Đánh giá hệ quả của lạm phát cao tại Mỹ và cách tiền tìm ‘nơi trú ẩn’

Đánh giá hệ quả của lạm phát cao tại Mỹ 
và cách tiền tìm ‘nơi trú ẩn’

Tác giả:TS Phạm Đỗ Chí

Nguồn: BBC tiếng Việt

REUTERS
Uy tín của ông Biden trong lòng dân đang suy giảm thông qua khảo sát.


Cuối tuần này có bức tranh hí họa trên báo Mỹ của Michael Ramírez tả cảnh đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhân viên phụ tá.

Ông Biden hỏi:

"Với lạm phát đang lên, giá cả tiêu thụ đều tăng, thức ăn, xăng và năng lượng, …  có cái nào giảm không? 

Phụ tá trả lời: Thưa có. Chỉ số ngài được lòng dân đang tụt nhanh (declining popularity index) .


Bức hí họa này thể hiện xác thực bối cảnh chính trị hiện nay ở Mỹ, bất chấp các cải chính của Toà Bạch ốc, là dân chúng đang than vãn về những khó khăn sinh kế do nạn lạm phát tăng vọt với con số tháng 10/2021.

Nỗi bất mãn thể hiện trong lá phiếu người dân bắt đầu chống lại Đảng cầm quyền, rõ nhất là cuộc bầu cử Thống đốc ở tiểu bang Virginia khi ứng cử viên Cộng hoà thắng thế một cách oanh liệt trong tiểu bang vốn mang màu xanh truyền thống của Đảng Dân chủ. Điều này có thể sửa soạn cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới, khiến có người thậm chí hy vọng Đảng Cộng hoà sẽ giành lại cả hai viện Quốc hội.

Nhưng trước khi các câu hỏi chính trị quay lại thì vấn đề trước mắt là giá cả tăng, lạm phát cao.

Lạm phát tiếp tục leo cao vào tháng 10

Khác với kỳ vọng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed )và Bộ Tài chính, chỉ số CPI đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn hẳn mức 5,4% của tháng 9. Điều này cho thấy kỳ vọng lạm phát (inflation expectations) đã tăng lên mức 5% thay vì mức thông thường lâu dài 2% hàng năm đã được thiết lập bởi Fed.

Giá cả tăng vọt phản ánh các chuỗi cung ứng toàn cầu bị tiếp tục khó khăn từ thời đại dịch, nhưng rõ hơn là mức chi tiêu phi mã của dân chúng do lo ngại giá hàng hoá tiếp tục leo thang và các đòi hỏi lương bổng cao hơn do thiếu hụt nhân công trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là một số đông người không đi làm trở lại từ thời dịch bệnh.

Thêm nữa, dù chỉ số chung của giá tiêu thụ (CPI index) được ghi nhận tăng 5-6%, nhưng trong đời sống hàng ngày ở Mỹ ai cũng nhận biết giá cả các thứ tăng hơn nhiều lần ở các nhóm thiết yếu. Thí dụ giá xăng dầu đã tăng hơn 60%, đẩy giá thực phẩm lên 15-20% hay hơn nữa trong các hiệu ăn, giá nhà đã lên 20% hay giá thuê nhà lên 15%, độ giá gỗ và các vật liệu xây cất lên trên 30%, v.v…

Mặc dù Fed cố nhắc lại hy vọng giá cả sẽ từ từ giảm xuống trong vài tháng tới, nhưng không ai còn tin tưởng ở những điều chính phủ nói, vì họ đã hoàn toàn để mất niềm tin nơi dân chúng.

Nhất là khi các gói chi tiêu khổng lồ khoảng 3 ngàn tỷ đô la sắp được tung ra bởi Đảng Dân chủ cho các chính sách xã hội, thay đổi khí hậu và phát triển hạ tầng. Chưa kể khoản tiêu một ngàn tỷ còn lại từ chương trình tài khoá chống đại dịch Covid.

Vì thế trong dân chúng nổi lên lo ngại chính đáng là lạm phát còn tiếp tục cao hơn trong vài tháng tới, cho đến lúc Fed ra tay tăng lãi suất, chứ còn giảm chương trình mua trái phiếu (tapering) từ tháng 11 này cho đến tháng 6/2022 thì dứt hẳn, là không đủ.

Kết quả là giá vàng đã tăng liên tiếp trong 7 ngày qua và mức tăng tuần qua là 2,9% lên đến $1,865/ounce, đánh dấu một bước ngoặt mới cho giá kim loại trú ẩn này, lập lại mối liên hệ bình thường cũ với lạm phát.


GETTY IMAGE

Dự báo Mỹ sẽ đón lượng lớn du khách khi lệnh cấm nhập cảnh được dỡ bỏ (hình tư liệu)

Giá vàng đã ra sao trong năm 2021?

