CHIẾN TRANH - THÂN PHẬN - TÌNH YÊU * NGÀY ĐẦU GẶP CON

 CHIẾN TRANH - THÂN PHẬN - TÌNH YÊU

Nguyễn Tường Tuấn

NGÀY ĐẦU GẶP CON

Tâm tình Tác giả:

Xin giới thiệu cùng quý ACE, một chương trong tác phẩm "Chiến tranh - Thân phận - Tình yêu" sẽ xuất bản vào tháng 5/2022. Câu chuyện thật của một tên lính VNCH trải qua nhiều trại tù cộng sản, vượt ngục ba lần, về bên người vợ trẻ một lòng chung thuỷ, yêu thương người ngã ngựa.

 Tác giả rất hân hạnh nếu được đón nhận những lời nhận xét của ACE. Xin vui lòng e-Mail trực tiếp theo địa chỉ: "rabienlon55@gmail.com" chúng tôi sẽ hồi âm nhanh chóng.

 Thân chúc bình an trong lời cầu nguyện. Chúng ta hẹn nhau tại Sài Gòn một ngày không xa.

 tuấn

<0><0><0>

 

Con trai đầu lòng, nhiều lần con ngỏ ý, bố nên viết về cuộc đời và gia đình mình, sau này chúng con còn chút gì để nhớ! Ý tưởng rất thú vị, bố đã suy nghĩ nhiều về chuyện này. Không phải là một văn sĩ, nhưng trái tim nồng ấm, yêu thương sẽ giúp bố. Con rất đúng, bố cần phải viết, trước khi khối óc mình về hưu, chẳng gì cũng đã trên 70! Quỹ thời gian như tiền để ngân hàng, chỉ có rút ra nhưng không hề được gửi thêm vào! 

Niềm hãnh diện lớn nhất bố có được là mẹ con! Cả cuộc đời bố đầy gian nan, vất vả, có lẽ vì thế nên Thượng Đế đã ban cho bố người thiếu nữ sinh đẹp, sau này trở thành mẹ của con. Cái may mắn và hạnh phúc của bố, ẩn mình trong nỗi đau khổ của mẹ! Không biết có phải Ngài đã chia sẻ gánh nặng trên vai bố cho mẹ không? Nhưng, “Sự gì Thiên Chúa đã sắp đặt, loài người không thể phân chia”. Mẹ đã gánh hơn một nửa nỗi bất hạnh của bố, và trong thiếu thốn, đau khổ con ra đời lại thêm một phần nữa trên đôi vai tuổi 21. Bố con chúng ta mang ơn mẹ đã cho gia đình mình sự sống, đến từ chính máu và thịt của mẹ con. Người đã cho bố tình yêu sưởi ấm những ngày tháng tù đầy, cho bố can đảm với ba lần vượt ngục, cho bố niềm tin để đưa gia đình vượt muôn ngàn sóng gió đến bến bờ tự do.

 

Photo – NTT 1976 – Mẹ và con. 

Con trai đầu lòng của bố mẹ, mai này dù có ra sao đi nữa, giầu sang hay nghèo khó, con luôn nhớ rằng mẹ đã cho con tất cả, tương lai, sự nghiệp và chính máu xương của người. Mẹ ở vị trí cao quý hơn bố rất nhiều, mẹ có thể hy sinh mọi điều cho con, kể cả sự sống của người. Con đừng bao giờ vô lễ với mẹ, chỉ cần một lời nói, một hành động làm mẹ buồn, con đã lấy đi nhiều ngày sống còn lại của bố trên trần gian. Bài học này, bố học từ bà nội và bà ngoại của con. Đa số phụ nữ Việt Nam có những đức tính tuyệt vời: Trung thành trong gian khổ - Yêu thương ngay cả khi bị phụ bạc - Tha thứ với trái tim độ lượng. Bố sẽ kể cho con những chặng đường gian khổ mẹ đi qua. Người chiến binh VNCH bị giam giữ trong tù, cùng lúc đó hằng trăm ngàn vợ lính, một lòng chung thủy gạt nước mắt nuôi con. Cuộc chiến cam go gấp ngàn lần người ở tù, vợ lính VNCH phải đương đầu với trăm ngàn thử thách, cám dỗ, đe doạ ... Sống với tâm trạng lúc nào cũng có thể đi tù đòi hỏi một thần kinh thép! Đã vào tù rồi, chẳng còn gì để sợ, để lo, người tù có hai chọn lựa đơn giản: Chấp nhận số phận, hay toan tính thay đổi, đỡ căng thẳng hơn rất nhiều con ạ. 

