hành tinh của chúng ta và tương lai chúng ta.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thì đã cảnh cáo các dân biểu đảng Dân Chủ đừng “làm phiền” ông Biden trước cuộc xuất ngoại công du của ông.

Nên nhắc lại, Thỏa Hiệp Paris về khí hậu đã được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2015 ở Paris, theo đó dự trù giới hạn sự tăng cao của nhiệt độ toàn cầu ở mức 2.7 độ Fahrenheit bằng cách hạ giảm khí thải (greenhouse gas emissions).

Thượng Viện Hoa Kỳ đã không phê chuẩn Thỏa Hiệp Paris. Và, Tổng thống Obama đã ký hiệp định này bằng một sắc lệnh hành chánh năm 2016. Nhưng, hai năm sau, Tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi thỏa hiệp này, cáo buộc nó không công bằng và bất lợi cho Hoa Kỳ. Tổng thống Biden lại tái gia nhập sau khi đắc cử vào Tòa Bạch Ốc.

Hơn 190 quốc gia đã ký thỏa hiệp này. Tuy nhiên, sau sáu năm, hầu hết các quốc gia đã không thi hành nghĩa vụ của họ. Tám trong nhóm 20 quốc gia kỹ nghệ và trở thành quốc gia theo kinh tế thị trường, trong đó Trung Cộng và Nga, đang trên đường sản xuất khí thải nhiều hơn vào năm 2030, so với năm 2010, theo phúc trình gần đây của Liên Hiệp Quốc.

Hơn thế nữa, các quốc gia giàu có chưa thực hiện lời cam kết đóng góp 100 tỉ đô-la mỗi năm để giúp những nước đang phát triển chuyển đổi thành năng lượng xanh nhân danh cuộc chiến đấu chống lại sự thay đổi khí hậu.

Cả Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không trù liệu tham dự COP26. Nữ Hoàng Anh Elizabeth đã rút tên khỏi cuộc họp thượng đỉnh theo lời khuyên của bác sĩ riêng. Thái tử Charles sẽ phát biểu trong lễ khai mạc.

James Taylor, chủ tịch Heartland Institute, nói rằng ông Biden có thể đánh mất sự kính nể của những lãnh tụ cứng rắn như Tập Cận Bình và Vladimir Putin một khi coi khí hậu là vấn đề chính yếu của ông ta. Ông Taylor giải thích:

Phần còn lại của thế giới, vì tất cả tính chất đạo lý của vấn đề khí hậu thay đổi, người ta hiểu rằng có những vấn quan trọng hơn nhiều, và nếu chính quyền Biden và cá nhân Joe Biden đầu tư quá nhiều cho đề tài này, việc đó sẽ lấy đi trọng lượng của chức vụ tổng thống Mỹ và Joe Biden.

Ngồi họp với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu cho ông Biden một cơ hội để đánh bóng hình ảnh của mình sau cuộc rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan một cách tồi tệ. Nile Gardiner, giám đốc Margaret Thatcher Center for Freedom của Heritage Foundation, nói rằng cuộc rút quân ấy đã tạo ra những “căng thẳng kinh khủng”. Ông ta nói:

Tôi nghĩ rõ ràng việc này là một đại họa cho Hoa Kỳ bởi vì nhiệm kỳ tổng thống của Biden đã rơi vào ngọn lửa trên sân khấu thế giới vài tháng sau. Đây là thời gian của một đại họa tuyệt đối cho hình ảnh của Hoa Kỳ trên sân khấu thế giới tiếp theo sau sự thất thủ của Kabul và sự thất thủ của Afghanistan.

Ông ta nói thêm rằng sự thiếu đoàn kết giữa các dân biểu đảng Dân Chủ và phản ứng thấy trước trong những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 đã đóng góp vào ý niệm ở hải ngoại rằng ông Biden “trên thực tế đã là một con vịt què”.