Điều này được đặt ra vì trong năm nay, bất chấp tỷ lệ lạm phát tăng dần mỗi tháng, ai giữ vàng qua các ETFs về vàng đã mất trung bình từ 3,0-3,2 %, trái ngược hẳn với khuynh hướng quen thuộc trong quá khứ là khi lạm phát tăng, tiền đô la mất giá, và giá vàng phải tăng.

Thử so sánh với các chỉ số tài sản khác, cho thấy nhiều điều lạ thường khiến chúng ta phải có cách đối phó mới với lạm phát chăng?

- Chỉ số chứng khoán S&P 500 Index (SPY) tăng 24%

- Chỉ số bất động sản Vanguard Real Estate ETF (VNQ) tăng 29,4%, hiện tượng quen thuộc khi dân chúng đổ xô vào nhà cửa chống lạm phát nhất là khi mức lãi suất mortgage lâu dài ở mức quá thấp 2,5-3,5%.

- Đặc biệt nhất là với sự hiện diện của đồng mã hoá Bitcoin, chỉ số của "thị trường bán chính thức" (non-regulated exchange) này qua "Grayscale Bitcoin Trust" đã tăng 70% trong năm nay. Đầu cơ đã đổ dồn vào tiền mã hoá và có lẽ giải thích phần nào sức ép bớt đi cho giá vàng, mặc lạm phát tăng vọt từ đầu năm với giá xăng dầu do chính sách của ông Biden.

Tuy nhiên còn hơi sớm để cho rằng vàng không còn là tài sản trú ẩn hữu hiệu nữa. Quan sát các chuyển động của giá vàng trong quá khứ, thường phải xảy ra nhiều tháng mức lạm phát trên 5% hàng năm mới đưa đến ảnh hưởng cho giá vàng bắt đầu tăng.

NURPHOTO

Thị trường BTC và các đồng xu mã hóa đột nhiên phát triển mạnh ở Mỹ và các nơi

Chúng ta cần nhìn lại bức tranh tổng thể của lạm phát Mỹ trong 40 năm qua để nắm vững hơn các dữ kiện liên quan đến giá vàng và giá trị đồng đô la:

  • Vào cuối các năm 1970, lạm phát lên đến gần 15% hàng năm;
  • Vào cuối các năm 1980, lạm phát là 12,4%;
  • Vào các năm 1990, lạm phát xuống còn 6,3%; và
  • Vào các năm 2000, lạm phát xuống hẳn mức 2,4% hàng năm.

Trong gần 50 năm qua vì lạm phát, giá đồng đô la đã mất đi 90% giá trị thực, và vàng đã cho mức lợi nhuận trung bình hàng năm cao hơn mức lạm phát khoảng 4,5 điểm phần trăm (basis points). Như vậy trong lâu dài, giá trị tài sản trú ẩn của vàng là khó phủ nhận.

Chúng ta đừng vội loại bỏ vàng ra khỏi danh mục tài sản, khi các tiền mã hoá chưa được chính thức công nhận và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro bị mất trộm hay lừa đảo.

Đầu tư vào thời buổi lạm phát 2021-2024?

Để thử vẽ bức tranh đầu tư trong thời buổi lạm phát trở lại mức cao khó lường, người viết bài này có thêm vài nhận xét :

  • Nhà đất vẫn là tài sản đầu tư hữu hiệu, nhất là từ thời đại dịch, nhiều người có thể làm việc từ nhà và sẵn sàng ở xa chỗ làm việc.
  • Điểm đặc biệt là chứng khoán có độ lợi nhuận âm, chỉ số S&P 500 có độ lợi nhuận compound rate là -2,7% trong những năm 2000 khi lạm phát xuống thấp là 2,4%.
  • Trái lại trong vài năm qua lúc lạm phát tăng cao, lại là lúc chứng khoán tăng vọt vì dư thừa thanh khoản (liquidity-driven market), đặc biệt là khi các chứng khoán thuộc loại tăng trưởng (growth stocks) đã tăng trung bình 0,93% hàng tháng; các hãng công nghệ thông tin (IT) đã tăng trung bình 0,81% hàng tháng; và các hãng năng lượng tăng 0,74% hàng tháng.
  • Khuynh hướng chứng khoán tiếp tục tăng cao cho một số ngành đặc biệt do nhu cầu thị trường có thể thấy như khu vực bán lẻ (retail sales do mãi lực cao sau đại dịch); ngành xe hơi điện (do chính phủ Biden khuyến khích môi trường "xanh"); hay các công ty sản xuất hàng bán dẫn (do tình trạng thiếu hụt của các hàng semiconductors).

Mới nhất, giới chức tài chính Hoa Kỳ nói hiện có cuộc tranh luận liệu lạm phát chỉ mang tính chuyển đổi (transitory) hay kéo dài hơn, theo Forbes hôm 11/11.

Kể cả ta cho là mọi sự chỉ tạm 'chuyển đổi' với hy vọng tình hình sẽ bình thường trở lại sau dịch Covid, không ai dám nói, sự 'chuyển đổi' này sẽ kéo dài bao lâu.

TS. PHẠM ĐỖ CHÍ




Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025