Khác với hai em, con sinh ra trong đau khổ tột cùng, tuổi thơ của con là “địa ngục” đau thương gấp vạn lần bố mẹ. Con cũng từng là nạn nhân của chế độ cộng sản Việt Nam ngay từ trong bụng mẹ, nỗi kém may mắn và cơ cực cuộc đời con đến từ đó. Một mầm sống, hãnh diện vươn lên trong khó khăn, gian khổ. Cám ơn Thượng Đế, con còn quá bé bỏng để biết nỗi bất hạnh của mình, cám ơn mẹ đã hy sinh, gạt nước mắt trong đêm để bảo bọc con, trong những  năm tháng tù tội của bố. Vừa nuôi con trong tận cùng thiếu thốn, đơn thân một mình, mẹ phải chống cự với bầy lang thú, những kẻ nửa người nửa ngợm, pha chút đười ươi, vênh vang trong chiến thắng! Có những lần phải để con bé bỏng ở nhà ông bà và mẹ đi cầy sâu cuốc bẫm vài ngày, chúng gọi là “lao động xã hội chủ nghĩa.” Rồi những đêm, vừa đưa con vào giấc ngủ xong, mẹ phải thức khuya, nặn óc viết bản “tự khai lý lịch.” Kê khai ba đời dòng họ hai bên, dù ông bà đã khuất núi, vẫn phải khai rõ người chết khi còn sống làm gì? Bản tự khai lý lịch chính là đòn tra tấn tâm lý dã man nhất, các chiến binh VNCH đã từng trải qua trong trại tù! Con ơi! Viết thế nào cộng sản cũng cho là chưa thành thật, chúng bắt viết đi, viết lại vài chục lần, nếu ai đó bị chúng phạt biệt giam, sẽ có màn nửa đêm đánh thức dậy khai lý lịch. Không cho ngủ yên giấc, khiến thần kinh căng thẳng, trong cơn khủng hoảng, nhiều người đẻ ra những tội mình chưa bao giờ phạm, viết lên giấy. Thế là xong, tự mình kết tội mình, mục tiêu của người cộng sản không phải là tìm ra sự thật, điều họ muốn là chúng ta phải có tội, không có thì đẻ ra, cho đến chừng nào họ hài lòng! Một xã hội ai cũng có tội với cách mạng, đấy chính là mô hình xã hội chủ nghĩa chân chính! 

Trại tù Long Giao nằm cách Sài Gòn 80 km, khoảng đường không xa so với phương tiện bây giờ. Nhưng Việt Nam năm 1976, thì đúng là hành trình dài thiên thu. Rời Sài Gòn lúc 03:00 sáng đến Long Khánh gần trưa! Dưới ánh sáng tăm tối của chủ nghĩa xã hội, cuộc sống người dân miền Nam thay đổi 180 độ. Trước đây, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, dân chúng đi từ tỉnh này qua tỉnh kia bằng những chiếc xe bus lớn, người dân thường gọi là “xe đò” chạy bằng xăng, lịch sự, nhanh chóng. Hồ Chí Minh và đảng ta đi lùi gần một thế kỷ, xe dùng xăng không còn nữa, thay vào đó là chạy bằng than, khói bay mù mịt như xe hoả thời xa xưa (Hình chụp bên phải, ở dưới, là một chiếc xe đò chạy bằng than ở miền Nam Việt Nam, sau năm 1975. Bình than khổng lồ gắn ngay sau xe, khi chạy than rơi vãi, cháy đỏ trên mặt đường.) Không còn cảnh ngồi trong xe nhìn những cánh rừng cao su ngút ngàn hai bên đường, hành khách đến nơi, mặt mũi, quần áo, ai cũng bám đầy khói than. Con cứ hỏi mẹ sẽ rõ, đảng cộng sản đã nhuộm đen cả nước, từ thể xác đến tinh thần trong một sớm, một chiều! Văn minh giật lùi! 

 

Photo: Google – Xe đò Sài Gòn – Biên Hoà – Long Khánh - Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Photo: Google – Chiếc xe đò chạy bằng than, sau năm 1975 – Bình than gắn sau xe.
 

Long Giao trước đây là Trung tâm Huấn luyện của Sư đoàn 18 Bộ binh, Việt Nam Cộng Hoà, nằm trên Tỉnh lộ từ ngã ba Tân Phong (Quốc lộ 1) đi Bình Giã, thuộc tỉnh Phước Tuy VNCH (hiện nay thuộc Huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.) Sau ngày mất nước 30/4/1975, cộng sản Bắc Việt dùng làm trại giam những sĩ quan VNCH. Căn cứ rất lớn, bố không biết có bao nhiêu tù nhân bị giam tại đó, có thể từ 10,000 đến hơn 20,000 người cũng không lạ. Cộng sản chia người tù sĩ quan thành từng đơn vị, chúng đặt tên riêng, bố thuộc (L1 T1.) Đây là trại giam thứ hai Bố được chuyển đến, sau Trảng Lớn tại Tây Ninh. Cũng từ Long Giao, tù nhân được gặp gia đình sau hơn một năm xa cách, chẳng nhân đạo gì hết, tình trạng “Đói” trở thành thảm kịch trong tù, và cộng sản muốn gia đình phải nuôi tù, cứu đói. Khi mẹ lên thăm, bố mới biết không phải chỉ có tù, mà cả nước đều “Đói”, bo bo khoai mì ăn thay cơm! 

Xa mẹ vào khoảng từ Thứ sáu 13 đến Thứ hai 16 tháng 6 năm 1975, nếu nhớ không lầm, bố trình diện vào ngày chót của thông báo (16/6/75) theo lệnh trình diện học tập 10 ngày của cộng sản. Đến hôm mẹ lên thăm, vào tháng 9/1976, hơn một năm sau, lúc đó con mới được bẩy tháng tuổi! Trước khi thân nhân được gặp, cộng sản cho mỗi người tù viết thư về nhà, riêng về luật viết thư này lạ vô cùng, trần gian có một. 

