CHIẾN TRANH - THÂN PHẬN - TÌNH YÊU ƯỚC MƠ ĐƠN GIẢN

 CHIẾN TRANH - THÂN PHẬN - TÌNH YÊU

Nguyễn Tường Tuấn

ƯỚC MƠ ĐƠN GIẢN

Thời gian là gia tài vô giá, mất đi không bao giờ hoàn lại. Trong chiến tranh, càng trở nên mong manh, ranh giới giữa sống và chết như nắng chiều mờ ảo, vừa mới sáng đó, đã vội chia tay!

Thấm thoát, họ quen nhau hơn nửa năm, cuộc tình quá ngắn so với nhiều người, và lễ nghĩa Á Đông! Nhưng không thể xem thời gian của chiến tranh giống như ngày hoà bình. Mỗi giây phút trong thời chiến quý bằng triệu triệu lần khoảnh khắc hoà bình. Chàng và nàng cả hai cảm nhận được điều mong manh đó. Bên nhau lúc này, không biết ngày mai ra sao? Họ sẽ bước qua khuôn phép xã hội, vì tình yêu đến từ trái tim không phải lề luật!

Cuộc tình ngoài những bó hoa hồng, cũng không có mấy thư viết trong rừng xanh, lấy ba lô làm bàn, theo óc tưởng tượng phong phú của các nhạc sĩ, nằm mơ giữa mùa hè tuyết rơi! Có chăng, chỉ là giây phút ngắn ngủi, không súng nổ, đạn bay, nghĩ về em, và cầu xin ơn trên cho anh còn nguyên vẹn hình hài, ngày mình gặp lại nhau. Ước mơ đơn giản như thế thôi. Súng có thể nổ bất cứ lúc nào, người đi săn nguy cơ trở thành kẻ bị săn! Không biết bọn phản chiến, hò hét trên đường phố Washington D.C, có ai hiểu được tâm trạng người lính VNCH, chỉ xin một ngày trở về tay chân lành lặn? Có đứa nào đọc được suy nghĩ của những cô thiếu nữ tuổi đôi mươi trót yêu anh, những người vợ lính chỉ biết cầu trời khấn Phật, xin Thiên Chúa đừng cho chúng con phải gục khóc trên quan tài, ở tuổi đôi mươi! Biên giới giữa sống và chết rất gần, như một chớp mắt, đó chính là thân phận của tuổi trẻ trong chiến tranh. Người lính hy sinh, cho một nhóm khốn kiếp, an thân, trốn lính tại thành phố biểu tình kêu gọi hoà bình. Một bọn đạo đức giả và hèn!

Em đã vài ba lần lên thăm anh tại đơn vị, băng rừng lội suối theo đoàn quân tiếp tế vào chốn hoang vu, cây lá rừng làm da em trầy xước, in dấu tích chiến tranh. Lần này, em chứng kiến tận mắt, tại phi trường dành riêng cho trực thăng, hậu cứ Phú Giáo, dùng làm PZ (pickup zone - bãi bốc quân) từng đoàn trực thăng đáp xuống, đưa đơn vị vào vùng lửa đạn, tiếp viện cho Chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài.) Không biết em nghĩ gì khi chính mắt trông thấy những toán lính khom mình dưới sức gió của cánh quạt máy bay, và nhanh chóng leo lên ngồi trên sàn, mặt quay ra ngoài, chân để trên càng trực thăng, và súng lên đạn sẵn sàng! Hào hùng quá phải không em? Nhưng anh thì nghĩ khác, địch quân đang chờ với súng cao xạ, chuẩn bị bắn hạ những cánh chim sắt ... Giây phút này không phải là lúc mặc quân phục, hãnh diện tay trong tay với em trên đường phố Sài Gòn, mà nói chuyện vu vơ! Đoàn quân đang bay vào cõi chết để tìm về đường sống. Không ai biết đêm trăng này nghỉ mát phương nao, quay về trần gian hay vào nước vĩnh cửu?

Chỉ vài phút nữa, đơn vị bay đến vùng lửa đạn, những người Việt chưa hề quen nhau, nhưng giết nhau tận tình! Chưa có cuộc chiến nào khốn nạn như cuộc nội chiến tại Việt Nam! Lịch sử sẽ viết lại, không phải do kẻ chiến thắng, nhưng do công tâm các nhà sử học. Hồ Chí Minh là tên tội đồ dân tộc, từng được tờ Thời Báo Ba Lan (Polska Times) phát hành ngày 05/03/2013 đưa vào danh sách 13 tên “đồ tể” của thế kỷ. Nhật báo Daily Mail có số phát hành lớn nhất tại Anh Quốc, cũng nêu tên HCM là một trong những kẻ tàn ác nhất của thế kỷ 20 (http://www.dailymail.co.uk/home/moslive/article-2091670/Hitler-Stalin-The-murderous-regimes-world.html.) Bi hài là ở những đất nước cách xa chúng ta nửa vòng địa cầu, còn chịu không nổi mùi xú uế HCM, và ngay tại trong nước, mọi người bị điếc mũi, hoặc đeo khẩu trang quá dầy không đánh hơi được! Đất nước Việt Nam dưới chế độ xhcn bị ô nhiễm đến nỗi không ai còn phân biệt được giữa trong sạch và thối tha! Như hằng trăm ngàn người dân khốn khổ, sinh sống bên những bãi rác khổng lồ, tội nghiệp, họ đã quá quen với mùi xú uế!

