OAN HỒN, truyện vui

 

OAN HỒN, truyện vui

Tác giả:Phạm Thành Châu

Đây là một chuyện ma, gần như thật, nhưng tôi phải viết sao cho vui, cho bớt rùng rợn, để quí bà khỏi mất ngủ vì sợ hồn ma mấy cô bồ quá cố của chồng mình về lôi chân, đuổi ra khỏi giường.

Vợ chồng tôi có hai cô con gái. Chúng tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm rồi lập gia đình. Tuy nhà hai đứa nó không xa chúng tôi lắm, nhưng chỉ chủ nhật, ngày lễ, chúng mới bồng cháu về thăm ông bà ngoại. Vợ tôi cứ than nhớ cháu, rồi bực mình gây gỗ với tôi. Ngày nào cũng đem hình các cháu ra ngắm. Hình nào "dễ thương hết sức" thì bắt tôi đi mua khung hình về, bỏ vô, treo lên tường. Rồi đi lòng vòng ngắm cháu trên tường như người ta xem triển lãm tranh, miệng nở nụ cười hạnh phúc, miệng lầu bầu chửi "Tổ cha cái thằng" "dễ ghét!" rồi bấm điện thoại gọi con, hỏi thăm các cháu. Các con tôi bị quấy rầy mà không dám than phiền. Tôi biết thế mới gợi ý vợ tôi, tìm một cô, cho mướn phòng, buồn tình thì cứ nói chuyện với cô ta. Con gái tôi giới thiệu một cô bạn học. Cô nầy lớn tuổi hơn các con tôi, vừa đi học vừa đi làm, kiếm tiền giúp gia đình bên Việt Nam, nên cứ ạch đụi mãi mà chưa tốt nghiệp. Nhà tôi, phía sau có một phòng rộng, có lối đi riêng nên cô ta rất thích. Nhờ có cô sinh viên nầy mà tôi đỡ bị bà vợ bắt nghe chuyện nhớ cháu. Khi cô sinh viên đến trọ, bà nấu nướng món ngon vật lạ tặng cô ta, coi như trả công đã tốn thì giờ lắng nghe chuyện cháu ngoại của bà.

Khoảng vài năm sau, cô sinh viên tốt nghiệp đại học, đã nộp đơn đến các công ty để xin việc làm. Vợ tôi, xem cô sinh viên như con, nên nấu mấy món làm tiệc mừng tốt nghiệp cho cô ta rồi gọi vợ chồng hai cô con gái đem cháu về tham dự. Trong không khí gia đình vui vẻ, vợ tôi lại lên chương trình kiếm chồng cho cô sinh viên. Theo như ngày xưa, "Đại đăng khoa" rồi phải "Tiểu đăng khoa", nghĩa là thi đậu xong là phải lập gia đình. Cô sinh viên đỏ mặt vì mắc cỡ nhưng cũng nói "Ai mà thèm lấy cháu, cô ơi!". Hai cô con gái tôi cũng hăng hái tham dự vào một trong bốn cái ngu của thiên hạ (Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu). Mấy mẹ con hùa nhau khuyên bảo "Khi đi làm, hàng ngày đến sở, chỉ gặp toàn các ông có gia đình cả, ít có dịp hội hè, họp mặt để gặp các bạn trai độc thân. Chi bằng ráng kiếm trước một ông chồng cho chắc ăn. Để lâu thành gái già!" Bữa đó, ai cũng bị ép uống chút rượu, ngà ngà say, nên cô sinh viên cũng bạo dạn nói "Nhờ cô với hai chị kiếm giùm".

Vợ tôi chợt nhớ ra là tôi có một cậu "bạn cà phê" vong niên. Anh ta gần bốn mươi tuổi, đã tốt nghiệp đại học, có việc làm đàng hoàng. Sáng chủ nhật nào cũng lái xe đến đón tôi đi ăn điểm tâm rồi ra tiệm cà phê Starbucks ngồi trò chuyện. Tính tôi ham vui, đôi khi anh ta đưa tôi đến các tiệm cà phê của bọn trẻ, tiếng nhạc với tiếng cãi cọ, cười đùa nghe điếc tai mà tôi vẫn chịu đựng được. Có điều lạ là, bọn thanh niên thích bàn chuyện đàn bà, con gái nhưng anh bạn trẻ của tôi chỉ ngồi nghe chứ không quan tâm. Ngay cả khi cô bưng cà phê, vừa đẹp vừa hấp dẫn, mặc áo quần 'xuyên bang' (mỏng) đứng gần, mà anh ta cũng chẳng thèm nhìn. Đôi khi, cô ta như tựa cái bụng vào vai anh ta, anh ta né tránh. Tôi đưa ra nhận xét đó với vợ tôi và lưu ý rằng, nếu giới thiệu anh chàng bất bình thường nầy cho cô sinh viên, sau nầy rủi có chuyện gì không hay, cô ta ắt sẽ phiền trách gia đình tôi. Vợ tôi vẫn khăng khăng "Ông không thích thì để mẹ con tôi lo. Bữa nào ông mời hắn đến đây ăn cơm, tôi đứng ra giới thiệu cho hai đứa làm quen. Con nhỏ đẹp đẽ, nết na, thằng nào không ưng?"