+ Người tù được phát một bao thư, không có giấy viết. Tù nhân chỉ được viết trên phần nắp bao thư, nơi sẽ dán lại. Chúa ơi, con thử nghĩ đến diện tích hình tam giác nhỏ bé của chiếc nắp bao thư thì biết tấm lòng người cộng sản rộng rãi cỡ nào? Hơn một năm tù, biệt vô âm tín, không toà án, không luật sư, và cấm không được gọi mình là “tù”. Tất cả chỉ là “cải tạo” người cộng sản ngu dốt trên nhiều lĩnh vực, vô văn hoá khắp mọi nơi, nhưng nghệ thuật đánh lừa về ngôn ngữ, bọn chúng là bậc thầy. 

+ Cấm tuyệt đối không được nói xấu cách mạng, không được than vãn khổ cực. Cho phép xin lương thực, nhưng không được quá 2 kg. Nói xấu cách mạng? Bố qua mặt dễ như chơi, trong khuôn khổ nhỏ bé hình tam giác, bố viết: “Em và con hãy yên tâm, anh khoẻ mạnh như anh Minh” ngắn gọn thế thôi, trong gia đình mình, ai cũng biết bác Minh gầy gò, ốm yếu! Lúc này, bố cùng lắm chỉ cân nặng khoảng 35 kg, vừa trải qua một trận phù thủng (Edema), hai chân sưng húp và phải chống gậy ở tuổi 26! Trại tù cải tạo cộng sản là trung tâm hủy hoại nhan sắc hiệu quả nhất trần gian. 

Thư không được dán lại, để cai tù đọc và kiểm duyệt. Ai vi phạm, sẽ bị vất thư đi và không thăm viếng. Tên tù nào không muốn gặp vợ con, gia đình? 

Ngày “thăm nuôi” rồi cũng đến, hai chữ cộng sản dùng phải hiểu theo nghĩa, “thăm” chỉ là phụ vì mỗi tù nhân chỉ có 15 phút gặp gia đình, vợ chồng, cha mẹ, không được ngồi gần tù nhân, một chiếc bàn gỗ bề ngang hơn một thước ngăn đôi hai bên. Tên cai tù ngồi ngay đầu bàn, nghe từng câu đối thoại của tù nhân với gia đình, và mắt chúng chăm chú vào giỏ đựng quà, đa số là thức ăn đã sấy khô có thể để dành trong nhiều ngày. “Nuôi” mới là chính con ạ, nếu mẹ con và gia đình không hy sinh, mua cho ít thực phẩm và thuốc tây, không dễ gì bố còn sống đến hôm nay! Sau này mới biết, để có một giỏ quà cho bố, mẹ đã phải bán hết những thứ gia đình mình có, kể cả gom góp những tờ báo cũ bán ve chai! Con ơi, mới có hơn một năm mà nhẫn cưới của bố mẹ, những bộ quần áo đẹp năm xưa, áo cưới ... tất cả đã khăn gói ra đi. Đó là lý do cho đến ngày hôm nay, bố mẹ nhất định không mua một chiếc nhẫn cưới nào khác. Không gì có thể thay thế chiếc nhẫn đã được Cha làm phép trước bàn thờ Chúa, và bố mẹ cùng hứa sẽ ở bên nhau trong lúc vui cũng như khi buồn.

Chính sách của cộng sản là giết lần giết mòn người tù binh qua bỏ đói! Một bao gạo mốc Trung cộng phát cho (gạo thừa sau chiến tranh?) khoảng trên 200 người ăn trong một ngày, nói là bao được 100 kg, nhưng thật ra, sâu mọt ăn hết, may ra còn lại trên dưới 60 kg, cứ thế mà nấu cơm cho hai bữa. Thức ăn có một ít rau muống do tù trồng, làm thành canh với muối! Một năm, nghe rõ nhé, một năm vào dịp Tết Nguyên Đán, tù nhân sẽ được thêm hai miếng thịt heo bằng hai đốt ngón tay, trong ba ngày đầu năm. Nói cho khỏi oan nhà nước, thỉnh thoảng, cũng có ngày được ăn thịt, nếu heo trại nuôi chết, không cần biết chết vì bệnh dịch hay lý do gì! Một con heo đi theo bác, mấy trăm thằng tù có thêm chút protein! Với thực đơn như vậy, người tù còn sống được, ra thăm thân nhân 15 phút là phước ông bà để lại. 

“Đói” là phương cách hiệu nghiệm nhất, cộng sản Việt Nam dùng để tiêu diệt kẻ cựu thù! Bố nghe ông bà kể, năm 1945 gia đình chúng ta ở ngoài Bắc, có những sáng mở cửa ra đường, đã thấy xác người nằm ngay trước cửa nhà! Ba mươi năm sau,1975 nơi trại tù tại miền Nam, cộng sản Bắc Việt đã tái diễn lại thảm cảnh này. Tại trại tù Trảng Lớn, Tây Ninh, cùng đội tù với bố, có một sĩ quan Hải quân VNCH, anh to lớn, đẹp trai, và cũng là một trong những lực sĩ đẹp nổi tiếng, tên được biết nhiều nhất là “Kiến càng.” Lực sĩ “Kiến càng” khi nhập trại với những bắp thịt cuồn cuộn, ngực nở săn chắc, bụng sáu múi, dĩ nhiên là thần tượng của nhiều người. Chỉ cần hai tháng trong tù, không ai còn nhận ra. Anh trở thành “Kiến bò” một thân xác khô cằn, chống gậy! Sở dĩ một hai tháng đầu tù tội, mọi người còn cầm cự được nhờ vào chút thực phẩm, thuốc men mang theo, và cơ thể vẫn còn sức sống của người miền Nam. 