Cánh rừng đất đỏ xung quanh Đồng Xoài, sẽ thẫm mầu thêm vì máu người cán binh cộng sản, bom đạn trút xuống thiêu huỷ xác thân! Đảng sẽ xua tiếp thanh thiếu niên miền Bắc lên đường, thực hiện “Sinh Bắc Tử Nam” và sớm muộn ước nguyện thiêu thân của người cán binh miền Bắc sẽ thành hiện thực

Theo nghi lễ, ba mẹ anh đã đến nhà em xin dạm hỏi, như vậy đôi ta trên danh nghĩa cũng đã là vợ chồng. Mặt trận Phước Long lúc này thật sôi động, đơn vị Trinh sát cùng các Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 7 Bộ binh liên tục hành quân, may ra có được vài ngày về bổ sung quân số, tái tiếp tế tại hậu cứ Phú Giáo, trước khi nhận nhiệm vụ mới.

Từ Phú Giáo về Sài Gòn khoảng ba giờ lái xe, anh không thể rời đơn vị, đành nhờ Lâm đón em. Ba mẹ lúc này cũng dễ dãi và hai cụ biết Lâm cho nên không có vấn đề gì. Ngày tháng em lên thăm, anh không nhớ chính xác, nhưng không thể quên, vì nó liên quan với cuộc hành quân trực thăng vận, tiếp cứu Chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài) của Đại đội Trinh sát 7. Chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử chiến tranh, để nhớ về ngày tháng yêu nhau.

Thiếu tá Đặng Vũ Khoái, khoá 15 Thủ Đức, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng Đôn Luân (Đồng Xoài) cho biết: Cộng quân bắt đầu bao vây Quận Đôn Luân từ ngày 13/12/74 đến 27/12/74, với một lực lượng hùng hậu gấp nhiều lần quân đội  Việt Nam Cộng Hoà, hãy xem bản so sánh lực lượng giữa hai bên:

 

·    Việt Nam Cộng Hoà: 1 Tiểu đoàn (-) Địa Phương Quân + 15 Trung đội Nghĩa Quân + 1 Trung đội Pháo binh, tử thủ 13 ngày trong căn cứ Đôn Luân với giao thông hào kiên cố.

·    Cộng sản Bắc Việt: 1 Trung đoàn 141, thuộc Công trường 7 + 2 Trung đoàn 209 & 201, thuộc Công trường 5 (công trường tương đương với sư đoàn) + 1 Đại đội Đặc công 429 (không rõ quân số) + Tiểu đoàn Pháo binh & Chiến xa + Các đơn vị vũ khí nặng như: Súng 37 ly + 57 ly + 130 ly + Phòng không 12 ly 7.  Tất cả dưới quyền chỉ huy của Thượng tướng Việt Cộng, Hoàng Cầm.

Photo: Thiếu Tá Đặng Vũ Khoái - Hình trên năm 1969 - Hình dưới Quận Trưởng kiêm  Chi Khu Trưởng Đôn Luân (Đồng Xoài) năm 1972.

Thiếu tá Đặng Vũ Khoái, huynh trưởng xa lắc lê thê của anh, khoá 15 Trường Bộ binh Thủ Đức (1963) từng phục vụ tại binh chủng Biệt Động Quân, sau đó chuyển về Sư đoàn 5 Bộ Binh, dưới thời Trung tướng Phạm Quốc Thuần làm Tư lệnh, và Quận trưởng Đôn Luân (Đồng Xoài) là đơn vị sau cùng. Trước năm 1972, Đại đội Trinh sát 7 đã nhiều lần tăng phái cho Tiểu khu Phước Long, thời gian đó anh làm Trung đội trưởng Viễn thám kiêm Đại đội phó. Chẳng hiểu có duyên gì với nhau, “Kinh Kha” hay “33” là ám danh của Thiếu tá Quận trưởng, lại ưu đãi anh một cách đặc biệt, sau mỗi lần hành quân hay nhẩy toán về, thế nào “Kinh Kha” cũng chăm sóc thằng em rất cẩn thận. Anh em Trinh sát cũng khoái ông quan tư này lắm. Câu lạc bộ Chi khu, cho phép lính Trinh sát ăn ghi sổ, nhưng có bao giờ phải trả tiền đâu, vì đơn vị chẳng lúc nào ở lâu một chỗ ... Cuối cùng thì “Kinh Kha” cũng phải gánh thôi. Biết vậy, nên Trinh sát không cho phép anh em được ghi sổ một ngày không quá tô hủ tíu và ly cà phê sữa ăn sáng, không có vụ nhậu nhẹt bê tha, ăn thêm làm ơn trả tiền. Đơn vị đang hành quân, và tá túc tại doanh trại quân bạn, nên kỷ luật rất quan trọng.