Vậy là tôi phải mời anh chàng dị ứng với phái nữ đó đến dự bữa cơm gia đình. Được sắp xếp ngồi bên cạnh người đẹp mà không thấy anh ta hăng hái trong việc chinh phục cô gái, tuy có hỏi chuyện, có bỏ thức ăn vào chén cho cô ta, nhưng rõ ràng chỉ làm bổn phận bình thường. Cô gái thì vẫn giữ kẽ, không tỏ vẻ gì đặc biệt. Xong bữa ăn, chờ cho cô sinh viên về phòng, vợ tôi và hai cô con gái giữ anh chàng kia lại và bắt đầu đặt những câu hỏi. Anh ta và gia đình tôi cũng ở chỗ thân tình, vợ tôi chẳng khách sáo gì nên câu hỏi có hơi sỗ sàng: "Anh thấy người đẹp lúc nãy ra sao mà coi bộ lơ là?" Anh chàng chỉ cười "Dạ, cô Mai cũng đẹp lại hiền lành". Vợ tôi bắt đầu ca tụng cô sinh viên đủ điều. "Nó ở đây với chúng tôi mấy năm nay mà không hề thấy bạn trai, không hề chưng diện. Đi học, đi làm về là phụ với tôi nấu nướng, dọn dẹp như gia đình của nó. Nó mà trang điểm vô thì phải biết. Đẹp lắm! Ai mà được nó làm vợ thì sướng như tiên. Bây giờ nó lại tốt nghiệp đại học, sắp sửa đi làm, lương hướng đâu có thua ai... "Ủa! Sao anh lại cười? Bộ tôi nói không đúng sao? Hay anh chê nó?". "Dạ, cháu đâu có chê cô ta, nhưng cháu có lý do riêng. Cháu không có ý định lập gia đình nên không dám nghĩ đến cô Mai". 

Vợ tôi khựng lại, vợ chồng hai đứa con gái tôi, tuy ngồi xa, đang dỏng tai lên nghe lén, cũng thở dài thất vọng. Mọi người nghĩ, có lẽ anh ta không bình thường về sinh lý. Chuyện đó không nên đề cập đến vì kỳ cục, đáng mắc cỡ. Tuy thế, vợ tôi cũng kể lại cho cô Mai nghe chuyện làm mai thất bại, nhưng lại kết luận "Nó khen con đẹp, hiền giỏi giang đủ thứ, nhưng có lẽ nó "lại cái" hay sao đó nên coi bộ lơ là. Để cô điều tra thêm mới biết tại sao". Cô gái giẫy nẫy lên "Cô làm vậy kỳ lắm! Làm như con mê anh ta, bắt cô phải dụ dỗ anh ta cho con". 

Thế là bao nhiêu hăng hái, thiện chí của vợ tôi xẹp xuống như bong bóng xì hơi. Tôi nói với vợ tôi "Bọn nhỏ bây giờ chịu nhau thì tự động tìm đến, bàn tính, giao hẹn với nhau như người ta mua bán hàng hóa vậy, không như thời xưa đâu. Bà làm nghề mai mối, lỗi thời rồi". Vợ tôi vẫn còn tức "Ông biết gì về thằng đó không? Mấy năm đi uống cà phê với nó, có nghe nó nói gì về bịnh hoạn, hay dị tật gì trong thân thể nó không?"

Tôi cự ngay:

- "Tôi có phải bác sĩ đâu mà đi hỏi chuyện sinh lý của người ta! Tôi chỉ biết là nó không hề để ý đến đàn bà, con gái nên tôi lưu ý bà, đừng làm chuyện tào lao mà thêm phiền".

Vợ tôi vùng vằng:

- "Để đó, tôi phải điều tra cho ra, tại sao con Mai đẹp như vậy mà không chịu? Tôi thấy, hình như nó có nhìn con Mai, nhưng nhìn trộm, kiểu như ông nhìn gái mà sợ tôi bắt gặp".