“Đói” là phương thuốc giảm cân nhanh nhất, không những thế, nó còn khiến con người suy sụp về tinh thần, sức đề kháng của cơ thể xuống đến mức Zero, thân xác trở thành môi trường hấp dẫn cho bệnh tật. Phù thủng, tấn công đầu tiên, vì thiếu vitamin B1, đa số sĩ quan cấp uý trong trại tù thuộc lứa tuổi trên dưới 30 không hơn, một buổi sáng tỉnh dậy thấy hai chân mình sưng lớn lên, đi không được, thế là các cụ tuổi 30 thi nhau tìm gậy để chống. Sau bệnh Phù thủng là đến Ghẻ, ghẻ khắp nơi như trăm hoa đua nở! Cũng may, bố của con không dính ghẻ, có lẽ vì trước đây là lính tác chiến, băng rừng lội suối, quần áo, giầy trận ướt sũng vì lội suối, ẩm ướt, bốc mùi nên da thịt cũng quen. Các sĩ quan văn phòng, sức chịu đựng kém hơn trở thành trung tâm lây nhiễm mọi thứ bệnh! Mỗi ngày cuối tuần không phải đi lao động, nhìn ra sân trước phòng giam, từng nhóm người phơi nắng, ngồi gãi ghẻ đến chẩy máu khắp thân, tốp khác thì bắt ghẻ cho nhau, còn tệ hơn khỉ ngồi bắt chí trong sở thú! Chẳng mắc cở, có anh cởi cả quần với cây kim, chăm chỉ cậy ghẻ ngay bác Hồ! Đúng là Chủ tịch HCM sống mãi trong quần chúng ta! 

“Đói” không tha một ai! Ngày còn ở trại tù đầu tiên, Trảng Lớn, Tây Ninh, cùng trong tổ tù với bố là Bác sĩ Dũng, Nhẩy dù, ông này người Bắc, còn trẻ, thấp và tròn trĩnh, là người đầu tiên mở màn cho phong trào săn chuột! Mới đầu nhiều người sợ ăn thịt chuột lắm, nào có phải loại chuột đồng ăn lúa đâu? Chuột chù con nào con ấy to bằng hai nắm tay chụm lại, và hôi khủng khiếp. Anh Dũng nói: “Thịt chuột là protein, mình chỉ cần bỏ hết tim gan phèo phổi, và bốn cái hạch nhỏ nơi chân chúng, là ăn được.” Cám ơn Bác sĩ Dũng, anh là người đầu tiên săn chuột, nướng thịt thơm phức, và từ đó trở đi, tại trại giam một cuộc tranh giành sự sống giữa người và chuột xẩy ra, người thắng. 

Cũng từ giây phút đó, có một luật không thành văn, bất kể con vật nào nhúc nhích đều không được sống trong thế giới tù! Thậm chí, khi được phân chia công việc, bổ củi cho nhà bếp, trong thân củi có một con sâu bò ra, sẽ nhanh chóng bị người tù ném vào than bếp trong vài giây, và lễ an táng cuối cùng nằm trong bụng người tù! Anh Dũng chia cho miếng thịt chuột nướng, sau bao nhiêu tháng trời chỉ có cơm gạo mốc với nước muối và vài cọng rau muống, đúng là một đại tiệc. Lính Trinh sát có thể sống trong rừng với kinh nghiệm mưu sinh thoát hiểm, nhưng trong trại tù, ngoại trừ những luống rau do mình trồng, còn lại là sắt, kẽm, vỏ đạn, bao cát cũ, toàn là những thứ không thể ăn được! Chính vì thế, ở nơi đây, chuột và người không thể sống chung với nhau! Nói rõ hơn, người không chấp nhận sống chung với bất cứ con vật nào nhúc nhích! Trừ bầy dòi bọ trong hầm phân! 

“Đói” còn mang thêm bệnh “Tâm thần!” Mất niềm tin vào tương lai, có người treo cổ tự tử, anh khác chẳng hiểu tìm đâu ra quả lựu đạn, vào một lô cốt bỏ hoang tự sát! Cũng tại Trảng Lớn, trong đội tù có anh sĩ quan ngành Quân vận, tên Định, người nhỏ bé, nước da ngâm đen với khuôn mặt râu mọc lởm chởm. Định trở nên điên khùng, không ai biết là điên thật hay giả? Anh mặc vào người tất cả quần áo mang theo, vài ba cái quần, vài ba cái áo. Khi cai tù hỏi, sao anh mặc nhiều quần áo thế? Định trả lời, “Đụ mẹ, tao đéo tin Việt Cộng, tụi nó hay ăn cắp lắm!” Cũng may, trại Trảng Lớn do quân đội Bắc Việt trông coi, đỡ tàn ác hơn khi chuyển qua trại do Công an phụ trách! Người coi đội tù của bố ở Trảng Lớn tên là Tứ, không rõ cấp bậc, nhưng chắc cũng là sĩ quan. Tứ khoảng trên 40, người miền Trung, hiền và không bao giờ hống hách với những sĩ quan tù nhân. Có lẽ nhờ Tứ nên Trung uý Định nhà ta thoải mái chửi bới. 