Nhưng, theo tin Reuter giờ chót thì hôm chủ nhật ngày 31 tháng 10 tại Rome, Tổng thống Joe Biden đã cho biết dự luật “Build Back Better” của ông sẽ được đưa ra Hạ Viện Hoa Kỳ để bỏ phiếu “vào lúc nào đó trong tuần này” và ông tin rằng luật này với gần 2 ngàn tỉ đô-la tiền thuế và chi tiêu sẽ giúp xây dựng lại nền kinh tế Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng do Covid-19, vì đó là “ý‎ muốn của Thượng Đế” (God willing).

Ông Biden tự nhận là một con chiên thuần thành nhưng ủng hộ “quyền phá thai” của phụ nữ. Nhân chuyến sang Âu Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu năm nay, ông Biden được sắp xếp để gặp Giáo Hoàng Francis tại Rome vào ngày 29 tháng 10.

Giáo Hoàng Francis là một người cực tả ủng hộ vấn đề khí hậu thay đổi nên cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Mỹ Biden và Giáo Hoàng về một nghị trình xã hội chủ nghĩa đã được sắp xếp để làm thành một tin lớn.

Nhưng một ngày trước khi ông Biden gặp Giáo Hoàng, Vatican loan báo đã hủy bỏ trực tiếp truyền hình cuộc gặp này.

Có lẽ Vatican muốn làm một đặc ân cho ông Biden và những người “chăm lo” cho ông không muốn thấy ông tổng thống được trực tiếp truyền hình, không phải qua video đã được cắt xén những đoạn bất lợi, không muốn cho khán giả thấy.

Sự suy nhược nhận thức của ông Biden không còn là điều bí mật hay chuyện mới lạ. Ông thường hay tự gây rắc rối cho mình với những câu nói kỳ cục, hay lầm lẫn, nhất là những lúc ở bên ngoài Tòa Bạch Ốc mà không ai có thể phụ giúp để trông ông có vẻ bình thường hơn và là người có khả năng để giữ chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.

Chắc ông Biden và những người chăm lo cho ông cũng... mừng về chuyện Vatican đã hủy bỏ việc trực tiếp truyền hình.

Trở lại với dự luật “Build Back Better” mà ông Biden nói là “Ý muốn của Thượng Đế”.

Ý muốn của Thượng Đế không chứng minh được, nhưng ý dân thì có thể biết. Một poll của NBC News phổ biến hôm chủ nhật 31 tháng 10 cho thấy tỉ số chấp thuận trong dân Mỹ đối với việc làm của TT Biden đang trên đường tuột giốc trong khi ông vật lộn với giá xăng dầu tăng vọt, lạm phát phi mã, biên giới hỗn loạn, sự khan hiếm lao động và hàng hóa trước những ngày lễ tết cuối năm, cộng với cuộc rút quân tệ hại ra khỏi Afghanistan.

Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 23 tới 26 tháng 10 cho thấy 42% dân Mỹ trưởng thành chấp thuận những việc ông tổng thống làm và 54% không chấp thuận.

Những con số trên đây đã nói lên sự sụt giảm lớn bắt đầu từ tháng 8, khi ý dân chia đôi 49% và 48% về những việc làm của ông tổng thổng tại Tòa Bạch Ốc. Trong tháng 4, ông được 53% chấp thuận và 39% không chấp thuận.

Những con số “poll” của ông Biden đang đi xuống trong mọi thăm dò, làm nổi bật nhu cầu của hành pháp là gặt hái một chiến thắng tại Quốc Hội để đánh bóng hình ảnh đang lu mờ của ông ta.

Ngày 28 tháng10 tại Quốc Hội, ông Biden đã đặt uy tin của ông trong rủi ro của canh bạc chính trị bằng cách loan báo một khung chính sách dung hòa, cắt giảm phân nửa con số 3.5 ngàn tỉ đô-la của dự luật “Xây dựng lại tốt dẹp hơn” mà ông đề nghị lúc đầu.

Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg, Dân Chủ - Indiana, phát biểu trên CNN: “Hãy xem, chúng tôi đang ở chỗ gần nhất chưa bao giờ có, và tổng thống tin tưởng rằng cái khung chính sách này sẽ được Hạ Viện và Thượng Viện thông qua và được để trên bàn giấy của tổng thống để ký tên. Và lý do ‘you’ nghe được sự cấp bách về phần ông ấy, đây không phải chỉ là chính trị. Đây là đất nước cần cái này.