Tôi tức cười:

- "Bà đừng đem tôi ra mà suy luận. Bà phải phân biệt cái nhìn của tôi với người khác. Tôi nhìn người đẹp vì nghệ thuật, vì vẻ đẹp nhưng không ham muốn. Thằng đó mà nhìn con Mai giống như tôi thì coi như bỏ đi rồi, đừng bao giờ nghĩ tới chuyện mai mối mà bị con Mai trách móc sau nầy". 

Vợ tôi tự nhiên nổi xùng: 

- "Xí! Ông mà nghệ thuật. Nghệ thuật gì ở chỗ ngực, chỗ đùi người ta? Không có tôi, ông đi tới trời". 

Hễ thình lình nổi ghen, vợ tôi thường lôi những chuyện 'xưa rích' ra đay nghiến. Tôi không thèm cãi lại, chỉ hỏi "Bây giờ nói chuyện tôi nhìn gái hay chuyện làm mai?". Bả không thèm nhìn tôi "Ông muốn nói chuyện gì tôi cũng nói được. Đừng làm bộ vô tội... Tôi muốn hỏi ông. Thằng đó có thích con trai không? Nó có cặp kè với thằng 'bê đê' (lại cái) nào không?". 

- "Tôi thấy nó cũng bình thường chứ chẳng cặp với thằng 'bê đê' nào cả". 

- "Vậy thì tuần tới lại mời nó đến nhà mình ăn cơm, để tôi biết chắc nó có nhìn trộm con Mai thật không?". "Bà muốn thì tự làm lấy, coi như tôi không tham dự vào chuyện mai mối của bà". 

Đàn bà tinh mắt hơn đàn ông, tôi để ý mới thấy. Bữa cơm sau đó, anh ta quả có nhìn trộm con nhỏ Mai. Cái nhìn đầy nam tính nhưng lại có vẻ lén lút, như sợ ai bắt gặp. Cả đến việc anh ta chuyện trò hay bỏ thức ăn cho con nhỏ cũng lấm lét, như vụng trộm, mặc dù anh ta biết, gia đình tôi mời đến ăn cơm là để anh ta tán tỉnh con nhỏ Mai. Lẽ ra, nếu anh ta thích thì cứ mạnh dạn, công khai tỏ tình với người đẹp. Tại sao phải lén lút? Có uẩn khúc gì đây? Tuy nghĩ vậy nhưng vợ chồng tôi làm như không biết, cuối tuần vẫn mời cơm và sắp xếp cho hai cô cậu ngồi gần nhau. Ít lâu sau vợ tôi quyết hỏi anh ta cho ra lẽ. 

Một buổi chiều thứ bảy, trong nhà chỉ có vợ chồng tôi và anh chàng dị ứng với đàn bà đó. Vợ tôi tính nóng lại xem anh ta như em cháu nên hỏi ngay "Anh thấy con nhỏ Mai ra sao? Có ưng không? Tôi làm mai cho". 

Anh ta có vẻ lúng túng:

- "Thú thật, cháu để ý cô Mai từ lâu, nhưng cháu đã lỡ hứa là sẽ không bao giờ lấy vợ, nên cháu không dám tiến xa hơn. Ngay đến chuyện nhìn đàn bà con gái cháu cũng không dám". 

Vợ tôi kinh ngạc và nổi xùng "Ai cấm anh lấy vợ? Ai cấm anh nhìn đàn bà con gái? Người nào có quyền gì mà cấm chuyện lạ đời đó? Đến ông tổng thống Mỹ cũng không có quyền đó. Anh nói tôi nghe. Ai cấm? Hay anh có bịnh gì nên bác sĩ cấm anh? Hay anh lại cái?". 

Tưởng mắc cở vì bị nói là 'lại cái', nhưng anh ta chỉ cười: 

- "Đúng ra không phải là người nào cấm mà là lời nguyền của cháu với vong linh một cô gái. Cháu đã hứa với vong linh cô ta là, suốt đời, cháu sẽ không lấy vợ". 

Tôi không muốn dây vô chuyện mai mối phiền phức nên ngồi uống trà ở bàn ăn. Khi nghe hai tiếng "vong linh", vợ tôi biết là chuyện ma nên hơi ngán, bèn bảo tôi "Ông qua đây tiếp chuyện, tôi đi nấu miếng nước". 

Đàn bà, trẻ con, càng sợ chuyện ma, càng muốn nghe. Biết vậy nên tôi bưng tách trà qua xa lông và nói với anh ta "Khi hứa với người đã khuất thì phải giữ lời, vì với người còn sống mình có thể giải thích được chứ với ma thì nói ai nghe?!". Vợ tôi cự ngay "Ông phải để cho anh ta kể hết sự việc xem sao, chưa chi đã bàn ra".