Chi khu bị cộng quân bao vây, pháo kích và nhất quyết chiếm cho được Đôn Luân, từ ngày 14/12/74 đến 27/12/74. Cộng sản bắt đầu tấn công vào Chi khu Đôn Luân ngày 14/12/74 nhưng bị tiểu đoàn (-) Địa Phương Quân trú phòng, phản công, chúng phải rút lui. Nhìn vào quân số hai bên, chúng ta thấy sự kiên cường của các chiến sĩ Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Pháo binh và Cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu anh dũng như thế nào? Theo lời kể của Thiếu tá Khoái, đến ngày tử thủ thứ tám (khoảng ngày Thứ bẩy 21/12/1974) Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn 3, liên lạc qua máy truyền tin cho “Kinh Kha” biết: “Mấy thằng em sẽ sớm gặp anh, yên tâm!”

“Mấy thằng em” Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn III, báo cho “Kinh Kha” chính là Đại đội 7 Trinh sát.

Trong chiến tranh, không ai biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra! Chiếc trực thăng cất cánh, từ trên cao nhìn xuống, hình ảnh em vẫy tay mờ dần. Anh không cho phép mình tiếp tục mộng mơ, chỉ vài phút nữa thôi, bọn Việt cộng sẽ bắn lên như pháo hoa giữa trời. Hai khẩu đại liên M60 gắn bên cửa máy bay đáp lễ, gunship (trực thăng võ trang) bắn hoả tiễn xuống đầu quân địch. Anh phải bình tĩnh, mắt chăm chú nhìn xuống dưới, chấm tọa độ địch quân, tai áp vào ống liên hợp trực tiếp với Thiếu tá Khoái, Quận trưởng Đồng Xoài, danh hiệu quân sự “33.” Anh hiệu thính viên tên Sen, đưa ống nghe của máy PRC 25, nhận lệnh từ Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng, “44”.

95, 44 gọi. Giọng quen thuộc của Trung tá Vượng.

44, 95 tôi nghe“95” danh hiệu Đại đội trưởng Trinh sát 7.

95, anh nghe được 33? Cho biết“33” là danh hiệu Thiếu tá Khoái

Nhận rõ 44.

33, 33, 95 gọi.

95, anh nghe em rất rõ. Thiếu tá Khoái trả lời.

33, chúng ta sắp gặp nhau!

95, em thấy anh trải panneau đỏ không?

OK, nhận rõ.

33, 95 đây 44, tôi đang đi cùng thằng 95. Có nghĩa “44” đang bay trực thăng chỉ huy (C&C) điều quân.

44, 33 và 95 nghe rõ.

Photo: Google Hình minh họa một cuộc hành quân Trực thăng vận của 
Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại mặt trận An Lộc 1972

Chưa bao giờ anh thấy phòng không của địch bắn lên khủng khiếp như vậy! Cả một bầu trời bỗng chốc nở hoa và những cụm khói xám bao phủ. Người phi công trực thăng đưa ngón tay trỏ chĩa xuống, dấu hiệu không tốt, qua máy truyền tin nội bộ anh ta cho biết không thể hạ cánh được!

33, 95, 44 gọi. ĐM, tụi vịt con chơi xả láng, mấy con chim sắt không đáp được!

Nhận rõ 44.

Đơn vị bay về Phú Giáo với một vài trực thăng trúng đạn trên thân, rất may không ai bị thương! Ngày hôm sau, ứng chiến để chuẩn bị trực thăng vận một lần nữa, nhưng thời tiết rất xấu, mưa nặng hạt kín cả bầu trời, phi cơ không thể bay được! Ngày 27/12/74 cộng quân chiếm hoàn toàn Chi khu Đôn Luân, Thiếu tá Khoái bị thương ở tay, chân và mặt, hiện nay vẫn còn một miểng đạn nằm ở chân và bị bắt làm tù binh.

Thiếu tá Khoái kể qua điện thoại, những ngày cuối cùng chiến đấu, khi Việt cộng tràn ngập thị xã cùng với chiến xa, Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn III, ám danh đàm thoại “3 Sọc” hỏi “33” có thể cho con cái rút vào hầm hoặc giao thông hào, ông sẽ cho đánh bom, để giải toả Chi khu? “Kinh Kha” trả lời, dân chúng ở xung quanh Chi khu rất đông, nếu thả bom chắc chắn sẽ có nhiều thường dân chết oan! Xin đừng đánh bom. Trung tướng Dư Quốc Đống im lặng trong giây lát, rồi ông nói trên máy truyền tin cùng “33” ông sẽ từ chức Tư lệnh Quân đoàn III, nếu để Đôn Luân và Phước Long mất vào tay cộng quân. Vị tướng ba sao của VNCH đã giữ lời hứa. Lòng nhân đạo của vị chỉ huy Quân đoàn III chứng minh cho các thế hệ mai sau, ai thật sự thương dân yêu nước? Chấp nhận thua, thay vì tàn ác giết dân. Chỉ cần vài phi tuần oanh tạc, Bắc quân sẽ vùi thây tại Đôn Luân (Đồng xoài) thay vì huênh hoang khoe chiến thắng!