Bố còn nhớ, lần đầu tiên cộng sản bắt nguyên một tiểu đoàn tù vào học chính trị. Khoảng hơn 2,000 người ngồi trong một hội trường lớn do chính tù xây cất trong mấy tháng. Tù nhân mang theo chiếc ghế nhỏ, tự đóng bằng ba miếng gỗ, cao hơn mặt đất một gang tay, kiểu ghế ngày xưa các bà ngồi làm bếp. Bục giảng trên cao, một cán bộ chính trị cộng sản nói như con vẹt về tội ác Mỹ ngụy và công lao bác Hồ ... Bất ngờ, trong hơn 2,000 người ngồi dưới, có tiếng chửi thề thật lớn: “Đụ mẹ, chúng mày xạo không à! Hồ chủ tịch là thằng con cặc nào? Tao chỉ biết có một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thôi!” Tiếng nói đó không ai khác là Định! Vệ binh vào lôi Định ra khỏi phòng, anh không chút sợ hãi, cười như em bé ngây thơ! Định bị biệt giam trong conex. Sau này bố đổi từ trại Trảng Lớn lên Long Giao, không biết số phận Định như thế nào? Hình dưới đây, là một lớp học trong trại tù, đừng quên cộng sản rất cẩn thận trong tuyên truyền, không một hình ảnh nào trong tù thoát ra ngoài nếu không được chúng cho phép. Bức ảnh dưới đây, được chụp do một phái đoàn quốc tế đến thăm, dĩ nhiên là dàn cảnh khá nhiều, nhưng cũng hơi giống một lớp thật. Khác một điều, ở lớp thật sự, tù nhân ăn mặc rách rưới, không giống ai. Thân xác ốm yếu vì “Đói” và không làm gì có cảnh mọi người chăm chú nghe giảng! Cái Tết đầu tiên trong tù là ở Trảng Lớn, và thời gian này không hề có thăm nuôi! 

 

 Photo: Flickr 

Cho đến khi, bố chuyển trại từ Trảng Lớn, Tây Ninh, lên Long Giao, Long Khánh. Trại tù Long Giao thời gian đó vẫn do quân đội cộng sản trông coi. Về trình độ giảng viên cộng sản, phải nói là ngoài sức tưởng tượng, họ nói ngọng líu ngọng lo, chữ (L) đọc thành (N), nhưng tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản là thật 100%, vì tất cả bị nhồi sọ ngay từ tuổi ấu thơ! Mỗi người cs là một cái máy thu âm, hễ mở ra là phát thanh cùng một bản, không thêm, không bớt! Trong thế giới đó, con người mất hẳn nhân tính! Đáng sợ thật! Nói đúng hơn, khối óc người cộng sản thuộc loại ít dùng nhất, ít suy nghĩ nhất, chỉ có một nhúm chữ do đảng nhét vào, còn lại là tha hồ ngủ đông! Cái gì ít dùng thì dễ bị hư hỏng! Đất nước Việt Nam hôm nay đi sau thế giới vài chục năm cũng chỉ vì bọn đầu đất lĩnh đạo! Sự ngu dốt, đã biến người cộng sản trở thành thông minh trong phá hoại! 

Bố đã chuẩn bị tinh thần trước ngày được gặp mẹ và con. Trong 15 phút ngắn ngủi đó sẽ phải nói gì? Nhất định không cho phép mình khóc trước mặt quân thù, bình tĩnh sắp xếp câu chuyện để có thể cho mẹ biết về tình hình trong trại, bộ quần áo tù được giặt sạch sẽ, trải ra trên sàn ngủ, và trên là một lớp chăn mỏng che lên, bố cần phải ủi quần áo cho ngay thẳng. Dù là tù, nhưng vẫn không quên tác phong của một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, nhìn quân phục biết tư cách. Lúc này không còn quân phục nữa, nhưng quần áo tù ít nhất cũng phải sạch sẽ. 

Chắc mẹ và con phải có mặt thật sớm để ghi danh? Tù nhân được thông báo có thân nhân đến thăm, phải qua một thời gian tra tấn tinh thần trên dưới 5 phút. Cai tù nhắc lại về nội quy: Không được ta thán hay nói xấu cách mạng – Phải khuyến khích gia đình yên tâm (cộng sản không dùng chữ khuyến khích, chúng gọi là động viên – động cái mả mẹ chúng mày!) Bọn “quản giáo” (cai tù) nói như con vẹt. Thể nào mẹ cũng được nghe cùng một điệp khúc trước khi gập chồng ... Có sống với cộng sản mới thấu hiểu, đảng muốn điều khiển cả suy nghĩ và tư duy của con người. Dân chúng trở thành những tên hề trong một vở tuồng được dàn dựng bởi đám rừng rú ngu xuẩn. Mẹ phải đóng kịch, khuyên bố an tâm ở tù, có chế độ nào khốn nạn đến mức bắt vợ phải khuyên chồng vui vẻ đi tù? Bố phải đóng kịch, kể cho mẹ cách mạng tốt như thế nào, chăm sóc tù nhân đến thân tàn ma dại ra sao, cứ nhìn vào thân xác những người tù, là thân nhân biết sự thật đằng sau những lời nói giả tạo! Cả hai phải đóng kịch, để sinh tồn trong một thể chế tàn bạo nhất hành tinh này! 