Anh ta cúi xuống, dùng tay vạch mái tóc để lộ một vết sẹo dài cỡ nửa tấc. Vết sẹo như một cái rãnh nhỏ, một lớp da mỏng che xương sọ trắng xám giữa đám tóc đen và cứng như rễ tre. Vợ tôi đến nhìn, rồi ngồi xuống, hóng chuyện.

"Cháu bị chúng chém. Tưởng chết rồi, không ngờ vẫn còn sống được". Vợ tôi sốt ruột "Ai chém anh? Vì sao chúng chém?". 

Anh ta uống chén trà rồi mới thong thả nói "Sau bảy lăm (1975), cháu học xong trung học nhưng không được vào đại học vì lý lịch. Ba cháu, là sĩ quan Cộng Hòa, đi tù cải tạo. Vợ cháu cũng có cha đi tù. Hai gia đình quen thân nhau từ trước, đều ở trong trại gia binh. Năm bảy lăm, mọi người đều bị đuổi ra khỏi trại gia binh. Gia đình cháu phải về quê ngoại ở Mỹ Tho. Hai gia đình gom góp tiền vàng cho hai đứa cháu vượt biên. Bữa đó tổ chức tiệc cưới, mời chính quyền xã, ấp, nhất là công an địa phương đến nhậu nhẹt say mềm. Chúng cháu làm như đi rước dâu, đến khuya, đám rước thay vì về nhà trai lại chạy thẳng ra cửa biển. Như vậy, chúng cháu chưa gần gủi nhau bao giờ. Thuyền lênh đênh trên biển được năm ngày thì gặp hải tặc Thái Lan. Chúng chém đàn ông, con nít rồi bắt đàn bà con gái qua thuyền chúng. Cháu nhào đến cứu vợ cháu thì bị chém vào đầu, ngã gục. Hôm sau tỉnh dậy, trong thuyền chỉ còn xác chết với mấy người bị thương nặng. Theo lời kể lại thì vợ cháu thấy cháu bị chúng chém chết, bèn vùng vẫy và nhảy xuống biển tự tử. Lúc đó, cháu tin rằng mình cũng sắp chết vì thuyền bị bọn hải tặc húc, tràn nước, sắp chìm, nên cháu khấn với vong hồn vợ cháu "Em sống khôn thác thiêng, xin chờ anh. Anh bị thương nặng, thuyền sẽ chìm, anh sẽ chết. Hai linh hồn mình sẽ được bên nhau mãi mãi. Nếu còn sống, anh thề không lấy vợ, sẽ ở vậy thờ em cho đến ngày anh chết, sẽ được gặp em". Không ngờ, vừa lúc có một thương thuyền đi ngang qua, nhìn thấy, bèn cứu lên tàu. Không ai hiểu sao, với vết thương nặng như vậy mà cháu sống sót được? Cháu qua Mỹ, cố gắng học, kiếm việc làm để gửi tiền về Việt Nam cứu giúp hai gia đình".

 Vợ tôi hỏi "Từ đó đến nay, anh có bao giờ thấy vợ anh hiện hồn về không?". "Dạ không! Nhưng cháu tin rằng, vong linh vợ cháu lúc nào cũng ở bên cháu. Cháu lập một cái trang nhỏ làm bàn thờ, để di ảnh vợ cháu lên, mỗi ngày đều thắp nhang. Đi làm về, cháu ghé tiệm cơm, mua thức ăn về, đặt lên trang thờ, cúng vợ cháu, sau đó, dọn xuống, mời vợ cháu cùng ăn. Đi đâu, làm gì, cháu cũng kể cho hồn vợ cháu nghe".

Vợ tôi tưởng như hồn cô gái cũng ngồi trong phòng, nên ngồi sát vào tôi, coi bộ cũng ngán nhưng vẫn hỏi "Có bao giờ anh thử làm quen, chuyện trò thân mật với một cô gái nào đó chưa? Nếu hồn vợ anh còn ở bên anh, sẽ tìm cách để anh hiểu là cô ta không bằng lòng. Cô ta sẽ hiện hồn cho anh thấy chẳng hạn. Anh thử lần nào chưa?"

- "Thực tâm, cháu không muốn làm vong linh vợ cháu buồn tội nghiệp. Cái chết của vợ cháu quá đau thương nên dù có cảm tình với cô nào cháu cũng ngại. Cứ tưởng tượng, cháu đang thân mật với cô nào đó, linh hồn vợ cháu đứng bên cạnh, mặt buồn xo vì bất lực, không có cách nào cho cháu hiểu là cô ấy buồn lắm..." 