Bộ trưởng Năng Lượng Jennifer Granholm xuất hiện trên “Meet the Press” của NBC hôm chủ nhật, 31 tháng 10, đã chỉ cho thấy 98 thành viên của “Congressional Progressive Caucus” đã chấp nhận “gói” khung chính sách không bao lâu sau khi được loan báo. Và bây giờ ông ấy có thể nói, ông có thể đi tới những người Cộng Hòa, tới Glasgow, và nói rằng ông đã có sự nhất trí 100% trong nhóm dân biểu Dân Chủ tại Hạ Viện. Và, như vậy là thực sự đem mọi người lại với cái nghị trình này.”

Nhưng phe cực tả trong đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ cái “gói” ngân sách “trên nguyên tắc”, không có nghĩa là họ đồng ý không tu sửa ít nhiều.

Dân biểu Ro Khanna, Dân Chủ - California, cũng nói: “Chúng tôi đang làm việc để thêm vài điều vào. Tôi muốn nói sự điều đình đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể có một cuộc bỏ phiếu vào ngày thứ ba.

Ngày thứ hai, 1 tháng 11, lên tiếng tại Quốc Hội, Nghị sĩ Joe Manchin, Dân Chủ - West Virginia, cho biết ông không thể ủng hộ dự luật “Build Back Better” đã sửa đổi nhưng còn chứa đựng nhiều phần của sách lược nội địa do Tổng thống Biden đưa ra và yêu cầu phe cấp tiến tại Hạ Viện hãy ngưng ngăn cản một thỏa hiệp lưỡng đảng về hạ tầng cơ sở. Ông Manchin nói rõ rằng ông không thể hậu thuẫn hoàn toàn cái khung chính sách của ‘Build Back Better” do Tòa Bach Ốc phổ biến tuần trước cho đến khi nào những ảnh hưởng của nó trên lạm phát, thâm thủng và thuế vụ được nghiên cứu đầy đủ hơn. Ông nói: “Đây không phải là cách mà Quốc Hội Hoa Kỳ nên điều hành, hay theo quan điểm của tôi, đã điều hành trong quá khứ. Những trò chơi chính trị cần phải chấm dứt."

Hạ viện dự trù tổ chức bỏ phiếu cho cả hạ tầng cơ sở và “gói” ngân sách vào ngày thứ ba, 2 tháng 11, nhưng phát biểu của ông Manchin có thể lại làm chậm thủ tục nếu có đủ dân biểu cảm thấy thông qua thỏa hiệp về hạ tầng cơ sở sẽ đưa đến hậu quả là dư luật Build Back Better sẽ không thể thông qua.

Lập trường của Manchin về “Build Back Better” đã tiếp tục là vấn đề cho Tổng thống Biden trong khi ông cố thông qua sách lược của mình. Tháng trước, trong khi ông Biden chuẩn bị lên đường tham dự cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu tại Glasgow, Manchin khai tử một điều khoản hệ trọng về năng lượng sạch trong dự luật. Ông tổng thống đã nói đi nói lại nhiền lần rằng để Sinema và Manchin ra một bên, phe Dân Chủ sẵn sàng bỏ phiếu cho Build Back Better.

Trong khi Nghị sĩ Manchin viện dẫn quan ngại về sự thâm thủng ngân sách liên bang như một lý do khiến ông ta dè dặt đối với dự luật ngân sách quá lớn, Sở Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office) báo cáo rằng cái hạ tầng cơ sở lưỡng đảng thỏa hiệp mà ông đã điều đình sẽ thêm 256 tỉ đô-la vào sự thâm thủng. Vậy mà ông Biden và các ông bà lớn của đảng Dân Chủ bảo “Build Back Better” không lấy của dân Mỹ xu nào.

“Build Back Better” hay... Build Back BANKRUPT?

Siêu cường Hoa Kỳ đang đi về đâu?

KÝ THIỆT

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025