Muốn tồn tại dưới chế độ cộng sản, mọi người phải học “gian dối” và biết “đóng kịch” đó là hai nguyên tắc vàng! Suy tư, cảm xúc cá nhân, tất cả vất vào sọt rác nếu bạn muốn sống! Súng đạn, nhà tù, trại học tập cải tạo sẽ nhanh chóng nuốt chửng con người nếu ai đó chống đối! Vợ chồng thật sự yêu thương, hãy học vỗ về khuyên nhau bằng những lời “gian dối.” Tiếng thì thầm, người bên cạnh nghe được là cuộc đời vất vả ngay! Trong tù, bao tử trống trơn ngoài củ khoai ăn sáng, làm quần quật, đào khoai, cuốc đất, chớ dại mà rên, nếu không muốn buổi tối phải ngồi hằng giờ xưng tội (kiểm điểm) cùng tổ! Màn tự đấu tố này là phương pháp tra tấn tinh thần hãi hùng nhất. Không có tội phải đẻ ra tội, sẽ không một ai vô tội khi bước qua ngưỡng cửa “kiểm điểm!” Tự vả vào mặt mình, mặt càng xưng to cách mạng càng khen, sau vài trăm lần tự hành hạ, người cộng sản trở thành một bộ lạc có da mặt dầy nhất trong mọi chủng tộc! Nói dối không biến sắc, thần kinh liêm sỉ bị tê liệt, đạo đức là trò bịp của bọn tư bản, nói một đằng làm một nẻo chẳng có gì sai! Hậu quả khốn nạn nhất của màn “kiểm điểm” là tự mình cô lập mình giữa những anh em bạn tù! Sau giờ ngồi tự đẻ ra tội cho mình, lại được anh em giúp đỡ bịa đặt thêm nhiều tội tầy đình khác, thế là hôm sau, các bạn tù tự nhiên xa lánh mình. May ra còn một hai người bạn thân! Cộng sản huấn luyện để con người nghi kỵ lẫn nhau, chỉ tin duy nhất vào đảng, và chẳng ai biết đảng là con chó chết nào cả, nó là bóng ma, ngay cả những tên cai tù cũng sợ đảng còn hơn cả đám tù! Chủ nghĩa xã hội tồn tại vì thế, luôn luôn có một bóng ma kiểm soát mình, và con người được huấn luyện phải biết sợ bóng ma đó. 

Trên đường từ trại giam ra đến khu gặp thân nhân, tên quản giáo (cai tù) dở giọng than thở: “Các anh sướng hơn chúng tôi nhiều, đi theo cách mạng bao nhiêu năm nay có bao giờ được gặp gia đình đâu?” Sống với cộng sản hơn một năm trong tù, cũng phải khôn ra, bài ca cải lương có nghĩa, nhớ chia cho người anh em chút quà nhé! Thật ra bọn cai tù cũng chẳng hơn gì tù mấy đâu con ạ, ngoài cái chúng có thể ra chợ mua bán, nhưng lấy chó đâu tiền? Bọn chúng là tù ngoài, trong khi bố và bạn bè tù trong, khác nhau là chiếc hàng rào của trại. Đặc biệt, bọn quản giáo chỉ thích than thở với tù thôi, bố bảo chúng nó cũng không dám rên với đồng chí của mình, chết ngay! 

Mẹ bóc chiếc bánh chưng nhỏ để cùng ăn với bố, tên cai tù nhìn như muốn chẩy nước miếng, mẹ cũng lịch sự mời anh ta. Nhưng hắn không dám ăn sợ bị đồng đội thấy, bố nheo mắt gửi tín hiệu, sẽ có chút quà nếu chú mày biết điều. Thế là 15 phút thăm được kéo dài gấp đôi, chủ nghĩa xã hội đơn giản! Cái gì cũng mua bán đổi chác được, nhưng phải kín đáo, người cộng sản là gái đĩ mười phương, được huấn luyện đóng vai tu hành! Đằng sau những luật lệ là “giá cả.” Có một thứ cộng sản cương quyết không bán, đó là quyền lực! Âm mưu lật đổ chế độ, nhà nước cho đi mò tôm ngay, các thứ khác kể cả giết người đều có thể mua bằng tiền được. Đó là lý do tội phạm xẩy ra nhan nhản trong xã hội chủ nghĩa. Công an không đi bắt quân gian, vì cả hai là một. Nhiệm vụ chính của công an là truy bắt những ai chống chế độ! 

Ôm con bé bỏng bẩy tháng tuổi trong vòng tay là một hạnh phúc đến trào cả nước mắt! Tội nghiệp, có lẽ đây là hành trình xa nhất con đi từ khi làm người! Thật phi thường, bố không thể nào hình dung được mẹ một tay bế con, một tay xách giỏ quà, đi từ hai ba giờ sáng, chen chúc trên chiếc xe chạy bằng than, thăm chồng. Ngày đó, con còn quá bé bỏng, bố chỉ biết hôn con liên tục để vơi nỗi nhớ nhung, nụ hôn thay hằng triệu lời nói. Mẹ cho bố bức ảnh của con, thế là từ nay bố con mình ôm nhau ngủ mỗi đêm con nhé. Ảnh của con sẽ sưởi ấm trái tim bố, ảnh mẹ bế con sẽ giúp bố vững tinh thần. Tương lai thuộc về chúng ta, không phải bọn cộng sản vô thần! Chúng có thể giam bố sau hàng rào kẽm gai với súng đạn, nhưng không thể nào cấm bố sắp đặt chương trình vượt ngục! 