Trong bẩy năm quân ngũ, trừ đi khoảng thời gian quân trường, nằm bệnh viện vì bị thương, anh đã chứng kiến quá nhiều tuổi trẻ ra đi, họ là đồng đội, ngày nào còn vui cười bên nhau, sáng nay cùng chia hơi thuốc lá, uống chung cà phê đun nóng trong chiếc ca nhà binh, chỉ vài giờ sau, hai người đã thuộc về hai thế giới! Họ là quân thù, nói cùng một ngôn ngữ, chung một mầu da, và quy luật tàn ác của chiến tranh “Giết hay bị giết.” Người cán binh miền Bắc còn bất hạnh gấp vạn lần quân nhân miền Nam, thân xác vùi lấp vội vàng trong một cánh rừng nào đó, hay nhiều khi nằm phơi sương gió, trở thành bữa ăn cho thú rừng! Đánh đổi lấy tờ giấy ghi công của bác và đảng, sinh mạng anh cán binh cộng sản rẻ hơn một thúng phân của dân làng Cổ Nhuế! Xin lỗi người đã khuất, mảnh giấy ghi công Liệt sĩ của anh bán chẳng ai mua, treo trịnh trọng trong nhà, chẳng ma nào nhìn! nhưng dân Cổ Nhuế gánh phân đi bán, ít nhất còn có tí tiền! Các anh là nạn nhân cho một thể chế tàn ác nhất lịch sử nhân loại! Cầu xin các anh cuối cùng tìm thấy một thiên đường bình an, không bị lừa bịp!

Chiến tranh! Nếu chúng ta phải chiến đấu với một đội quân xâm lăng, người ngoại quốc, không cùng một chủng tộc, văn hoá, cuộc chiến đó chính nghĩa. Nhưng anh em một nhà, cùng dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Đặng ... đánh nhau sống chết, chí mạng, vì một chủ nghĩa không tưởng, cả nhân loại phỉ nhổ, vất vào sọt rác, thì không ngôn từ nào giải thích được sự ngu xuẩn tột cùng! Dù khác chiến tuyến, tôi vẫn kính trọng những cán binh miền Bắc đã nằm xuống, người miền Nam chúng tôi được giáo dục không xúc phạm người đã ra đi. Nhưng không ai có bổn phận tôn trọng bọn tội phạm chiến tranh, đã xua các anh chị em vào địa ngục. Chừng nào người dân Việt Nam còn u mê về tên khốn nạn Hồ Chí Minh và đảng, chừng đó đất nước vẫn còn điêu linh! Nhiều quốc gia trước đây thuộc Cộng hoà Liên bang Sô viết, nay đã độc lập, và không nơi nào còn để tượng Lenin. Chừng nào người dân Việt trong nước, vùng lên đập nát tượng tên “Đồ tể” chừng đó tự do, hạnh phúc mới đến với dân tộc. Đừng ảo tưởng chờ Mỹ giúp, đó là việc của người Việt Nam, hãy tự giúp mình trước và Thượng Đế sẽ giúp sau.

Photo:Hinhanhlichsu.org-Hình ảnh minh họa Quận Đôn Luân (Đồng Xoài)1965


Photo: Onnguonsuviet-logo

Tháng 12/74 u buồn như thế đó! Một anh Thượng tướng nổi tiếng của cộng sản Bắc Việt mang tên Hoàng Cầm, thống lĩnh hơn một sư đoàn cộng quân với xe thiết giáp, đại bác đủ mọi loại, tấn công liên tục trong 13 ngày mới hạ được một Thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng Hoà với quân số chưa đến 200 lính Địa phương quân, Nghĩa quân, và Cảnh sát! Không kể đến 3 xe thiết giáp và rất nhiều cán binh cộng sản phơi xác trên hàng rào Chi khu, bị bắn hạ trước lòng can đảm của quân trú phòng, cùng pháo binh và phi cơ của Không quân VNCH. Quân đội nào thật sự anh hùng? Bọn báo chí khốn nạn Mỹ và quốc tế, có tên nào can đảm viết bài, đăng tin về cuộc chiến cam go của người lính Địa phương quân, Nghĩa quân, và Cảnh sát thuộc Chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài) trong những ngày cuối tháng 12/74?  

Nếu Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn III ra lệnh cho phi cơ san bằng Chi khu Đôn Luân, mặc kệ bao nhiêu thường dân chết, Thượng tướng Hoàng Cầm và đám cán binh “Sinh bắc Tử nam” đâu còn gì để khoe khoang quân đội “ta” anh hùng? Chiến tranh có những cái khôi hài, lố bịch, kẻ sống sót nhờ lòng nhân đạo của đối phương trở thành anh hùng, thủ dâm tự sướng! Phía VNCH cũng chẳng kém, có những quan văn phòng, đánh giặc bằng công văn, báo cáo, hiên ngang nhận huy chương, và thằng lính tác chiến, vào sinh ra tử bị Ban 1 (quân số) trù ẻo, hoặc đánh tráo tên thì quên đi!