Tôi lên tiếng 

- "Anh nên nghĩ rằng, linh hồn vợ anh buồn vì thương yêu anh mà không có cách nào phục vụ, săn sóc, an ủi anh, nhất là những khi anh đau ốm. Cô ấy biết rõ, anh cần một người thay cho cô ấy lo cho anh. Anh không thể sống độc thân mãi được. Theo tôi, chết là hết, nếu còn thì đã siêu thoát hoặc đi đầu thai kiếp khác rồi. Anh phải lấy vợ, sinh con, thương yêu gia đình nhưng vẫn tưởng nhớ, thờ phụng, giỗ quải chu đáo cô vợ trước là đủ bổn phận với người quá cố rồi".

Vợ tôi tưởng có chuyện ma hiện hình nên sợ, đến khi nghe kể thì chẳng có ma quái gì, lại nghe tôi bàn tính hợp ý, nên thúc hối "Chết là hết. Anh để ý con Mai thì nên tiến tới, đừng để nó xin được việc làm, đi xa thì "xôi hỏng bỏng không". Không có cô nào hoàn hảo như con Mai. Tôi bảo đảm với anh, sau nầy cưới về, có gì không bằng lòng nó thì cứ lôi tôi ra mà mắng vốn".

Anh ta có vẻ xiêu lòng. Chúng tôi bàn tính, đưa ra một chương trình giúp anh ta tiến đến với cô sinh viên Mai. Trước hết, anh ta về khấn với linh hồn cô vợ, nếu không bằng lòng thì cho biết, hoặc trong giấc mơ hoặc một hiện tượng nào đó, ngược lại thì sẽ không có chuyện gì xảy ra, rồi thì hai người, anh ta với cô Mai sẽ gặp nhau, tìm hiểu, nếu hợp ý thì tiến hành lễ cưới. Trước khi ra về, anh ta dặn chúng tôi là đừng cho cô Mai biết gì về chuyện riêng (ma) đó của anh ta.

Tối đó, chờ cô Mai về, vợ tôi lò dò vô phòng cô ta, tỉ tê, to nhỏ cả buổi rồi lên bảo tôi "Xong rồi! Để hai anh chị làm thân với nhau, mình khỏi phải làm phiền chúng nó nữa". Tuy nói vậy chứ vợ tôi vẫn cứ tò mò hỏi chừng cô sinh viên, tình hình ra sao? Thì ra họ đã hẹn nhau đi ăn tiệm, đi shopping, xem phim... Cô gái đã có việc làm, anh chàng kia thì đã mua nhà từ lâu nên chuyện sống chung của hai người không thấy trở ngại nào.

Khoảng ba tháng sau, cả hai báo cho chúng tôi biết, họ sẽ làm đám cưới và nhờ chúng tôi việc thực hiện các nghi lễ truyền thống như lễ hỏi, lễ cưới. Về tiệc cưới thì có nhiều bạn học giúp tổ chức, sắp xếp. Mọi việc, chúng lo hết... Vì cha mẹ của cô dâu, chú rể đều còn ở bên Việt Nam nên phải nhờ tôi thay mặt cho nhà gái, một gia đình khác đại diện nhà trai.

Tối đó, tiệc cưới chấm dứt lúc mười hai giờ khuya, chúng tôi không quen thức khuya nên về đến nhà là lăn ra ngủ vùi. Khoảng hai giờ sáng, chuông điện thoại reo, vợ tôi bắt lên nghe "Cô đây! Sao? Muốn về đây hả? Bây giờ con đang ở đâu? Để cô nói chú mở cửa đón con. Năm phút nữa hả? Được. Bye con!".

Vợ tôi bảo "Ra mở cửa đón con Mai. Không hiểu có chuyện gì mà nó bỏ chồng về đây?". Tôi lầu bầu "Làm mai thì phải ráng mà lãnh!" Tôi vừa mở cửa thì xe cô Mai cũng vừa ngừng trước sân. Cô ta chạy ào vô nhà, không kịp tắt máy xe. Tôi ra tắt máy xe, vào nghe xem chuyện gì đã xảy ra? Thấy cô ta ôm vợ tôi cứng ngắc, không nói tiếng nào, người run cầm cập. Vợ tôi cũng đâm hoảng, hỏi dồn dập "Có chuyện gì vậy?" Hỏi hoài mà chỉ nghe cô ta vừa thở vừa lí nhí trong miệng, chẳng hiểu gì cả! Một lúc sau cô mới nói rõ "Ảnh nuôi ma trong nhà!".

Vợ tôi nghe thế co rúm người lại:

- "Ma nào? Ông ra đóng cửa lại mau. Coi chừng nó theo vô nhà. Con thấy con ma như thế nào?".