Cũng trong giây phút ôm con, nhìn mẹ ngồi đối diện nước mắt ướt mi, bố đã đi đến một quyết định: Sớm muộn gì mình cũng phải thoát khỏi cảnh tù tội này! Làm sao bố có thể yên tâm, để mẹ gánh tất cả những gánh nặng cuộc đời? Bố đã ngu dại, cả tin đi trình diện 10 ngày để rồi trở thành thiên thu là một lầm lỗi lớn. Không thể tiếp tục ngu và tự mình giam mình! Bác Kỳ, chồng của bác Mai đã ở Mỹ từ năm 1975, và bố gửi thông điệp cho mẹ ngay trước mũi bọn cai tù: - Em yên tâm, nuôi con. Anh sẽ cố học tập tốt để về, đưa em và con đi vùng kinh tế mới như gia đình anh Kỳ chị Mai! Mẹ con đã nhanh chóng hiểu ra, và mỉm cười với đôi nét lo âu. 

 

Photo: NTT – 1976 Con trai đầu lòng của bố mẹ. 

Ở ngoài đời, mẹ hiểu cộng sản nhiều hơn bố, xã hội sinh sống ra sao mẹ biết. Gia đình chúng ta thuộc loại đủ ăn trước ngày mất nước, giờ đây mọi thứ trong nhà đều phải ra đi, người mua bán ve chai (mua mọi thứ vật dụng trong nhà) trở thành bạn hàng quen, con phải biết thiên đường xuống hố cả nước đẹp như thế nào. Mãi sau này, mẹ mới kể cho bố nghe, món đồ chơi đầu tiên mẹ mua cho con là một con búp bê cũ của bà bán ve chai! Bố có tội với con quá nhiều, hãy tha thứ cho bố. Con là con trai, tại sao lại phải chơi với con búp bê cũ? Con ơi, đó là món quà tốt nhất mẹ có thể mua cho con, tiền còn phải để dành để mua quà nuôi bố! 

Bố mang tội với con! Giá bố ở nhà, chắc thể nào cũng giúp được mẹ trong những ngày tháng khó khăn. Từ lúc chia tay mẹ và con sau lần đầu gặp nhau tại trại Long Giao, tinh thần bố vững hơn rất nhiều! Không còn bận tâm với những ngày tù tội nữa, bây giờ bố phải an tâm. Không phải kiểu an tâm để học tập tốt, chờ ngày cách mạng khoan hồng! Nhưng an tâm để suy nghĩ và chuẩn bị kế hoạch trốn trại. 

Trong trại tù cộng sản, luật quan trọng nhất để sinh tồn là “im lặng”“không tin” bất cứ ai, trừ khi đã biết nhau từ ngoài đời. Người mình thân nhất, chỉ cần cai tù cho một quyền lợi nhỏ nhoi, một dúm thuốc lá, hay một công việc nhẹ nhàng, hoặc lời hứa cho về sớm, họ có thể bán đứng mình dễ như chơi. Nói những câu chuyện vô hại, tiếu lâm để giữ mối giây giao thiệp thì không sao cả. Nhưng chuyện trốn trại, sống để bụng, chết mang đi. Tất cả tù nhân trốn trại, nếu bắt được, cai tù sẽ đánh thừa sống thiếu chết, trước khi mang ra xử bắn, làm gương trước toàn trại! 

Khi còn ở trại Trảng Lớn, Tây Ninh, cộng sản đã đem một sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà ra xử bắn, và họ bắt toàn thể tù nhân phải xem tận mắt. Khi bị tập họp toàn trại, không ai biết là mình sẽ phải chứng kiến cảnh chúng bắn một chiến hữu của mình. May cho bố, hôm đó là ngày đến phiên bố trực phòng, ở nhà, quét dọn phòng giam và nấu sẵn nước cho anh em, công việc này chia nhau luân phiên, nên không phải chứng kiến giây phút đau thương của đồng đội. 

Chính vì nguy hiểm như thế, nên bố phải âm thầm, sắp đặt chương trình vượt ngục! Mang chính mạng sống của mình ra đánh bạc, thành công hay chẳng may thất bại của bố, mẹ và con sẽ gánh chịu, và bố không được phép thất bại. 

Giữ vững tinh thần trong ngục tù là điều quan trọng nhất! Muốn như thế, bố phải tập trung suy nghĩ của mình về một hướng, không cho phép ngoại cảnh chi phối. Những ngày đầu tiên ở trại giam Trảng Lớn, Tây Ninh, thời gian đó cộng sản còn lúng túng trong việc giam giữ hơn 10,000 tù nhân, quân đội được trao phó canh tù thay vì công an, nên không khí tương đối thoải mái. Khi chia tay mẹ, bố đem theo một quyển nhật ký, và ghi chép mỗi ngày nỗi nhớ nhung về mẹ, gia đình, thời vàng son trước ngày mất nước! Thật là ngây thơ, bố nào có biết cộng sản thường xuyên kiểm soát suy nghĩ của con người!  