Với quân số dưới 200, chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bị bao vây bốn bề, súng đạn, lương thực kiệt quệ, không có được viện binh, chưa nói đến số hy sinh và bị thương không còn khả năng tác chiến. Chi khu Đôn Luân đã tô đậm nét hào hùng trong quân sử của người quân nhân Việt Nam Cộng Hoà. Các anh là những người lính địa phương, ít được nhắc đến, như các đơn vị đặc biệt, nhưng quân sử Việt Nam không thể quên và vinh danh các anh. Ngoài Thiếu tá Đặng Vũ Khoái, cánh chim đầu đàn, trải qua 12 năm tù tội với thân thể còn những vết thương, chúng ta hãy dành một phút để cùng nhau tưởng niệm đến vị Phó Quận trưởng, Hà Vĩnh Tường, Đại uý Bác sĩ Nam, Quân y trưởng, Thiếu uý Thái, Ban 3 (Hành quân), Thiếu uý Thông, Cảnh sát Dã chiến và những binh sĩ đã đền nợ nước trong 13 ngày tử thủ. Những người quân nhân đã hy sinh, để chúng ta có được hôm nay. Vinh quang thuộc về các anh, không phải Hoàng Cầm và bầy lính sốt rét rừng ngu xuẩn.

Thân phận tuổi trẻ trong chiến tranh buồn nhiều hơn vui! Đại đội 7 Trinh sát không thể trực thăng vận vào tiếp sức với chi khu Đôn Luân, chỉ một vài ngày sau tin buồn đến như sét đánh ngang tai: “Đôn Luân thất thủ” biết nói gì nữa đây? Không ai biết số phận Thiếu tá Đặng Vũ Khoái, anh còn sống hay đã hy sinh? Phải chăng số mạng đã không cho anh em mình gặp nhau?

Đoàn trực thăng không thả được quân xuống Đôn Luân, bay trở về Phú Giáo. Theo đề nghị của Lâm em nán lại ít lâu, ngồi chờ tại hậu cứ, theo dõi cuộc điều quân trên máy truyền tin. Khi máy bay rời khỏi vùng trời lửa đạn, anh nghe Lâm gọi:

95, 95 Lê Lai. Lê Lai là ám hiệu của Lâm, anh chàng này từng nhiều năm mang máy truyền tin theo anh, nên rất giỏi về mã hoá khi liên lạc. Tài đặc biệt của Lâm là anh ta thay đổi, mã hoá danh hiệu, bằng cả tiếng Việt lẫn Anh nhanh như chớp.

Lê Lai, 95 nghe.

95 có Hoa Hồng đây. Hoa Hồng là ám danh Lâm đặt cho em.

NO! cho Hoa Hồng biết Cọp về rừng. Chấm dứt! Đời nào anh dám nói chuyện với em qua máy truyền tin! Anh chàng Lâm này quên chuyện bí mật nhà binh rồi. Khi nghe hai tiếng “Chấm dứt” Lâm nhanh trí hiểu ngay, anh ta không còn dùng máy truyền tin nữa. Cũng may, Lâm dùng tầng số nội bộ (liên lạc giữa đại đội đến các trung đội) nên ông lớn như “44” không nghe được.

Thú thật, tâm trạng anh giây phút đó như người mất hồn! Nhớ lại giọng nói khẩn thiết của “33”, và mình thất bại không đáp xuống được, một mặc cảm phạm tội xâm chiếm. “Huynh đệ chi binh” là một tình cảm chỉ có người lính trận mới thấu hiểu. Không phải là khẩu hiệu tẩy não, tuyên truyền, theo kiểu cộng sản! Người chiến binh Việt Nam Cộng Hoà không học tập chính trị để tung hô bất cứ lĩnh tụ nào, ỉa vào mặt lĩnh tụ! Tụi anh cũng chưa bao giờ phải dùng xích sắt để cột mình vào xe thiết giáp hoặc súng phòng không, chẳng một ai ra trận phải uống thuốc kích thích. Khi súng nổ, bạn mình bị thương hay nằm xuống, tinh thần “Huynh đệ chi binh” bùng lên như ngọn lửa, mọi người sẵn sàng đi vào cõi chết để cứu đồng đội. Lính Trinh sát có niềm tin, “đạn tránh người, chứ người không thể tránh đạn” có lẽ điều này đúng không sai. Chẳng anh hùng mẹ gì, thằng quái nào không sợ đạn? Nhưng làm sao bỏ lại đồng đội chỉ vài phút trước đây còn bên nhau? Mùi khói súng, những tiếng đạn xé tai, âm thanh đến từ máy truyền tin PRC 25 vang vọng, tất cả quyện vào nhau thành một loại thuốc kích thích mang tên “Huynh đệ chi binh.”   