-  "Con không biết! Con ma đàn bà. Ghê quá! Nó nắm chân con lôi ra khỏi giường" Hai người đàn bà tự mình làm cho mình khiếp sợ thêm, cứ vơ tay tìm cái mền. Tôi thấy buồn cười nhưng cũng giúp đắp kín mít hai người trong mền, chỉ để lộ hai cái đầu để tiện nghe họ đối đáp. Vợ tôi thì thào "Ông ra thắp nhang trên bàn thờ, khấn vái cho con ma đi ra". Tôi dọa "Thắp nhang, chúng ngửi mùi thơm, kéo vào thêm đông vui. Muốn thắp thì thắp!".  Vợ tôi nạt "Người ta đã sợ muốn chết còn nhát nữa! Ông đi nấu miếng nước, pha trà cho nó uống tỉnh trí". Tôi đi pha trà, thêm cho mỗi người một viên thuốc chống dị ứng (làm cho buồn ngủ). Một lúc sau, cả hai đã chìm vào giấc ngủ. Tôi ra xa lông nằm, gọi điện thoại đến chàng rể "Có chuyện gì mà cô dâu bỏ về đây vậy?".

- "Cháu không rõ. Vừa tắt đèn thì cô ấy bắt mở đèn vì cô bảo thấy có người trong phòng. Mở đèn một lát, cô vừa thiu thiu ngủ thì bỗng vùng dậy bảo "Anh nuôi ma trong nhà!" rồi chộp lấy chìa khóa xe, tung cửa chạy ra ngoài, lái xe đi. Nhưng cháu có thấy ma quái gì đâu?".

- "Anh có dẹp cái trang thờ vợ trước của anh chưa?"

- "Cháu đem di ảnh vợ cháu cùng với lư hương, chân đèn vào closet (ngăn treo áo quần). Trang thờ trống trơn".

- "Tôi nghĩ, anh nên thiết lập lại trang thờ. để di ảnh người đã khuất cùng với đồ thờ lên cùng với lễ vật, sau đó anh thử khấn xin vong hồn người quá cố thông cảm cho anh mà bớt giận hờn, đừng phá cô Mai nữa".

- "Cháu định bán ngôi nhà nầy, nhưng chưa biết thờ di ảnh vợ cháu ở đâu? Vì nếu thờ nơi tụi cháu ở thì cô ta sẽ quấy phá Mai, không yên đâu!".

- "Chỉ còn cách là đến chùa xin mấy lễ cầu siêu rồi thờ luôn cô ta trong chùa để vong hồn được nghe kinh kệ, sớm siêu thoát. Tạm thời, đừng liên lạc với cô Mai, coi như chấm dứt để vong hồn cô ta khỏi ghen tương mà có thể làm hại cô Mai".

Sáng hôm sau, tôi trấn an cô Mai "Có lẽ cô nghe người ta kể chuyện ma nên bị ám ảnh chứ thời nầy làm gì có ma".

Cô Mai vẫn chưa hết sợ "Tối hôm qua, cháu thấy rõ ràng một người đàn bà từ trong "closet" đi ra, đến cạnh giường chỗ chồng cháu nằm. Cháu tưởng ăn trộm, bắt chồng cháu mở đèn, thì chẳng thấy gì cả. Cháu nghi là nhà có ma nên sợ quá, trùm mền kín mít, ôm chồng cháu ngủ. Mới thiu thiu thì cháu thấy lạnh ở cổ chân. Cháu nghĩ mình để chân ngoài mền, nên co chân lại, không ngờ, chân cháu như có ai giữ lại bằng hai bàn tay lạnh ngắt, không co lại được. Cháu nhìn xuống thì thấy lờ mờ người đàn bà lúc nãy đang cúi xuống như cố lôi cháu ra khỏi giường. Cháu co chân kia, đạp cho bà ta một đạp rồi vùng dậy, lái xe về đây".

Lúc đó là ban ngày mà vợ tôi cũng rút chân lên ghế. Đã sợ mà còn hỏi thêm "Con thấy con ma ra sao?".

- "Nó chỉ lờ mờ, nhưng cháu biết đó là một người đàn bà, tóc rủ trước trán, che không thấy mặt, hai cánh tay với mấy ngón tay chỉ còn xương, giống như hình chụp quang tuyến (X ray). Trước giờ cháu chưa hề thấy ma, cháu cũng không sợ ma, nhưng bây giờ cháu biết chắc là nhà đó có ma".