Rồi một hôm, toàn trại kẻng đánh như sắp bị tấn công. Từng toán vệ binh, súng ống hầm hè vào trại, tù nhân phải lấy hết đồ dùng cá nhân, xếp hàng ngay ngắn, và từng người bầy ra trước mặt tất cả những gì mình có. Cai tù (quản giáo – chữ cộng sản) cùng những tên an ninh, đi lục soát từng người. Quyển nhật ký của bố đã viết khá nhiều, bị tịch thu, bên cạnh nhiều thứ lỉnh kỉnh khác các bạn tù dùng ... 

Buồn thật con ạ! Nhật ký là một phần đời của mình bị tước đoạt. Khoảng vài ngày sau, tiểu đoàn tù được tập họp để nghe tên Tiểu đoàn trưởng VC, Đại uý Thiện, tổng kết về cuộc khám xét. Tên Thiện là một anh Bắc Kỳ với khuôn mặt khó khăn như khỉ ăn mắm tôm, không bao giờ cười ... Sau nhiều câu giáo đầu, hắn nhận xét, mọi người chưa thật tâm tin tưởng ở cách mạng. Vẫn còn những suy nghĩ chống đối, ngay sau đó hắn trích dẫn một đoạn nhật ký do bố viết cho mẹ: “Em yêu dấu của anh, thật chưa bao giờ anh có thể tưởng tượng cuộc đời mình lại có những ngày “vinh quang” như thế này! Sáng tỉnh dậy, mỗi người được phát một củ khoai, sau đó tập họp đi lao động. Đội của anh phải cuốc những khu đất đầy sỏi đá, anh nào sức khoẻ kém sẽ được giao nhiệm vụ đi gánh phân người, từ khu vệ sinh công cộng, đem ra pha thêm với nước làm phân bón cho những luống rau muống. Anh không biết, những luống ra muống này sẽ kéo dài đến chân trời nào? Điều duy nhất, khi rau chưa lên thì cả đội đã ám mùi phân!” Nghe tên Thiện đọc trên tờ giấy cầm tay, bố biết ngay mình sẽ là nạn nhân của buổi đấu tố tập thể. Hắn nói vì chưa tin tưởng ở cách mạng, nên anh này đã viết không biết sẽ phải làm những luống rau kéo dài đến chân trời! Chưa kể nói xấu cách mạng, cả đội ám mùi phân! Sau cùng, tên Đại uý cộng sản kết tội, “đầu óc tiểu tư sản” bây giờ mà còn viết “Em yêu dấu.” Chẳng lẽ phải yêu đảng sao? Chúa Phật ơi, chúng bắt tù phải làm những luống đất trồng rau, và khoai mì bạt ngàn, cả ngày dưới trời nắng như thiêu đốt phải khiêng những thùng phân người, pha trộn với nước, người không đầy mùi phân cũng lạ! Bố của con đã học bài học đầu tiên: Cộng sản không bao giờ thích nghe sự thật, và chớ dại viết bất cứ điều gì lên giấy! Xã hội chủ nghĩa không cho phép người yêu người, yêu đảng là chính! 

Tên bố được gọi, đứng lên cho mọi người xem mặt! Ngay buổi chiều hôm đó, tiểu đoàn phải họp kiểm điểm từng tổ một, phê bình và lên án, từ đó mọi người tù đều xa lánh bố. Tội viết nhật ký chưa đến nỗi bị biệt giam, nhưng hình phạt tâm lý mọi người sợ hãi, xa lánh mình thì khác gì bị biệt giam? Chắc chắn tên Thiện sẽ để ý đến bố một cách đặc biệt, và bố cũng sẽ không bao giờ quên hắn! Ngay sau vụ nhật ký bị bắt, trại cấm mọi người tù không được giữ bất cứ cây viết nào, anh em lại thêm một lý do đổ hết mọi tội lỗi lên đầu bố. 

Cô đơn – Buồn chán – Thất vọng, sẽ giết mình nhanh hơn bất cứ điều gì. Không bao giờ cho mình làm điều đó, bố tự nhủ. Ánh sáng và bóng tối, đến rồi đi như chu kỳ của đời người, bố phải hướng về phía ánh sáng thay vì bóng tối. Mẹ và con chính là ánh sáng của bố. Từ nay bố sẽ viết nhật ký trong tim, trong óc. Từ nay trở đi, bố sẽ đếm từng ngày cho đến lúc nào có thể vượt ngục về bên mẹ và con. Bạn tù xa lánh, không quan trọng! Cán bộ Việt cộng hầm hè, kiếm chuyện, mặc mẹ chúng! 

Cuộc chiến Quốc gia đương đầu với cộng sản sẽ không bao giờ chấm dứt! Khi tự do của con người bị tước đoạt, khi tình yêu chân chính bị ngăn cấm, thì sự sống trở thành vô ích. Người chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu cho “Tự do” họ sẽ không bao giờ buông súng! 

Con trai yêu dấu của bố mẹ, xin hẹn con ngày chúng ta sớm đoàn tụ, và bố mẹ sẽ đền bù con về những mất mát của tuổi thơ.

Nguyễn Tường Tuấn

rabienlon55@gmail.com

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025