Trực thăng vẫn còn trên bầu trời, nhưng đã ra khỏi khu vực phòng không của địch, nhìn xuống dưới những xóm nhà bình yên, nằm rải rác giữa cánh đồng, anh tự hỏi: Không biết “44’ có kế hoạch đổ quân nào khác? Đêm nay, hay sáng mai sẽ tiếp tục lên đường? Không biết “33” còn đủ quân và vũ khí chống cự được qua đêm? Thương binh làm sao tản thương, tử sĩ ai đem các anh về cùng gia đình?

Sư đoàn 5 Bộ binh từng tử thủ 100 ngày tại mặt trận An Lộc năm 1972, trước khi nhận được viện binh từ Lữ đoàn Nhẩy dù, Liên đoàn 81 Biệt cách dù, Sư đoàn 18, 9 và 21 Bộ binh. Anh hiểu rõ nỗi cô đơn, căng thẳng của người lính VNCH khi bị cộng sản dùng quân số và vũ khí, xe thiết giáp hơn gấp 10 lần bao vây. Chi khu Đôn Luân chẳng hề nhận được một đơn vị tăng phái nào, đạn bắn gần hết, pháo binh trực xạ đến viên cuối cùng! Địch quân đông hơn kiến, các anh cô đơn đi vào cõi chết!

Chiến tranh, Hoà bình, hai thế giới khác nhau, như lửa và nước, ánh sáng với bóng tối! Từ đó, suy nghĩ, tâm trạng của người chiến binh ngoài mặt trận khó có thể phù hợp với dân thành phố! Việt Nam Cộng Hoà bị mất nước oan ức vì các nhà lĩnh đạo chính trị và anh bạn đồng minh Hoa Kỳ không nhận ra được sự khác biệt này. Đất nước trong chiến tranh, Bắc quân không chừa một thủ đoạn đê tiện, tàn ác, dã man nào miễn là đạt chiến thắng, chúng đặt bom ngay tại thành phố, pháo kích san bằng trường học, nhà thương, giáo đường, mùa hè đỏ lửa tại An Lộc, Trị Thiên, Kontum là những chứng minh hùng hồn cho tội ác của chúng.

Người chiến binh Việt Nam Cộng Hoà ngoài việc đối đầu cộng quân sống chết mỗi ngày, đau thương đến tận cùng, kẻ nội thù nằm ngay trong thành phố. Chúng chính là đám sinh viên phản chiến, bọn ký giả ăn mày, bầy sư sãi, linh mục thi nhau chống chính phủ! Đứa nào chết thì cứ chết, bọn khốn nạn đòi hoà bình vẫn tiếp tục gân cổ, hò hét trên đường phố! Đụ mẹ, thánh cũng phải chửi thề! Trong chiến tranh, đừng bao giờ nói đến dân chủ! Tại sao chính phủ ông Thiệu không gửi bọn gà chết này ra mặt trận vài ngày với tụi anh? Chiến đấu, bảo vệ tự do cho đất nước, đâu phải là đặc quyền của “lính?” Năm 1968, cộng sản Bắc Việt tổng tấn công miền Nam Việt Nam chúng có chừa nhà dân hay lính đâu? Việt Nam đất nước chúng ta tội tình gì? Miền Bắc cai trị bởi bầy ma quỷ cộng sản, trong khi miền Nam học đòi dân chủ rởm! Và tuổi trẻ hai miền đất nước chúng tôi chết vì các anh! Địt mẹ Hồ chủ tịch! Tại sao tại đất nước Ba Lan, người anh em cộng sản với Bắc Việt trước đây, còn nhận ra Hồ là tên “đồ tể” mà gần 100 triệu dân Việt Nam vẫn không mở mắt? Xúm đầu vào lạy lục xác thối!

 95, 44 gọi.

44, 95 nghe.

Anh cho 59 giữ gìn con cái, đến gặp tôi. “59” danh hiệu Đại đội phó Trinh sát 7.

Nghe rõ 5/5. Chắc chắn sẽ là một kế hoạch đổ quân mới, sau khi đơn vị đáp xuống Phú Giáo.

Cuộc họp với “44” và các sĩ quan tham mưu, pháo binh, tại sân bay ngay khi trực thăng đáp xuống. Trung tá Vượng chỉ trên bản đồ hành quân, những vị trí cao xạ của cộng quân xung quanh Chi khu Đôn Luân, ông ghi nhận. Những dấu chấm đỏ đánh dấu chi chít trên bản đồ, chúng đông quá, trực thăng không thể đổ quân. Thời gian không cho phép Trinh sát đáp xuống những khu vực xa, tránh súng phòng không và hành quân đường bộ vào giải vây! Theo kế hoạch, Trinh sát 7, như thường lệ sẽ trực thăng vận vào trước. Bắt tay và tiếp sức với Chi khu Đôn Luân, lúc này đã kiệt quệ vì số quân nhân tử vong và bị thương quá cao. Khi Trinh sát vào được, “44” sẽ trực thăng vận tiếp các tiểu đoàn của Trung đoàn 7 vào phản công. Phòng không của địch quá mạnh, pháo binh bị trói tay với số đạn cho phép bắn hạn chế, không quân phải cắt giảm các phi tuần yểm trợ ...