Tôi đề nghị, cô Mai đừng liên lạc với chồng cho đến khi nào chuyện ma đó giải quyết xong. Mấy hôm sau tôi gọi cho chàng rể thì được anh ta kể lại như sau:

"Cháu theo lời chú, thiết lập lại trang thờ cùng với lễ vật, rồi cháu lên nhang, đèn và khấn rằng, tuy cháu vẫn thương yêu cô ta (người vợ quá cố), nhưng âm dương cách trở, chỉ có thể gặp nhau sau khi cháu giả từ cuộc sống trên thế gian nầy để về với cô ta. Hiện tại, cháu không thể sống một mình mãi vì sau nầy, khi lớn tuổi, bịnh hoạn, già yếu không ai săn sóc, mong cô ta thông cảm để cháu có một người bạn gái bên cạnh. Cháu nghĩ rằng, vợ cháu, thân xác đã tan rã nơi đáy biển, trong cõi u minh lạnh lẽo, chỉ còn cháu là nơi để linh hồn vợ cháu nương tựa tìm hơi ấm của tình vợ chồng. Nay có một người thứ ba chen vào, vợ cháu sẽ đau đớn, buồn rầu lắm. Cháu ôm di ảnh vợ cháu mà khóc, và khấn rằng. Nếu không muốn cháu lấy vợ thì báo mộng cho cháu biết. Nếu không báo mộng thì coi như bằng lòng".

Tôi bảo "Dù cô ta có cho anh lấy vợ nhưng không có nghĩa là cô ta không ghen, không thù hận người chiếm đoạt tình cảm của chồng mình".

- "Cháu nghĩ, khi một người đã chết rồi, linh hồn không thể ghen tương được nữa".

- "Tôi nghe người ta nói. Những người chết oan, chết thình lình, tức là bất đắc kỳ tử, thần thức không chịu rằng mình đã chết, không chịu đi đầu thai, lúc nào cũng tìm về với người thân. Cô vợ quá cố của anh, càng yêu anh khi còn sinh tiền thì lúc chết, linh hồn càng quấn quit bên anh, càng đau khổ, càng ghen tương, thù hận. Nó không để yên cho con nhỏ Mai sống với anh đâu. Nó chỉ cần nhát ma vài lần là con nhỏ Mai bỏ chạy ngay"

- "Chú nói có lẽ đúng. Khi cháu khấn đến đấy thì bỗng nhiên mấy cây nhang cháy bùng lên. Cháu thắp đợt nhang khác, nó cũng cháy bùng đến tận gốc. Cháu nghĩ nhang không được tốt, nên không thắp nhang nữa. Rồi thì đến lượt cây đèn cầy. Cháu vừa quay lưng là một cây đèn cầy bị tắt. Cháu thay cây khác, cũng vừa quay đi thì đèn tắt. Lần sau, cháu thắp đèn lên, vờ quay đi nhưng nhìn vào chiếc gương soi treo trên vách, thì thấy ngọn đèn như bị hai ngón tay vô hình bóp cái tim đèn, khiến nó dẹp lại, tắt ngấm chứ không như bị gió thổi, ngọn lửa phải nằm rạp xuống trước khi tắt. Hôm sau, cháu đến chùa, kể hết mọi sự cho vị sư trụ trì, thầy dạy rằng "Nhang cháy bùng, cháy cả chân nhang, thì gọi là "hóa hình nhang", là có sự giao cảm giữa hai giới âm dương. Một ngọn đèn bị tắt thì cứ nam tả, nữ hữu, theo đó mà biết người nam hay nữ sẽ bị hồn ma theo ám hại. Cái vong nầy là trinh nữ, là oan hồn uổng tử, đã thành quỷ, nên lộng hành, phải nhờ oai linh Phật Tổ, khuyến dụ nó chịu về chùa, rồi phải cúng giải oan cho nó trong bốn mươi chín ngày sau đó nó mới chịu qui phục Tam Bảo, nghe kinh kệ mà chuyển nghiệp lành, vãng sanh tịnh độ. Hồn ma thường rất sợ ánh sáng và tiếng động mạnh như tiếng pháo nổ, súng nổ. Vậy nên, khi đem di ảnh của cái vong nầy từ nhà về chùa phải đốt một trái pháo, giống như ở Việt Nam, khi di quan (khiêng quan tài ra khỏi nhà), người mình thường đốt pháo hoặc đập mạnh một cái nồi, niêu gì đó cho hồn bạch (hồn người chết) ra khỏi nhà cùng với quan tài. Hôm lễ đưa vong, thầy và các Phật tử hộ niệm sẽ đến giúp. Nhớ đem theo di ảnh của nó. Di ảnh thay cho thần chủ (bài vị) là nơi vong linh nó ẩn náu". 

Tôi khuyên anh ta không nên liên lạc với cô Mai trong một thời gian, khi nào xong lễ giải oan, yên ổn, hãy tính sau.