Có mặt tại bãi đáp Phú Giáo khi anh trở về, là Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5, danh hiệu “45” cùng nhiều sĩ quan thuộc Bộ chỉ huy Sư đoàn. Năm 1972, tại mặt trận An Lộc, lúc đó Tướng Vỹ còn mang cấp bậc Đại tá, Tư lệnh phó, ông là vị sĩ quan đầu tiên của Bộ chỉ huy, dùng M 72 hạ chiến xa Việt cộng, khi chúng chỉ còn cách hầm chỉ huy của Chuẩn tướng Lê văn Hưng vài trăm thước. Với giọng nói khàn khàn, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ hỏi anh về tình hình cao xạ và quan sát từ trên Trực thăng thấy Chi khu Đôn Luân như thế nào?

Trình “45” không khác gì An Lộc! Anh trả lời. Quay qua “44” ông hỏi tiếp.

“44” anh còn cách nào khác?

Nếu chúng ta cho thằng Trinh sát xuống vị trí cách xa khoảng vài cây số (chỉ trên bản đồ một vị trí nhỏ và trống có thể đáp trực thăng, từng chiếc một.) Nhưng cần pháo binh hoặc khu trục đánh bom, dọn bãi. “44” trả lời.

Nét mặt của “45” trầm xuống, không khí im lặng bao phủ. Nguyên tắc, đổ quân bằng trực thăng vận, cần phải có pháo binh hoặc phi cơ thả bom, dọn an ninh bãi đáp trước. Phi hành đoàn trực thăng có quyền từ chối đổ quân, nếu bãi đáp LZ (landing zone) không được dọn dẹp.

Ngay cả Tư lệnh Sư đoàn, “45” cũng chỉ được phép ra lệnh cho pháo binh bắn 5 quả là tối đa! Năm 1974, Hoa Kỳ đã thật sự cắt giảm quân viện cho VNCH đến tận xương tủy. Phi cơ trực thăng không có phụ tùng thay thế, nhiên liệu hạn chế! Mẹ kiếp, cộng quân chơi thả giàn cả trăm quả pháo binh, và quân ta ông Tư lịnh cũng chỉ được bắn 5 quả đáp lễ, chấm dứt! Khi đồng minh phản bội, chó đẻ như thế đó!

Trở về doanh trại, em nhìn anh với đôi mắt lo âu, có lẽ em đã nghe mọi người kể về màn phòng không cộng sản đón tiếp linh đình như thế nào? Que sera, sera! Anh chợt có ý nghĩ không muốn em về Sài Gòn lúc này, thời gian quá trễ, đường đi mất an ninh, quan trọng hơn cả, anh muốn ôm em trong đêm nay, biết đâu ngày mai chúng ta không còn bên nhau?

Chuyện này không mấy khó, nói ra chắc em sẽ không bằng lòng, chưa kể nghĩ xấu cho anh! Hay nhất là cứ để Lâm lái xe đưa em về, vừa hôn nhẹ lên trán chia tay, xe rời hậu cứ ra cổng chính cũng khá xa vì hậu cứ rất lớn. Anh gọi điện thoại ra vọng gác nơi cổng chính, yêu cầu chận xe Lâm lại, không cho đi, lý do đường về bị Việt cộng đắp mô!

Thế là cô bé sợ xanh mặt! Lâm lái về hậu cứ, cho anh biết không đi được! An ủi em, anh nói: Mình chờ vài giờ nữa xem tình hình có khá không? Em trả lời: Thôi anh ạ, em không đi đâu, sợ lắm! Tội nghiệp em yêu, các bà vợ lính thường xuyên lên thăm chồng, sẽ biết ngay, không làm gì có chuyến xe đi về Sài Gòn sau 17:00 chiều, khi các đơn vị an ninh đường thu quân. Lần đầu tiên anh phạm tội nói dối em! Nếu anh không nói dối hôm nay, mai này còn cơ hội nào nữa không? Đạn phòng không 12.7 ly chúng bắn lên, trúng ai là trời gọi người đó, người thành phố lấy đâu ra nỗi lo âu như thế?

Chẳng gì thì chúng ta cũng còn hai tháng nữa là đến ngày thành hôn, gia đình hai bên đã chấp nhận. Thôi thì đêm nay, hãy tập sự chuyện vợ chồng trước. Từ Phú Giáo, anh gọi điện thoại về nhà chị Mai, kể cho chị nghe tình hình, và em nhờ chị đến nhà báo tin cho cha mẹ. Chuyện Việt cộng đắp mô, cả nước không lạ gì, báo chí ngày nào không đưa tin? Lý do vô cùng chính đáng! Có những nói dối Chúa cũng dễ dàng tha thứ!

Em đã vào rừng thăm anh, nhưng chưa bao giờ ở hậu cứ. Nơi đây như một thành phố thu nhỏ, có Bộ chỉ huy Trung đoàn 7, cùng hậu cứ của bốn Tiểu đoàn 1/7 – 2/7 – 3/7 – 4/7, cộng với hậu cứ Tiểu đoàn Pháo binh, Quân y, Truyền tin, Đại đội 7 Công vụ, và Đại đội 7 Trinh sát. Mỗi đơn vị có một doanh trại riêng, với những căn nhà khang trang do Quân đội Hoa Kỳ bàn giao lại, đơn vị nào cũng có riêng một câu lạc bộ dành cho lính. Đường đi trong hậu cứ được trải nhựa, đi tuần đêm phải dùng xe Jeep đi từ vọng gác này qua nơi khác. Đặc biệt có đơn vị Pháo binh, sẵn sàng bắn yểm trợ cánh quân ngoài tiền tuyến. Để tránh pháo kích, các bunker được dựng lên với bao cát phủ từ trên xuống dưới. Nơi đây không làm gì có giường nệm như ở nhà, hai đứa mình sẽ ngủ chung trên một chiếc giường xếp nhà binh dành riêng cho một người. Bài thực tập đầu tiên trước khi trở thành vợ lính. Chúng mình còn hạnh phúc chán, vợ lính lên thăm chồng cả hai cùng ngủ võng, và em bé vẫn ra chào đời!

Mang tiếng là ở hậu cứ, nhưng các trung đội Trinh sát phải chịu trách nhiệm về một tuyến phòng thủ, nơi đây có những pháo đài (bunker) an toàn, chống pháo kích và sẵn sàng phản công khi cần. Đại đội trưởng cũng có một bunker ngoài tuyến như mọi người, nhưng căn hầm này lớn hơn có thể chứa thêm vài người mang máy truyền tin và cận vệ. Các anh lính cũng biết điều, họ tự ý treo võng ở ngoài tuyến và dành riêng tư cho chúng mình, chỉ để lại một máy truyền tin PRC 25 trực với Trung đoàn trong bunker. Anh đã điều chỉnh âm thanh vào vị trí nhỏ nhất, vừa đủ để nghe khi có lệnh, không quá lớn làm đôi tình nhân mất vui. Vì lý do an ninh, không có đèn điện, thay vào đó là một ánh đèn nhỏ thắp bằng pin của máy PRC 25. Khi yêu nhau, bóng đèn nhỏ như thế này cũng là quá đủ rồi.

Đêm nay, sẽ không có nhạc êm dịu đưa em vào giấc nồng! Thay vào đó là những đối thoại giữa các đơn vị với Bộ chỉ huy qua máy PRC 25, nơi này báo đụng trận, chỗ khác xin pháo binh. Cầu xin đừng ai gọi “95.”

Tập trước làm vợ lính cho quen em nhé! Một ngày 24 giờ của anh, quân đội chiếm gần hết, chẳng kiêng nể ngày hay đêm, giờ ăn hay lúc ngủ. Bọn Việt cộng, có bao giờ tôn trọng giờ giấc đâu? Chúng đến thăm vào những giây phút bất ngờ nhất, Tết cổ truyền chúng cũng chẳng tha!  

Khi thật sự yêu, vật chất không ảnh hưởng gì đến suy nghĩ và cuộc sống. Đêm đầu tiên bên nhau, dưới ánh đèn mù mờ nhỏ bé của đèn pin và mùi nhang xông muỗi. Ngoài trời, thỉnh thoảng ánh hoả châu chiếu sáng, ngày mai em sẽ trở về thành phố, và đơn vị lại lên đường đến một phương trời xa lạ. Đừng bận tâm, em yêu! Chúng ta hãy sống tận cùng cho đêm nay, hãy yêu như chưa bao giờ được yêu, và làm tình như loài thú hoang vô tư.

Photo: NTT - Trước dãy bao cát che cửa vào bunker tại tuyến phòng thủ Phú Giáo

Mặc dù chị Mai đã đích thân đến nhà em xin phép, nói rõ lý do em chưa thể về trong ngày được. Nhưng em cho biết, khi trở về nhà hôm sau, câu đầu tiên bố mắng em là: “Con đĩ”. Ngoài ra cụ không nói gì thêm, tính bố vốn ít nói. Mẹ thương em vô cùng, nên cụ chỉ mong, em hãy sớm sắp xếp để anh về ra mắt anh Nghi. Anh Nghi là anh cả trong gia đình, một nhà giáo, rất ngoan đạo. Bố mẹ hoàn toàn trao phó anh Nghi những quyết định quan trọng.

Thương em quá! “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!” Anh tự hứa với lòng mình và Thiên Chúa, anh sẽ yêu “Con đĩ” của bố trọn đời. Bằng mọi giá, anh sẽ xin “44” ít nhất 24 giờ phép về bên em, tạ lỗi cùng bố mẹ, đêm Giáng sinh 1974.

Chúng mình sẽ đi lễ tại Vương cung Thánh đường Sài Gòn đêm Giáng sinh 1974. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

 NGUYỄN TƯỜNG TUẤN

 rabienlon55@gmail.com

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025