Chúng tôi ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC). Mỗi năm, đến lễ quốc khánh Hoa Kỳ (July 4 ), buổi tối có đốt pháo bông, gia đình chúng tôi, gồm con, cháu, sau nầy có cô Mai, sinh viên ở trọ, kéo nhau lên thủ đô, gần cây bút chì để xem đốt pháo.

Quốc khánh năm nay, vợ tôi gõ cửa, rủ cô Mai cùng đi, thì cô không có trong phòng. Gọi điện thoại cầm tay, điện thoại đã đóng, gọi cho chồng cô, điện thoại cũng đóng. Khi mở phòng cô Mai, mới biết, tất cả những gì của cô đã dọn sạch, chỉ thấy một mảnh giấy nhỏ có dòng chữ "Vợ chồng cháu sẽ gửi thư cho cô sau" Cả hai đã bí mật, lặng lẽ dọn đi nơi khác, có lẽ sợ hồn ma cô gái kia đi theo.

Hai tháng sau, chúng tôi nhận được một lá thư, không ghi tên, không địa chỉ người gửi, dấu nhật ấn bưu điện cho thấy thư được gửi từ một thành phố rất xa. Chỉ vỏn vẹn mấy dòng "Tụi cháu không dùng tên cũ trong giao tiếp với bạn bè, không gọi nhau tên thật. Hôm quốc khánh, hai đứa cháu đi hai chiếc xe riêng, lấy bột màu bôi khắp mặt mũi, chân tay, đến chỗ cây bút chì trên Washington DC, ngồi hai nơi cách xa nhau, chờ đốt pháo bông. Khi ánh chớp và tiếng pháo nổ rộ lên (thầy trụ trì nói. 'Nó' có theo chồng cháu đến đó mà nghe pháo nổ, ánh sáng xanh đỏ khắp nơi, ắt phải hoảng kinh bỏ chạy), nhân dịp đó chồng cháu lái xe chạy trước, cháu chạy sau. Tụi cháu đi suốt đêm. Xa lắm. Vì đã xin việc từ trước nên cuộc sống tụi cháu không có gì trở ngại. Từ hôm đó đến nay cháu không còn bị quấy rầy nữa. Cầu mong Phật tổ từ bi, cứu độ cho 'chị ấy' hiểu thấu lẽ vô thường, không còn đau khổ, lưu luyến cõi trần mà siêu thoát vào cõi hư vô. Vợ chồng cháu rất cám ơn cô chú. Chúc cô chú sức khỏe".

Đọc xong thư, tôi đưa cho vợ tôi đọc. Bả đọc mấy dòng đầu đã co chân lên ghế, đến cuối thư thì mặt mày xanh lét, vội vất lá thư đi. Tôi dọa "Con ma đó không theo được với thằng kia nên 'tạm trú' ở đây. Nó đang đọc chung thư với bà đó. Để tôi đến chùa, mời thầy trụ trì đến 'tiếp dẫn' nó về chùa". Tôi đi lấy chìa khóa xe để đi chùa. Mọi khi đi đâu, tôi phải chờ nửa tiếng để vợ tôi trang điểm. Nay thì chả phải trang điểm, ăn diện, vừa nghe tôi nói, bả đã phóc ra xe trước tôi, ngồi chờ mà mắt láo liên, dòm chừng sau xe, tìm xem 'nó' có 'quá giang' ở ghế sau không? Tôi cười thầm, hỏi với giọng khiêu khích "Từ nay có còn đòi ngủ riêng hay vẫn tiếp tục ngủ chung với tôi?".

Nói xong tôi mới biết mình hớ! Nguyên nhân như thế nầy. Mỗi khi gây lộn với tôi, vợ tôi đòi ngủ riêng, tôi mừng trong bụng, chỉ cầu cho bả 'nói là làm', nhưng tôi phải giả bộ đau khổ, lo lắng. Bả khoái lắm, thỉnh thoảng lại đem vụ 'ngủ riêng' ra để đàn áp tôi. Bây giờ tôi trót dọa, trong nhà có con ma đó thì, tối vô giường, thay vì xô tôi ra như mọi khi, bả sẽ ôm tôi cứng ngắc, như thời mới cưới nhau. Con là nợ, vợ là oan gia. Tôi già rồi, sức đã tàn, lực đã tận. 'Còn gì nữa đâu?' mà vẫn bị cái oan gia đó ôm cứng ngắc!. Khổ sở thế đó, nên, xin quí độc giả thân mến, nếu thương tôi thì xin cho tôi một lời kinh 'Cầu Siêu' cho tôi sớm được phiêu diêu miền cực lạc. A Di Đà Phật!

Phạm Thành Châu

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209